Gia tăng tai nạn sinh hoạt khi trẻ em ở nhà phòng dịch COVID-19

Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của trẻ em hoặc để lại di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Mỗi năm, có khoảng 370.000 trẻ em Việt Nam bị tai nạn thương tích, có nhiều vụ do sự bất cẩn của người lớn. Trong đợt dịch thứ 4, trẻ em ở nhiều tỉnh, thành chưa phải đến trường, ở nhà học online, song tai nạn thương tích lại xảy ra chính trong sinh hoạt hằng ngày của các em.

Chấn thương nặng do tập đi xe máy khi mới 14 tuổi

Khi tiếp nhận ca cấp cứu là cậu bé 14 tuổi ở (quê ở Hà Tĩnh), các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thực sự “sốc” vì nguyên nhân gây ra thương tật nặng nề của cậu bé là do tự đi xe máy và gây tai nạn giao thông (TNGT). Mặc dù chưa đủ tuổi được phép điều khiển xe máy, song gia đình đã để cho cậu bé tự tập đi. Hậu quả, cậu bé không may đâm vào cột điện bên đường, gây chấn thương nặng.

Ngày 12/10, TS.BS Đặng Ánh Dương, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, chấn thương bụng kín (vỡ gan, vỡ thận, chấn thương lách, rách tĩnh mạch chủ dưới), chấn thương phổi, tụ máu ở mắt và có nhiều vết xây xát trên cơ thể.

Nằm điều trị cùng với cậu bé trên là một bé trai 17 tháng tuổi (quê Hưng Yên) bị chấn thương sọ não. Theo lời kể của gia đình, do người lớn không chú ý, bé không may bị ngã từ tầng 2 xuống (độ cao khoảng 3,5m), khi đang chơi tại nhà đầu bị đập xuống nền đất cứng. Các bác sĩ cho biết, cả hai bệnh nhi trên đều được hỗ trợ thở máy, kiểm soát huyết áp, phẫu thuật chấn thương sọ não, chống phù não, chống nhiễm trùng và bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên, hiện tình trạng của tất cả các trẻ đều rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Theo BS Dương, chỉ trong 1 tuần trở lại đây, Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa tiếp nhận 7 bệnh nhi có độ tuổi từ 2-14 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị chấn thương sọ não. Các ca bệnh chủ yếu do tai nạn sinh hoạt và tai nạn giao thông. Ngoài ra, thời gian gần đây bệnh viện còn tiếp nhận nhiều ca cấp cứu do tai nạn sinh hoạt khác mà nguyên nhân chủ yếu do sự bất cẩn của cha mẹ.

Điển hình là bé trai 11 tuổi ở Hà Nội được gia đình phát hiện bị điện giật ngoài sân trong tình trạng tím tái, ngừng thở và được gia đình sơ cứu tại chỗ bằng cách ép tim, sau 35 phút ép tim cháu bé thở lại và được chuyển đến cơ sở y tế gần nhà. Do tình trạng chuyển biến nặng, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thở máy, suy đa tạng, hôn mê sau ngừng tuần hoàn, bỏng điện độ IV-V vùng cổ tay phải, cổ tay trái và vùng ngực. Các bác sĩ đã điều trị hồi sức tích cực và phẫu thuật cấp cứu cho cháu bé.

Tuy nhiên, sau 1 tuần điều trị, cháu bé thoát thở máy nhưng tình trạng suy thận cấp vẫn nặng nên được chuyển đến điều trị tại Khoa Thận và Lọc máu. Sau hơn 1 tháng điều trị với nhiều đợt phẫu thuật cấy ghép da, phục hồi chức năng, tư vấn tâm lý, trẻ đã thoát khỏi nguy kịch và dần hồi phục. Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, bé trai có thể ra viện trong một vài ngày tới.

Trường hợp hy hữu nữa mà Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận là bé gái 2 tháng tuổi ở Hà Nội bị uống nhầm Acid trichloracetic 80% (chuyên điều trị mụn cóc, mụn cơm, mắt cá chân). Theo người nhà của bé thì do hình dáng và màu sắc của lọ acid giống với lọ thuốc Aquadetrim (Vitamin D3), nên bị nhầm. Kết quả bé gái bị bỏng axit độ III khoang miệng, tổn thương phổi và thực quản, phải điều trị tích cực dài ngày tại bệnh viện, để lại tổn thương nặng nề.

1.jpg -0
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đang chăm sóc bệnh nhân bị chấn thương sọ não.

Dạy trẻ kỹ năng phòng tránh

Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường Y tế, mỗi năm trung bình có khoảng 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), tiếp đến nhóm tuổi 5-14 (36,9%), thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 (19,5%). Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp mỗi năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trẻ em ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước gần như nghỉ học ở nhà do dịch COVID-19 và có nhiều vụ tai nạn sinh hoạt đau lòng đã xảy ra. Theo BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, phần lớn các trường hợp tai nạn thương tích trẻ em xảy ra là do sự bất cẩn của người lớn. Trẻ em vốn hiếu động, thích tò mò, khám phá, chưa có kiến thức, kỹ năng, phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Nếu người lớn bất cẩn trong quá trình chăm nom trẻ thì dù ở môi trường nào trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn. Vì vậy, cha mẹ phải dạy các em kỹ năng để phòng tránh; đồng thời phải loại bỏ các nguy cơ gây thương tích cho trẻ ngay trong chính ngôi nhà mình.

Còn TS.BS Đặng Ánh Dương cho rằng, trẻ nhỏ từ 1-6 tuổi là lứa tuổi hiếu động, nghịch ngợm, thích tò mò khám phá xung quanh và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày. Chính vì vậy, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần hết sức quan tâm, chú ý đến trẻ, luôn đảm bảo trẻ ở trong tầm mắt của người lớn, nhất là trong dịp trẻ được nghỉ học ở nhà để phòng, tránh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay.

Theo khuyến cáo của BS Dương, tuyệt đối không cho trẻ tự ý leo lên gác cao, cửa sổ đang mở… Các cửa sổ, ban công phải có rào chắn an toàn, bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ vấp, ngã. Khi chở các trẻ lớn đi xe gắn máy nên đội mũ bảo hiểm cho trẻ. Với các trẻ lớn hơn, gia đình và nhà trường cần hướng dẫn, giáo dục trẻ cách tham gia giao thông an toàn, chấp hành luật lệ giao thông, không vượt đèn đỏ, đi bộ dưới lòng đường, băng qua đường bất ngờ, đùa nghịch, đá bóng dưới lòng đường, đi xe đạp dàn hàng ngang lấn chiến làn đường của các phương tiện khác. Tuyệt đối không cho trẻ tập hay đi xe máy, xe đạp điện khi trẻ chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật.

Vì sao nguồn cung vaccine COVID-19 khan hiếm? Vì sao nguồn cung vaccine COVID-19 khan hiếm?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá ngoại giao vaccine Covid-19 giúp Việt Nam tiếp nhận hơn 80 triệu liều, song việc ...

Tổng thống Brazil tự tin miễn dịch tốt, không chịu tiêm vaccine COVID-19 Tổng thống Brazil tự tin miễn dịch tốt, không chịu tiêm vaccine COVID-19

Tổng thống Jair Bolsonaro nói ông sẽ là "người Brazil cuối cùng" tiêm phòng và xác nhận sẽ không tiêm vaccine COVID-19.

Đông Nam Á táo bạo mở cửa, ứng phó linh hoạt với COVID-19 Đông Nam Á táo bạo mở cửa, ứng phó linh hoạt với COVID-19

Với tỷ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 gia tăng từng ngày, một loạt quốc gia ở Đông Nam Á lựa chọn ...

/ cand.com.vn