Gả con xa

Năm 23 tuổi bạn biết những gì?

Năm 23 tuổi, Lan được người bà con chở từ Cần Thơ lên Sài Gòn đợi đàn ông Hàn Quốc xem mặt tuyển vợ. Ở lần xem mặt thứ 3, người hơn cô 15 tuổi đã chỉ tay vào Lan. “Má ơi con đậu rồi”, cô gọi điện về cho má.

Hôm Lan lên Sở Tư pháp Cần Thơ làm giấy tờ để xin visa lấy chồng Hàn Quốc, ông cán bộ hẹn “em đi chơi với anh rồi anh chứng giấy cho mau”.

Lan về nhà hỏi “Má ơi, ổng rủ đi chơi ký giấy là đi đâu vậy má?” - “Nó rủ con đi ăn, rồi đi hát karaoke, con phải trả tiền. Con nhậu thì nhậu đừng có uống bia. Ăn xong nó sẽ rủ con đi khách sạn, con đừng có vô”, bà kim Anh dặn.

Ăn uống xong, hát xong, cán bộ bảo “vô nhà nghỉ với anh chừng nào khỏe hãy về”. Cô gái nói: “Thì anh ký đi, rồi chuyện mình tính sau chứ gì”. Ông ký. Cán bộ chở cô tới trước nhà nghỉ.

- Anh mệt thì anh vô anh nghỉ. Em không có mệt, em đi honda ôm về.

- Em đi vô đây nghỉ đi. Chồng em không có biết đâu, chồng em ở xa lắm.

- Chồng em xa chứ em không muốn có lỗi với chồng em, anh có mệt thì anh vô.

- Chạy về nhà, cô hỏi ngay: Sao má nói chuyện hay quá vậy, y chang luôn đó má. Y chang luôn! Sao má biết?

- Má già. Má biết hết trơn à. Nó ăn tiền riêng mà lợi dụng thân xác mình riêng. Không phải mình con. Lợi dụng được ai thì nó cứ lợi dụng.

Đó là một đoạn tôi đã không viết trong bài viết “Phận dâu Việt ‘mười ba bến nước’ xứ người”. Câu chuyện kể về Lan – cô gái đã nhảy lầu chết chỉ sau 25 ngày làm dâu tại Hàn Quốc vì không chịu được sự bạo hành của gia đình nhà chồng.

Suốt hơn 2 tuần sau khi bài viết lên, tôi nhận rất nhiều phản hồi và suy nghĩ. Có người trăn trở về nền kinh tế, về thời cuộc – rằng tại sao các cô gái ấy phải ra đi. Có người trăn trở về tính cách dân miền Tây. Có người lại trăn trở về các cơ chế luật pháp. Nhưng có một điều không thể chối bỏ: những cô gái ấy, ra đi làm dâu nơi xứ lạ khi chưa từng rời cây cầu đầu xã, khi còn ngây dại như Lan, không phải là một sự tự lựa chọn hoàn toàn. Có một làn sóng vô hình đã cuốn họ đi, lớp này qua lớp khác.

Trong tuần sau, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về Mục tiêu bình đẳng giới quốc gia. Trong số các mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới, có một phần làm cho tôi suy nghĩ: phòng chống mua bán phụ nữ. Tôi tự hỏi rằng những cô gái miền Tây này, ra đi bởi một sức ép vô hình từ gia đình và xã hội, được sắp xếp bởi những công ty môi giới “hôn nhân” hoàn toàn bất hợp pháp, được chọn lựa theo kiểu bán mua, có phải là một dạng “buôn bán”?

Trong những ngày về miền Tây tìm gặp những cô dâu từng kết hôn với người Hàn Quốc, Đài Loan, tôi hiểu ra phim Hàn không có tội. Cái nghèo cũng không có tội.

Trong hàng chục nghìn cô gái Việt lấy chồng ngoại, không ít người hạnh phúc, nhưng số gặp bất hạnh cũng chẳng hề kém cạnh. Nhiều người trong đó, bằng nhiều cách, trốn thoát, ly dị, nhờ ai đó can thiệp, về lại được quê nhà. Nhưng gần như tất cả lại tiếp tục ra đi.

Một cô lần đầu kết hôn với ông Đài Loan, sang đến nơi mới biết ông ta có vợ con. Vợ ông bảo “Tôi đã mất tiền thuê dịch vụ kiếm cô về đây, cô phải phục vụ cả gia đình này”. Cô hiểu ra vì họ thuê giúp việc theo tháng mắc hơn nhiều. Cô phục vụ 4 người gia đình họ cùng với ông bố chồng nằm liệt. Mấy năm sau mới trốn thoát về được Việt Nam. Bà mai tới nhà: Sao mày còn chưa đi? Đi đi phụ giúp cho gia đình. Bà tư vấn, giờ lên Sài Gòn vá trinh, tham gia đợt dự tuyển mới.

Hiện cô đang sống với chồng mới bên Đài Loan. Cô xin chồng cho đi rửa chén ở quán ăn. Tiền công rửa chén 10 triệu mỗi tháng, được cha mẹ, hai anh chị và một đứa cháu đợi chờ mỗi tháng ở bên kia bờ biển. Tháng nào anh trai gọi điện “Tao muốn mua cái tủ lạnh mới”, hay má gọi “Tao đi khám bệnh”; “Ổng mới bể nợ” là cô lại cấp tập đi vay thêm.

Chồng bảo, tôi đi làm nuôi em và con, em đi rửa chén nuôi cả 5 người ở quê. Tôi cho em đi làm là vì em đã sinh ra ở Việt Nam, lại còn là con gái.

Sinh ra là con gái ở miền Tây tức là mặc định phải nuôi cha mẹ, anh chị như một sự trả hiếu vì bố mẹ đã nuôi mày. Nó trở thành một sự dính líu không thể chối bỏ.

Bích, 25 tuổi, xinh đẹp, mới đào thoát trở về từ nhà một người chồng Hàn không bình thường. Bích nói mình “hạnh phúc gì đâu” khi đã được ở nhà 2 năm với cha mẹ ở ấp Nhơn Ái, huyện Phong Điền.

“Chị cứ đi quanh xóm, nhà ai cất nhà bê tông, nhà to chắc chắn có con gái đi lấy chồng bển. Nhà ai còn mái lá là không có con gái hoặc chưa lấy được chồng nước ngoài” – Bích nói với tôi.

Ở đây, ai có tiền do con gái gửi về là đi đám giỗ, đám cưới mới ngẩng cao đầu, nói cười rổn rảng. Ai không có thì ra chợ lặng im. Ai xuất ngoại, cất được nhà, mà cô ấy không hạnh phúc thì sự thất bại đó cũng là rạng rỡ.

Tôi chợt nhận ra một cơ chế vô hình. Nó đẩy các cô đi khỏi quê hương. Có một đòn bẩy âm thầm trong thái độ của bà con chòm xóm, làng xã, cộng đồng, từ chính các tay cán bộ như câu chuyện ở trên. Nó ngấm ngầm len lỏi vào ngay cha mẹ, người thân các cô, tạo thành cơn lốc phù du bao phủ làng quê thuần phác. Ở tuổi 16-20, chưa từng đi ra khỏi xã, làm sao các cô nhận thấy một vực sâu thăm thẳm giữa cuộc sống tuần trước và cuộc sống chuẩn bị bước vào.

Bích bảo “đây số điện thoại em, cần thêm chi tiết gì chị gọi. Nhưng đừng đưa tên và mặt em lên báo, kẻo em khó sống với xóm làng”. Tia sáng trong đôi mắt hiền chợt tối.

Tôi đã không gọi hỏi thêm Bích chi tiết như đã hẹn. Tôi đã có quá nhiều chi tiết rồi.

Tuần sau, Quốc hội sẽ thảo luận về Mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới. Sẽ có nhiều thành tích được nêu lên. Nhưng có những thứ mà luật pháp không thể điều chỉnh được, có những khái niệm mà chính sách không thể quy định rõ ràng.

Những cô gái miền Tây ấy, có phải đã bị “buôn bán” hay không?

ga con xa Phận dâu Việt xứ Hàn

Hàng chục nghìn cô gái trẻ đã lựa chọn lấy chồng Hàn Quốc như một giải pháp kinh tế cho cuộc đời. Một số người ...

ga con xa Canh bạc hôn nhân giữa cô dâu Việt và chồng Hàn

Hôn nhân qua môi giới giữa phụ nữ Việt và đàn ông Hàn Quốc được ví như canh bạc.

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/ga-con-xa-3665604.html

/ Hồng Phúc/vnexpress.net