Đề xuất khách đi xe buýt phải có xét nghiệm Covid-19: Khách nào đi cuốc xe buýt 230.000 đồng?

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Tramooc) mới đây đề xuất lộ trình hoạt động lại vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố sau khi nới lỏng giãn cách, trong đó đề xuất khách đi xe buýt phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Theo đó, Tramooc đề xuất các tiêu chí “thẻ xanh Covid” và “thẻ vàng Covid” đối với hành khách đi xe buýt.

Cụ thể: “thẻ xanh Covid” được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cho các cá nhân đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đã tiêm mũi vaccine thứ hai được 14 ngày và không quá 12 tháng hoặc đã được tiêm 1 mũi vaccine (đối với các loại vaccine chỉ cần tiêm 1 mũi như vắc xin Janssen của Johnson & Johnson) được 14 ngày và không quá 12 tháng; người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly trong vòng 21 ngày tính từ khi khỏi bệnh.

“Thẻ vàng Covid” được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cho các cá nhân đáp ứng các điều kiện là đã tiêm 1 mũi đối với vaccine có yêu cầu 2 mũi được 14 ngày.

Đối với các cá nhân không có thông tin dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử (sổ sức khoẻ điện tử) có thể chứng minh bằng các giấy tờ có liên quan như: giấy chứng nhận tiêm chủng bảo đảm điều kiện của thẻ xanh/thẻ vàng.

Đề xuất khách đi xe buýt phải có xét nghiệm Covid-19: Khách nào đi cuốc xe buýt 230.000 đồng? ảnh 1
Xe buýt Hà Nội đã đắp chiếu 2 tháng nay, doanh nghiệp gặp khó khăn chồng chất

Về thời gian khôi phục lại hoạt động xe buýt, dự kiến chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 15 ngày sau thời điểm giãn cách xã hội (kể từ 0h ngày 21/9 đến hết ngày 5/10): lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và tại nhà chờ xe buýt nhanh (BRT) và hành khách phải có “thẻ xanh Covid” hoặc “thẻ vàng Covid” và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Giai đoạn sau thời điểm giãn cách 15 ngày (kể từ ngày 6/10): lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và tại nhà chờ xe buýt nhanh và hành khách phải có “thẻ xanh Covid” hoặc “thẻ vàng Covid” và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Đề xuất khách đi xe buýt phải có xét nghiệm Covid-19: Khách nào đi cuốc xe buýt 230.000 đồng? ảnh 2
Sẽ không có hành khách nào bỏ ra 230.000 đồng để đi cuốc xe buýt

Nhìn nhận về đề xuất này, ông Nguyễn Trọng Thông cho rằng rất khó triển khai vào thực tế. Ông Thông cho rằng, đề xuất của Tramooc là sau ngày 6/10, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và tại nhà chờ xe buýt nhanh và hành khách phải có “thẻ xanh Covid” hoặc “thẻ vàng Covid” và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

"Doanh nghiệp có đủ sức mỗi ngày tốn cả trăm triệu đồng làm xét nghiệm cho lái, phụ xe trong bối cảnh đang rất khó khăn hiện nay? Hơn nữa, liệu có hành khách nào chịu bỏ 170.000-250.000 đồng chi phí xét nghiệm Covid-19 để đi xe buýt. Tôi tin rằng, chắc chắn là không. Như vậy, phương án để xe buýt hoạt động như vậy liệu có khả thi?”, ông Thông đặt câu hỏi.

Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, thời điểm thích hợp để cho xe buýt hoạt động trở lại là giai đoạn bình thường mới.

Đề xuất này của Tramooc cũng không nhận được sự đồng tình từ những hành khách thường xuyên sử dụng xe buýt như một phương tiện di chuyển chủ yếu hàng ngày.

Đặng Quốc Nam, sinh viên năm thứ hai Đại học GTVT cho hay: “Bấy lâu nay, em thường xuyên di chuyển trong thành phố bằng xe buýt như đi học hay đi chơi nhưng hiện nay xe buýt đang bị dừng hoạt động. Qua các phương tiện thông tin đại chúng em được biết nhà quản lý cũng đang xây dựng kế hoạch để xe buýt hoạt động trở lại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng lại có quy định, hành khách phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19, vậy thì khác gì thách đố những đối tượng khách chính của xe buýt như người về hưu, sinh viên…”.

Theo Nam, sẽ không ai bỏ ra 230.000 đồng đi xét nghiệm Covid-19 để có Giấy chứng nhận rồi đi xe buýt cả, một cái giá quá đắt và quá phức tạp. Nếu quy định như vậy thật, người dân sẽ không ai đi xe buýt mà sử dụng phương tiện cá nhân như xe máy, xe đạp điện…

Cũng như Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội đề xuất, Nam cũng như nhiều sinh viên khác thường xuyên sử dụng xe buýt di chuyển đều cho rằng, nếu đã không khả thi thì TP Hà Nội nên xem xét việc cho hoạt động lại xe buýt, có thể đến thời điểm bình thường mới hoặc hoạt động sớm thì nên bỏ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 vì không khả thi.

Hà Nội dự kiến đưa bộ tiêu chí “thẻ xanh, thẻ vàng Covid” để tái khởi động xe buýt từ 21-9 Hà Nội dự kiến đưa bộ tiêu chí “thẻ xanh, thẻ vàng Covid” để tái khởi động xe buýt từ 21-9

Tại bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Sở GTVT Hà ...

/ anninhthudo.vn