Giao thông TP.HCM kết nối các tỉnh: Hạ tầng quá tải cản trở sự phát triển

TP.Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển vùng trọng điểm kinh tế Nam Bộ . Tuy nhiên nhiều năm qua các tuyến cửa ngõ kết nối TPHCM với các tỉnh, thành vẫn thường xuyên đối mặt với tình trạng quá tải, ùn tắc, gây lãng phí và cản trở phát triển kinh tế vùng. Mặc dù đã được quy hoạch mở rộng những tuyến hiện hữu cũng như xây mới các tuyến cao tốc, tuyến vành đai nhằm phá thế độc đạo ở các tuyến cửa ngõ, song đến nay tiến độ triển khai khá ỳ ạch, kìm hãm sự phát triển chung cả khu vực.

giao thong tphcm ket noi cac tinh ha tang qua tai can tro su phat trien

Dự án mở rộng QL13 (đoạn từ chân cầu Bình Triệu đến cầu Bình Phước - QL1, Q.Thủ Đức, TPHCM) đến nay đã đình trệ 18 năm vì thiếu vốn. Ảnh: Minh Quân

Cửa ngõ quá tải, tắc nghẽn

TPHCM được xem là hạt nhân của vùng trọng điểm kinh tế Nam Bộ (TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang). Hiện nay, TPHCM kết nối với các tỉnh chủ yếu thông qua các trục huyết mạch: Quốc lộ 13 (nối với Bình Dương, Bình Phước); quốc lộ 22 (nối với Tây Ninh, Campuchia); tuyến quốc lộ 1 (kết nối với Đồng Nai, Long An, Tiền Giang), Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (nối với Đồng Nai), Cao tốc TPHCM - Trung Lương (nối với Long An, Tiền Giang)…

Dù đã có các trục kết nối với các địa phương, nhưng so với nhu cầu phát triển thì những tuyến này thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Đơn cử như để vận chuyển hàng từ khu vực cảng Cát Lái (quận 2, TPHCM) đến Tây Ninh, với đoạn đường khoảng 60km, các xe container phải di chuyển mất khoảng 3 giờ theo hướng Xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A, quốc lộ 22. Hay như vận chuyển hàng hóa từ Bình Dương về TPHCM chủ yếu theo quốc lộ 13 nhưng với nhiều khu công nghiệp, lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc hàng khủng khiến tình trạng ách tắc diễn ra thường xuyên. Tương tự, trục cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TPHCM - Trung Lương sau một thời gian đưa vào hoạt động thì nay 2 tuyến này đối mặt với tình trạng “rùa bò”, do mật độ phương tiện gia tăng chóng mặt…

Ách tắc là nguyên nhân chính khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ TPHCM đi các tỉnh cao hơn so với các nước khác. Điều này dẫn đến hàng hóa xuất khẩu khó cạnh tranh, ảnh hưởng lớn đến kinh tế TPHCM cũng như phát triển kinh tế toàn vùng. Theo đánh giá từ Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), mỗi năm TPHCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, ước tương đương 1,3 tỉ USD/năm do ùn tắc giao thông.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, nhận định việc ùn tắc các cửa ngõ sẽ kéo theo 2 hệ lụy nghiêm trọng. Thứ nhất, ùn tắc từ ngoài sẽ lan rộng vào mạng lưới giao thông nội đô, khiến TPHCM ách tắc từ trong ra ngoài. Thứ hai, các cửa ngõ là nguồn nuôi sống TPHCM, hạn chế giao thương, lưu thông với các vùng lân cận đồng nghĩa với việc giảm vị thế của TPHCM. TPHCM có lợi thế nhiều cửa ngõ mở ra kết nối về nhiều phía để tụ hợp nguồn lực. Chính nhờ điều này mà TPHCM được coi là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. “Cửa nào ùn ứ thì hướng trao đổi kinh tế đó bị thiệt thòi. Đằng này 4 phương 5 hướng đều ùn ứ thì TPHCM không thể có đủ sức phát triển” - ông Thắng cảnh báo.

Ỳ ạch xây dựng các đường cao tốc và vành đai

Theo quy hoạch, có 6 tuyến cao tốc kết nối TPHCM với các tỉnh, nhưng đến nay chỉ mới 2 tuyến TPHCM - Trung Lương và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành đưa vào khai thác và cũng đang quá tải. Còn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang trong giai đoạn thi công. Trong khi 3 cao tốc còn lại (TPHCM - Mộc Bài, Biên Hòa - Vũng Tàu, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành) vẫn còn nằm trên giấy.

Không chỉ các tuyến cao tốc mà các tuyến đường vành đai của thành phố nhiều năm nay vẫn chưa thể khép kín. Cụ thể Vành đai 2 đã đầu tư được khoảng 54km, còn khoảng 11km chưa được đầu tư xây dựng. Còn đường Vành đai 3 và 4 được đánh giá cực kỳ quan trọng, không chỉ giúp TPHCM có thêm động lực phát triển mà còn giúp cả các tỉnh miền Đông và miền Tây phát triển thì nhiều năm qua TPHCM vẫn loay hoay chưa tìm được nguồn vốn để đầu tư.

Còn các trục đường huyết mạch hướng tâm vào TPHCM như quốc lộ 22, quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 50 đều đã có quy hoạch mở rộng, nhưng chưa thực hiện, trong khi nhu cầu vận chuyển giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm ngày càng tăng cao, dẫn đến ùn tắc.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM - thừa nhận hệ thống giao thông của thành phố còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và chậm so với quy hoạch. Các công trình trọng điểm của TPHCM ỳ ạch triển khai do thiếu nguồn vốn. Bởi trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu cho phát triển hạ tầng giao thông là 323.000 tỉ đồng nhưng đến nay thành phố mới cân đối được 76.000 tỉ đồng. “Trước đây, tỉ lệ ngân sách TPHCM được giữ lại 23% nhưng sau đó giảm còn 18% như hiện nay đã tác động ngay đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của thành phố. Hiện TPHCM đang xây dựng đề án, báo cáo chính phủ chấp thuận tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố để thành phố có nguồn lực đầu tư phát triển” - ông Lâm nói.

Cần hơn 904.000 tỉ đồng đầu tư hạ tầng giao thông trong 10 năm tới

Theo đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở TPHCM trong giai đoạn 2021-2030, Sở GTVT TPHCM cho biết, sơ bộ nhu cầu vốn trong 10 năm tới là hơn 904.000 tỉ đồng, gồm hơn 438.000 tỉ từ vốn ngân sách, còn lại các nguồn vốn khác (Trung ương, xã hội hóa, ODA...).

Cần hơn 904.000 tỉ đồng đầu tư hạ tầng giao thông trong 10 năm tới

Theo đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở TPHCM trong giai đoạn 2021-2030, Sở GTVT TPHCM cho biết, sơ bộ nhu cầu vốn trong 10 năm tới là hơn 904.000 tỉ đồng, gồm hơn 438.000 tỉ từ vốn ngân sách, còn lại các nguồn vốn khác (Trung ương, xã hội hóa, ODA...).

Huyền Trân

giao thong tphcm ket noi cac tinh ha tang qua tai can tro su phat trien Quốc hội đồng ý bổ sung hơn 23.400 tỷ đồng đầu tư cao tốc Bắc - Nam

Quốc hội đồng ý cho Chính phủ chuyển ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công và bổ sung ...

giao thong tphcm ket noi cac tinh ha tang qua tai can tro su phat trien Vì sao đã đầu tư hơn 25.000 tỉ đồng, TPHCM vẫn không hết ngập?

Ngày 9.6, tại buổi họp báo về tình hình chống ngập trên địa bàn TPHCM, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản ...

/ laodong.vn