Hành trình lên Tây Bắc và câu chuyện bị vợ con "cấm cản" của ông Đoàn Ngọc Hải

Ông Đoàn Ngọc Hải chia sẻ, lúc đầu vợ con không đồng tình việc làm của ông, nhưng sau biết tính ông "ngang" muốn làm theo ý mình nên gia đình buộc phải chiều theo.

Hành trình lên Tây Bắc và câu chuyện bị vợ con 'cấm cản' của ông Đoàn Ngọc Hải - 1

15h20 ngày 7/9 tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hình ảnh người đàn ông hơn 50 tuổi, da rám nắng, đi dép tổ ong, áo sơ mi trắng cạnh xe cứu thương biển số TP.HCM với dòng chữ "Xe chở bệnh nhân nghèo về quê miễn phí" khiến nhiều người chú ý.

Nhiều người nhận ra đó là ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch quận 1, TP.HCM), người từng nổi tiếng với "chiến dịch" giành lại vỉa hè ở TP.HCM cách đây hai năm. Ông Hải đến bệnh viện từ 14h. Chiếc xe cứu thương được ông vệ sinh sạch sẽ để chờ đưa người bệnh về Sơn La.

Vừa sắp xếp đồ đạc, ông vừa nói: “Bệnh viện có gửi tặng tôi mấy thùng sữa gạo để dùng. Tôi không nhận nhưng các bác sĩ nhiệt tình quá. Thôi thì cho lên xe gửi biếu bệnh nhân nghèo”.

Thi thoảng lại có người nhận ra gương mặt thân quen của nguyên Phó chủ tịch UBND quận 1 rồi tiến đến xin chụp hình lưu niệm. Mỗi lần như vậy ông Hải vui vẻ nhận lời. “Nếu mình không đồng ý, họ tưởng mình nhà giàu sang chảnh. Bận mấy thì bận, mệt mấy thì mệt, bà con quan tâm là tôi thấy vui lắm rồi", ông nói.

Hành trình lên Tây Bắc và câu chuyện bị vợ con 'cấm cản' của ông Đoàn Ngọc Hải - 2
Phóng viên và ông Hải trò chuyện với nhau qua tấm kính ngăn cách giữa khoang lái xe và bệnh nhân.

Đây là chuyến thứ 6 ông Hải tự lái xe đưa miễn phí bệnh nhân người nghèo về nhà.

Tất cả việc làm trên ông không muốn ai biết. Vì vậy phóng viên phải nhờ mối quan hệ thân thiết ở trường Đại học Y Hà Nội mới được ông Hải đồng ý cho đi cùng chuyến xe lần này. Dù vậy ông nhắc đi nhắc lại sẽ "không trả lời phỏng vấn".

16h45, bệnh nhi Thào A Thình cùng bố là Thào A Chầu và mẹ Sòng Thị Sao được các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn làm các thủ tục ra viện. Thào A Thình mới hai tuổi, được xác định mắc bệnh rối loạn đông máu. Hoàn cảnh gia đình bệnh nhi rất khó khăn.

Lúc này ông Hải đến hỏi thăm và trao tặng 1 triệu đồng mà bạn ông gửi tặng. Ngoài ra, bệnh viện cũng tặng gia đình bệnh nhân quần áo, khẩu trang trước khi ra viện.

17h20 xe cứu thương chở bệnh nhân nghèo về quê rời Bệnh viện Nhi về xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Phóng viên được ông Hải đề nghị ngồi cùng bệnh nhân, có thể ông muốn chắc chắn việc "không bị phỏng vấn".

Đi được một đoạn, thấy hai vợ chồng anh Chầu liên tục say xe và bị nôn, ông Hải dừng xe lấy túi bóng và không quên nhắc: “Nếu cháu ốm, đau đầu có thể dùng thuốc panadol. Chú lúc nào cũng để thuốc trên xe. Bên cạnh hông xe có bánh và nước uống cần thì cứ lấy mà ăn, không phải ngại”.

Hành trình lên Tây Bắc và câu chuyện bị vợ con 'cấm cản' của ông Đoàn Ngọc Hải - 3

Ngoài việc thường xuyên hỏi thăm sức khỏe mọi người thì trong chặng đường gần 300 km, ông Đoàn Ngọc Hải chỉ chia sẻ một chút về công việc cũ, việc đang làm và cả gia đình. Cuộc trò chuyện giữa phóng viên, người nhà bệnh nhân và ông trở nên rất khó khăn bởi... tấm kính.

Khoang buồng lái với khoang bệnh nhân được ngăn cách bởi một tấm kính đó. Muốn nói chuyện, mọi người phải gõ vào tấm kính để thông báo và nói rất to.

Dọc đường đi, ông Đoàn Ngọc Hải tâm sự bản thân ông thực hiện các chuyến xe cứu thương miễn phí không phải để nổi tiếng. Ông chỉ có suy nghĩ muốn giúp người nghèo, và ông thấy vui vì điều đó.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi các tình huống giao thông trên cung đường Tây Bắc ngoằn nghèo, nguy hiểm.

Hành trình lên Tây Bắc và câu chuyện bị vợ con 'cấm cản' của ông Đoàn Ngọc Hải - 4

Xe đi đến khu vực Hòa Bình, sau khi nhận cuộc điện thoại của vợ, ông Hải gõ vào tấm kính rồi nói to: "Gia đình lo lắng lắm nên thường xuyên gọi điện, đơn giản chỉ là chuyện đi đường dài như thế này ăn ở ngủ nghỉ thế nào, vì tôi chạy xe 10 ngày liên tiếp".

Ông Hải bộc bạch, ông tính chở xong chuyến này sẽ về Hà Nội chở thêm 1 chuyến ở Viện Nhi hoặc viện K nữa sẽ về TP.HCM. Ban đầu vợ con không đồng tình việc làm của ông, nhưng sau biết tính ông "ngang" muốn làm theo ý mình nên gia đình buộc phải "chiều" ý ông. Đến giờ gia đình luôn cổ vũ động viên những việc ông làm.

Càng tiếp xúc nói chuyện, ông Hải dần cởi mở hơn. “Hàng xóm, họ hàng, cứ tra tấn mẹ tôi với câu nói như, Hải nó đi như thế này thì chết, là mẹ tôi lại bực. Họ cứ nói những chuyện không hay đến với mẹ tôi, toàn chuyện tiêu cực khiến cụ hoảng loạn, lo lắng cho con. Tâm lý người mẹ ai cũng thế”, ông Hải chia sẻ và nhận định: “Họ cũng suy nghĩ không đúng về làm từ thiện, đã làm từ thiện thì đừng sợ mà đã sợ thì đừng làm”.

Vì sở thích thích phiêu du một mình, nên ông chưa muốn thêm người đồng hành trên các chuyến đi chở bệnh nhân miễn phí. Điều ông lo lắng hơn cả là việc lái xe rất nguy hiểm nên ông sợ liên lụy đến họ. Thấy việc làm ý nghĩa của ông Hải, nhiều người gọi điện nhắn tin sẽ đi cùng để giúp đỡ, có người gửi quà và tiền hỗ trợ nhưng ông không nhận.

Hành trình lên Tây Bắc và câu chuyện bị vợ con 'cấm cản' của ông Đoàn Ngọc Hải - 5

Chạy xe đường dài thi thoảng ông dừng xe nghỉ chân vì lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ bệnh nhi. Tại thị trấn Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, lần hiếm hoi ông Hải thoải mái chia sẻ về công việc đang làm.

Ông nói làm việc thiện từ khi còn đương chức chứ không phải đến giờ mới làm. Khi còn làm Phó Chủ tịch UBND quận 1 ông từng gửi 250 triệu đồng cho Ủy ban Mặt trận tổ quốc quận góp để xây dựng 5 căn nhà tình nghĩa.

Người đàn ông này cũng đang nuôi cậu bé tên Nhân, quê Hà Tĩnh do bố mẹ qua đời khi bé còn nhỏ. Giờ cậu bé ấy đang học Đại học Luật.

Hành trình lên Tây Bắc và câu chuyện bị vợ con 'cấm cản' của ông Đoàn Ngọc Hải - 6

Uống ngụm nước, hướng mắt về xe cứu thương, ông Hải nói mới mua chiếc xe được 10 ngày với giá hơn 700 triệu đồng. Xe nhập nguyên chiếc từ Hàn Quốc.

"Thật ra tôi vay tiền của một người bạn để mua, trước đó tôi bỏ số tiền lớn để xây căn nhà cho người vô gia cư. Tôi tính sẽ bán chiếc xe Camry cá nhân để trả khoản nợ", ông Hải nói.

Sắp tới ông sẽ cùng một đơn vị thực hiện dự án xây nhà cho người nghèo khắp 3 miền Bắc Trung Nam, trong đó ưu tiên nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Hơn 5 tiếng đồng hồ với các cung đường núi hiểm trở, dù bản thân thấm mệt, nhưng trên xe ông Hải thường xuyên gõ tấm kính để hỏi thăm sức khỏe gia đình bệnh nhân.

22h30, chuyến xe của ông Hải dừng trước nhà anh Thào A Chầu ở Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La. Một ngôi nhà cấp 4 nằm lọt thỏm bên sườn đồi. Ngoài cửa, nhiều người thân đã đứng đón cháu Thào A Thình và vợ chồng Thào A Chầu cùng “khách quý”.

“Khi được chính bác Hải lái xe chở vợ chồng và cháu về, chúng tôi vui lắm. Không biết nói gì hơn ngoài 2 từ cảm ơn bác ấy”, anh Thào A Chầu nói.

Hành trình lên Tây Bắc và câu chuyện bị vợ con 'cấm cản' của ông Đoàn Ngọc Hải - 7
Ông Đoàn Ngọc Hải vào nhà thăm hỏi gia đình Thào A Chầu.

Ở đây, họ cũng chẳng biết ông Đoàn Ngọc Hải là ai, họ chỉ biết ông là người tình nguyện đưa con, cháu họ về đến nhà an toàn. Với người dân ở đây ti vi cũng là thứ xa xỉ, đã vậy nó cũng hỏng cách đây một tuần nên họ không có nhiều thông tin liên quan đến người "tài xế" này.

Ngồi uống nước một chút, ông Hải xin phép gia đình ra về, bởi ông còn dự định đón bệnh nhân khác vào ngày 10/9. Trước khi về ông tặng cháu bé 1 triệu đồng cùng lời chúc cháu mau khỏi bệnh. Ông còn dặn nếu không có gì thay đổi có thể tháng 12 tới ông sẽ quay lại để đón gia đình đến Bệnh viện Nhi khám lại.

Anh Chầu và người thân rối rít cảm ơn vị “khách quý”. Ông Hải nở nụ cười tươi vẫy tay chào tạm biệt mọi người. Chiếc xe cứu thương lại lao vút đi trong đêm để đến với những hoàn cảnh khó khăn khác.

Hành trình lên Tây Bắc và câu chuyện bị vợ con 'cấm cản' của ông Đoàn Ngọc Hải - 8

23h30, do quãng đường về Hà Nội khá xa nên ông Hải tìm nhà nghỉ ven đường ở thị trấn Mộc Châu. 5h30 hôm sau, ông Hải dậy sớm chạy bộ 5km ở thị trấn. Ông vừa cười vừa nói đó là lý do ở tuổi này ông vẫn có sức khỏe tốt để lái xe đường dài như vậy.

Khi biết sự xuất hiện của ông Hải ở thị trấn Mộc Châu, nhiều người đến xin chụp ảnh kỷ niệm, bắt tay. Họ biết ông khi còn là Phó chủ tịch UBND quận 1. Còn giờ họ ân cần hỏi thăm ông khi là người lái xe cứu thương miễn phí chở bệnh nhân nghèo về quê.

Trong suốt quá trình di chuyển gần 600km cả đi cả về, ông Hải nhận được sự quan tâm của nhiều người, trong đó có cả thành viên hội lái xe tại các tỉnh thành. Khi thấy xe ông Đoàn Ngọc Hải các lái xe nháy đèn pha liên tục như để chào ông, đồng thời nhường đường để xe cứu thương đi.

Thậm chí có thành viên của Hội lái xe Mộc Châu đến thăm hỏi và mời ông ở lại để giao lưu. Ông Hải từ chối.

"Chúng cháu rất khâm phục chú", anh Trương Thanh Minh, thành viên Hội lái xe 26 Sơn La xúc động nói.

Hành trình lên Tây Bắc và câu chuyện bị vợ con 'cấm cản' của ông Đoàn Ngọc Hải - 9
Giấc ngủ vội vàng trên vô lăng của ông Đoàn Ngọc Hải.

Đến trạm thu phí cao tốc Hà Nội – Hòa Bình vào buổi trưa, xe cứu thương dừng lại ven đường. Thấm mệt sau hành trình dài, ông Hải tranh thủ chợp mắt khoảng 20 phút. Sau đó, xe lại lăn bánh về với hành trình đón những người bệnh nhân nghèo về quê.

Thay vì giường ấm, đệm êm, ông Hải chọn bữa cơm đường, cháo chợ, giấc ngủ vội vàng trên vô lăng, đúng như ông từng chia sẻ "đói ăn, khát uống, mệt ngủ liền”.

Kết thúc 10 ngày (28/8 - 8/9) hành trình đưa người nghèo về quê miễn phí, xe của ông Hải đi được hơn 3.000km. Trên hành trình đó ông đã giúp 6 bệnh nhân về đến nhà an toàn và hỗ trợ tiền để họ vượt qua lúc khốn khó. Và ông luôn khẳng định sẽ làm việc này đến khi chân tay bủn rủn, đến khi không đủ sức chạy xe nữa thì mới nghỉ.

Lời khuyên giúp ông Đoàn Ngọc Hải nhanh bán đồ siêu sang Lời khuyên giúp ông Đoàn Ngọc Hải nhanh bán đồ siêu sang
Đồng hồ Patek Philippe của ông Đoàn Ngọc Hải có gì đặc biệt mà bán giá tiền tỷ? Đồng hồ Patek Philippe của ông Đoàn Ngọc Hải có gì đặc biệt mà bán giá tiền tỷ?
Ông Đoàn Ngọc Hải bán đồ siêu sang: Nên đấu giá! Ông Đoàn Ngọc Hải bán đồ siêu sang: Nên đấu giá!

/ vtc.vn