Học sinh học online suốt ngày, điện thoại nóng ran, mắt đỏ hoe

Một ngày phải học 8 - 10 tiết, mỗi tiết kéo dài đến 45 phút khiến học sinh mệt mỏi.

Nhiều tỉnh thành trên cả nước đã triển khai dạy học online được khoảng 2 tháng. Việc dạy học online còn những khó khăn như đường truyền Internet không ổn định, giáo viên hạn chế trong việc kiểm tra giám sát học sinh… nhưng bất cập nhất là học kéo dài, có khi từ sáng đến tối, khiến thầy trò rã rời.

Dạy học online kiểu hành xác

Nhiều trường học ở TP.HCM dạy học “trực tuyến hóa” trực tiếp, thời gian học kéo dài lê thê làm tiết học thêm nặng nề, căng thẳng. Nhiều trường vẫn sắp xếp thời khóa biểu online giống như giờ học trực tiếp - ngày học 8 - 10 tiết, mỗi tiết kéo dài 45 phút.

Ở trường công lập, có trường sắp xếp buổi sáng học 4 tiết, từ 7h30 đến 11h, học sinh học xong 2 tiết (90 phút) thì được giải lao 30 phút. Đến chiều, các em học tiếp 3 tiết, từ 13h30 đến 16h05. Học sinh học xong 2 tiết thì nghỉ giữa giờ 20 phút rồi học tiếp.

Riêng học sinh cuối cấp, lớp 9 và lớp 12 còn phải học luyện thi ít nhất 2 tiết/môn, trung bình các em học thêm 3 môn rải đều cả tuần. Thời gian học tùy theo sự sắp xếp của giáo viên bộ môn, thường bắt đầu lúc 19h mỗi tối.

Cá biệt, ở trường tư thục, học sinh phải học 10 tiết kéo dài từ sáng đến tối. Buổi sáng học 4 tiết từ 7h30 đến 11h, buổi chiều cũng học 4 tiết từ 13h30 đến 16h50. Đến tối, học sinh lớp 12 còn phải học luyện thi thêm 2 tiết từ 19h đến 20h30 mới kết thúc một ngày học.

Một số học sinh lớp 12 trường THPT công lập ở TP.HCM nói rằng, các em thực sự mệt mỏi vì thời gian học onine quá dài. “Đa số chúng em đều học bằng điện thoại, ít bạn có máy tính bàn hay laptop. Em xem màn hình cả ngày với những dòng chữ trình chiếu nhỏ xíu rất nhức mắt. Nhiều lúc học xong, em soi gương thì thấy mắt đỏ kè như máu”, một em nói.

“Em vừa học vừa sạc điện thoại liên tục. Có khi em cầm vào điện thoại thì thấy nóng ran như sắp phát nổ. Em chỉ biết học theo thời khóa biểu có sẵn, không được có ý kiến gì”, học sinh lớp 12 một trường THPT tư thục ở TP.HCM chia sẻ.

Học sinh học online suốt ngày, điện thoại nóng ran, mắt đỏ hoe - 1
Học sinh học online. (Ảnh minh hoạ: Zing)

Hãy nói không với dạy thêm, tăng tiết online

Năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT yêu cầu giảm tải nội dung kiến thức ở các bậc học. Bộ GD&ĐT cũng tập huấn, hướng dẫn phương pháp dạy học online cho giáo viên. Ví dụ môn học 2 tiết/tuần thì giáo viên có thể dạy online 1 tiết, còn 1 tiết giao nhiệm vụ cho học sinh nghiên cứu bài, làm bài.

Bộ GD&ĐT cho phép các trường linh hoạt khi dạy học online, có thể giảm thời gian học từ 45 phút xuống còn 30 phút, tăng nghỉ giữa các tiết và giảm số tiết/buổi học so với dạy học trực tiếp. Thế nhưng, nhiều trường vẫn yêu cầu giáo viên phải dạy đủ số tiết, đúng giờ giấc máy móc.

Tôi tham gia dạy online cả trường công lập, tư thục và nhận thấy, học sinh phải học 8 tiết/ngày là không mấy hiệu quả. Trong tiết học, tôi thường yêu cầu học sinh tương tác nhưng khi gọi tên thì rất nhiều em miễn cưỡng trả lời cho xong. Thậm chí, một số học sinh còn lấy lí do hhỏng mic, mạng yếu… để không trả lời câu hỏi.

Nếu dạy học online khoa học, bài bản, mặt bằng chung học sinh tiếp nhận khoảng 60% phạm vi kiến thức là đạt yêu cầu. Giáo viên cần dạy những nội dung trọng tâm, chắt lọc, giao nhiệm vụ cho các em tự học – dĩ nhiên là có kiểm soát, đánh giá, thì dạy học online mới phát huy hiệu quả. Đặc biệt, nhà trường hãy nói không với với dạy thêm, tăng tiết online bởi nó chỉ làm khổ học sinh mà thôi.

Sau nhiều năm nghiên cứu, nhà tâm lí học Anders Ericsson chỉ ra rằng, người có năng suất làm việc cao nhất trong mọi lĩnh vực đều không thể duy trì làm việc sâu và tập trung quá 2h. Vậy nên, học sinh phải học online từ sáng đến tối vừa phi khoa học vừa là mối đe dọa sức khỏe không đáng có.

PHAN THẾ HOÀI

Trẻ bị ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần do học ở nhà quá lâu Trẻ bị ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần do học ở nhà quá lâu
Nghệ An: Học sinh lớp 5 tử vong do điện thoại phát nổ khi học online Nghệ An: Học sinh lớp 5 tử vong do điện thoại phát nổ khi học online
Dạy và học online: Làm sao để đánh giá thực chất? Dạy và học online: Làm sao để đánh giá thực chất?

/ vtc.vn