Hà Nội khuyến cáo người dân không lập nhóm nói xấu nhau trên mạng

Thành phố đề nghị công dân không cổ suý cho trào lưu "bóc phốt", "tung video nhạy cảm", "đủ like là làm". 

Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội vừa ban hành tài liệu gửi các sở ngành, quận huyện, xã phường hướng dẫn kỹ năng khai thác thông tin và ứng xử khi tham gia môi trường mạng.

Khẳng định vai trò cách mạng về liên kết xã hội và chia sẻ thông tin của internet ra đời, tuy nhiên Sở Thông tin cũng cho rằng Internet bộc lộ những mặt trái, tác động tiêu cực đến đời sống tư tưởng của xã hội.

ha noi khuyen cao nguoi dan khong lap nhom noi xau nhau tren mang
Hà Nội đề nghị người dùng mạng xã hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh thủ đô tới bạn bè trong và ngoài nước. Ảnh: Giang Huy.

Sở Thông tin nhận định, những thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, kích động bạo lực... ngày một nhiều trên mạng. Tuy nhiên, nhận thức còn hạn chế của không ít người khi tham gia môi trường mạng đã vô tình phát tán, chuyển tải thông tin sai trái, xấu độc.

"Từ thực tế trên, việc hướng dẫn cho người dân ứng xử phù hợp trên môi trường mạng là cần thiết", văn bản nêu.

Trong hướng dẫn, Sở đưa ra các khuyến cáo nên và không nên khi tham gia mạng. Cụ thể, công dân thủ đô được khuyến cáo không nên: Lập nhóm, lập hội để nói xấu, công kích lẫn nhau; không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân của người khác; không khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của người khác cho mục đích thương mại hoặc các mục đích khác.

Công dân cũng không nên "vào hùa" theo đám đông chia sẻ (share), nhận xét, phê bình một thông tin, sự kiện khi chưa hiểu rõ về vụ việc hoặc không có căn cứ để khẳng định sự kiện đó là có thật; không cổ súy, tiếp tay cho các trào lưu lệch lạc, thiếu văn hóa, gây phản cảm, bị xã hội lên án như trào lưu "bóc phốt", "tung video nhạy cảm", "đủ like là làm"...

Một số điều người dân nên làm như: Lan tỏa những thông tin, hình ảnh đẹp về các hoạt động xã hội, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn; xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Công dân cần chủ động nhân diện thông tin, khi phát hiện thông tin vi phạm trên môi trường mạng thì lưu lại chứng cứ, đồng thời thông báo với đơn vị cung cấp dịch vụ mạng và cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết.

Sở Thông tin dẫn thống kê của We Are Social (công ty toàn cầu chuyên tư vấn và nghiên cứu truyền thông xã hội) nêu, Việt Nam hiện có 55 triệu người sử dụng mạng xã hội - đứng thứ 7 trên thế giới; Trung bình người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam dành 2h37 phút mỗi ngày cho loại hình này.

Khảo sát của chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS) cho thấy trên mạng xã hội, tỷ lệ thông tin nói xấu, phỉ báng chiếm 61,7%; thông tin vu khống, bịa đặt chiếm 46,6%; kỳ thị dân tộc 37,1%: kỳ thị giới tính 29,03%; kỳ thị khuyết tật 21,76%; kỳ thị tôn giáo 15,09%...

Võ Hải

ha noi khuyen cao nguoi dan khong lap nhom noi xau nhau tren mang Hà Nội khuyên công dân không nói xấu, "bóc phốt" nhau trên mạng

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khuyên công dân không nói xấu nhau, tiếp tay cho trào lưu "bóc phốt" trên mạng xã ...

/ VnExpress