Đi chống dịch với ba bộ đồ

Nhận được thư đồng ý của Sở Y tế Bắc Ninh, anh Ma Văn Thoại vội gửi con nhỏ về quê rồi khăn gói 3 bộ quần áo lên đường.

Thoại, 29 tuổi, người dân tộc Tày viết đơn đăng ký xin tham gia chống dịch ngay sau khi Bắc Ninh kêu gọi tình nguyện viên. Nửa ngày sau, anh nhận được thư đồng ý. Anh liền gửi con nhỏ về quê nội ở Sơn Dương (Tuyên Quang) rồi khăn gói 3 bộ quần áo lên đường. "Mình đi chống dịch lại mặc đồ bảo hộ suốt nên không cần cầu kỳ, đủ để thay đổi mỗi ngày là được", Thoại nói.

Có mặt từ sáng sớm tại điểm cách ly tập trung xã Ngũ Thái, Thuận Thành, Thoại trong bộ đồ bảo hồ kín đang tiếp đón công dân các xã đến. Từ hôm nhận nhiệm vụ, hôm nào Thoại cũng trắng đêm đi chống dịch, ngày đầu tiên thì đến 3h sáng mới được nghỉ ngơi, ăn uống.

Hiện tại, khu cách ly tập trung này có gần 300 công dân, trong đó nhiều trẻ em nên việc chăm sóc của nhóm y tế cũng vất vả hơn. Song, điều Thoại lo lắng nhất là thiết bị chống dịch, đồ bảo hộ y tế còn hạn chế nên phải cân đối. Mọi người phải mặc bộ đồ bảo hộ làm việc dưới nắng nóng 40 độ nhiều giờ, mồ hôi vã ra như tắm nhưng cũng không dám thay đồ ra, ăn uống tranh thủ, giờ giấc sinh hoạt đảo lộn.

"Lúc tối bà nội gọi điện bảo bao giờ được về, con khóc đòi bố suốt mà mình chưa biết trả lời thế nào. Cán bộ y tế mà, lúc nào cũng "đi trước, về sau", Thoại tâm sự. "Chỉ khi nào thấy tất cả những người thuộc diện cách ly được về nhà trong tình trạng sức khỏe ổn định, xét nghiệm âm tính thì mình mới có thể nghĩ về niềm vui của bản thân".

Đi chống dịch với ba bộ đồ

Thoại tranh thủ nghỉ ngơi sau nhiều giờ làm việc, trên người còn nguyên đồ bảo hộ. Ảnh: Cao Tuân

Được mệnh danh là người mạnh mẽ nhất trong đoàn y tế tình nguyện ở Thuận Thành nhưng lần nào nhắc về gia đình, bác sĩ Nguyễn Thị Nguyệt cũng cắn chặt môi, dặn lòng không được khóc. Nhà ở ngay thị trấn Hồ, cách Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành, nơi cô túc trực vài trăm mét nhưng đã hơn mười ngày, Nguyệt chưa được về thăm bố mẹ.

Giống như Thoại, Nguyệt cũng viết đơn tình nguyện xin được lên tuyến đầu chống dịch. Thuận Thành là quê hương cô và cũng là điểm nóng nhất của Bắc Ninh. Tính đến ngày 23/5, huyện này đã có hơn 350 trường hợp dương tính trong tổng số 448 ca bệnh của toàn tỉnh.

Công việc chính của cô là tiếp nhận, truy vết và hỗ trợ nhóm sinh viên tình nguyện trong việc theo dõi sức khoẻ, chăm sóc các trường hợp F1. Ngoài ra, nhân viên y tế còn phải động viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng trường hợp. "Ví dụ các cháu nhỏ thì ăn cháo, sư thầy thì ăn chay, người có bệnh nền thì chế độ ăn uống riêng để đảm bảo sức khỏe", Nguyệt nói.

Theo Nguyệt, công việc không khó song phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao vì tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp F1. Thuận Thành có gần 20 khu cách ly tập trung, chỗ nào khó khăn, đông dân. Mỗi ngày, nhóm của Nguyệt phải chia nhau có mặt từng điểm, triển khai những biện pháp không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng. Công việc truy vết cần sự tỉ mỉ, chính xác cao. Khu vực nào lấy thông tin chưa chuẩn, Nguyệt phải về tận nơi, xác minh lại từ đầu.

Ngồi bệt xuống dưới nền đất nghỉ ngơi, Nguyệt nói: "Trời nắng nóng, cởi trang phục bảo hộ ra thì thoải mái hơn, nhưng bọn em phải chờ xong việc. Một bộ đồ y tế mấy trăm nghìn, tháo ra lại phải bỏ đi, lát có nhóm người đến lại phải dùng bộ mới thì xót lắm".

Đi chống dịch với ba bộ đồ

Thời tiết nắng nóng, nhiều nhân viên y tế bị kiệt sức, cần hỗ trợ của đồng nghiệp. Ảnh: Thanh Xuân

Gần một tháng kể từ ngày bùng phát dịch, Bắc Ninh vẫn là điểm nóng của cả nước buộc các lực lượng chức năng phải "thần tốc truy vết, thần tốc cách ly; thần tốc khoanh vùng". Nhiều nhân viên y tế kiệt sức, ngất xỉu khi tham gia truy vết, nhiều gia đình có con nhỏ phải gửi về ông bà giữ hộ, tập trung đi chống dịch.

Khi được hỏi chuyện gia đình, Nguyệt kể năm nay đã 33 tuổi, cũng mong sớm ổn định, song dịch bệnh phức tạp nên không biết đến bao giờ còn bố mẹ cứ thấy thêm ca bệnh thì lại sốt ruột gọi điện.

"Những lúc này, tôi phải trấn an, nói chiến thắng dịch bệnh con về nhà, mang thêm cả người yêu", Nguyệt cười, nói.

Nghe chuyện bác sĩ Nguyệt, Nguyễn Thùy Ngân, 22 tuổi, sinh viên trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên, nói với "thế phát cho em một anh người yêu với" làm mọi người cười ồ lên. Gần chục ngày lăn lộn với công việc ở khu cách ly, Ngân mới có giây phút vui vẻ như vậy.

Ngân là một trong số hàng trăm cán bộ y tế, sinh viên tình nguyện tham gia chống dịch ở điểm nóng nhất của Bắc Ninh. Gần một tuần nay, cô liên tục thức đêm lấy mẫu xét nghiệm, "nhiều lúc cảm tưởng như muốn gãy lưng, rụng rời tay chân". Ước mong lớn nhất của cô là được ngủ. Nhiều lúc mệt mỏi, cô ghép hai cái ghế rồi đặt lưng ngủ ngon lành.

"Ai cũng biết chống dịch vất vả nhưng mình rất tự hào về công việc này. Đại dịch yêu cầu toàn thể các lực lượng phải vào cuộc, nếu không yêu nghề thì không làm được đâu", Ngân nói.

Đi chống dịch với ba bộ đồ

Nhóm nhân viên y tế nghỉ ngơi sau hàng chục tiếng làm việc. Ảnh: Cao Tuân

Nghỉ ngơi được 20 phút, đoàn xe của CDC tỉnh đến đón mọi người di chuyển sang khu vực khác để truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm. Không ai bảo ai, tất cả vươn vai đứng dậy, khẩn trương ra xe, tiếp tục hành trình đi săn Covid-19 của mình.

Thùy An - Thúy Quỳnh - Cao Tuân

Người dân cứu đói công nhân trong tâm dịch Người dân cứu đói công nhân trong tâm dịch
Nông dân Hải Dương khốn đốn trong tâm dịch Nông dân Hải Dương khốn đốn trong tâm dịch
/ vnexpress.net