EU áp dụng hộ chiếu vaccine từ ngày 1/7

EU vừa đạt thỏa thuận về hộ chiếu vaccine, cho phép người tiêm chủng đầy đủ được đi lại tự do giữa các nước thành viên từ ngày 1/7.

Thế giới đã ghi nhận 165.809.153 ca nhiễm nCoV và 3.443.425 ca tử vong, tăng lần lượt 622.227 và 12.037, trong khi 146.451.980 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Juan Lopez Aguilar, Chủ tịch Ủy ban Tự do Dân sự của Nghị viện châu Âu, ngày 20/5 cho biết hộ chiếu vaccine của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7.

"Nó sẽ được gọi là giấy chứng nhận Covid kỹ thuật số của EU, một chứng chỉ được hợp nhất", Lopez Aguilar nói. "Điều này sẽ tạo ra biện pháp bảo vệ pháp lý mới mà chúng tôi hy vọng có thể mang tới sự tin tưởng không chỉ giữa các quốc gia thành viên, mà còn các công dân về khả năng đi lại tự do vào mùa hè này".

Hộ chiếu vaccine của EU được kỳ vọng giúp mở lại biên giới trong khối, và các nước thành viên chỉ được phép áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trong trường hợp ngoại lệ để đảm bảo tình hình dịch tễ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 20/5 cũng cho biết số ca nhiễm ở châu Âu đã giảm 60% trong tháng qua, từ 1,7 triệu ca giữa tháng 4 xuống 685.000 ca tuần trước. Tuy nhiên, giới chức WHO đánh giá xu hướng này khá mong manh giữa lúc các nước đẩy mạnh nới lỏng biện pháp hạn chế, mở cửa trở lại và nhiều nhóm tụ tập đông đúc.

EU áp dụng hộ chiếu vaccine từ ngày 1/7
Quán cà phê chật kín khách ở Paris ngày 19/5. Ảnh: NYTimes.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 33.830.989 ca nhiễm và 602.579 ca tử vong do nCoV, tăng 28.022 ca nhiễm và 622 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 hàng ngày của Mỹ giảm gần 50% so với đỉnh điểm tháng 4, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Trong tuần qua, khoảng 1,8 triệu liều vaccine được tiêm mỗi ngày, giảm mạnh so với con số 3,4 triệu vào giữa tháng 4.

Hơn 160 triệu người Mỹ, khoảng 48% dân số, được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi gần 127 triệu người, khoảng 38%, đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.

CDC cũng cho biết tình trạng "né vaccine", tức người tiêm chủng đầy đủ vẫn nhiễm nCoV, tương đối hiếm gặp. Tính tới ngày 10/5, nước này chỉ ghi nhận 1.359 trường hợp nhập viện hoặc tử vong trong số hơn 115 triệu người tiêm chủng đầy đủ. Dữ liệu được tổng hợp từ 46 bang và vùng lãnh thổ Mỹ.

Trong số hơn 1.359 ca "né vaccine", 1.136 người (84%) nhập viện và 223 người (16%) tử vong. CDC cho biết 1.080 (79%) là người trên 65 tuổi.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 26.030.674 ca nhiễm và 291.365 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 259.269 và 4.209 ca.

Một số bang của Ấn Độ đối mặt tình trạng thiếu thuốc điều trị "nấm đen", bệnh nhiễm trùng hiếm gặp có khả năng gây tử vong cao ở bệnh nhân Covid-19.

Cơ quan y tế bang Maharashtra cho biết đã ghi nhận ít nhất 90 trường hợp chết vì nấm đen, trong đó có thành phố Mumbai, nơi chịu ảnh hưởng nặng vì đại dịch. Ít nhất 800 người đã nhập viện vì nhiễm nấm đen. Quan chức địa phương cho biết khoảng 2.000 trường hợp mắc bệnh nấm đen đã được báo cáo ở Maharashtra.

Bang Rajasthan cũng báo cáo nhiều trường hợp mắc bệnh nấm đen và tuyên bố đây là một "căn bệnh đáng lo ngại".

Khoảng 115 trường hợp được phát hiện ở bang Haryana và ít nhất 150 ca bệnh khác được báo cáo ở Telangana. Trong khi đó, trưởng khoa thần kinh tại Viện Khoa học Y học Ấn Độ Padma Srivastava cho biết mỗi ngày bệnh viện này cấp cứu trung bình hơn 20 ca mắc nấm đen.

Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 15.894.094 ca nhiễm và 444.094 ca tử vong, tăng lần lượt 78.903 và 2.230.

Carlos Lula, người đứng đầu cơ quan y tế bang Maranhao, ngày 20/5 cho biết đã phát hiện những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể nCoV Ấn Độ B.1.617.2. 6 thành viên thủy thủ đoàn của tàu Shandong da Zhi, đi từ Nam Phi, đã có kết quả dương tính với biến thể.

14 thành viên khác bị nhiễm nCoV hiện ở trên tàu, trong đó 12 người không có triệu chứng và 2 người có triệu chứng nhẹ.

Khoảng 100 người đã tiếp xúc với thủy thủ đoàn nhiễm nCoV. Giới chức Maranhao cho biết họ sẽ được xét nghiệm và cách ly nếu cần thiết.

Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.568.551 ca nhiễm và 108.314 ca tử vong.

Thủ tướng Jean Castex ngày 20/5 cho biết Pháp sẽ mở rộng phạm vi tiêm chủng đối với tất cả người trưởng thành ở Mỹ kể từ ngày 31/5. Hơn 21,5 triệu người Mỹ, chiếm 41% dân số, đã được tiêm chủng ít nhất một liều vaccine, theo dữ liệu của Bộ Y tế.

Tháp Eiffel sẽ bắt đầu mở cửa đón du khách từ ngày 16/7 và du khách có thể bắt đầu đặt vé trực tuyến từ ngày 1/6.

Anh, vùng dịch lớn thứ 7 thế giới, báo cáo 4.455.221 ca nhiễm và 127.701 ca tử vong, tăng lần lượt 2.874 và 7 ca trong 24 giờ qua.

Hoàng tử William của Hoàng gia Anh ngày 20/5 cho biết vừa tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên. Hoàng tử Anh đã chia sẻ bức ảnh tiêm vaccine tại Bảo tàng Khoa học London ngày 18/5 trên mạng xã hội, đồng thời cảm ơn tất cả những người đã tham gia chiến dịch tiêm chủng của quốc gia. Trước William, Nữ hoàng Elizabeth II đã tiêm chủng vào tháng 1 và Thái tử Charles đã tiêm mũi đầu tiên vào tháng 2.

Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps ngày 20/5 cho biết Anh sẽ tiếp tục duy trì các chuyến bay thẳng từ Ấn Độ, bất chấp số ca nhiễm biến chủng B.1.617.2 tăng 28% trong hai ngày qua. Ông nói thêm tất cả hành khách trên các chuyến bay từ Ấn Độ đều là công dân Anh, công dân Ireland hoặc là thường trú nhân ở Anh.

Khoảng 2.967 ca nhiễm biến chủng Ấn Độ đã được báo cáo ở Anh, theo Bộ trưởng Y tế Matt Hancock. Ấn Độ đã được thêm vào "danh sách đỏ", quốc gia có nguy cơ dịch bệnh cao, của Anh từ ngày 23/4.

Đài Loan báo cáo 295 ca nhiễm mới và một trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên lần lượt 2.825 và 15.

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung ương (CECC) của Đài Loan cho biết trong 295 ca nhiễm mới, 286 ca lây nhiễm cộng đồng.

CECC cũng cho biết bất kỳ ai phát tán thông tin sai lệch về dịch Covid-19 ở Đài Loan có thể đối mặt ba năm tù giam và khoản tiền phạt tương đương 107.000 USD.

Đài Loan từng là một trong những "hình mẫu" kiểm soát Covid-19 của thế giới, trước khi đợt bùng phát nghiêm trọng tháng này đã khiến số ca nhiễm ở đây tăng gấp đôi.

Tại Đông Nam Á, Malaysia ghi nhận ca nhiễm mới kỷ lục trong ngày 20/5 với 6.806 người, nâng tổng số ca nhiễm lên 492.302. Nước này cũng ghi nhận 2.099 ca tử vong kể từ khi bùng dịch, sau khi báo cáo thêm 59 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Đây được xem là ngày chết chóc nhất ở Malaysia kể từ khi dịch bắt đầu từ năm ngoái.

Giữa lúc số ca Covid-19 tăng mạnh những ngày qua, Bộ Y tế Malaysia ngày 20/5 kêu gọi hệ thống bệnh viện tư ở quốc gia này tăng giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Bộ Y tế cũng cho biết hầu hết các bệnh viện của chính phủ đã trong tình trạng báo động, khi các khu vực chăm sóc đặc biệt đều đã hoạt động hết 70% công suất. Tại khu vực miền trung đất nước, tỷ lệ này đã vượt 100%. 70-90% các giường bệnh nói chung ở Malaysia đã được lấp đầy.

Thanh Tâm (Theo CNN, Guardian, NYTimes, Malay Mail)

Pfizer sẽ sản xuất 6 tỷ liều vaccine COVID-19 trong 18 tháng tới Pfizer sẽ sản xuất 6 tỷ liều vaccine COVID-19 trong 18 tháng tới

Công ty Pfizer đang có kế hoạch sản xuất 6 tỷ liều vaccine COVID-19 trong vòng 18 tháng tới.

Đau đầu lựa chọn hộ chiếu vaccine Đau đầu lựa chọn hộ chiếu vaccine

Khi đi lại quốc tế có thể được nối lại, nhiều người nhận ra việc họ tiêm loại vaccine Covid-19 nào có thể quyết định ...

Nhà Trắng khẳng định Mỹ sẽ không áp dụng hộ chiếu vaccine Nhà Trắng khẳng định Mỹ sẽ không áp dụng hộ chiếu vaccine

Hôm 6/4, Nhà Trắng xác nhận sẽ không áp dụng bất kỳ hình thức hộ chiếu vaccine COVID-19 nào ở Mỹ.

/ vnexpress.net