Hợp đồng 10 năm: Cạm bẫy với cầu thủ V.League, nhưng là lý do CLB tồn tại

Câu chuyện các đội bóng ở V.League ràng buộc cầu thủ họ đào tạo bằng những bản hợp đồng yêu cầu phải cống hiến cho đội bóng chủ quản đến năm 27, 28 tuổi không còn là chuyện mới nữa. Điều đó có thể bất công với các cầu thủ, nhưng lại là vấn đề hoàn toàn khác khi xét ở góc độ những người làm bóng đá.

Cầu thủ bức xúc, HLV thông cảm

"Thời còn làm HLV ở đội trẻ Viettel, tôi có theo dõi lứa trẻ CLB Hải Phòng thi đấu và đã rất ấn tượng với thủ môn Văn Toản từ ngày đó rồi. Nhưng thích là một chuyện chứ lấy người thì gần như không được, bởi Hải Phòng giữ người ghê lắm". Đó là chia sẻ của HLV, BLV Đặng Phương Nam trên truyền hình một thời gian trước. Từ một cầu thủ suýt giải nghệ sớm, Văn Toản được đội bóng thành phố Cảng gìn giữ như báu vật đến tận bây giờ.

Hợp đồng 10 năm: Cạm bẫy với cầu thủ V..League, nhưng là lý do CLB tồn tại -0

Bầu Đệ từng nổi tiếng với phát ngôn “Bóng đá Việt Nam thiếu những ông bầu”.

Lời nhận định của một người từng trực tiếp làm công tác huấn luyện như Phương Nam cho thấy một góc khuất của bóng đá Việt Nam. Tại đây, những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của CLB thường bị ép ký vào những bản hợp đồng ràng buộc thi đấu với thời hạn không tưởng: 5 năm, 7 năm, thậm chí 10 năm. Trong trường hợp cầu thủ muốn ra đi, họ cũng đành lòng ở lại vì không có tiền đền bù hợp đồng.

Câu chuyện của Hai Long, tiền vệ vừa rời Than Quảng Ninh để đầu quân cho CLB Hà Nội là ví dụ điển hình nhất cho chuyện đó. Ngày rời đội bóng đất Mỏ để lên thủ đô, Hai Long tiêu tốn của CLB Hà Nội đến 10 tỷ đồng, nhưng chỉ có 2 tỷ trong số đó là tiền lót tay, 8 tỷ còn lại được CLB Hà Nội dùng để đền bù hợp đồng giữa Hai Long với Than Quảng Ninh, một con số đủ để biến anh trở thành một trong những cầu thủ có giá trị chuyển nhượng đắt nhất Đông Nam Á.

Đâu là lý do khiến các đội bóng ở V.League giữ người đến mức yêu cầu cầu thủ ký vào những hợp đồng ràng buộc đến mức vô lý như vậy? Nguyên nhân sâu xa đến từ việc họ không muốn mất cầu thủ mình đã đào tạo ra một cách dễ dàng. Nhiều cựu cầu thủ sau này trở thành HLV mới nhận ra những cạm bẫy trong hợp đồng kia vô tình lại trở thành lý do để các đội bóng có thể tiếp tục tồn tại và phát triển.

V.League rất giống giải nhà nghề Mỹ

Trước thềm mùa giải bóng chày nhà nghề Mỹ (MLB) năm 2014, Robinson Cano gây bất ngờ khi rời New York Yankees để gia nhập đội bóng ít tên tuổi hơn là Seattle Mariners. Lý do không nằm ngoài vấn đề tiền bạc. Phía Seattle chào mời Cano bản hợp đồng với mức tiền lương 24 triệu USD/năm, thấp hơn một chút so với Yankees (25 triệu USD/năm) nhưng họ sẵn sàng ký 10 năm. Yankees chỉ chấp nhận ký 7 năm, thế nên Cano dứt áo ra đi.

Câu chuyện của Robinson Cano cho thấy không riêng gì bóng đá Việt Nam, ngay cả giới thể thao nhà nghề Mỹ cũng xuất hiện không ít VĐV chấp nhận dứt áo ra đi vì câu chuyện tiền bạc. Chỉ cần một đại gia mới nổi xuất hiện, một CLB mới được mua lại từ ông hoàng Trung Đông nào đó, tất cả sẽ gây nhiễu loạn trên thị trường chuyển nhượng. Thế nên các CLB phải tìm mọi biện pháp để giữ người như một phương án phòng vệ.

Hợp đồng 10 năm: Cạm bẫy với cầu thủ V..League, nhưng là lý do CLB tồn tại -0

Cầu thủ ở MLB bị ràng buộc rất nhiều quy định về chuyển nhượng.

Trong trường hợp của Yankees, họ không thể giữ Cano lâu hơn bởi anh đã thi đấu nhà nghề tới 8 mùa giải và được công nhận là cựu binh (Veteran) ở MLB. Nếu chỉ được xem như tân binh (Rookie), Cano sẽ không đời nào được rời khỏi Yankees trừ khi CLB này không cần nữa và chuyển nhượng anh sang một CLB khác. Tương tự V.League, MLB có một hệ thống dày đặc những quy định ngăn cản một VĐV tự ý đầu quân sang đội khác vì tiền.

Hàng năm, MLB sẽ có một kỳ tuyển chọn cầu thủ (draft) với người được chọn là các VĐV đang thi đấu ở các trường đại học, trung học trên khắp nước Mỹ và Canada. Những VĐV này được xếp hạng, đánh giá theo thứ tự từ cao xuống thấp với quyền lựa chọn thuộc về các CLB. Điều thú vị là CLB đầu tiên chọn người sẽ là đội có thành tích kém nhất ở mùa giải trước đó. Quy định này được đặt ra để đảm bảo công bằng khi đội yếu cũng có cầu thủ giỏi.

Cầu thủ được tuyển chọn qua lượt draft có quyền quyết định ký hợp đồng hoặc từ chối CLB đã chọn mình. Nhưng từ chối không có nghĩa VĐV này được tự do ký hợp đồng với một CLB khác, mà điều đó đồng nghĩa với việc chấm dứt luôn ước mơ thi đấu đỉnh cao. Bù lại khi ký hợp đồng, VĐV sẽ nhận được một khoản tiền lót tay không nhỏ tùy vào định giá anh ta trên thị trường. Có người thậm chí được nhận lót tay 5 triệu USD khi mới 18 tuổi.

Qua thời gian một vài năm, thậm chí 5-6 năm chơi ở các đội vệ tinh, đội nghiệp dư thuộc CLB đã ký hợp đồng chuyên nghiệp với mình, VĐV mới được lên thi đấu chuyên nghiệp. Lúc này anh ta được gọi là tân binh (Rookie). Việc thi đấu liên tục ở đây giúp VĐV được nâng dần lên thành cầu thủ tiền cựu binh (Pre Arbitration). Nhưng đến trước khi được công nhận là cựu binh (Veteran), họ vẫn không thể tự chọn điểm đến, mà quyền sinh sát vẫn thuộc về CLB.

Tại sao MLB với lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển vẫn giữ hệ thống chuyển nhượng với quy định khắt khe như thế? Lý do bởi ngay trong nội bộ MLB, tiềm lực của các đội bóng cũng rất khác nhau. Có đội sở hữu quỹ lương cầu thủ lên tới 200-250 triệu USD/năm, số khác chỉ loanh quanh ở mức 100 triệu USD. Ngay cả khi sử dụng hệ thống khắt khe như trên, các đội lớn vẫn giành được những VĐV tốt nhất.

Ông bầu quan trọng hơn cầu thủ?

Nếu MLB thả nổi thị trường mua bán cầu thủ trẻ, tình trạng tranh giành người sẽ diễn ra khốc liệt hơn nhiều. Hậu quả là đội bóng giàu sẽ lấy hết người của đội nhỏ, còn cầu thủ càng ít có cơ hội thể hiện bản thân. Những ông chủ đam mê bóng chày, nhưng nguồn lực hạn chế sẽ dần đuối sức khi chứng kiến cảnh đội nhà thi đấu bết bát, và viễn cảnh họ rời bỏ MLB sẽ tới. Đó mới thực sự là thảm họa cho một giải đấu nhà nghề tại Mỹ.

Hợp đồng 10 năm: Cạm bẫy với cầu thủ V..League, nhưng là lý do CLB tồn tại -0

Hai Long ở lứa tuổi U23 đã có giá 8 tỷ đồng.

Câu nói "ông bầu quan trọng hơn cầu thủ" của giải MLB nghe qua có vẻ mang nặng tư tưởng vật chất, nhưng đó lại là lập luận hoàn toàn logic. Trong thế giới thể thao, nơi mọi hoạt động bao cấp đều được xóa bỏ và thay bằng mô hình xã hội hóa, ông bầu chính là trung tâm của cuộc chơi. Họ bỏ tiền ra nuôi sống một CLB với hàng trăm con người, tạo ra hàng trăm việc làm và giải quyết nhu cầu giải trí của cả một thành phố lớn.

Tầm quan trọng của các ông bầu còn được thể hiện rõ hơn ở những nền bóng đá chưa thể tự sinh ra tiền bạc để nuôi mình như Việt Nam. Vài năm trước, ông bầu Nguyễn Văn Đệ, cựu Chủ tịch CLB Thanh Hóa từng gây tranh cãi bằng tuyên bố "bóng đá Việt Nam không thiếu cầu thủ, không thiếu HLV mà thiếu những ông bầu". Câu nói ấy từng chịu rất nhiều chỉ trích, nhưng đến khi bầu Đệ nghỉ làm bóng đá, chúng ta mới nhận ra ông đã… nói đúng.

Kể từ ngày giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam khoác lên mình tên gọi V.League, chỉ còn 2 ông bầu tiếp tục gắn bó với cuộc chơi dài hơi và tiêu tốn rất nhiều tiền của này. Nếu như bầu Hiển mới gia nhập 15 năm, thì bầu Đức đã chơi đến 20 năm, và số tiền mỗi người bỏ ra ước tính cũng lên tới vài ngàn tỷ. Giữa họ là vô vàn những ông bầu ngừng cuộc chơi giữa đường cùng hoài bão dang dở.

Điều đó cho thấy để những ông bầu, những đội bóng có thể tồn tại và phát triển, việc ràng buộc cầu thủ đến 5-10 năm là cần thiết, dù điều đó có thể khiến anh ta lỡ một vài cơ hội đổi đời.

Cầu thủ Việt Nam đang nhận lương quá thấp hay quá cao?

Trung bình một cầu thủ đang thi đấu tại V.League nhận lương khoảng 25 triệu đồng/tháng, tương đương 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên nếu tính thêm tiền lót tay, thưởng theo từng trận đấu thì con số có thể lớn hơn rất nhiều. Những cầu thủ bình thường nhất cũng được nhận lót tay vào khoảng 500 -700 triệu đồng/mùa, tính ra mỗi năm họ cũng bỏ túi khoảng 800 triệu - 1 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn nếu so với mức thu nhập bình quân 60 triệu đồng/năm của người Việt Nam.

Với những cầu thủ đã lên tuyển, mức lương của họ không thay đổi quá nhiều, nhưng điểm làm nên khác biệt chính là số tiền lót tay. Trong thời kỳ hoàng kim của V.League thì Như Thành, Phước Tứ, Công Vinh từng nhận về mức lót tay hơn 10 tỷ đồng. Ở thời điểm hiện tại, một tuyển thủ quốc gia cũng có mức lót tay 1,5 - 2,5 tỷ đồng/mùa. Đó là lý do cựu tiền đạo Lê Công Vinh nói thu nhập cầu thủ Việt Nam không hề thấp, ngay cả khi so với giải Thái Lan hay Nhật Bản.

"Các đội bóng Nhật Bản có thưởng thêm cho cầu thủ ra sân đá chính, ngồi dự bị... nhưng tuyệt đối không có tiền lót tay", Công Vinh chia sẻ. Nếu so với những cầu thủ trẻ Việt Nam thì cầu thủ Nhật Bản còn có phần thiệt thòi hơn bởi giải J.League quy định giới hạn trần lương. Một cầu thủ trẻ Nhật Bản chỉ được nhận lương tối đa 5 triệu yên/năm, tương đương thu nhập của một người làm công ăn lương bình thường. Đó cũng là lý do khiến cầu thủ Nhật Bản thi nhau xuất ngoại.

An Khánh

V.League 2022 sẽ tổ chức ra sao? V.League 2022 sẽ tổ chức ra sao?
CLB Than Quảng Ninh dừng hoạt động, cầu thủ đau lòng "nhận lại toàn cay đắng" CLB Than Quảng Ninh dừng hoạt động, cầu thủ đau lòng "nhận lại toàn cay đắng"
V.League 2021 sẽ lùi đến bao giờ? V.League 2021 sẽ lùi đến bao giờ?

/ antg.cand.com.vn