Giám sát BOT

Những năm qua, các hình thức đầu tư công trình giao thông theo hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); xây dựng - chuyển giao (BT) đã giúp thay đổi đáng kể diện mạo giao thông. Đó là thực tế không ai phủ nhận.

Đừng cứ thấy BOT là chửi!
BOT không phải là để béo ai
Phát triển hạ tầng giao thông với hình thức BOT là một đột phá đúng đắn, tuy nhiên cần được giám sát chặt chẽ để tránh vướng mắc.

Tuy nhiên nhìn lại các dự án này sau một thời gian vận hành lại đang cho thấy nhiều bất cập từ công tác quản lý cho đến quá trình khai thác, thu lợi nhuận từ phía các chủ đầu tư. Cần có sự giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong quá trình phát triển xây dựng hạ tầng giao thông của đất nước.

Các dự án BOT, BT đặt ra câu hỏi lớn về hiệu quả xã hội khi nảy sinh những bất đồng tại các điểm thu phí. Tại trạm thu phí dự án BOT Cai Lậy thuộc dự án xây dựng công trình tuyến tránh QL1, đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Ái và Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng Giao thông 1 triển khai với tổng số vốn gần 1.400 tỷ đồng.

Toàn bộ vốn đầu tư cho Dự án này là do chủ đầu tư bỏ ra và đi vay trong đó đi vay ngân hàng là chính. Các phương tiện giao thông qua BOT Cai Lậy đã phản ứng cho rằng trạm thu phí không thuộc phạm vi của Dự án nhưng vẫn bắt người dân phải trả phí qua trạm. Các lái xe tải đã phản ứng bằng cách trả bằng tiền lẻ, gây mất nhiều thời gian thu phí, dẫn đến kẹt xe liên tiếp. Hệ quả là trạm thu phí Cai Lậy phải đóng cửa và cho đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại.

Tình trạng tương tự tại trạm thu phí số 1 của QL5, tuy nhiên rất may cho chủ đầu tư dự án BOT này là nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng từ Hưng Yên đã phối hợp cùng chủ đầu tư phân luồng tạo chỗ chờ cho các xe mua phí bằng tiền lẻ, tránh ách tắc giao thông cho tuyến huyết mạch qua QL5.

Cùng thời gian này, Thanh tra Chính phủ phát hiện xử lý các sai phạm liên quan đến một loạt các dự án BOT, BT tại Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM và Bình Dương, với số tiền sai phạm hơn 2.100 tỷ đồng.

Mới đây, Kiểm toán nhà nước đưa ra báo cáo chỉ ra một loạt hạn chế, sai sót trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT đang bộc lộ nhiều nhược điểm, sai phạm, tùy tiện, lãng phí, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Cơ quan này đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án BOT xuống so với phương án tài chính ban đầu của các dự án này là 107,4 năm, trong đó có dự án được yêu cầu giảm tới hơn 13 năm (dự án mở rộng QL1, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa).

Việc đầu tư còn thiếu đồng bộ, không nhất quán, chậm tiến độ và phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến khi đưa vào vận hành các dự án BOT, BT đều không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn và khó đạt được mục tiêu đề ra là góp phần giảm ùn tắc giao thông, thậm chí có nguy cơ sẽ gia tăng tình trạng ùn tắc.

Đối tượng chịu tác động nhiều nhất là người tham gia giao thông cũng phản ứng gay gắt do nhiều bất cập về mức quy định phí, vị trí các trạm thu phí,…đã đặt ra câu hỏi lớn về hiệu quả thực sự của các dự án này.

Mới đây, khi kiến nghị xử lý số tiền sai phạm hơn 2.100 tỷ đồng tại 6 dự án BOT, BT ở TP HCM, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra nhiều bất cập từ các hình thức đầu tư này, như: chậm tiến độ không triển khai theo đúng kế hoạch; năng lực chủ đầu tư kém, thiếu vốn thanh toán; thẩm định, phê duyệt kỹ thuật chậm. Thậm chí, việc chậm tiến độ còn dẫn đến giảm doanh thu, tăng chi phí, giảm hiệu quả, lãnh phí vốn.

Không chỉ riêng tại TP HCM, khi công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện ngay trong công tác quản lý cũng thực hiện chưa đúng quy định về việc lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT, gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà đầu tư, khiến giảm hiệu quả đầu tư.

Lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp là một lẽ, trong hơn 100 dự án BOT mà Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận thì phần đa số dự án là dự án cải tạo, nâng cấp được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo (các tuyến quốc lộ và đường HCM), hạn chế sự lựa chọn của người dân.

Chính vì lý do này, là cội nguồn các bức xúc xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy và trạm thu phí QL5 bùng phát tại hai địa phương Tiền Giang và Hưng Yên như “giọt nước làm tràn ly”.

Tại một số nơi khác khi các địa phương vào cuộc góp ý về vị trí trạm thu phí chưa tiến hành tham vấn, lấy ý kiến người dân gần trạm, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đối tượng thường xuyên sử dụng đường, khiến cho người dân bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua.

Điển hình như các Dự án cầu Hạc Trì; Dự án QL 6 Hòa Lạc - Hòa Bình,…. Và, chỉ sau khi người dân bức xúc, khiếu kiện thì chủ đầu tư các dự án BOT, BT mới giải quyết bằng cách miễn, giảm phí (giá) sử dụng dịch vụ.

Không ít các chuyên gia đã cảnh báo rằng, bản chất của việc kêu gọi đầu tư các dự án BOT, BT là xuất phát từ nguyên nhân vốn ngân sách hạn hẹp. Tuy nhiên, vốn các dự án BOT hiện nay thực chất là vay từ các ngân hàng. Không ít dự án lớn như Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chủ đầu tư chỉ phải lo hơn 10% vốn, còn lại là vay ngân hàng.

Đối với nhiều dự án BOT, BT nếu để xảy ra tình trạng đội vốn thì thậm chí vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư còn âm chứ không được 15%. Như vậy, đầu tư BOT kiểu gì chủ đầu tư cũng có lãi, còn người dân nghèo, các đối tượng chịu tác động trực tiếp cuối cùng phải chịu thua thiệt nhiều nhất, bởi vì BOT tác động đến vận tải, tới giá cả hàng hóa và dịch vụ - những nhu cầu thiết yếu của người dân.

Được biết, chỉ riêng 5 năm trở lại đây (2011-2016), Bộ GTVT đã huy động khoảng hơn 169.000 tỷ đồng đầu tư vào 57 dự án BOT giao thông đường bộ. Tại 43 tỉnh, thành cũng đã huy động hơn 80.000 tỷ đồng cho các dự án BOT. Đành rằng, số tiền mà Nhà nước, doanh nghiệp đã bỏ ra, nhưng đối với quy hoạch dài hạn cần nhắm đến một loại hình đầu tư phù hợp hơn, hoặc cần sự giám sát chặt chẽ, công khai minh bạch để tránh những hệ lụy về sau.

Việc thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội là cần thiết trong bối cảnh hạ tầng giao thông trong nước vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên để các loại hình đầu tư BOT, BT đạt hiệu quả thì cần lắng nghe ý kiến của người dân, cũng như có sự giám sát chặt chẽ ngay từ đầu thì chính sách đúng đắn của Nhà nước mới thực sự phát huy hiệu quả. Trước mắt cần sớm ban hành Luật Đối tác công tư để khắc phục các hạn chế, vướng mắc của các hình thức đầu tư, trong đó có BOT, BT.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/giam-sat-bot-379508

/ Thanh Luân/daidoanket.vn