Được chấp thuận nghiệm thu, tàu Cát Linh - Hà Đông cần thêm gì để vận hành?

Dù đã được nghiệm thu công trình xây dựng nhưng đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn cần thêm nhiều điều kiện để vận hành thương mại.

9/9 thành viên Hội đồng kiểm tra Nhà nước ngày 29/10 đã chấp thuận đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện, đưa công trình đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, để đoàn tàu được khai thác thương mại, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng các đơn vị liên quan phải hoàn thiện nhiều công đoạn khác nhau.

Theo Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, trước khi bàn giao cho Hà Nội đưa dự án vào khai thác, chủ đầu tư (Bộ GTVT) phải phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan để kiểm tra, rà soát toàn bộ các hệ thống, thiết bị phục vụ vận hành.

Ông Nghị cũng yêu cầu các đơn vị cần thống nhất và phê duyệt quy trình vận hành phù hợp với giai đoạn đầu khai thác và thực hiện đầy đủ các thủ tục có liên quan đảm bảo đưa công trình vào khai thác an toàn, đúng pháp luật.

Đặc biệt, Hội đồng kiểm tra Nhà nước nhấn mạnh đến việc chuẩn bị các phương án xử lý tình huống có thể phát sinh trong quá trình khai thác, nhất là đối với những phát hiện liên quan đến vận hành đã được Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống khuyến cáo.

Được chấp thuận nghiệm thu, tàu Cát Linh - Hà Đông cần thêm gì để vận hành? - 1
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cần hoàn thiện nhiều thủ tục trước khi được chạy thương mại.

Hoàn thiện 16 khuyến cáo của tư vấn Pháp

Trước đó, đánh giá an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông, liên danh tư vấn Apave-Certifer-Tricc (tư vấn ACT) của Pháp đã đưa ra 16 khuyến cáo dẫn tới nguy cơ mất an toàn hệ thống khi vận hành.

Các khuyến nghị an toàn của Tư vấn ACT được chia thành 3 nhóm, gồm: Nhóm liên quan đến hồ sơ tài liệu; Nhóm liên quan đến thiết kế cần khắc phục hiện trường và có thể tiếp tục cải tiến, nâng cao mức độ an toàn trong tương lai; Nhóm liên quan đến sự sẵn sàng vận hành của các nhân sự. Đây là những khuyến nghị mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành, khai thác.

Tuy nhiên, theo giải thích của Bộ GTVT, 13 đoàn tàu của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Mỗi đoàn tàu trong thời gian vận hành thử đã chạy hơn 1.500km, bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã cấp chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy cho hệ thống; TUV cấp chứng nhận chất lượng an toàn cho hệ thống phanh điện, điện kéo; tổng thầu EPC Trung Quốc và nhà sản xuất đoàn tàu BSR đã cam kết chất lượng và an toàn kỹ thuật cho các đoàn tàu; Metro Hà Nội đã thuê tư vấn Trung Quốc hỗ trợ 1 năm vận hành hệ thống quản lý an toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Tới nay, trong 16 khuyến nghị của tư vấn, đã có 1 số khuyến nghị hoàn thành, gồm: Chứng nhận phòng cháy chữa cháy; Kết quả đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu của Tư vấn Ricado; Metro Hà Nội đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp, đã diễn tập ngoài hiện trường; Bổ sung các biển chỉ dẫn cho người khuyết tật...

Một số khuyến nghị thuộc trách nhiệm của Tổng thầu EPC, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt chỉ đạo thực hiện và hoàn tất thủ tục.

Với một số khuyến nghị thuộc về trách nhiệm của đơn vị khai thác (Công ty Metro Hà Nội), Bộ GTVT đã làm việc với UBND TP.Hà Nội để thống nhất triển khai, hoàn thiện, gồm: Sự sẵn sàng vận hành (mức độ thuần thục của nhân sự vận hành; bổ sung vào quy trình vận hành thao tác cho các nhân viên, tăng số lượng nhân viên; bổ sung diễn tập trong tình huống bất ngờ); Biện pháp sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp..

Riêng các nội dung đầu tư xây dựng các hạng mục nhằm nâng cao an toàn trong quá trình khai thác, như tường kính ngăn cách đoàn tàu với vị trí khách đứng chờ tàu...Bộ GTVT đã đề nghị UBND TP.Hà Nội thống nhất thực hiện đầu tư trong thời gian tới, làm cơ sở để Tư vấn ACT đánh giá.

Thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước

Trước đó, nói về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết hiện nay, dự án vẫn còn nhiều vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ công tác nghiệm thu, bàn giao đưa dự án vào vận hành khai thác. Trong đó, chủ yếu là công tác thanh toán và việc thực hiện ý kiến Kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Cụ thể, năm 2018, dự án được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Trên cơ sở kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát và xử lý các nội dung liên quan đến công tác quản lý tài chính, kế toán; yêu cầu hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định…

Tuy nhiên, do đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam và thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói (EPC), việc thực hiện một số nội dung theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước gặp khó khăn khi Tổng thầu EPC là nhà thầu nước ngoài (được chỉ định trong Hiệp định vay) cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, từ chối thực hiện (nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước).

Bộ Xây dựng cũng cho rằng do đây là dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên được thí điểm thực hiện tại Việt Nam, một số định mức đơn giá chưa được ban hành và không thể lập lại tại thời điểm dự án đã hoàn thành công tác thi công, xây dựng dẫn đến việc hoàn thiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước gặp nhiều khó khăn.

"Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tập trung rà soát các hạng mục công việc, hoàn tất thủ tục trong việc thực hiện kết luận Kiểm toán Nhà nước", Bộ Xây dựng nêu rõ trong báo cáo.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư được điều chỉnh tăng từ 8.769,965 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD thành 18.001,597 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD).

Công trình được phê duyệt 2008 với thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 11/ 2013. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, dự án phải điều chỉnh tiến độ nhiều lần, đến nay vẫn chưa rõ thời gian về đích.

Đáng chú ý, dù chưa thể vận hành thương mại, nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại theo cơ chế tài chính đã được phê duyệt. Vừa qua, Bộ Tài chính đã phải ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các hiệp định vay đã ký.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận việc chậm tiến độ hoàn thành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông để bàn giao cho UBND Thành phố Hà Nội đưa vào khai thác sử dụng gây ra những dư luận không tốt về dự án.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, thời gian qua Thủ tướng đã trao đổi, làm việc với lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ GTVT, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đã làm việc với đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam, với tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc, đồng thời định kỳ hằng tuần làm việc với tổng thầu nhằm thúc đẩy tiến độ dự án.

Ngọc Vy

Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thế nào? Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thế nào?
Mỗi ngày tàu Cát Linh-Hà Đông chạy thử bao nhiêu chuyến? Mỗi ngày tàu Cát Linh-Hà Đông chạy thử bao nhiêu chuyến?

/ vtc.vn