Khai chiến Đại Việt, Hốt Tất Liệt điều động 50 vạn binh tinh nhuệ

Thành phần quân Nguyên được điều động khá đa dạng về chủng tộc, vùng miền. Giữ vai trò xung kích chiến lược của đội quân này là những lực lượng kỵ binh tinh nhuệ người Mông Cổ và các sắc dân thảo nguyên như Khiết Đan, Đột Quyết, Duy Ngô Nhĩ. Hán quân (quân người miền bắc Trung Quốc ngày nay) chiếm số lượng đông đảo, là thành phần chủ chốt trong quân Nguyên.

Giặc Nguyên Mông sửa soạn việc xâm lược Đại Việt

Kể từ sau việc hộ tống Trần Di Ái về Đại Việt làm “An Nam Quốc Vương” thất bại, quan hệ giữa đế quốc Nguyên Mông và Đại Việt hầu như đã không còn chỗ cho hòa bình. Thế nhưng bấy giờ do chủ trương tấn công Chiêm Thành trước để từ đó đánh tỏa ra các nước phương nam nên nước Nguyên cũng chưa vội động binh với Đại Việt. Trong đó, vùng biên giới phía nam nước Nguyên vẫn ráo riết chuẩn bị cho việc nam chinh. Đến khi Toa Đô lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan ở Chiêm Thành, đưa thư về Nguyên triều xui xuất quân chiếm Đại Việt trước làm bàn đạp đánh Chiêm Thành thì Nguyên chủ Hốt Tất Liệt liền hạ quyết tâm nhanh chóng tổ chức một cuộc xâm lược quy mô lớn nhằm vào Đại Việt.

 

khai chien dai viet hot tat liet dieu dong 50 van binh tinh nhue

Kỵ binh nhà Nguyên.

Để xâm lược Đại Việt, Hốt Tất Liệt đã huy động một lực lượng khổng lồ, quân số lên đến 50 vạn người (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Thành phần quân Nguyên được điều động khá đa dạng về chủng tộc, vùng miền. Giữ vai trò xung kích chiến lược của đội quân này là những lực lượng kỵ binh tinh nhuệ người Mông Cổ và các sắc dân thảo nguyên như Khiết Đan, Đột Quyết, Duy Ngô Nhĩ. Hán quân (quân người miền bắc Trung Quốc ngày nay) chiếm số lượng đông đảo, là thành phần chủ chốt trong quân Nguyên. Hán quân khá tinh nhuệ, có cả kỵ binh và bộ binh, là những lực lượng dày dặn kinh nghiệm trong cuộc chiến Tống – Nguyên. Nguyên triều điều động người Tống mất nước ở Giang Nam (miền nam Trung Quốc ngày nay) sung quân, gọi là quân Tân Phụ, những binh lính này cũng chiếm số lượng khá lớn trong thành phần đội quân xâm lược Đại Việt. Ngoài những thành phần quân lính nêu trên, còn có các lực lượng kỵ bộ người Đảng Hạng, người Bạch ở Vân Nam, thủy quân người Lê ở đảo Hải Nam…

Với thành phần lực lượng đa dạng, ưu thế của đội quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần này là có khả năng thích ứng với nhiều điều kiện chiến đấu và thời tiết, tuy nhiên nhược điểm là không đồng nhất về năng lực chiến đấu. Cùng với điều động quân lực đông đảo, nhiều vùng trên lãnh thổ đế chế Nguyên Mông dân chúng phải chịu phu phen, trưng thu lương thực, tiền của đổ vào chiến tranh với mức độ khủng khiếp. Ngoài việc chuẩn bị về lương thực, Hốt Tất Liệt còn chuẩn bị chu đáo về thuốc thang cho đội quân viễn chinh để phòng binh lính không quen thủy thổ. So với lần xâm lược năm 1258, lần này quân Nguyên mạnh hơn gấp bội, lại được chuẩn bị khá đầy đủ về lương thảo, hậu cần.

Nguyên chủ Hốt Tất Liệt đặt rất nhiều tâm huyết vào cuộc xâm lược, vì vậy mà thành phần tướng lĩnh được phái sang Đại Việt là những chiến tướng thuộc hàng ưu tú nhất của đế chế Nguyên Mông. Ngày 21.7.1284, vua Nguyên phong cho hoàng tử thứ 9 là Thoát Hoan (Toghan) làm Trấn Nam Vương, giữ chức thống soái trong cuộc xâm lược Đại Việt. Tên này là một tướng lĩnh khét tiếng tàn bạo trong cuộc đàn áp sự phản kháng của người Bạch ở Vân Nam. Phối hợp với Thoát Hoan là A Lý Hải Nha (Ariq Qaya), giữ chức Bình chương. A Lý Hải Nha là một danh tướng và cũng là một người nổi tiếng tàn bạo, có nhiều chiến công trong các trận chiến lớn khi Mông Cổ thôn tính Nam Tống như các trận Đàm Châu, Ngạc Châu, Tương Phàn… A Lý Hải Nha cũng là tướng chủ chốt trong việc xâm chiếm các vùng đông nam nước Tống.

Với nhiều chiến công như vậy, A Lý Hải Nha được liệt vào hàng công thần thứ 3 của Nguyên triều, đứng ngang với Ngột Lương Hợp Thai (Uriangqatai), Bá Nhan (Bayan), A Truật (Aju) … Trong hàng ngũ tướng lĩnh sang Đại Việt còn có Lý Hằng (Li Heng), cũng là công thần hàng thứ 3 của triều Nguyên, được phong chức Tả thừa. Lý Hằng từng có những chiến công lừng lẫy trong những trận chiến nổi tiếng như đánh bại tướng Văn Thiên Tường nước Tống năm 1277, cùng Trương Hoằng Phạm chỉ huy 2 vạn truy binh tận diệt 20 vạn người Tống, bức tử Tống Đế Bính tại hải chiến Nhai Môn năm 1279. Dưới trướng Thoát Hoan ngoài hai tướng kể trên, còn có hàng loạt tướng lĩnh khác cũng đều liệt vào hàng danh tướng của Nguyên triều như Ô Mã Nhi (Omar), Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích (Ayuruychi), Lý Bang Hiến, Lý Quán, Tôn Hựu, Tản Tháp Nhi Đải (Satartai Satardai), Nạp Hải (Naqai), Khoan Triệt (Koncak) …

Toàn tuyến biên giới Nguyên Mông – Đại Việt từ năm 1282 đến năm 1285 nhộp nhịp việc sửa sang doanh trại, cầu đường. Hai cụm tiền tiêu chủ yếu của quân Nguyên ở Vân Nam và Ung Châu hình thành. Nguyên triều gom quân dài từ miền bắc kéo xuống miền nam để tiến sang Đại Việt. Cùng với đó, Thoát Hoan lệnh cho thuộc hạ đem thư truyền lệnh cho Toa Đô ở bắc Chiêm Thành dẫn quân đánh thốc lên. Giặc Nguyên toan tính sẽ dùng ba gọng kìm Vân Nam, Ung Châu, Chiêm Thành để phối hợp nghiền nát giang sơn Đại Việt trong thời gian ngắn, rồi từ đó đánh tỏa ra khắp vùng Đông Nam Á.

Đại Việt chuẩn bị nghênh chiến

Trước mưu đồ xâm lược đã quá lộ liễu của giặc Nguyên, vương triều Trần cùng toàn dân Đại Việt cũng tích cực chuẩn bị cho chiến tranh vệ quốc. Ngay từ năm 1282, triều đình Đại Việt đã nắm được dã tâm của giặc. Trấn thủ Lạng Giang là Lương Uất dò biết được quân Nguyên hội quân đông đảo ở gần biên giới, bèn sai người chạy trạm báo tin về triều rằng quân Nguyên phao tin định mượn đường nước ta sang đánh Chiêm Thành, thực chất là muốn đánh chiếm Đại Việt trước.

Nắm được tin tức, tháng 11.1282, vua Trần Nhân Tông ngự ở bến Bình Than (nơi giao nhau giữa sông Đuống và sông Lục Đầu, thuộc Bắc Ninh), tổ chức hội nghị vương hầu cùng các tướng lĩnh chủ chốt để bàn kế sách bảo vệ đất nước. Hội nghị Bình Than đã đi đến việc thống nhất nhiều sách lược. Trong đó, quan trọng nhất là quan quân đã được xác định tinh thần quyết chiến, không cho giặc lấy cớ mượn đường để tiến vào nước ta. Cùng với đó là những kế hoạch điều binh trấn giữ các nơi trọng yếu, những việc chuẩn bị khí giới, kho tàng, điều động dân đinh, binh lính sẵn sàng chiến đấu…

Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư trước kia phạm tội gian dâm với công chúa Thiên Thụy bị tước hết chức vị và gia sản, trong hội nghị được vua ân xá, ban chức Phó đô tướng quân, trở thành một trong những tướng lĩnh chủ chốt trong kháng chiến về sau. Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản còn ít tuổi không được dự bàn cơ mưu, bèn tự mình về nhà điều động gia đinh, mộ binh ngàn người, tự bỏ tiền tư gia để đóng thuyền, sắm sửa vũ khí, thao luyện binh sĩ chuẩn bị chống giặc. Trường hợp của Trần Quốc Toản cũng là một điển hình của giới quý tộc đương thời. Các vương hầu sẵn có tiền của, thế lực đã tự chiêu mộ quân lính chiến đấu bên cạnh quân chính quy của triều đình. Quân vương hầu là lực lượng đã có sẵn từ trước, nay với tình hình mới thì quy mô của những đội quân này càng tăng lên nhiều lần, trở thành lực lượng quan trọng trong kháng chiến.

Nhân sự đầu não để chỉ huy quân đội cũng được vua Trần cân nhắc lựa chọn những người có năng lực nhất để bổ dụng các trọng trách. Cuối năm 1282, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải được tiến phong chức Thượng tướng Thái sư, là chức quan đứng đầu cả hai ban văn võ. Đến cuối năm 1283, vua Trần Nhân Tông cho hội quân các vương hầu tổ chức tập trận quy mô lớn, rồi nhân đó bổ dụng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chức Quốc công Tiết chế, nắm quyền toàn bộ quân đội. Như vậy là, trong một triều đình lại có cả hai vị quan về chức vụ đều là tổng chỉ huy quân đội. Trên thực tế thì Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (thường gọi là Trần Hưng Đạo) là người nắm quyền chỉ huy cao nhất.

Sử cũ kể lại rằng bấy giờ Trần Quang Khải vốn thường nghi kỵ và không có thiện cảm với Trần Quốc Tuấn, vì Quốc Tuấn là con của An Sinh Vương Trần Liễu. Trước kia, Trần Thái Tông lấy vợ của Trần Liễu đang mang thai làm vợ mình, đề phòng vua bị hiếm muộn sẽ lập đứa bé làm thái tử. Trần Liễu mất vợ sinh thù hận, khởi binh chống lại vua Trần Thái Tông bị thất bại, được Thái Tông tha nhưng lòng vẫn không phục, thường dạy Quốc Tuấn phải nuôi chí phục thù. Bởi vậy mà Trần Quốc Tuấn thường bị các thân vương khác nghi kỵ mặc dù ông là một kỳ tài và hết mực trung thành với nhà vua. Nay trước tình hình mới đòi hỏi nội bộ phải đồng lòng tin tưởng lẫn nhau, hai nhân vật lớn của triều đình đã chủ động “làm thân” với nhau.

Một hôm Trần Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp về kinh, Trần Quang Khải đã cùng Quốc Tuấn xuống thuyền chơi cả ngày. Quốc Tuấn biết Quang Khải có tính ngại tắm gội bèn cho nấu nước thơm xin tắm cho Quang Khải, hai người cười nói vui vẻ. Tình cảm giữa hai người kể từ hôm đó mà khăng khít, nhờ vậy mà hai chi họ Trần (chi họ Trần Liễu và chi họ Trần Thái Tông) cũng không còn nghi kỵ lẫn nhau. Điều này có tác động rất lớn đến sự đoàn kết của toàn bộ triều đình. Đó cũng là nền tảng tiến tới đoàn kết toàn dân tộc, chuẩn bị cho cả nước bước vào cuộc chiến cam go.

(Còn nữa…)

khai chien dai viet hot tat liet dieu dong 50 van binh tinh nhue Danh tướng người Việt giúp Triều Tiên đánh tan quân Mông Cổ là ai?

Sau khi sang nước Cao Ly (bán đảo Triều Tiên ngày nay), hậu duệ nhà Lý lập những chiến công lẫy lừng, trở thành anh ...

khai chien dai viet hot tat liet dieu dong 50 van binh tinh nhue Nữ chiến binh Mông Cổ khiến Hốt Tất Liệt ám ảnh tới khi chết

Hốt Thốc Luân, còn được biết tới với những cái tên như Aigiarne, Aiyurug hay Khotol Tsagaan (cùng có nghĩa: Ánh Trăng) sinh ra vào ...

/ http://danviet.vn