Điều chỉnh thuế ôtô các loại, kẻ mừng người lo

Trong khi các dòng xe lắp ráp trong nước càng nội hoá càng có khả năng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thì loại thuế suất này áp cho xe bán tải (pick-up) sẽ tăng sau khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất sửa 5 dự luật thuế, trong đó có thuế TTĐB để cơ cấu lại nguồn thu.

dieu chinh thue oto cac loai ke mung nguoi lo

Thị trường ôtô sắp có nhiều thay đổi về chính sách thuế. Ảnh HT

Mở cửa giảm giá xe nội

Bên cạnh khả năng được ưu đãi thuế linh kiện, các nhà sản xuất xe nội sẽ được Nhà nước “trợ lực” bằng thuế TTĐB. Theo đó, trong dự thảo sửa đổi luật thuế TTĐB Bộ Tài chính đề nghị giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Như vậy, xe lắp ráp trong nước càng có tỉ lệ nội địa hoá cao càng được giảm thuế.

Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện một hãng xe trong nước đánh giá đề xuất của Bộ Tài chính là kịp thời và sẽ khuyến khích các DN trong nước mạnh tay hơn đầu tư để đạt tỉ lệ nội địa hoá cao hơn. Việc này cũng góp phần giúp các DN trong nước có thể hạ giá thành trong công cuộc cạnh tranh cùng xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN sau năm 2018.

Phát biểu trong cuộc họp chuyên đề về sửa đổi 5 luật thuế, đại diện Bộ Tài chính nhận định việc áp dụng các hiệp định thương mại quốc tế sẽ khiến một số nguồn thu thuế như thuế nhập khẩu ôtô từ khu vực ASEAN bị giảm nhưng bằng việc sửa đổi hoàn thiện chính sách thuế, Nhà nước sẽ cơ cấu lại nguồn thu, đồng bộ hoá chính sách thuế phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như khắc phục các vướng mắc hiện hành.

Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, nhiều dòng xe lắp ráp trong nước sẽ có cơ hội điều chỉnh giá và cùng với việc thuế nhập khẩu cho xe từ ASEAN về 0% mặt bằng giá xe trong năm 2018 có thể giảm ít nhiều so với hiện nay.

Nhưng đẩy giá xe bán tải

Tuy nhiên, cũng liên quan tới thuế TTĐB, các tín đồ mê xe bán tải có thể sẽ kém vui bởi giá dòng xe này nhiều khả năng sẽ tăng ngay cả khi thuế nhập khẩu về 0%. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, xe bán tải sẽ chịu thuế suất thuế TTĐB bằng 60% mức thuế suất xe con cùng dung tích xi lanh. Và như vậy, dòng xe này sẽ có thuế TTĐB từ 25 đến 54% tuỳ theo dung tích xi lanh. Chẳng hạn xe có dung tích từ 2.000 - 3.000cm3 nên nếu thuế suất là 55% như xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống thì mức thuế suất của xe bán tải là 33%.

Bên cạnh đó, dòng xe này còn có khả năng tăng phí trước bạ dù chưa có đề xuất cụ thể. Những điều chỉnh này chắc chắn sẽ khiến giá xe bán tải tăng nhanh ngay cả khi thuế nhập khẩu giảm vì xe bán tải đang là một trong những dòng xe có các mức thuế thấp nhất khi áp thuế nhập khẩu 5%, thuế TTĐB 15% và phí trước bạ 2%. Do đó, sau 1.1.2018 nếu thuế nhập khẩu giảm từ 5% xuống 0% mà thuế TTĐB tăng từ 15 lên 25 hoặc thậm chí 54% tuỳ theo dung tích thì giá xe nhìn chung sẽ không giảm mà còn tăng.

Thông tin này ngay lập tức khiến thị trường xe xôn xao bởi xe bán tải đang là một phân khúc “hot” nhờ giá rẻ.

Trước đó, trong báo cáo về thực trạng ngành ôtô Việt Nam, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho tăng nhiều loại thuế, phí đối với dòng xe bán tải. Các sắc thuế đó bao gồm là thuế suất tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế suất nhập khẩu, phí trước bạ đối với xe bán tải (pick-up) có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống như xe ôtô con dưới 9 chỗ ngồi.

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong 6 tháng đầu năm thị trường ôtô Việt Nam ghi nhận doanh số tổng cộng 79.397 xe du lịch, trong đó, xe bán tải chiếm tới 14,43% doanh số xe du lịch. Dòng xe này bán được hơn 11.400 xe trong 6 tháng và là loại xe chủ lực trong lượng lớn xe nhập từ Thái Lan về Việt Nam.

/ Lâm Anh/Báo Lao Động