Đến bao giờ người dân rút điện thoại trả tiền... trà đá, vé xe?

“Để giảm tỷ lệ thanh toán tiền mặt, tăng tỷ lệ thanh toán điện tử, điều quan trọng là phải để người dùng thấy được lợi ích của phương thức thanh toán này. Chúng ta phải tạo ra những trải nghiệm cho người dân. Trải nghiệm càng dễ dàng, càng tạo ra lợi ích thì càng nhiều người sử dụng…”

Các khách mời tham gia toạ đàm "Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc". Ảnh: T.C

“Để giảm tỷ lệ thanh toán tiền mặt, tăng tỷ lệ thanh toán điện tử, điều quan trọng là phải để người dùng thấy được lợi ích của phương thức thanh toán này. Chúng ta phải tạo ra những trải nghiệm cho người dân. Trải nghiệm càng dễ dàng, càng tạo ra lợi ích thì càng nhiều người sử dụng…”

 

Đó là khẳng định của ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) tại toạ đàm "Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức chiều 16.10.

Tại toạ đàm, ông Phạm Trung Kiên, Tổng GĐ Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho biết, dùng thanh toán bằng tài khoản viễn thông, còn gọi là Mobile Money chính xu hướng triển khai chung của thế giới.

Vị này nhận định,  tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ rất lớn, điều này cũng phù hợp cho một quốc gia mà phần trăm dân số có tài khoản ngân hàng còn chiếm tỷ lệ tương đối thấp. Cũng bằng phương thức này, ông Kiên cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh hơn nữa việc thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước.

“Việc sử dụng tài khoản viễn thông hướng đến các thanh toán các giá trị giao dịch rất nhỏ, từ cốc trà đá, vé gửi xe, cốc cà phê… Nếu được Chính phủ phê duyệt đề án Mobile Money,  thị trường này sẽ khá bùng nổ bởi những tiện lợi nó mang lại”, ông Kiên nói.

Để thu hút khách hàng, ông Kiên cho rằng, các doanh nghiệp không còn cách nào khác phải trải qua bước “giáo dục khách hàng”, tạo hấp dẫn trải nghiệm cho họ bằng những ưu đãi, khuyến mại để tạo thói quen sử dụng. Sau khi có thói quen rồi sẽ đưa cho họ những trải nghiệm cao hơn.

“Đó là việc mất rất nhiều thời gian chứ không phải bảo họ cứ dùng đi là được”, ông Kiên nói.

Ở khía cạnh khác khi bàn về rủi ro bảo mật, an toàn cho người dùng khi không thanh toán tiền mặt, ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng giao dịch bằng phương thức nào cũng có rủi ro nhất định, chủ yếu do cơ chế giám sát.

“Đánh bạc online cũng vậy, nó phát sinh từ con người, công nghệ chỉ là công cụ và cách họ sử dụng thôi. Người ta thấy có lỗ hổng kiếm tiền nhanh thì người ta sẽ làm. Do vậy phải có cơ chế phòng vệ giám sát rủi ro”, ông Tuấn nói.

Để thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt ở Việt Nam, ông Tuấn cho rằng các doanh nghiệp có thể “áp dụng cách chơi trên thế giới, họ làm thế nào thì mình tham khảo”.

"Cần có những quy định để tạo điều kiện doanh nghiệp trong nước phát triển trong lĩnh vực này. Bởi nhảy vào thị trường này, doanh nghiệp cần rất nhiều vốn và không phải doanh nghiệp nào cũng thuộc cũng có điều kiện” như Viettel", ông Tuấn nói.

 

Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về thanh toán điện tử qua internet, điện thoại di động trong quý I năm 2019 cho thấy, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 232,3 % so với cùng kỳ năm 2018. 

Tuy nhiên dù tăng trưởng thuộc top đầu thế giới, song ông Hải cho biết: Tỉ lệ thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước. Đồng thời các mảng phát triển cũng không đồng đều, trong đó thương mại điện tử chủ yếu vẫn sử dụng tiền mặt với hình thức COD - Hàng đến thanh toán bằng tiền mặt .

 

 

/ laodong.vn