Dải hội tụ Mei-yu (Mai Vũ) - Nguyên nhân gây mưa lũ nghiêm trọng ở Trung Quốc

Dải mây Mei-yu kết hợp với biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân lớn nhất khiến mưa lũ năm nay ở Trung Quốc kéo dài và nghiêm trọng.

Dải mây Mei-yu được cho là nguyên nhân gây mưa lớn cùng lũ lụt ở Trung Quốc thực chất là dải hội tụ.

Về dải hội tụ, hiểu đơn giản là một luồng không khí phía nam và một luồng khối không khí phía bắc gặp nhau. Luồng phía bắc do khối không khí ôn đới đẩy xuống, còn luồng phía nam do gió mùa tây nam.

 

Hiểu đơn giản nữa thì hai luồng không khí phía nam, phía bắc giống như người chơi đẩy gậy, mốc giữa gậy chính là dải hội tụ, "bên bắc" đẩy mạnh thì sang bên "bên nam", "bên nam" đẩy mạnh thì dải hội tụ sang bên "bên bắc".

Về cơ chế đẩy hai khối không khí nam, bắc thành dải hội tụ, có thể hiểu khi hai khối không khí nóng, ẩm dồn vào rãnh thấp thì nó bị đẩy lên, hình thành những dải mây, đương nhiên là phải có hiện tượng ngưng tụ hơi nước, hơi nước phải nhiều.

Trong điều kiện không khí nóng, ẩm thăng lên cao mà nhiều hơi nước, mây sẽ nhiều. Khi mây nhiều sẽ mưa nhiều, còn nếu không có hơi nước thì không có mưa. Khi hơi nước càng dày, sẽ hình thành những dải mây dày đặc gây ra mưa lớn.

Mưa lớn và lũ lụt đã tiếp diễn suốt nhiều tuần qua ở miền trung và miền nam Trung Quốc, ảnh hưởng gần 34 triệu người ở 27 tỉnh, trong đó 141 người đã thiệt mạng. Theo dữ liệu của Bộ Thủy lợi Trung Quốc, mực nước của 212 con sông đã vượt mức báo động kể từ đầu tháng 7, trong đó 19 sông tăng lên mức kỷ lục.

Trung Quốc hôm qua nâng cảnh báo ứng phó lũ lụt lên mức cao thứ hai, khi mưa lớn tiếp tục đổ xuống nhiều khu vực dọc sông Trường Giang.

Theo số liệu từ nhà môi giới bảo hiểm Aon, mưa lũ ở Trung Quốc hiện là thảm họa thời tiết đứng thứ ba thế giới về mức độ thiệt hại của năm 2020, xếp sau bão Amphan tấn công Ấn Độ và Bangladesh hồi tháng 5 và đợt mưa bão hồi tháng 4 ở Mỹ.

Mưa lớn ở Trung Quốc xảy ra dọc frông khí quyển Mei-yu, hay còn gọi là Mai Vũ, bề mặt ngăn cách giữa hai khối khí di chuyển ngược chiều nhau hoặc khác nhau về tính chất hóa học, vật lý.

Dải mây Mai Vũ kéo dài từ cao nguyên Tây Tạng, vắt qua miền trung và miền nam Trung Quốc, kéo dài qua đảo Đài Loan tới miền nam Nhật Bản, phân tách hoàn lưu Bắc Cực ở phía bắc và hoàn lưu nhiệt đới ở phía nam. Từ giữa mùa xuân tới giữa mùa hè, hoàn lưu Bắc Cực thường di chuyển từ tây sang đông, khiến dải mây này gần như đứng yên.

Dải mây hút hơi ẩm từ Biển Đông, thậm chí từ Vịnh Bengal và gây ra những trận mưa lớn tại khu vực mà nó ảnh hưởng. Các trận mưa này ảnh hưởng tới đảo Đài Loan và khu vực phía đông nam Trung Quốc từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6, sau đó di chuyển tới phía bắc Trung Quốc và Hàn Quốc trong tháng 7 và tháng 8.

 

Những trận mưa như vậy thường được gọi là "mưa mai", xuất phát từ niềm tin của người Trung Quốc rằng khi hoa mai nở rộ và rơi xuống sông Trường Giang vào tháng 4 và tháng 5 âm lịch, hơi nước bốc lên từ cây mai biến thành mưa.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng Mai vũ có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn vào những năm hiện tượng El Niño diễn ra vào mùa đông. Hiện tượng El Niño không xảy ra ở Trung Quốc trước tháng 6, nhưng điều kiện thời tiết cũng gần chạm ngưỡng El Niño trong hầu hết tháng ba và tháng 4.

Yang Fuqiang, cố vấn cấp cao về biến đổi khí hậu và chính sách năng lượng tại Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Quốc gia ở Bắc Kinh, nhận định Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục phải đương đầu với tình trạng mưa lũ cực đoan trong những năm sắp tới.

"Chúng ta đang chứng kiến một xu hướng mà ở đó sẽ có lũ lụt dữ dội hơn và mưa lớn hơn xảy ra không đồng đều trên những khu vực rộng lớn", Yang nói.

Tổ chức Hòa bình Xanh cho rằng thời tiết cực đoan kiểu như vậy sẽ trở thành một kiểu "bình thường mới" ở Trung Quốc. "Không phải ngẫu nhiên mà tình trạng mưa lớn liên miên diễn ra", cơ quan giám sát môi trường toàn cầu này hồi đầu tháng đánh giá. "Chúng ta có thể nhìn thấy yếu tố biến đổi khí hậu đằng sau những trận lụt dữ dội".

Theo Sách Xanh về Biến đổi Khí hậu Trung Quốc năm 2019, từ năm 1961 đến 2018, tình trạng mưa lớn liên tục gia tăng về mức độ. Đặc biệt từ giữa những năm 1990, tần suất mưa cực lớn đã tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, từ năm 1951 đến 2018, nhiệt độ trung bình ở Trung Quốc cứ mỗi 10 năm lại tăng 0,24 độ C, nhanh hơn nhiều so với mức tăng trung bình toàn cầu trong cùng kỳ.

Lương mưa trung bình hàng tháng trên cả nước năm nay đã vượt 290 mm, tăng 7% so với những năm trước, theo số liệu từ Bộ Thủy lợi Trung Quốc.

Từ tháng 6, lượng mưa ở một số vùng đã vượt 500 mm, bao gồm hầu hết các khu vực ở tỉnh Quảng Tây cùng các khu vực ở trung tâm và phía đông tỉnh Quảng Đông. Một số nơi còn báo cáo lượng mưa lên tới 800 mm. Trong khi đó, tổng lượng mưa ở thủ đô Bắc Kinh cả năm ngoái chỉ là 500 mm.

Yang cho hay ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khác nhau theo từng khu vực. "Nó sẽ dẫn tới mưa cực lớn ở phía nam Trung Quốc nhưng lại gây ra hạn hán nghiêm trọng ở phía bắc. Vùng tây bắc dễ bị hạn hán lại trở nên ẩm ướt và khí hậu vùng đông bắc sẽ trở nên ấm áp hơn", ông nói. "Tất cả sẽ tác động tiêu cực tới vụ mùa và năng suất cây trồng".

Zou Ji, chủ tịch Quỹ Năng lượng Trung Quốc, cho biết biến đổi khí hậu rõ ràng đã khiến thời tiết khắc nghiệt hơn trên toàn thế giới. "Đây như lời nhắc nhở rằng chúng ta cần xây dựng những hệ thống cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu thiệt hại", Zou bình luận.

Khi gió mùa tây nam yếu đi, dải hội tụ sẽ bị đẩy lùi dần về phía nam vào thời điểm cuối mùa hè, vậy nên ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ của Việt Nam cũng có thể hình thành dải hội tụ gây mưa.

Ở Việt Nam, theo quy luật dải hội tụ có thể hình thành và nằm ở khu vực Bắc Bộ vào khoảng tháng 7 - 8, nằm ở Trung Bộ khoảng tháng 9 - 10, khi gió mùa tây nam yếu dần đi thì dải hội tụ dịch dần về phía nam.

Phóng viên (t/h)

Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống

Nguy cơ lụt thảm khốc như đại hồng thủy 1998 ở Trung Quốc
Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại nặng cho Lai Châu
Lũ lụt lớn chưa từng có hoành hành tại Trung Quốc và Nhật Bản
Đập Tam Hiệp làm Vũ Hán tổn thất dự án đầu tư mới
Trung Quốc: Có khả năng lũ lớn tại lưu vực hồ Bà Dương