Khiếu nại ở Thủ Thiêm vẫn còn

Một bộ phận người dân thuộc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm cho rằng đất, nhà của họ không nằm trong ranh quy hoạch nên không chấp hành di dời

Văn phòng UBND TP HCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm. Theo đó, Chủ tịch UBND TP giao Ban Quản lý (BQL) khu Thủ Thiêm chủ trì, phối hợp các sở, ngành tiếp tục rà soát; tham mưu, trình đề xuất và dự thảo văn bản của UBND TP báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về các nội dung giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến việc cung cấp bản đồ phê duyệt quy hoạch xây dựng và xác định ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm tại khu đất 4,3 ha tại khu phố 1, phường Bình An, quận 2.

Người dân vẫn bức xúc

Trong ngày 30-4, phóng viên Báo Người Lao Động đã quay lại KĐTM Thủ Thiêm để tìm hiểu câu chuyện khiếu nại đất đai tại nơi này nhiều năm qua.

Bà Phạm Thị Vinh (62 tuổi, ngụ tại số B3/3B, Lương Định Của, khu phố 1, phường Bình An, quận 2) cho biết gia đình bà ở đây từ lâu. Khi khu vực này được TP quy hoạch để xây dựng KĐTM Thủ Thiêm, nhà của gia đình bà nằm trong ranh giới quy hoạch đều đã bị giải tỏa. Còn căn nhà mà hiện tại bà đang ở không nằm trong ranh giới cho nên gia đình không đồng ý di dời.

Bà Vinh kể trước đây, lãnh đạo UBND quận 2 và TP cũng đã nhiều lần làm việc với gia đình bà. Tuy nhiên, tài liệu do phía quận và TP cung cấp về bản đồ quy hoạch chưa chứng minh được căn nhà nằm trong ranh giới của dự án. Ngược lại, gia đình bà có đầy đủ các giấy tờ cần thiết để chứng minh quyền sử dụng đất và sở hữu căn nhà. Vì vậy, theo bà Vinh, TP phải tái định cư tại chỗ cho gia đình bà. Ngoài ra, căn nhà mà gia đình bà đang sinh sống hiện đang xuống cấp do nhiều lần bị cưỡng chế. "TP phải hỗ trợ cho gia đình tôi một khoản tiền để sửa chữa và xây dựng nhà, tiếp tục sinh sống. Hiện nay, tôi đang bị liệt cả hai chân, không thể đi lại nên mong chính quyền TP sẽ giải quyết thấu tình đạt lý" - bà Vinh nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Giáp (SN 1940, ngụ tại số B3/15 Bis, Lương Định Của, tổ 1, khu phố 1, phường Bình An, quận 2) cũng cho rằng nguyện vọng của gia đình bà là nếu đền bù thỏa đáng thì di dời, đền bù không thỏa đáng thì xin được nâng cấp nhà để ở, sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nếu tái định cư thì phải ngay tại dự án 4,3 ha tại khu phố 1, phường Bình An, quận 2 gia đình bà mới đồng ý. Bà cho biết cách đây mấy ngày, lãnh đạo quận 2 có tới lấy ý kiến, nguyện vọng của gia đình nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

khieu nai o thu thiem van con

Hạ tầng giao thông khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Từng đối thoại nhưng chưa giải quyết được

Theo BQL, đầu tư, xây dựng KĐTM Thủ Thiêm, khu này tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn đối diện quận 1, với tổng diện tích 657 ha. Nơi đây được quy hoạch thành một trung tâm mới với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của TP, khu vực và cả quốc tế; là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí. Nơi đây sẽ trở thành đô thị mới bền vững kết hợp chặt chẽ với cảnh quan tự nhiên của vùng đất Thủ Thiêm; tạo ra nhiều không gian mở, các tiện ích, công trình công cộng.

Theo quy hoạch 1/2000 được duyệt, khu trung tâm KĐTM Thủ Thiêm thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh. Khu trung tâm được chia làm 5 khu vực chính, gồm: "lõi trung tâm", khu dân cư phía Bắc, khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía Đông, khu Châu Thổ phía Nam. Tổng dân số cư trú thường xuyên dự kiến khoảng 145.000 người, số người làm việc thường xuyên hơn 217.000 người, trong đó khách vãng lai là 1 triệu người (tối đa trong dịp lễ hội), văn phòng cho thuê dạng căn hộ khoảng 1.700 người.

Để đầu tư xây dựng "siêu dự án" này, TP đã mất nhiều năm giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân. Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ năm 2015, UBND TP cho biết số tiền để bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trả các khoản lãi vay cho KĐTM Thủ Thiêm là hơn 29.000 tỉ đồng.

Vấn đề khiếu nại của người dân ở khu vực này cũng kéo dài nhiều năm qua. Vào giữa năm 2016, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã đối thoại với đại diện các hộ dân. Chủ tịch UBND TP khẳng định mục đích buổi đối thoại này là để lắng nghe, trao đổi ý kiến, kiến nghị cùng phản ánh của người dân xung quanh việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Người dân đưa ra 3 vấn đề cần giải quyết: phần lớn các hộ dân cho rằng họ không nằm trong quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm; không có quyết định thu hồi đất cho từng hộ dân; đền bù chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy mục đích buổi đối thoại để giải quyết 3 vấn đề nhưng đến cuối giờ chiều, giữa chính quyền và người dân vẫn còn tranh luận việc nằm trong ranh quy hoạch hay không...

Đấu giá 9 lô đất rộng 78.000 m2

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa đồng ý cho đấu giá quyền sử dụng 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 KĐTM Thủ Thiêm. Các khu đất ký hiệu từ 1.1 đến 1.10, rộng 78.000 m2, đã được giải phóng mặt bằng nhưng chưa có hạ tầng kỹ thuật và đường giao thông kết nối. Trong đó, 6 lô được quy hoạch là khu dân cư đa chức năng, còn lại là khu thương mại đa chức năng.

Chủ tịch UBND TP giao BQL Khu Thủ Thiêm chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và tổ chức đấu giá theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

khieu nai o thu thiem van con Rà soát các vấn đề liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm

Văn phòng UBND TP HCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong liên quan đến dự án đầu ...

khieu nai o thu thiem van con TP HCM đấu giá 9 lô \'đất vàng\' ở khu đô thị Thủ Thiêm

Nằm tại lõi khu đô thị, các lô đất này được quy hoạch là trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng.

khieu nai o thu thiem van con Nghề mót phế liệu trên công trường Khu đô thị Thủ Thiêm

Giữa công trường xây dựng ở quận 2 (TP HCM), những người lao động cặm cụi tìm phế liệu lẫn trong bùn đất để trang ...

THÀNH ĐỒNG - NGUYỄN PHAN

/ https://nld.com.vn