Kiến nghị lùi thời điểm lắp camera trên xe vận tải

Thay vì phải có camera giám sát trên xe từ 1/7/2021, các doanh nghiệp vận tải trong nước kiến nghị lùi thời gian đến tháng 7/2023.

Ngày 21/9, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho hay tuần này Hiệp hội sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép lùi thời điểm lắp đặt camera giám sát trên xe vận tải.

Theo Nghị định 10 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô có hiệu lực từ 1/4/2020, ôtô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera để lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình lưu thông, từ 1/7/2021.

Dữ liệu hình ảnh camera cần lưu trữ tối thiểu 24 giờ đối với xe hoạt động trên hành trình đến 500 km và 72 giờ đối với xe hoạt động trên 500 km. Dữ liệu này được truyền về đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị quản lý nhà nước có thẩm quyền. Mục đích là kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa chở quá tải, nhồi nhét khách...

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cho rằng chi phí cho việc lắp đặt và truyền dữ liệu hình ảnh về máy chủ khá lớn. Mỗi xe khách phải lắp 3-4 camera để ghi hình lái xe làm việc, tại các cửa lên xuống và khoang hành khách, mỗi camera giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, chi phí truyền dữ liệu 240.000-320.000 đồng mỗi tháng cho mỗi máy.

Do đó, mỗi xe lắp camera khoảng 10 triệu đồng, mỗi doanh nghiệp vận tải phải chi khoảng 1-2 tỷ đồng. Ông Quyền cho rằng, đây là chi phí lớn đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, khi đang khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Để việc thực hiện có tính khả thi, doanh nghiệp kiến nghị lùi thêm 2 năm nữa.

2512 xe khach 8176 1600665252
Xe khách hoạt động tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Anh Duy.

Hiệp hội cũng kiến nghị các cơ quan chức năng ban hành tiêu chuẩn camera có chức năng lưu trữ và truyền hình ảnh để doanh nghiệp đầu tư thống nhất. Cơ quan nhà nước cần đầu tư máy móc, thiết bị để sẵn sàng lưu trữ lượng thông tin khổng lồ từ phương tiện truyền về.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng), cũng cho rằng việc lắp đặt thiết bị camera trên phương tiện kinh doanh vận tải cần theo lộ trình, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp vận tải đang bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19.

Dữ liệu từ camera lớn gấp nhiều lần dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình đã được lắp đặt hiện nay. Việc quản lý rất khó khăn, doanh nghiệp không thể đủ nhân lực để cả ngày ngồi kiểm tra hình ảnh của từng xe. Vì vậy, việc lùi thời gian lắp đặt còn để doanh nghiệp và các đơn vị liên quan chuẩn bị hệ thống hạ tầng công nghệ, nhân lực, cơ sở pháp lý...

Về phía cơ quan quản lý, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết sau khi nhận được kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ nghiên cứu nội dung phù hợp với quy định hay không và kiến nghị Chính phủ xem xét vì Nghị định 10 do Chính phủ ban hành.

Về việc lưu trữ hình ảnh camera, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đang xúc tiến xây dựng trung tâm lưu trữ thông tin để tiếp nhận toàn bộ hình ảnh camera từ phương tiện vận tải và có cán bộ phân tích dữ liệu đó.

Đoàn Loan

Đề nghị lắp camera ghi hình tài xế với xe ôtô tải và xe chở khách từ 9 chỗ Đề nghị lắp camera ghi hình tài xế với xe ôtô tải và xe chở khách từ 9 chỗ

Theo Bộ Giao thông Vận tải, tại dự thảo Nghị định số 86/2014 (lần thứ 12) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ...

/ vnexpress.net