Kêu gọi tặng phong bì nhân ngày 20-11: Nhạy cảm, nhưng...

 Kêu gọi "hãy tặng phong bì ngày 20-11" dễ khiến người ta nghĩ tới "phong bì tham nhũng", "phong bì tiêu cực" nhưng tôi nghĩ đến mục đích tốt đẹp tôi làm...

Thầy Đào Tuấn Đạt – Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh chia sẻ, lời kêu gọi được viết trên trang cá nhân xuất phát từ sự quan tâm chân thành tới các thầy cô giáo và học sinh thuộc vùng sâu, vùng xa, những vùng khó khăn sát biên giới.

keu goi tang phong bi nhan ngay 20 11 nhay cam nhung

Thầy Đào Tuấn Đạt – Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh. Ảnh Face book cá nhân

Quan sát trên bản đồ, cộng với những thông tin tìm hiểu được, thầy Tuấn Đạt biết được khu vực huyện Mường Lát, Thanh Hóa là một tỉnh nghèo nhưng ít nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ các tổ chức từ thiện.

Vì lẽ này, thầy Đào Tuấn Đạt đã gửi thông điệp trên trang cá nhân nhằm kêu gọi giáo viên, đồng nghiệp và các học sinh trong trường cùng chung tay để giúp đỡ các thầy cô và các em học sinh ở Trường Tiểu học xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa có một ngày 20-11 thật sự ý nghĩa.

Thầy Đạt đưa ra lời kêu gọi "hãy tặng phong bì vào ngày 20-11", vì đây là ngày để các phụ huynh bày tỏ lòng biết ơn các thầy cô giáo.

Theo thầy Đạt, việc tặng phong bì các thầy cô nhân ngày 20-11, từ lâu đã trở thành hình ảnh rất quen thuộc, phổ biến ở hầu hết các trường học. Xét về mặt tình cảm, đây là một hành động tri ân rất đáng trân trọng của các bậc phụ huynh cũng như các học sinh trong trường với giáo viên của mình.

Tuy nhiên, nhiều người thường ngại nhắc tới từ "tặng phong bì" bởi tính nhạy cảm của nó. Nhất là trong lĩnh vực giáo dục, "phong bì" thường được hiểu lệch theo hướng đút lót, chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng... vì thế, có thể lời kêu gọi "hãy tặng chúng tôi thật nhiều phong bì vào ngày 20-11" sẽ gây hiểu lầm.

Song vì hiểu rõ mục đích nhân văn mình đang thực hiện, nên thầy Đạt vẫn đưa ra lời kêu gọi với mong muốn sẽ thực hiện được kế hoạch trong thời gian sớm nhất.

"Phong bì chỉ xấu nếu mục đích của cả người tặng và người nhận đều có ý đồ và mục đích xấu, nếu nhận phong bì vì những mục đích tốt đẹp thì tôi nghĩ không sao cả.

Bản thân tôi cũng đã đi dạy thêm 10 buổi để lấy tiền, còn học sinh của tôi thì bỏ rất nhiều công sức để tổ chức thành nhóm, hội, thực hiện các việc nhỏ nhặt, gom từng đồng lẻ cùng tôi gây quỹ.

Tuy nhiên, tôi đang cần khoảng 90 triệu để mua 656 chiếc chăn ấm. Với số tiền trên, nếu thực hiện một mình tôi sẽ phải mất thời gian lâu hơn mà tôi lại muốn rút ngắn thời gian, đưa chăn ấm đến với thầy cô và học sinh sớm hơn nên tôi đã kêu gọi.

Đây là những việc chúng tôi vẫn làm thường xuyên chỉ khác là mọi lần thì âm thầm làm, còn lần này tôi lại chia sẻ, kêu gọi trên trang cá nhân.

Việc kêu gọi của tôi thể hiện 2 thông điệp: Thứ nhất là, tôi có thêm tiền để mua chăn sớm hơn.

Thứ hai là, nhắc cho học sinh và mọi người trên cả nước đều biết và quan tâm tới một địa danh là xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Một địa danh tiếp giáp với Lào đã từng được nhắc đến trong bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) nhưng chưa ai hiểu được địa danh này thế nào và người dân ở đây sống ra sao", thầy Đào Tuấn Đạt chia sẻ.

Dễ biến tướng, lợi dụng

Chia sẻ thêm về lời kêu gọi, thầy Đào Tuấn Đạt cho biết, thầy không mong muốn lời kêu gọi của thầy sẽ trở thành một thông điệp có thể gây ảnh hưởng hoặc tạo dư luận ở trường này hay trường khác, nhưng, nếu có thể hướng cộng đồng tới những việc làm tốt đẹp, ý nghĩa hơn từ việc tiết kiệm tiền mua hoa, mua quà thì cũng là một việc tốt.

Mặc dù vậy, thầy Đào Tuấn Đạt cũng cho rằng, thực hiện kêu gọi khuyên góp tiền làm từ thiện là một việc làm ý nghĩa, có mục đích tốt đẹp song rất dễ bị biến tướng, lợi dụng, làm méo mó mục tiêu ban đầu.

Do đó, khi đứng ra kêu gọi, thầy Đạt cũng rất cảnh giác, không tiếp nhận nguồn tiền không rõ ràng hoặc những người có ý đồ muốn lợi dụng việc từ thiện để làm hình ảnh hoặc để thực hiện ý đồ cá nhân.

"Trong câu chuyện này, bản thân tôi cũng từ chối 40 triệu của một người ngỏ ý giúp vì lúc đó tôi đã quyên góp đủ số tiền mua chăn, tôi không thể nhận thêm nữa.

Tôi cũng không muốn nhận những số tiền quá lớn từ một người tôi không quen biết, không biết rõ nguồn gốc. Nếu không thận trọng, đó lại là tiền tham nhũng, tiền có được từ các hoạt động phạm pháp thì cuối cùng kế hoạch ý nghĩa của chúng tôi lại bị lợi dụng, tiếp tay cho các đối tượng xấu", thầy Đạt chia sẻ.

Hơn nữa, để tránh tình trạng lợi dụng việc làm từ thiện để tư lợi, thầy Đạt cho rằng, khi thực hiện phải có một đầu mối đủ uy tín đứng ra kêu gọi ủng hộ. Tất cả mọi nguồn hỗ trợ đều tập trung về một người này, không để tình trạng giáo viên nào cũng có thể kêu gọi, như vậy sẽ rất hỗn loạn.

Việc tiếp theo là việc kêu gọi ủng hộ phải có mục tiêu, mục đích rất cụ thể, phải có địa chỉ rõ ràng và số tiền chi tiêu cụ thể.

Khi đã có được đủ số tiền phải thông báo dừng lại hoạt động khuyên góp này, tuyệt đối không nhận thêm bất cứ một đồng nào từ người khác.

Theo thầy Đạt, sau khi thực hiện lời kêu gọi, thầy đã có đủ số tiền để mua chăn, tuy nhiên, một số học sinh cũ vẫn bày tỏ thiện ý muốn ủng hộ thêm cho thầy thực hiện các chuyến đi ý nghĩa khác. Đáp lại thiện ý trên, thầy Đạt mong muốn học sinh giữ lại số tiền và khi có kế hoạch mới, thì sẽ ủng hộ thêm.

"Mong muốn của tôi là có tiền thực hiện các chuyến đi hỗ trợ như vậy theo dọc các vùng biên giới cả nước, nhưng tôi biết việc đó khó và chúng tôi sẽ thực hiện nó dần dần".

Thanh Bình

keu goi tang phong bi nhan ngay 20 11 nhay cam nhung “Hãy tặng chúng tôi phong bì ngày 20.11”

“Hãy tặng chúng tôi phong bì ngày 20.11, đừng tặng hoa”, đó là những “dòng trạng thái” trên trang cá nhân của thầy Đào Tuấn ...

keu goi tang phong bi nhan ngay 20 11 nhay cam nhung Cảm ơn cô, người cảm hóa tâm hồn con bằng văn chương

Chặng đường con đi in dấu với văn chương, chữ nghĩa. Nhưng không gặp cô chắc con không thể có ngày hôm nay. Cảm ơn ...

/ http://baodatviet.vn