Đà Nẵng muốn lấy lại SVĐ Chi Lăng: Phải có tiền

Thành phố Đà Nẵng phải làm đúng quy trình của pháp luật, còn vấn đề kinh phí để lấy lại còn tùy thuộc nguồn lực địa phương.

Muốn lấy lại thì phải có tiền

Mới đây, tại buổi họp báo, ông Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết việc chuộc lại sân Chi Lăng chỉ mới là ý tưởng nên địa phương chưa xác định nguồn vốn phải chi trả. Ông khẳng định địa phương sẽ quyết tâm chuộc lại sân vận động Chi Lăng.

"Nguyện vọng của người dân và lãnh đạo thành phố muốn đề xuất Chính phủ lấy lại sân vận động này", ông Dũng nói.

Về vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 20/7, bà Lê Thị Thu Ba - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội cho biết:

"Đây là tài sản đang trong giai đoạn thi hành án nên địa phương phải tiến hành các bước như xác định chủ sở hữu hợp pháp của 14 lô đất trong sân vận động Chi Lăng, cơ quan nào thụ lý giải quyết vụ việc, quan trọng hơn cả có được sự đồng thuận của các ban ngành hay không?.

Còn Đà Nẵng quyết tâm muốn lấy lại thì vẫn phải làm đúng quy định pháp luật, nếu cơ quan thi hành án đấu giá để lấy tiền thi hành án, thì vẫn phải tham gia như một chủ thể".

Theo bà Ba, Cục Thi hành án TP.HCM đã ủy quyền cho Cục Thi hành án Đà Nẵng thi hành án đối với 2 khu đất sân Chi Lăng và lô đất đường Trường Chinh (ở quận Thanh Khê). Số tiền phải thi hành án đối với 2 khu đất lên đến hơn 3.000 tỷ đồng.

Nếu muốn lấy lại thì khoản tiền trên phải do Đà Nẵng tự tính toán cân đối nguồn vốn địa phương, vì hiện đây là tài sản đang trong quá trình thi hành án, còn nếu Đà Nẵng thương lượng được thì đó lại là việc khác, có lẽ là không thể.

da nang muon lay lai svd chi lang phai co tien

Đà Nẵng muốn lấy lại sân vận động Chi Lăng. Ảnh NLĐ

Vì theo nguyên tắc cơ quan thi hành án sẽ phát mãi để thu vào số tiền quá trình thi hành án cho nhà nước, vì số tiền tổng thiệt hại ông Phạm Công Danh gây ra rất lớn, đất đã thế chấp Ngân hàng để vay tiền.

Thậm chí, phải đấu giá, công khai để không gây thiệt hại cho người thi hành án, bán tài sản bằng hình thức phát mãi công khai. Nói cho gọn thì Đà Nẵng muốn mua thì phải có tiền, không có ưu tiên, nên việc mua được hay không tùy thuộc vào nguồn lực địa phương.

Thực tế, nếu Đà Nẵng thấy vị trí sân vận động tốt, có thể kinh doanh hiệu quả, thì mua lại, rồi phát triển để thu hồi số vốn đã bỏ ra.

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, Luật sư Hoàng Tư Lượng - Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, sân vận động Chi Lăng là dự án khu phức hợp thể thao, kinh tế.

Ở đây, vụ án đang triển khai, chỉ có một số miếng đất thuộc sân vận động được dùng để đảm bảo khoản vay hiện tại đang bị tòa án tuyên án, chấp hành thi hành án bồi thường, chứ không phải toàn bộ sân vận động là tang vật.

Hiện bên thi hành án đang xử lý một số lô đất đủ điều kiện để thi hành án theo bản án hình sự đã tuyên. Đây là một vụ án đặc biệt nên cần có chủ trương thống nhất, thực hiện theo bản án thì nó chỉ là một phần chứ không phải toàn bộ sân vận động, phải nhấn mạnh điểm này.

"Ở đây, Tập đoàn Thiên Thanh đã mua lại sân vận động trên, đã có hợp đồng, thanh toán tiền cho bên Đà Nẵng nên việc lấy lại không có ưu tiên cho nhà nước, vì nó đang liên quan đến tài sản thuộc dạng đảm bảo trong thi hành án.

Vấn đề ở đây, UBND TP bán tài sản cho công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh nhưng không thực hiện chặt chẽ, nên để công ty trên biến tài sản đó thành tài sản thế chấp của các khoản vay, không thực hiện được theo chủ trương ban đầu. Nên Đà Nẵng đã hết quyền lấy lại.

Hiện tại, cần đánh giá lại tổ hợp sân vận động Chi Lăng, xác định mảnh nào còn lại không liên quan đến vụ án, còn phù hợp với mục đích phát triển về sau hay không?.

Đưa ra đấu giá công khai minh bạch theo Luật, sau đó nếu thành phố muốn lấy lại thì tham gia đấu giá", ông Lượng chỉ rõ.

Nói về số tiền hàng nghìn tỷ đồng chi ra để mua lại, theo ông Lượng, việc này tùy thuộc vào nguồn lực của thành phố, nhưng nếu lấy ngân sách là hơi khó khăn. Có lẽ, Đà Nẵng sẽ cần nhiều cuộc làm việc để tìm ra giải pháp cho nguồn vốn, nhất là khi có lẽ số tiền bán Sân vận động trước đây đã được chi tiêu hết.

Cần thông tin cụ thể

Là người rất quan tâm đến dự án trên, Luật sư Đỗ Pháp - Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng lại tiết lộ thông tin: " Đà Nẵng đã thành lập một tổ công tác để làm việc về vấn đề này, hiện nay, thành phố chưa làm việc với bên thi hành án, Ngân hàng nên chưa có thông tin cụ thể. Thành phố đang xin ý kiến của Thủ tướng nên cần chờ đợi rồi xử lý sau.

Ở đây thành phố cũng chưa đề cập đến vấn đề tiền bạc mà mới chỉ xác định chủ trương, xin ý kiến Thủ tướng, các Bộ ban ngành.

Tôi cho rằng, việc lấy lại có nhiều cách, không có gì, quan trọng là có được chấp nhận chủ trương hay không, cần từng bước hoàn thành các thủ tục pháp lý. Đặc biệt, phải xác định ai là người đang trực tiếp quản lý, cơ quan ban ngành nào đang trong thời gian thực hiện quan hệ pháp lý khác".

Về khoản tiền để có thể lấy lại được sân vận động Chi Lăng, theo ông Pháp, sau khi hoàn thành các thủ tục khác thì mới nên tính toán đến nguồn vốn và đây là bài toán cho các nhà lãnh đạo Đà Nẵng.

da nang muon lay lai svd chi lang phai co tien Đà Nẵng lấy tiền đâu để chuộc sân Chi Lăng?

"Đà Nẵng sẽ kiến nghị với Thủ tướng và thương lượng với các đơn vị với quyết tâm lấy lại sân vận động Chi Lăng. ...

da nang muon lay lai svd chi lang phai co tien Đà Nẵng thương lượng lấy lại SVĐ Chi Lăng: Cách nào?

Việc Đà Nẵng muốn lấy lại sân vận động Chi Lăng không thể thương lượng bằng con đường hành chính, dân sự.

/ Đất Việt