Hơn 64 triệu ca nCoV toàn cầu, WHO cảnh báo về đại dịch tương lai

Toàn cầu ghi nhận hơn 64 triệu ca nhiễm và gần 1,5 triệu người đã chết vì nCoV, WHO cảnh báo về đại dịch khác nếu không rút kinh nghiệm.

Thế giới ghi nhận 64.115.631 ca nhiễm và 1.484.796 người đã tử vong do nCoV, tăng lần lượt 577.495 và 11.970 ca trong một ngày, trong khi 44.324.618 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 172.004 ca nhiễm và 2.314 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 14.069.037, trong đó 276.448 người đã chết. Chỉ trong tháng 11, hơn 37.000 người tại Mỹ đã chết vì Covid-19.

Theo Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington, số ca tử vong trung bình trong tháng vì Covid-19 tại Mỹ được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi trong tháng 12, lên hơn 70.000, sau đó tiếp tục tăng lên hơn 76.000 vào tháng một, trước khi giảm xuống trong tháng 2.

Giới chức Mỹ hôm 1/12 công bố chi tiết kế hoạch phân phối vaccine Covid-19 cho hàng triệu người Mỹ từ cuối tháng này. Theo kế hoạch, khoảng 20 triệu người có thể được tiêm chủng tính đến cuối năm, và đến giữa năm sau hầu hết người Mỹ sẽ được tiếp cận vaccine hiệu quả cao.

0419 063 1288711701 5363 1606866583
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm nCoV tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ, hôm 30/11. Ảnh: AFP.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 32.407 ca nhiễm và 431 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.495.661 và 138.090.

Thủ đô New Delhi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, với nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức New Delhi đã tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD).

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cuối tuần trước tới thăm các cơ sở sản xuất vaccine, nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine Covid-19 trong công tác kiểm soát đại dịch. Hồi tháng 10 ông cho biết chính phủ sẵn sàng tiêm chủng cho từng người dân ngay khi vaccine sẵn sàng.

Tuy nhiên, Rajesh Bhushan, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Ấn Độ, hôm qua cho biết "chính phủ chưa bao giờ nói về việc tiêm chủng toàn quốc", giải thích thêm rằng họ chỉ cần tiêm cho một số lượng người nhất định để phá vỡ chuỗi lây truyền.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 632 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 173.817. Số người nhiễm nCoV tăng 50.509 trong 24 giờ qua, lên 6.386.787.

Số ca nhiễm mới trung bình tại Brazil đã tăng từ 10.000 ca/ngày hồi đầu tháng 11 lên hơn 50.000/ngày, trong khi số người chết mỗi ngày tăng gấp gần 9 lần chỉ trong một tuần.

Các thống đốc bang và chính trị gia đối lập đang thúc giục chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro lập kế hoạch tiêm chủng quốc gia. Việc Bolsonaro từng tuyên bố "sẽ không sử dụng vaccine Covid-19" làm dấy lên lo ngại hàng triệu người ủng hộ ông cũng sẽ không chịu tiêm, khiến Brazil không thể đạt được mục tiêu tối thiểu 70-75% dân số được tiêm chủng để ngăn đại dịch.

Pháp, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, báo cáo 2.230.571 ca nhiễm và 53.506 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 8.083 và 466 ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới tại Pháp dưới mức 10.000 người, điều chưa từng được ghi nhận kể từ giữa tháng 9, trong khi số ca nhập viện tiếp tục có xu hướng giảm.

Chính phủ đã nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc thứ hai vì Covid-19, được áp dụng từ ngày 30/10, với việc cho phép tất cả cửa hàng mở cửa trở lại vào cuối tuần. Các hoạt động tôn giáo trong nhà cũng được phép tổ chức trở lại, nhưng tín đồ chỉ được tập trung dưới 30 người bất kể quy mô của nhà thờ.

Anh báo cáo thêm 13.430 ca nhiễm và 603 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.643.086 và 59.051. Chính phủ Anh tái phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, áp đặt một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nước này từ sau Thế chiến II.

Quốc hội Anh hôm nay tiếp tục thông qua một kế hoạch kiểm soát Covid-19 cấp khu vực, buộc hơn 40% dân số phải chịu lệnh hạn chế khắt khe, bất chấp sự phản đối của hàng chục nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson.

Đức ghi nhận 14.156 ca nhiễm và 329 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.069.763 và 16.862. Các cuộc tụ tập riêng tư bị giới hạn xuống còn 5 người từ ngày 1/12, số lượng khách được vào các cửa hàng cũng giảm xuống. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng nước này có thể bắt đầu tiêm chủng muộn nhất vào tháng một năm sau.

Phản ứng của Đức trước làn sóng Covid-19 đầu tiên được đánh giá cao, nhưng sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch khi làn sóng thứ hai tấn công châu Âu, số ca nhiễm được ghi nhận khá đáng kể. Bên cạnh đó, đông đảo người dân trở nên tức giận vì những lệnh hạn chế, dẫn đến các cuộc biểu tình.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 26.402 ca nhiễm nCoV và 569 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.322.056 và 40.464. Anna Popova, giám đốc Cơ quan Giám sát Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng và Nhân quyền Liên bang Nga (Rospotrebnadzor), hôm qua cho biết tình hình dịch tại nước này đang có xu hướng chậm lại.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho hay đại dịch vẫn khá nghiêm trọng tại nhiều vùng trên cả nước, đáng lo ngại nhất là Kaliningrad và St Peterburg. Thay vì áp dụng các lệnh phong tỏa trong làn sóng lây nhiễm thứ hai, Nga chọn phương án hạn chế theo từng khu vực.

Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 48.628 người chết, tăng 382, trong tổng số 975.951 ca nhiễm, tăng 13.881. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này tuần trước cho biết tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, với 89/160 thành phố đã được đưa khỏi danh sách những nơi có nguy cơ cao.

Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi cho hay mức độ tuân thủ các biện pháp phòng dịch của công chúng đã tăng lên 90%. Tuy nhiên, hầu hết văn phòng không thiết yếu của chính phủ vẫn bị đóng cửa nhằm ngăn virus lây lan. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết ông đã chỉ đạo Ngân hàng Trung ương nước này cấp ngân sách cần thiết để nhập khẩu vaccine Covid-19.

Sau một thời gian ổn định, Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 451 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 34.652, trong đó 526 trường hợp tử vong.

Giới chức Hàn Quốc hôm 29/11 cho biết Thủ tướng Chung Sye-kyun sẽ thảo luận với các quan chức y tế về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn để ngăn Covid-19. Trước đó, Thủ tướng Chung cảnh báo nếu tình trạng virus lây lan không được kiểm soát, số ca nhiễm mới hàng ngày có thể lên tới 1.000, dẫn đến nguy cơ thiếu giường bệnh.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 543.975 ca nhiễm, tăng 5.092, trong đó 17.081 người chết, tăng 136.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi giữa tháng 11 thông báo nước này dự định tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng 12, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Indonesia sẽ sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.

Philippines báo cáo 432.925 ca nhiễm và 8.418 ca tử vong, tăng lần lượt 1.298 và 27 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực. Quốc gia này đã ký hợp đồng mua 2,6 triệu liều vaccine Covid-19 do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca hợp tác nghiên cứu sản xuất.

Chính phủ Philippines trước đó từng đàm phán với một số nhà sản xuất vaccine Covid-19 tiềm năng, đến từ Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tổng thống Philippines Duterte hồi tháng 9 cho biết sẽ ưu tiên mua vaccine Covid-19 do Nga và Trung Quốc sản xuất, bởi họ không yêu cầu tiền đặt trước.

Trong cuộc họp báo hôm 30/11, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết thế giới có nguy cơ đối mặt những đại dịch khác trong tương lai nếu "lãng quên" và không rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng Covid-19.

"Tôi từng chứng kiến sự lãng quên sau khi một sự việc đau thương trôi qua. Điều đó có thể hiểu được. Nhưng nếu chúng ta lại làm vậy, như sau dịch SARS, H5N1, H1N1, nếu chúng ta tiếp tục phớt lờ thực tế về nguy cơ từ những mầm bệnh nguy hiểm đang trỗi dậy, chúng ta có khả năng phải trải qua tình huống tương tự, hoặc tồi tệ hơn, một lần nữa", Ryan cảnh báo.

Ánh Ngọc (Theo Reuters, AFP, Worldometers)

Hơn 63,5 triệu ca nCoV toàn cầu, WHO hứa tìm nguồn gốc Covid-19 Hơn 63,5 triệu ca nCoV toàn cầu, WHO hứa tìm nguồn gốc Covid-19

Toàn cầu ghi nhận hơn 63,5 triệu người nhiễm nCoV, trong đó 1,4 triệu người đã chết, WHO cam kết "làm mọi thứ" để tìm ...

/ vnexpress.net