Hai năm hồi sinh của người phụ nữ bị chồng thiêu sống

Thoát chết sau khi bị chồng tưới xăng đốt, Kim Ngân bị bỏng 92% cơ thể nhưng hai năm qua, cô đã từng bước vượt qua mọi thử thách, xây lại cuộc sống mới.

Sáng sớm ngày cuối tuần, chị Lê Thị Kim Ngân, 34 tuổi, dậy sớm để ra chợ mua chút đồ cúng chuẩn bị cho lễ khai trương cửa tiệm. Thấy mẹ thay bộ đồ mới, hai cậu con trai cũng đòi ra chợ cùng. Ngồi trên xe, ôm chặt mẹ, cậu bé 8 tuổi thì thầm: "Con thích mẹ mặc đồ đẹp như thế này. Nhìn mẹ đẹp như ngày xưa".

Thở một hơi dài, Ngân mỉm cười, mắt bỗng đỏ khoe khi nhớ lại tiếng bật lửa trên tay chồng cũng vào một đêm tháng 3 hai năm trước. Khi đó, giữa lúc bị bệnh lao phổi nặng lại bị chủ nợ đòi tiền thua cá độ bóng đá, chồng Ngân nghĩ quẩn, dùng xăng cố ý thiêu rụi căn nhà, cùng vợ con con quyên sinh.

2132 5

Ngân cho biết, quyết định rời quê cùng hai con tự lập ở Sài Gòn là quyết định đúng đắn, sáng suốt của mình. Ảnh: Diệp Phan.

Trong biển lửa, Ngân vẫn tỉnh táo để tìm chìa khóa mở cửa, kéo hai con ra khỏi nhà, chạy sang gửi hàng xóm. Khi lớp quần áo trên người cháy sạch, cô chỉ kịp dặn hai con vài câu rồi ngất lịm. Lúc đó, Ngân nghĩ mình sẽ chết nhưng có lẽ "trời thương" nên người phụ nữ sống sót một cách thần kỳ dù bị bỏng 92% cơ thể.

Sau vụ Ngân được chuyển từ Phú Yên vào Sài Gòn điều trị. Suốt 10 ngày đầu, Ngân nằm bất động trên giường, toàn thân băng kín mít, chỉ chừa đôi mắt đã mờ đục. Suốt một tháng nằm viện, hầu như đêm nào cô cũng mơ về khung cảnh căn nhà cháy rụi đêm đó.

Xuất viện, người nhà đóng một thanh sắt sát tường để cô vịn vào, bắt đầu tập đi từng bước như đứa trẻ. Nhiều lần ngã nhưng chẳng có ai đỡ, vết thương khắp người vẫn rỉ máu, đụng vào chỗ nào cũng đau, Ngân chỉ còn cách tự mình chồm dậy. Những ngày đau đớn này khiến Ngân nhiều lần nghĩ đến việc kết thúc đời mình, nhưng sâu trong lòng, cô vẫn gượng sống để chờ đến ngày gặp lại người chồng hỏi một câu: "Em có lỗi gì, sao anh lại làm như thế?"

Suốt bốn tháng đầu, mọi sinh hoạt của Ngân đều phải nhờ người thân. Hai cậu con trai đứa 9 tuổi, đứa 6 tuổi cũng tập đi chợ, nấu những món đơn giản giúp mẹ. Nhiều lần, cả hai cùng nhau đỡ mẹ đi vệ sinh. Lần đầu tiên kể từ vụ cháy, Ngân tập tễnh bước được một đoạn ngắn đúng lúc hai con vừa đi học về. Tụi nhỏ quăng balo xuống đất, chạy vào ôm mẹ reo mừng. "Sau mấy tháng trời, lần đầu tiên tôi thấy con mình vui đến thế. Tôi bỗng thèm sống, thèm được khỏe lại để làm chỗ dựa cho hai con", Ngân hồi tưởng.

Ngày vào trại giam thăm chồng, Ngân thấy chồng cũng bị bỏng. Người đàn ông cúi mặt khóc, không dám nhìn vào mắt cô. Lúc đó, những oán hận bấy lâu bỗng tan biến. "Nếu đôi tay cứ nắm chặt nỗi đau này, người sẽ mệt mỏi lắm. Hay mình thử buông bớt, để dành nắm lấy con, nắm lấy những niềm vui khác", Ngân nghĩ. Hôm sau, cô âm thầm làm đơn xin giảm án cho chồng, dù gia đình muốn người đàn ông này phải chịu hình phạt cao nhất.

Ngày ra tòa, với tờ đơn xin giảm nhẹ của Ngân, chồng cô chỉ chịu 16 năm tù. Đêm hôm sau, lòng Ngân nhẹ nhõm, cô ngủ ngon, không còn nằm mơ về biển lửa.

Sợ ảnh hưởng đến tâm lý hai con, muốn bản thân thanh thản hơn, Ngân quyết định đưa con đi tạo lập cuộc sống mới. Khuya 27 Tết năm 2020, ba mẹ con ra quốc lộ, đón xe đò vào Sài Gòn.

"Dưới ánh đèn đường, mưa lất phất, nhìn hai con ngủ gục cạnh vali tôi chợt nhớ về ngày mình vào Sài Gòn ở đợ năm 11 tuổi, cũng khung cảnh y như thế này. Từ một đứa trẻ ở đợ, tôi trở thành một thợ may rồi một bà chủ tiệm quần áo, hai tiệm Internet, mua được đất, dựng nhà. Tôi nghĩ chỉ cần mình khỏe, mình nhất định sẽ tìm lại được những gì đã mất", bà mẹ hai con trải lòng.

Ăn Tết xong, Ngân xin cho hai con đi học, còn mình thì xin làm ở một xưởng may gần nhà. Dưới cái nắng đầu hè trùm lên mái tôn, trong xưởng may, những vết sẹo chi chít khiến cơ thể Ngân nóng ran, ngứa ngáy khi lớp da non chưa lành hẳn. Sau một tháng, cô xin nhận hàng về may tại nhà. Nhưng đôi tay bị co rút vết bỏng nên suốt tháng đầu, cô phải xoay sở học cách điều khiển máy may với đôi tay cứng đờ nên tiền công không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Cố để con không bị đói, Ngân làm việc đến tận khuya. Cô cũng bắt đầu bán thêm vé máy bay, bán hàng online.

Sau 7 lần phẫu thuật và cũng bởi thường xuyên vận động nên cơ thể Ngân bớt co rút, cử động linh hoạt hơn. Thấy nhiều người lên Facebook vừa hát vừa quảng cáo bán hàng, cô rủ thêm vài người bạn khiếm thị hát hay, đến live stream, vừa hát vừa quảng cáo bán sản phẩm. Nhưng mọi việc chẳng dễ dàng. Có nhiều ngày, họ hát suốt mấy tiếng, trò chuyện tư vấn nhưng chẳng bán được sản phẩm nào. Đã thế, nhiều người còn ác ý bình luận: "Mặt mày thế kia mà còn lên mạng hát hò".

"Trước đây tôi có tất cả nhưng trong một giây tôi mất trắng. Chết đi sống lại, tôi thấy cuộc sống vô thường lắm nên những bình luận đó không làm tôi buồn. Tôi thấy thương, đồng cảm hơn với những người bạn khuyết tật của mình", Ngân chia sẻ.

Thấy Ngân live stream bán hàng, có người thương cảm ngỏ ý tặng tiền nhưng cô từ chối, nói: "Chị mua hàng em có động lực làm việc hơn chứ cho tiền em xài cũng hết".

2206 6

Kim Ngân cùng hai con trước cửa tiệm ngày khai trương. Ảnh: Diệp Phan.

Khoảng nửa năm nay, cuộc sống của cô ổn hơn nhờ thu nhập từ việc may đồ và một lượng khách hàng online ổn định. Ngân quyết định mở một cửa tiệm. Mặt bằng nhỏ ở số nhà 15 trên quốc lộ 22, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi hơn chục mét vuông chỉ đủ đặt vài chiếc kệ trưng bày những sản phẩm dầu xoa bóp, tinh dầu và chiếc máy may, nhưng cô vẫn bảo hai con chuẩn bị một thùng nước miễn phí đặt bên hiên để giúp đỡ những người nhặt ve chai, bán vé số đỡ cơn khát.

"Cửa tiệm này là bước đệm để thêm thời gian nữa, tôi sẽ rủ những người bạn khuyết tật, khiếm thị của mình về đây làm nghề xoa bóp. Bạn nào hát hay sẽ lên live stream bán sản phẩm", Ngân cho biết.

Kim Anh, 29 tuổi, quê Đồng Nai, cũng là một người bị bỏng nặng nằm chung phòng với Ngân suốt gần một tháng cho biết: "Tôi còn nhớ chị Ngân kiên cường lắm, chị chỉ òa khóc một lần khi bác sĩ lấy ven truyền nước ở đầu ngón chân cái vì trên cơ thể không còn chỗ nào lấy được. Mấy tháng trước, tình cờ thấy chị hát trên Facebook tôi khóc vì vui mừng khi biết chị vẫn còn sống, có cuộc sống mới vui vẻ bên hai con. Thấy chị, tôi lại tự thấy mình thật vô dụng, tôi có gia đình bên cạnh nhưng hai năm qua tôi chưa vẫn chưa dám đi ra đường".

Tuy bận rộn với công việc bán hàng nhưng Ngân vẫn thường dẫn hai con đến thăm các mái ấm, nơi có những đứa trẻ khuyết tật bị bỏ rơi. Kết nối với những người bạn cũng bị bỏng như mình, cô hướng dẫn, thậm chí gác hẳn công việc dẫn họ đến bệnh viện tìm đến những chương trình phẫu thuật miễn phí, truyền động lực tích cực đến mọi người.

Một lần nghe cậu con trai út tâm sự rằng muốn sau này ba mẹ con sẽ về quê sống. Trong đầu Ngân bật lên suy nghĩ, thay vì trốn tránh và ngột thở khi nhìn lại những mảng tường cháy xém trong căn nhà cũ, tại sao mình không cố gắng làm việc để sau này có thể trở về gầy dựng lại tiệm internet, tiệm quần áo như xưa.

"Bây giờ tôi xấu hơn, làm chậm chạp hơn nhưng miễn là còn lao động được thì nhất định một ngày tôi sẽ có lại được những gì mình đã mất", Ngân nói.

Diệp Phan

Cuộc hôn nhân địa ngục của sao nữ Trung Quốc bị chồng cũ thiêu sống Cuộc hôn nhân địa ngục của sao nữ Trung Quốc bị chồng cũ thiêu sống
Thái Bình: Chồng tẩm hóa chất Thái Bình: Chồng tẩm hóa chất "lạ" thiêu sống vợ rồi đến công an tự thú

/ vnexpress.net