EU lại muốn "tái xem xét" mối quan hệ với Trung Quốc

Với những rạn nứt ngày càng tăng trong quan hệ song phương, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cân nhắc, xem xét lại chiến lược đối phó với Trung Quốc.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trình bày báo cáo lên Hội đồng châu Âu vào cuối mùa hè này, trong đó phân tích mối quan hệ với Trung Quốc “để xem liệu có cần thiết phải xem xét lại các quy định hiện hành" trong quan hệ song phương.

“Sau mùa hè, tôi sẽ trình bày một báo cáo, cùng với EC, lên Hội đồng châu Âu, phân tích mối quan hệ với Trung Quốc để xem liệu có cần thiết phải xem xét lại chiến lược hiện tại hay không”, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cho hay.

EU lại muốn 'tái xem xét' mối quan hệ với Trung Quốc - 1
Quan hệ EU - Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng thời gian gần đây. (Ảnh: CGTN)

“EU sẽ luôn gần gũi với Washington hơn là với Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa EU sẽ phải tự điều chỉnh để phù hợp với quan điểm của Washington trong quan hệ với Bắc Kinh bởi vì chúng tôi có những lợi ích riêng”, ông Josep Borrell cho biết thêm.

Thông tin về việc xem xét lại chính sách trong quan hệ với Trung Quốc mà ông Josep Borrell tiết lộ được cho là điều bất ngờ vì đây là lần thứ hai trong năm nay EU thực hiện động thái như vậy. Hồi tháng 4, EU kết luận không cần cập nhật chiến lược đối với Trung Quốc. Năm 2019, EU công bố văn bản 10 điểm, gọi Trung Quốc là "đối thủ mang tính hệ thống" đối với liên minh này.

Politico dẫn nguồn quan chức cấp cao của EU cho biết, báo cáo này được mô phỏng theo tài liệu công bố năm 2019 - đề cập đến Trung Quốc là một đối tác, đối thủ kinh tế và đối thủ mang tính hệ thống. Mục tiêu là để trình bày với các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên EU xem xét trước cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào tháng 10.

Theo nguồn tin Politico, cần phải "tạo ra quan điểm thống nhất" vì các nước thành viên EU đã bắt đầu liên hệ với các quan chức cấp cao của Trung Quốc trên cơ sở song phương trong vài tháng qua. Đáng chú ý, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức một cuộc gặp trực tuyến với Chủ tịch Tập Cận Bình vào đầu tháng 7.

Tuy nhiên, nhiều nước EU khác, đặc biệt là Litva, kêu gọi EU có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong các vấn đề nhân quyền.

Ngoại trưởng 27 nước thành viên EU dự kiến ​​sẽ thảo luận về Trung Quốc trong một cuộc họp không chính thức ở Slovenia - nước hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu, vào đầu tháng 9, sau đó là cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo EU vào đầu tháng 10.

Năm ngoái, EU đã áp dụng đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, thực hiện động thái chưa từng có khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương, trong khi hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, lên tiếng mạnh mẽ, chỉ trích Trung Quốc trong nhiều vấn đề.

Châu Âu bỏ phiếu kêu gọi tẩy chay ngoại giao Olympic mùa đông Bắc Kinh Châu Âu bỏ phiếu kêu gọi tẩy chay ngoại giao Olympic mùa đông Bắc Kinh

Nghị viện châu Âu thông qua với số phiếu "áp đảo" nghị quyết kêu gọi tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa đông Bắc ...

/ vtc.vn