Không dễ thành công, tại sao Trung Quốc vẫn xin gia nhập CPTPP?

Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ thất bại trong nỗ lực gia nhập CPTPP - nhưng điều đó nhấn mạnh việc Mỹ đang thiếu chính sách kinh tế ở khu vực.

Sau khi Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập khối kinh tế - thương mại khổng lồ ở Thái Bình Dương, những đồn đoán về khả năng Mỹ tái gia nhập ngày càng tăng lên khi nước này là một trong những bên khởi xướng thỏa thuận.

Một ngày sau khi Mỹ, Anh, Australia thông báo thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên tăng cường (AUKUS) - một liên minh được đánh giá là sẽ tiếp tục thêm vào các nỗ lực của Mỹ để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc đặc biệt trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Trung Quốc có động thái “bất ngờ” không kém. Bắc Kinh nộp đơn xin gia nhập CPTPP, hiệp định thương mại chiếm 13,4% GDP toàn cầu mà Washington là một trong những bên đàm phán chủ chốt nhưng sau đó rút ra năm 2017, dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Không dễ thành công, tại sao Trung Quốc vẫn xin gia nhập CPTPP? - 1
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)

Động thái của Trung Quốc, vì một số lý do, ngay lập tức đặt ra câu hỏi về khả năng Mỹ tái gia nhập, trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tiền thân của CPTPP - TPP từng là trung tâm chiến lược xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Mỹ đã đề nghị đàm phán khung hiệp định mới sau khi tham gia cùng 4 nước là Brunei, Chile, New Zealand, Singapore trong thỏa thuận ban đầu. Đến thời cựu Tổng thống Donald Trump, ông đã rút khỏi hiệp định. Song Tổng thống Biden có những chính sách trái ngược với người tiền nhiệm, và ngày càng nhấn mạnh sự cam kết của Mỹ với khu vực.

Theo các nhà quan sát, Mỹ đang thiếu vắng một chương trình nghị sự kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương. Liên minh AUKUS công bố ngày 15/9, cộng với một số nhóm khác do Mỹ “cầm trịch” được cho là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (QUAD, viễn cảnh Five Eyes mở rộng), tập trung chủ yếu vào an ninh, quốc phòng. Việc thành lập ra một thỏa thuận thương mại tự do khác với quy mô tương tự CPTPP có vẻ là một lựa chọn ít khả năng xảy ra, hoặc Mỹ sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi mất công đàm phán rồi lại rút ra một lần nữa.

Trong khi đó, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với các nước CPTPP là không thể phủ nhận. Nếu Trung Quốc gia nhập hiệp định, ảnh hưởng đó sẽ càng mạnh mẽ hơn.

Không dễ thành công, tại sao Trung Quốc vẫn xin gia nhập CPTPP? - 2
Theo các nhà quan sát, Mỹ đang thiếu vắng một chương trình nghị sự kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh minh họa)

Mỹ rút khỏi TPP như thế nào?

Ý tưởng của TPP là tạo ra dòng hàng hóa tự do và rẻ hơn, một thị trường duy nhất cho Mỹ và 11 nước ở Thái Bình Dương, cũng như duy trì vị thế thương mại của Mỹ ở châu Á, trước ảnh hưởng Trung Quốc.

Chính quyền ông Obama thúc đẩy mạnh mẽ thỏa thuận này. Với việc giảm thuế, các công ty Mỹ sẽ tiêu tốn cho nhập khẩu ít hơn, trong khi chưởng lợi từ thị trường lao động giá thấp hơn ở nước ngoài. Theo các nghiên cứu, thỏa thuận có thể tăng giá trị xuất khẩu của Mỹ lên 123 tỷ USD, và tạo ra khoảng 650.000 việc làm.

Những người ủng hộ cho rằng điều này sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế Mỹ, kích thích và tạo ra nhiều việc làm hơn cũng như giúp người lao động có thu nhập tốt hơn, kể cả là những người làm lao động chân tay.

Trong "Trường hợp Đối tác xuyên Thái Bình Dương", Mireya Solís, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, viết rằng thỏa thuận sẽ "thúc đẩy việc làm trong các lĩnh vực mà Mỹ có lợi thế”, sẽ đảm bảo công bằng cạnh tranh và "thúc đẩy các nước không phải là thành viên cải cách các phương thức kinh doanh".

Tuy nhiên, những người không ủng hộ cho rằng vấn đề là dù chính phủ giúp các công ty tạo ra của cải, không có gì đảm bảo công ty sẽ sử dụng nó vào tiền công hay tuyển dụng, nên việc giúp người lao động có thể không thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, họ cho rằng việc các quốc gia phát triển sử dụng nguồn nhân lực giá thấp bên ngoài sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp trong nước, ví dụ như Mỹ.

Với việc rút ra khỏi TPP, chính quyền Tổng thống Trump định hướng tập trung vào các thỏa thuận thương mại song phương. Tuy nhiên điều này có thể mất nhiều thời gian.

Trong khi đó, cuộc cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang gây thiệt hại cho cả chính nước Mỹ.

Mục đích của Trung Quốc?

Trung Quốc có thể cũng không thành công xin gia nhập CPTPP, xét đến việc Bắc Kinh cần được cả 11 thành viên đồng ý trong khi có nhiều thành viên đang mâu thuẫn với nước này. Hơn nữa, nhiều ý kiến cũng xuất hiện xung quanh việc Trung Quốc sẽ phải đáp ứng tất cả các yêu cầu của thỏa thuận để được tham gia, hay có thể được hoãn đáp ứng một số yêu cầu trước khi gia nhập như một số thành viên khác.

Không dễ thành công, tại sao Trung Quốc vẫn xin gia nhập CPTPP? - 3
(Ảnh minh họa)

Những yêu cầu này bao gồm thúc đẩy dòng dữ liệu xuyên biên giới, bảo vệ lao động và môi trường, cũng như các hạn chế đối với các công ty nhà nước. Các doanh nghiệp Mỹ và EU từng phàn nàn về các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, chẳng hạn như trợ cấp cho các công ty nhà nước, thiếu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bắt buộc chuyển giao công nghệ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ không khó đáp ứng các yêu cầu trong hiệp ước thương mại lớn này, một phần vì CPTPP "ít thách thức hơn" TPP.

Nhưng dù thành công hay không, theo các chuyên gia, việc nộp đơn của Trung Quốc vẫn là một động thái “thông minh” trước Mỹ.

Các nhà phân tích của Eurasia Group bình luận: “Động thái này là hành động ngoại giao thông minh sau tuyên bố về quan hệ đối tác an ninh AUKUS vì nó hướng sự chú ý ngoại giao sang các vấn đề thương mại và đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi Mỹ không đạt được nhiều tiến bộ trong việc ứng phó với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc”.

"Thật không may, một điều rõ ràng là Mỹ một lần nữa chỉ phản ứng thay vì chủ động dẫn đầu và do đó đang để Trung Quốc xác định diễn biến của các sự kiện ở châu Á", ông William Reinsch từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói.

Bắc Kinh chỉ trích AUKUS, nhưng phủ nhận việc xin gia nhập CPTPP có liên quan đến quan hệ đối tác an ninh này.

Còn nếu tham gia được, đây sẽ là một chiến thắng mang tính biểu tượng và chiến lược lớn với Trung Quốc.

Trung Quốc hiện cố gắng thay Mỹ trở thành trung tâm kinh tế của thỏa thuận. Hoàn Cầu thời báo, báo nhà nước Trung Quốc miêu tả động thái này là nhằm “củng cố vai trò lãnh đạo của quốc gia trong thương mại toàn cầu”, và khiến Mỹ “ngày càng bị cô lập”.

Đối với Bắc Kinh, việc tham gia hiệp định sẽ tiếp tục củng cố ảnh hưởng kinh tế của nước này - và củng cố vị thế ngày càng tăng của nước này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các thành viên CPTPP, đặt Trung Quốc vào trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.

Mỹ có thể phản ứng thế nào?

Không dễ thành công, tại sao Trung Quốc vẫn xin gia nhập CPTPP? - 4
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AP)

Các thành viên CPTPP để mở cánh cửa để Mỹ tham gia lại hiệp định, gây ra suy đoán đáng kể về những gì Washington sẽ làm.

Ngay từ đầu, chính quyền ông Biden đã đặt chương trình nghị sự về chính sách trong nước là ưu tiên hàng đầu, cho thấy rằng các hiệp định thương mại mới có thể đang bị hạn chế. Tuy nhiên, nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tham gia CPTPP có thể tạo ra động lực cho Mỹ.

Vì Mỹ đóng vai trò chính trong việc viết ra các quy tắc của CPTPP, nên việc gia nhập trở lại có thể đơn giản hơn - và có lẽ Mỹ cũng sẽ dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định hơn so với Trung Quốc.

Đối với chính quyền Biden, việc tái gia nhập CPTPP có thể đáng chú ý khi Mỹ tìm cách tăng cường các mối quan hệ kinh tế và chính trị với các nước ở Vành đai Thái Bình Dương, đồng thời chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Phương Anh ( Nguồn : CNBC, NBC New, Forbes )

Xin gia nhập CPTPP, Trung Quốc vấp phản ứng nào từ các thành viên? Xin gia nhập CPTPP, Trung Quốc vấp phản ứng nào từ các thành viên?
RCEP khác gì CPTPP? RCEP khác gì CPTPP?

/ vtc.vn