Diễn biến mới nhất của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng ngày 8/7 (giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận tổng cộng 185.816.850 ca mắc COVID-19 và 4.017.142 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 170.074.012 ca.

Biến thể Delta đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước và khu vực. Không chỉ có khả năng lây lan nhanh, biến thể này còn nhiến nhiều người trẻ tuổi gặp biến chứng nặng khi mắc COVID-19.

Tại Mỹ, số liệu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nước này công bố ngày 7/7 cho thấy biến thể Delta chiếm tới 51,7% số ca mắc mới trong hai tuần kết thúc vào ngày 3/7. Trong khi đó, số ca nhiễm biến thể Alpha hiện giảm và chỉ chiếm 28,7% số ca mắc. Mỹ hiện ghi nhận 34.641.050 ca mắc COVID-19, cao nhất trên toàn cầu, trong đó có 621.849 ca tử vong. Các dữ liệu báo cáo sơ bộ cho thấy những loại vaccine hiện có của hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Moderna đều có hiệu quả trong phòng bệnh COVID-19. Do đó, Tổng thống Joe Biden đã khuyến khích người dân Mỹ đi tiêm chủng để bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm biến thể nguy hiểm này.

Ngày 7/7 là ngày chứng kiến nhiều kỷ lục buồn đối với Cuba và Hàn Quốc. Với 3.664 ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trong ngày - mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, tổng số ca mắc hiện nay ở đảo quốc Caribe hiện là 214.577 ca, trong đó có 1.405 ca tử vong. Phần lớn số ca mắc mới ở Cuba là ca lây nhiễm cộng đồng.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) của nước này công bố thêm 1.275 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ trước đến nay. Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ tư đang lây lan nhanh, đặc biệt ở những người từ 20-30 tuổi chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, trong khi số ca nhiễm biến thể Delta cũng đang gia tăng đáng lo ngại.

Tại châu Âu,, Bộ Y tế Bỉ đã cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi, trên cơ sở tự nguyện và được sự cho phép của bố mẹ. Tại cuộc họp các Bộ trưởng Y tế hôm 7/7, Hội đồng Y tế liên bang Bỉ nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 ít gây ra các trường hợp nhiễm bệnh nặng ở thanh thiếu niên nhưng đối tượng này lại là trung gian lây truyền virus. Do đó, cần phải hạn chế tác nhân lây bệnh, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là khi biến thể Delta dễ lây lan hơn. Đó là lý do phải tiêm chủng cho thanh thiếu niên với lợi ích chính là bảo vệ cộng đồng.

Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ em và thanh thiếu niên thường mắc COVID-19 nhẹ hơn so với người lớn. Do đó, việc tiêm phòng cho nhóm đối tượng này không cấp bách bằng người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính hay hộ lý. Tuy nhiên, tiêm chủng cho thanh thiếu niên giúp tăng tỷ lệ bao phủ và bảo vệ người dân.

PV (t/h)

Sáng 8/7, thêm 314 ca COVID-19 ở TP.HCM và Bình Dương Sáng 8/7, thêm 314 ca COVID-19 ở TP.HCM và Bình Dương
"Bệnh viện không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân Covid-19" "Bệnh viện không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân Covid-19"

/ Nghề nghiệp & Cuộc sống