Kết thúc đợt rét, Hà Nội lại ô nhiễm không khí

Sáng 19/1, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bộ phận không khí lạnh đang suy yếu dần. Tuy nhiên, chỉ số ô nhiễm không khí lại tiếp tục tăng vọt.

Tại Hà Nội, khu vực bắt đầu xuất hiện nắng hanh từ sáng sớm, trời quang mây nhưng không khí mờ đục. Không khí chứa bụi bẩn kết hợp với sương mù bủa vây cả thành phố khiến tầm nhìn giảm, nhiệt độ cao nhất 19-21 độ C.

Lúc 9h, ứng dụng quan trắc Airvisual cảnh báo AQI trung bình tại Hà Nội là 182 đơn vị, ngưỡng có hại.

Trong khi đó, ứng dụng PamAir đánh giá chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức xấu. Lúc 8h, AQI ở các điểm đồng loạt cảnh báo "đỏ" và "tím" với chỉ số dao động 180-250 đơn vị, ở tất cả quận, huyện của thành phố.

Các quận nội thành như Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm tiếp tục nằm trong danh sách những nơi có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất Hà Nội khi AQI có lúc vượt trên 200 đơn vị.

4541 13 1609817780 a 12

Đáng lưu ý, điểm quan trắc tại Ngọc Thụy (Long Biên) cho thấy mức độ ô nhiễm báo động ở ngưỡng nguy hại với hơn 400 đơn vị. So với hai ngày trước đó, chỉ số ô nhiễm không khí tăng vọt ở tất cả điểm.

Có thể nói, tron gnhững ngày gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tái diễn ở mức nghiêm trọng và có sự bất thường. Thay vì ô nhiễm theo giờ hoạt động giao thông thì tình trạng ô nhiễm kéo dài cả ngày với chỉ số rất cao.

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí suy giảm nghiêm trọng là do các điều kiện khí hậu bất lợi. Việc thay đổi nền nhiệt, độ ẩm bất thường khiến các chất gây ô nhiễm bị "khóa lại", không thoát ra khỏi đô thị. Gió nóng, ẩm ở Biển Đông tràn vào kết hợp với không khí lạnh tràn về, cùng với đó là tác động của dải hội tụ khiến thời tiết Hà Nội có mưa phùn và sương mù dày đặc. Việc này tạo lớp cản, khiến cho chất gây ô nhiễm không khuếch tán đi được.

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, trong những ngày tới, thời tiết Hà Nội sẽ vẫn có mưa nhỏ và sương mù dày nên chất lượng không khí chưa cải thiện ngay được. Những ngày tới nếu Hà Nội có thêm gió lạnh tăng cường hoặc hết hiện tượng sương mù thì chất lượng không khí mới cải thiện được.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời điểm không khí lạnh suy yếu như hiện nay thường xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt khiến chất ô nhiễm không khuếch tán lên cao được mà đọng lại ở bề mặt khiến nồng độ chất ô nhiễm tăng cao. Trước và sau khi không khí lạnh tràn về sẽ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt gây ra trạng thái ô nhiễm không khí. Nghịch nhiệt là một hiện tượng của khí quyển xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới. Khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp nghịch nhiệt đóng vai trò như một “chiếc mũ” và dừng quá trình xáo trộn trong bầu khí quyển, khiến cho các chất ô nhiễm bị giữ lại trong môi trường không khí không thể khuếch tán lên cao.

Tổng cục Môi trường cho biết, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động. Chất lượng không khí tại Hà Nội vẫn sẽ duy trì ở mức xấu, rất xấu trong những ngày tới. Người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời vào ban đêm và sáng sớm, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng loại khẩu trang ngăn được bụi mịn.

PV (th)

Hôm nay, Hà Nội ô nhiễm không khí nặng Hôm nay, Hà Nội ô nhiễm không khí nặng
TPHCM lại báo động về ô nhiễm không khí TPHCM lại báo động về ô nhiễm không khí
Khi nào Hà Nội chấm dứt ô nhiễm không khí? Khi nào Hà Nội chấm dứt ô nhiễm không khí?
/ Nghề nghiệp và cuộc sống