Hệ quả nếu Trump trở nặng vì Covid-19

Tổng thống Mỹ Trump có thể không đủ năng lực đảm nhận vai trò đến hết nhiệm kỳ và mất vị trí ứng viên để tái tranh cử, nếu sức khoẻ của ông diễn biến xấu do nCoV.

Ngày 2/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Nhà Trắng đến Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed với triệu chứng sốt nhẹ sau khi thông báo kết quả dương tính với nCoV. Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết Trump sẽ làm việc trong một phòng đặc biệt tại bệnh viện trong vài ngày tới như một biện pháp phòng ngừa.

Đánh giá về diễn biến này, giáo sư David Schultz, Khoa Khoa học Chính trị và Luật, Đại học Hamline, Mỹ, cho biết mọi người đều cầu mong Tổng thống Mỹ chóng khỏe, nhưng vẫn không thể loại trừ khả năng các triệu chứng của ông nặng lên, do Trump đã 74 tuổi, độ tuổi có nguy cơ cao đối với bệnh nhân Covid-19.

Bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley ngày 3/10 nói Trump đã dùng liều Remdesivir thứ hai mà không có biến chứng, "không sốt và không cần oxy bổ sung". Song Tổng thống "vẫn chưa hết nguy hiểm". Giới chuyên gia cho rằng 48 giờ tới sẽ rất quan trọng với Trump.

Theo giáo sư Schultz, nếu diễn biến sức khỏe của Trump trở nên phức tạp khiến ông không thể thực thi nhiệm vụ tổng thống của mình, các lãnh đạo và chính trị gia Mỹ sẽ phải giải quyết hai kịch bản.

Thứ nhất là nguy cơ Trump không thể đảm đương vai trò tổng thống đến hết tháng 1/2021. Theo Mục ba của Tu chính án thứ 25 trong Hiến pháp Mỹ, nếu tổng thống thông báo đến Chủ tịch Hạ viện (hiện là bà Nancy Pelosi) và chủ tịch lâm thời của Thượng viện (ông Chuck Grassley) rằng không thể đảm nhiệm vai trò của mình, thì phó tổng thống (Mike Pence) sẽ là quyền tổng thống.

Việc này sẽ được duy trì đến khi Trump báo với Pelosi và Grassley rằng ông có thể trở lại Nhà Trắng. "Giải pháp cho khả năng này dễ dàng hơn là xử lý hệ quả của kịch bản thứ hai", Schultz nói.

1542 do 2 1313 1601702231
Tổng thống Mỹ Trump chuẩn bị đến Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed hôm 2/10. Ảnh: Reuters.

Thứ hai, Trump có thể mất vị trí ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Nếu tổng thống đương nhiệm không thể tiếp tục tham gia tranh cử, Phó tổng thống Pence không tự động trở thành người thay thế ông cạnh tranh với ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử ngày 3/11.

Quy tắc số 9 năm 2016 của Uỷ ban Quốc gia đảng Cộng hoà (RNC) cho phép các bang thuộc RNC bỏ phiếu để chọn ra ứng viên khác, có thể là Pence hoặc một thành viên khác trong đảng.

Schultz cho rằng việc thay thế tên Trump trên phiếu bầu chỉ một tháng trước ngày bầu cử là rất phức tạp, thậm chí bất khả thi, khi các lá phiếu hiện đã được in và hàng triệu người đã bỏ phiếu vắng mặt hoặc qua email.

Bầu cử tổng thống Mỹ chỉ có thể được hoãn khi quốc hội Mỹ ban hành một đạo luật, trong khi quốc hội hiện nay sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 3/1/2021, còn nhiệm kỳ của tổng thống sẽ tự động chấm dứt vào ngày 20/1/2021, theo hiến pháp Mỹ.

Bên cạnh đó, hàng triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu và có thể bầu cho Trump. Các lá phiếu này không tự động được tính cho ứng viên mới của đảng Cộng hòa, mà tùy thuộc vào quy định bầu cử ở từng bang.

Schultz nhắc lại tình huống năm 2002, khi thượng nghị sĩ Paul Wellstone qua đời 11 ngày trước ngày bầu cử, khi ông đã có gần 25.000 lá phiếu. Toà án Tối cao bang Minnesota ra phán quyết rằng lá phiếu của Wellstone không được tự động chuyển cho người thay thế ông là Walter Mondale. Tuy nhiên, tòa án tối cao tại các bang khác của Mỹ có thể ra phán quyết trái ngược, tùy luật bầu cử của từng bang.

Trong trường hợp Trump không thể tiếp tục chạy đua tranh cử nhưng vẫn có tên trên lá phiếu, các đại cử tri sẽ đứng trước tình huống khó xử. Khi đó, họ vẫn có thể phải bầu cho Trump, tuy nhiên một số bang có điều luật về "đại cử tri bất tuân", buộc họ phải bỏ phiếu cho người giành được số phiếu phổ thông cao nhất tại bang mình đại diện.

Song vẫn có khả năng một số đại cử tri bỏ phiếu cho người khác, khiến cả ứng viên Cộng hoà lẫn Dân chủ đều không giành được 270 phiếu cần thiết để tuyên bố chiến thắng.

Trong trường hợp này, Hạ viện mới được bầu vào tháng 11 và bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày 3/1/2021 sẽ có quyền chọn tân tổng thống, theo Hiến pháp Mỹ. Khi đó, mỗi bang sẽ có một phiếu và tổng thống tiếp theo là người giành được đa số phiếu này.

Trump hôm qua đăng trên Twitter rằng "mọi việc vẫn ổn" và ông cũng đang được chăm sóc tại một trong những cơ sở y tế bậc nhất của Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng việc nhiễm Covid-19 chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực tái tranh cử của ông.

Trong khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang vào chặng nước rút, việc Tổng thống nhiễm nCoV khiến ông không thể thực hiện các cuộc vận động và các sự kiện lớn, vốn là trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử, theo Tiến sĩ Christopher Devine, Khoa khoa học chính trị, Đại học Dayton, Mỹ. Vì thế, Trump sẽ phải xúc tiến các kế hoạch tranh cử trực tuyến từ nơi ở hoặc một nơi cố định nào đó, giống như Biden đang thực hiện.

"Phương thức đó từng là điều Trump dùng để lên án Biden và ứng viên phó tổng thống Kamala Harris", Devine nói.

Đồng tình với ý kiến này, giáo sư David Dulio, Khoa khoa học chính trị, Đại học Oakland, Mỹ, cho hay Trump sẽ phải thay đổi phong cách tranh cử vì không thể có mặt trong các cuộc vận động tranh cử trong ít nhất 14 ngày tiếp theo.

Nếu Trump đủ sức tham gia cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai với Biden, Ủy ban Tranh luận Tổng thống có thể sẽ phải tính đến thay đổi hình thức "so găng". Giáo sư Mitchell McKinney, Đại học Missouri, hy vọng cuộc tranh luận thứ hai sẽ được cải thiện so với tranh luận đầu tiên hôm 29/9, khi có các đại diện cử tri nêu câu hỏi với hai ứng viên. Ông cho rằng việc lặp lại sự hỗn loạn trong tranh luận đầu tiên là điều "không thể chấp nhận được", vì người dân khó đưa ra lựa chọn tổng thống tương lai dựa trên chính sách của ứng viên.

Tiến sĩ Peter Wielhouwer, Đại học Western Michigan, đánh giá việc Trump phải cách ly do nhiễm nCoV khiến kế hoạch của ông bị chệch hướng vào thời điểm trọng yếu. Trump cũng có thể bị truyền thông tập trung chỉ trích về thái độ và các phát ngôn liên quan đến Covid-19. Nếu tổng thống đương nhiệm ốm nặng như Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải dùng máy thở), ông sẽ bị mất đi lá phiếu quan trọng của các cử tri độc lập.

Tác động tích cực duy nhất Trump có thể giành được là nhận được các lá phiếu "cảm thông" từ cử tri, theo giáo sư Judith Kelley, Hiệu trưởng trường Chính sách công Duke Sanford, Mỹ. Tuy nhiên, bà cho rằng hầu hết cử tri sẽ lo lắng khi ủng hộ một ứng viên bị ốm nặng.

Giáo sư Alan Schroeder, Đại học Northeastern, cho rằng hiện vẫn còn sớm để đánh giá tác động Trump nhiễm nCoV với cuộc bầu cử. "Nó phụ thuộc vào việc Trump tiếp tục đảm đương vị trí hiện nay hay sẽ ốm nặng hơn", Schroeder nói.

Trong trường hợp Trump có tiến triển tích cực về sức khoẻ, bầu cử tổng thống Mỹ năm nay có thể gặp phải nguy cơ khác là không có ngay kết quả vào ngày 3/11.

"Khả năng này là rất cao", Tiến sĩ Devine ở Đại học Dayton nói.

Ông cho hay nguyên nhân là nhiều cử tri bỏ phiếu qua thư và chúng có thể không đến kịp, một số bang cũng không thể kiểm phiếu trước ngày bầu cử theo luật bầu cử của bang.

Ngoài ra, nếu có khiếu kiện về phiếu bầu, toà án sẽ phải xem xét hàng tuần để đưa ra quyết định cuối cùng. Hệ quả là ứng viên tuyên bố chiến thắng trong đêm bầu cử có thể bị đảo ngược kết quả sau đó.

Theo Tiến sĩ Wielhouwer, chiến dịch tranh cử của Trump có thể kiện các bang về quy trình kiểm phiếu bầu qua thư, đặc biệt là ở những bang chủ chốt. Điều đó sẽ làm chậm tiến độ công bố kết quả bầu cử.

Giáo sư Schultz đánh giá Mỹ đang ở trong thời điểm lịch sử chưa từng có, với nhiều biến động. "Điều này không có nghĩa Mỹ đang đối diện một cuộc khủng hoảng, nhưng có thể các quy định hiện nay không thể giải quyết được hết những tình huống bất ngờ", ông nói.

Trump: Tôi sẽ sớm trở lại Trump: Tôi sẽ sớm trở lại

Trump đăng video từ Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed, nơi ông đang điều trị Covid-19, tuyên bố sẽ "sớm trở lại".

Kịch bản bầu cử Mỹ khi Trump mắc COVID-19: Khó đoán định Kịch bản bầu cử Mỹ khi Trump mắc COVID-19: Khó đoán định

Việc ông Trump mắc bệnh sẽ hữu ích, làm tổn thương hay không ảnh hưởng gì tới chiến dịch tranh cử của đương kim Tổng ...

/ vnexpress.net