Hai bước ngoặt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có hai công trình đáng được coi là bước ngoặt, đó là công trình tìm ra dầu, khai thác thương mại hiệu quả ở tầng đá móng và công trình khai thác khí ở mỏ Hải Thạch-Mộc Tinh.

1 - Ngày 6 tháng 9 năm 1988, tại giếng khoan BH-1, các nhà khoa học của Liên Xô và Việt Nam tại Liên doanh Vietsovpetro (VSP) đã tìm ra dầu ở tầng đá móng.

Việc tìm ra dầu ở tầng đá móng không chỉ cứu cho nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi những khó khăn chồng chất ngày đó; tạo nền móng cho sự phát triển bền vững của VSP mà còn góp phần làm thay đổi phương pháp luận về cấu tạo mỏ dầu trên thế giới. Bởi lẽ, trước đó một số quốc gia đã có tìm thấy dầu ở tầng đá móng nhưng trữ lượng cực kỳ thấp và không thể khai thác được cho nên chẳng ai nghĩ đến chuyện thăm dò tìm kiếm dầu ở tầng đá móng.

Nhưng với những nhà khoa học Việt Nam và Liên Xô ở VSP ngày ấy, trước tình trạng một loạt các giếng dầu bị giảm sản lượng; trước tình thế liên doanh VSP có khả năng phải thu hẹp quy mô sản xuất thậm chí đã bàn đến phương án giải thể thì đã quyết tâm tìm tòi để giải đáp một câu hỏi: Về lý thuyết là ở dưới đáy biển thuộc vùng biển chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam mà cụ thể ở khu vực mỏ Bạch Hổ là có dầu… Nhưng tại sao các giếng khi khoan thì có dầu nhưng chỉ được vài ba tháng là dòng dầu cạn với tốc độ nhanh chóng thậm chí có giếng chỉ cho sản lượng 100 tấn/ngày.

hai buoc ngoat cua tap doan dau khi viet nam

Những giàn khoan khai thác dầu khí ngoài khơi biển Việt Nam.

Vậy thì dầu đi đâu? Bằng những nghiên cứu rất khoa học và với một sự suy đoán, các nhà khoa học cho rằng dầu sẽ chứa đâu đó trong tầng đá móng và ở các kẽ nứt nẻ. Chính vì vậy mà bất chấp sự phản đối của một số chuyên gia và cả các nhà lãnh đạo của Liên Xô, VSP vẫn quyết định cho khoan tiếp ở giếng BH-1 sâu hẳn vào tầng đá móng. Và kết quả thật bất ngờ, chính trong tầng đá móng này đã cho một trữ lượng dầu lớn với áp suất cực mạnh.

Nói thì đơn giản là như vậy nhưng thực ra các nhà khoa học đã phải xây dựng mới cả một quy trình và phương pháp luận về khai thác dầu trong tầng đá móng. Và trong đó có những giải pháp cực kỳ sáng tạo như bơm ép nước để đẩy dầu về giếng. Trên thế giới người ta không ai đi bơm nước vào mỏ dầu mà dùng khí đồng hành thu được bơm ngược trở lại tạo áp suất. Bơm ép nước nếu không cẩn thận nước bị lẫn vào dầu thì việc xử lý tách nước sẽ cực kỳ tốn kém. Nhưng nếu dùng khí đồng hành bơm ngược trở lại thì anh em lại “tiếc của”, bởi lẽ chúng ta đang rất cần khí đốt. Chính vì vậy các nhà khoa học của VSP đã nghĩ ra cách bơm ép nước, nước biển phải lọc thành nước ngọt có độ tinh khiết rất cao sau đó bơm ngược trở lại vào vỉa dầu; dòng nước sẽ tạo áp lực đẩy dầu dồn về giếng, nói thì dễ nhưng bơm bao nhiêu, tốc độ bơm, áp lực dòng nước… như thế nào là cả một sự tính toán cẩn trọng và hết sức khoa học. Cho đến nay, việc khai thác dầu ở các tầng đá móng đã chiếm hơn 80% sản lượng khai thác của PVN là khoảng 230 triệu tấn, cộng vào đó là 30 tỉ mét khối khí đồng hành thu gom được và 5 triệu tấn condensate... Giá trị, số lượng dầu và khí đã khai thác được ở tầng đá móng là khoảng 70 tỷ đô la.

Năm 2012 công trình Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các mỏ dầu trong đá móng nứt nẻ - hang hốc trước Đệ Tam-thành tựu khoa học và công nghệ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật.

Bây giờ, trước tình trạng nhiều giếng dầu đã cạn kiệt dần bởi khai thác đã hơn 30 năm cho nên PVN đang phải khai thác theo kiểu “mót khoai”. Nhưng với tính toán của các nhà khoa học PVN thì lượng dầu chứa trong tầng đá móng vẫn còn khoảng hơn 30% nữa mà chúng ta chưa khai thác được. (Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay PVN đang khai thác dầu với hệ số thu hồi dầu cao nhất thế giới là khoảng 40% (trên thế giới khoảng 28-30%). Chính vì vậy mà các nhà khoa học ở PVN đang dốc sức tìm kiếm xây dựng một phương pháp luận mới về khai thác dầu trong tầng đá móng, trước kia là khai thác ở khe nứt hở và bây giờ là khai thác từ khe nứt kín. Nếu nghiên cứu này thành công thì sẽ lại có thêm nhiều triệu tấn dầu nữa.

2 - Một công trình mà cũng được “làng dầu khí thế giới” đánh giá rất cao đó là việc PVN đã xây dựng thành công các giàn khai thác và xử lý khí trung tâm ở cụm mỏ Hải Thạch-Mộc Tinh.

Mỏ Hải Thạch, Mộc Tinh là mỏ khí, có cấu tạo địa chất vào loại phức tạp nhất trên thế giới. Nhiệt độ dòng khí là hơn 100 độ và áp suất khoảng 170 at. Thế giới cũng có vài mỏ thuộc loại này, nhưng không ai dám khai thác, bởi quá nguy hiểm và đầu tư quá lớn.

Tại cụm mỏ này, hãng dầu khí vào loại lớn nhất thế giới là BP của Anh đã bỏ vào đây một khoảng thời gian 9 năm và hơn 500 triệu đô la để nghiên cứu nhưng cuối cùng họ đành “bỏ của chạy lấy người”. Bởi lẽ khai thác ở đây quá khó khăn, tất nhiên bên cạnh đó cũng có một vài lý do nhỏ khác. Họ đã “tặng” lại cho PVN khoảng 4 tấn hồ sơ đã nghiên cứu về cụm mỏ này. Nhận lại hồ sơ, lãnh đạo PVN đã quyết tâm xây dựng mỏ. Điều đặc biệt ở công trình này là việc thiết kế mỏ, mua sắm thiết bị vật tư, chế tạo giàn khoan, giàn xử lý khí đều do người Việt Nam đảm nhiệm. Đây là việc chưa có tiền lệ mà nhiều chuyên gia về dầu khí không thể nào tin là Việt Nam có thể làm được, vì vậy có người đã gửi thư khuyên chúng ta không nên làm.

Nhưng sau gần 7 năm thi công cực kỳ gian khổ và hết sức sáng tạo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà chủ lực là các đơn vị như Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro; Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí; Tổng công ty Dịch vụ và Thương mại Dầu khí (Petrosetco); Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí,… đã xây dựng và đưa vào vận hành một cách hoàn hảo dự án Biển Đông 01.

Mỏ Hải Thạch-Mộc Tinh nằm xa đất liền nhất trong tất các các mỏ hiện nay và ở độ sâu khá lớn. Ngày 27 tháng 7 năm 2014, Biển Đông 01 đã cho dòng khí thương mại đầu tiên và từ bấy đến nay, Biển Đông 01 đã vận hành tuyệt đối an toàn; là “con gà đẻ trứng vàng” cho Tập đoàn Dầu khí với sản lượng khí mỗi ngày hơn 6 triệu mét khối, 9 nghìn thùng dầu condensate. Điều đáng nói nữa là toàn bộ việc điều hành trên mỏ đều do người Việt Nam đảm nhiệm.

Các hãng Dầu khí thế giới đánh giá rất cao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi khai thác thành công ở mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh. Thậm chí một người làm việc ở giàn nếu có giấy chứng nhận từ 6 tháng trở lên thì giá trị còn hơn một bằng đại học danh tiếng nếu đi xin việc ở nước ngoài. Hiện nay Biển Đông 01 đang liên doanh với Zarubenhet của Nga…Nhưng phía Nga không phải cử bất cứ một cán bộ kỹ thuật nào tham gia tại đây mà việc điều hành, họ hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Việt Nam. Biển Đông POC đang có kế hoạch mở rộng mỏ và nếu việc mở rộng mỏ được chấp nhận thì khả năng sản lượng khai thác khí và dầu condensate sẽ tăng lên khoảng 30% nữa.

TRÍ PHONG

hai buoc ngoat cua tap doan dau khi viet nam Niềm tin từ điều không tưởng

Ở thời điểm đó, khai thác dầu ở tầng đá móng là điều không tưởng. Trong lịch sử khai thác dầu khí thế giới cũng ...

hai buoc ngoat cua tap doan dau khi viet nam Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nộp ngân sách Nhà nước 61,8 ngàn tỷ, vượt 46% kế hoạch 7 tháng

7 tháng đầu năm, nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt 61,8 ngàn tỷ đồng, vượt 46% kế ...