Gần 122 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Pháp tăng ca kỷ lục

Thế giới ghi nhận hơn 121,7 triệu ca nhiễm, gần 2,7 triệu người chết do nCoV, Pháp ghi nhận mức tăng ca nhiễm kỷ lục trong 4 tháng.

Thế giới đã ghi nhận 121.772.486 ca nhiễm nCoV và 2.691.008 ca tử vong, tăng lần lượt 588.059 và 10.547, trong khi 98.174.432 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

4015 7

Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân bằng máy bay ở Nice do khu điều trị tích cực ở bệnh viện quá tải ngày 16/3. Ảnh: AFP.

Pháp ngày 17/3 ghi nhận mức tăng ca nhiễm trong một ngày cao nhất thứ kể từ lần phong tỏa thứ hai vào tháng 11/2020 với 38.501 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 4.146.609, trong đó 91.427 người chết, tăng so với hôm trước 246 ca. Tuy ca mới tăng, số lượng bệnh nhân trong các khu điều trị đã lần đầu tiên giảm trong hai tuần, giảm 20 ca xuống còn 4.219.

Phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal cho biết các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn sẽ được áp dụng ở một số khu vực bao gồm cả Paris từ cuối tuần này. Chính phủ sẽ thông báo chi tiết các hạn chế vào ngày 18/3, có thể thực hiện các hình thức đóng cửa một phần.

Tương tự các nước EU khác, Pháp bị tụt xa so với Mỹ và Anh trong công tác tiêm chủng. Tổng thống Emmanuel Macron từng bày tỏ hy vọng tiêm chủng có thể giúp ngăn hậu quả từ làn sóng đại dịch mới, nhưng lệnh đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca có thể gây tổn hại cho chiến lược này. Hơn 5,5 triệu người ở Pháp đã tiêm ít nhất một liều vaccine và gần 2,4 triệu người đã tiêm hai liều.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 30.287.849 ca nhiễm và 550.516 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 55.754 và 1.148 trường hợp so với một ngày trước đó.

Giới chuyên gia đang lo ngại một số người Mỹ đang lơi lỏng cảnh giác quá sớm, ngay tại thời điểm mối đe dọa đang rình rập và có nguy cơ xóa sạch những tiến bộ Mỹ đạt được trong cuộc chiến chống Covid-19. Hơn 10 lãnh đạo bang đã nới lỏng biện pháp hạn chế trong tháng này, với lý do tình hình đang có xu hướng cải thiện và số lượng người được tiêm chủng ngày càng tăng.

Lượng người di chuyển bằng đường hàng không cũng đạt kỷ lục, khi đám đông bắt đầu đến các điểm du lịch. Sự kết hợp của những yếu tố này khiến giới chức lo ngại có thể tạo nền tảng cho một đợt bùng phát mới.

Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận 11.693.838 ca nhiễm và 284.775 ca tử vong vì Covid-19, tăng 84.237 và 2.375 trong 24 giờ qua.

Brazil đã đặt hàng 100 triệu liều vaccine Covid-19 Pfizer-BioNTech và 38 triệu liều của Johnson & Johnson, nhằm tìm cách đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đang bị tụt hậu. Hôm 12/3, Bộ Y tế nước này còn ký hợp đồng mua 10 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga, dự kiến giao trong quý II năm nay.

Hiện khoảng 4,6% dân số Brazil đã nhận được ít nhất một liều vaccine. Hai loại vaccine đang được sử dụng ở Brazil là AstraZeneca của Anh và CoronaVac của Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình đại dịch ngày càng nghiêm trọng, khi các bệnh viện đang bị đẩy đến gần mức quá tải trên khắp đất nước.

Marcelo Queiroga, tân Bộ trưởng Y tế Brazil, ngày 17/3 hứa sẽ đưa ra các chính sách dựa trên khoa học để chống Covid-19 và cho biết ông có thể "điều chỉnh" cách xử lý dịch bị nhiều người chỉ trích của Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro.

Ấn Độ báo cáo thêm 35.482 ca nhiễm và 170 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV toàn quốc lên lần lượt 11.473.946 và 159.249.

Đây là ngày thứ 7 liên tiếp nước này ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới, trong bối cảnh các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn virus được mở rộng ở những khu vực đại dịch có xu hướng gia tăng.

Maharashtra, bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hôm 15/3 yêu cầu các rạp chiếu phim, khách sạn và nhà hàng hạn chế số lượng khách xuống một nửa sức chứa cho đến cuối tháng. Đám cưới và sự kiện xã hội khác cũng sẽ bị hạn chế lượng người tham dự. Một số địa phương trong bang bị phong tỏa.

Chính phủ Ấn Độ đánh giá nguyên nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ là việc tụ tập đông người và tâm lý ngại đeo khẩu trang của người dân, thay vì đề cập tới các biến chủng nCoV như phương Tây.

Ấn Độ đã tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 35 triệu người kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào giữa tháng một. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người trong tổng số 1,35 tỷ dân vào tháng 8.

Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, báo cáo 4.274.579 người nhiễm và 125.831 người chết, tăng lần lượt 5.758 và 141 trường hợp. Mức tăng ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết bất chấp dấu hiệu tích cực, người dân vẫn phải cẩn trọng với nguy cơ ca nhiễm bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, ông khẳng định vaccine Covid-19 của AstraZeneca an toàn, chính phủ Anh rất tự tin sử dụng vaccine này trong chiến dịch tiêm chủng.

"Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA) là một trong những đơn vị quản lý khắt khe và giàu kinh nghiệm nhất trên thế giới. Họ đều không thấy có lý do nào để ngừng chương trình tiêm chủng", Johnson cho hay.

Anh là nước đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19, bắt đầu từ tháng 12, phần lớn sử dụng vaccine của AstraZeneca và Pfizer. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm qua tiếp tục trấn an rằng vaccine AstraZeneca "đang cứu sống người Anh", kêu gọi người dân hãy đến tiêm chủng nếu nhận được lịch hẹn.

Đức, vùng dịch lớn thứ 10 thế giới, ghi nhận 2.610.756 ca nhiễm và 74.677 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 16.081 và 246 ca so với một ngày trước đó. Chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm nCoV tại Đức đang tăng vọt, đe dọa kế hoạch dỡ phong tỏa và vực dậy nền kinh tế.

Ngay cả khi nhiều cửa hàng không thiết yếu chỉ mới tái mở cửa từ tuần trước, giới chức vẫn kêu gọi thận trọng. "Chúng tôi đang thấy những dấu hiệu rõ ràng, rằng làn sóng đại dịch thứ ba đã bắt đầu ở Đức", Lothar Wieler, chủ tịch Viện Robert Koch phụ trách kiểm soát và phòng dịch của Đức, cho biết hôm 12/3.

Đức cũng quyết định tạm ngừng tiêm vaccine AstraZeneca như một biện pháp đề phòng. Nước này đã sử dụng hơn 1,6 triệu liều vaccine của AstraZeneca, dù chủ yếu dựa vào vaccine của Pfizer-BioNTech.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.437.283 ca nhiễm, tăng 6.825, trong đó 38.915 người chết, tăng 162.

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin hôm 15/3 tuyên bố nước này sẽ hoãn việc triển khai vaccine Covid-19 của AstraZeneca để chờ xác nhận từ WHO, sau những lo ngại về tác dụng phụ của vaccine này. Indonesia đã nhận được 1,1 triệu liều vaccine AstraZeneca thông qua chương trình phân phối COVAX, dự kiến tiếp tục nhận thêm khoảng 10 triệu liều trong hai tháng tới.

Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng một và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Khoảng 6,2 triệu người đã tiêm vaccine.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 631.320 ca nhiễm và 12.848 ca tử vong, tăng lần lượt 4.437 và 11 ca.

Thủ đô Manila quyết định mở rộng lệnh cấm trẻ vị thành niên rời khu vực cư trú, bao gồm cả độ tuổi từ 18 trở xuống, trong vòng hai tuần bắt đầu từ ngày 17/3 nhằm kiềm chế đợt lây nhiễm mới. Chỉ những người từ 18-65 tuổi mới được phép rời nhà. Lệnh giới nghiêm ban đêm cũng được tái áp dụng trong hai tuần kể từ ngày 15/3.

Từ 20/3, Philippines sẽ đóng biên giới đối với người nước ngoài, lao động Philippines ở nước ngoài vẫn sẽ được về nước nhưng bị giới hạn ở mức 1.500 một ngày.

Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)

Mỹ chỉ trích truyền thông Trung Quốc đưa tin sai ca Covid-19 Mỹ chỉ trích truyền thông Trung Quốc đưa tin sai ca Covid-19
Gần 121 triệu ca Covid-19 toàn cầu, WHO khuyên tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca Gần 121 triệu ca Covid-19 toàn cầu, WHO khuyên tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca
/ vnexpress.net