Đối thủ đáng “gờm” từ Mỹ và chiến thuật mới của Nga


Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đang trở thành một đối thủ tiềm năng có thể cạnh tranh với khí đốt của Nga - vốn có vị trí gần như thống trị trên thị trường châu Âu, với lượng cung cấp chiếm 1/3 nhu cầu khí đốt của cựu lục địa.

Vào tuần lễ đầu tiên của tháng 6 vừa qua, Ba Lan và Hà Lan đã nhận được lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên của Mỹ. Thủ tướng Ba Lan - ông Beata Szydlo đã gọi đó là “một khoảnh khắc lịch sử”, đưa đất nước Trung Âu này tiến tới gần mục tiêu giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hoan nghênh sự kiện trên và ca ngợi việc xuất khẩu LNG sẽ hỗ trợ, tạo thêm việc làm cho người Mỹ, đồng thời đóng góp cho các mục tiêu an ninh năng lượng ở châu Âu, giúp các đối tác của họ đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Còn Cheniere Energy - công ty duy nhất cho tới thời điểm này được Mỹ cấp phép xuất khẩu LNG cũng xác nhận đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các nước châu Âu.

doi thu dang gom tu my va chien thuat moi cua nga
Chuyến hàng LNG đầu tiên của Mỹ tới Ba Lan ngày 7/6/2017

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ sẽ trở thành nước xuất khẩu ròng khí đốt tự nhiên vào năm 2018. Dự kiến, đến năm 2021, 4 cơ sở xuất khẩu LNG đang được xây dựng của nước này sẽ hoàn thành.

Mặc dù nhập khẩu khí đốt bằng đường ống thông thường sẽ rẻ hơn so với nhập khẩu LNG bằng tàu biển, nhưng nguồn cung cấp LNG từ Mỹ rõ ràng đã đem lại cho châu Âu một lựa chọn mới và chắc chắn sẽ khiến vị thế của châu lục này được củng cố trong các cuộc “mặc cả” với Moskva.

Người Nga đã có sự chuẩn bị cho viễn cảnh này.

Một mặt, họ vẫn nỗ lực tìm cách thúc đẩy các dự án đường ống dẫn khí sang châu Âu của mình. Ngày 23-6 vừa qua, hạng mục thi công trong vùng nước sâu của dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Stream) - tuyến đường mới đưa khí đốt của Nga vào châu Âu đã được khởi công sau nhiều năm trì hoãn. Một dự án nữa cũng đang được Moskva ráo riết triển khai là Dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Nord Stream 2 dự kiến sẽ xây dựng 2 đường ống dẫn khí đốt có công suất hằng năm tổng cộng là 55 tỉ m3.

Tuyến đường ống này sẽ được đặt dọc với tuyến đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) đầu tiên, bắt đầu từ bờ biển Nga, sau đó qua biển Baltic để đến một trung tâm tại Đức. Mặc dù Ủy ban châu Âu (EC) đang mở rộng các quy định của Gói Năng lượng Thứ Ba gây sức ép với phần dưới nước của Dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, nhưng Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu, ông Vladimir Chizhov, trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tức Rossiya\'24 hôm 4-7 vẫn mạnh mẽ khẳng định quyết định thực hiện Nord Stream 2 đến cùng.

Mặt khác, trước sự cạnh tranh tiềm năng từ các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ, Rosneft - tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Nga đã có một ý tưởng đột phá: Đó là “bắt tay” phối hợp cùng Gazprom chiếm lĩnh thị trường khí đốt châu Âu.

Bà Vlada Rusakova - Phó chủ tịch Tập đoàn Dầu mỏ Rosneft (Nga), cũng là người từng giữ chức vụ Giám đốc trong Tập đoàn Gazprom, mới đây cho biết, Rosneft muốn tiến hành một “thử nghiệm”. Theo đó, Rosneft sẽ cung cấp khí đốt ở các khu vực của châu Âu mà Gazprom không có mặt và có thể sẽ nhập khẩu LNG của Mỹ. Theo bà Rusakova, việc này nên được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ với Gazprom, để tránh sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp khí đốt của Nga.

Nếu ý tưởng này thực hiện thành công thì màn “song kiếm hợp bích” của hai “ông lớn” dầu khí Nga có khả năng sẽ đem lại thêm sức mạnh và cơ hội mới cho khí đốt Nga, trước bối cảnh năng lượng đang thay đổi ở châu Âu.

/ Linh Phương/Petrotimes