Cựu tù nhân Mỹ trở thành sinh viên đại học ở tuổi 50

25 tuổi, Metz bị kết án chung thân, thêm 20 năm tù vì tội vận chuyển ma túy, nhưng được ân xá và hiện học năm hai đại học. 

Danielle Metz sinh ra và lớn lên ở thành phố New Orleans, bang Louisiana, Mỹ, là em út trong gia đình 9 người con. Khi còn nhỏ, Metz luôn nghĩ mình may mắn khi cả bố lẫn mẹ đều có công ăn việc làm ổn định trong công ty xi măng và tiệm bánh.

Gia đình Metz mua một ngôi nhà ở gần khu phố St. Thomas, nơi rất nhiều gia đình da đen khác sinh sống. Trong ký ức của Metz, đây là nơi nghèo nàn và đầy bạo lực. Từ nhỏ cô đã tiếp xúc với rất nhiều kẻ vào tù ra tội.

Năm 1980, Metz theo học tại trường trung học Walter L. Cohen. Đây là điều đặc biệt vì lúc đó hơn nửa dân số da đen của thành phố không có bằng tốt nghiệp trung học và chuyện học đại học càng xa vời.

Bố mong muốn Metz trở thành y tá, còn cô ước ao trở thành nhà tạo mẫu tóc. Song cả hai mong muốn nghề nghiệp đều tan tành khi năm 1985, Metz mang thai và phải nghỉ học giữa chừng.

Sáu tháng sau sinh con, bố của con trai cô bị sát hại. Metz trở thành bà mẹ đơn thân trong bối cảnh nền kinh tế của bang đang sụp đổ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và gần như không có cơ hội sống nào cho bà mẹ 18 tuổi.

Sau đó, Metz gặp Glenn, người chồng thứ hai, lớn hơn cô 12 tuổi, có tiền và sở hữu hai công ty xe kéo. Hai người kết hôn năm 1989, có thêm hai người con.

Dù biết chồng dính líu đến việc buôn bán ma túy, Metz không quan tâm và nghĩ việc đó chẳng liên quan gì đến mình. Thế nhưng cô đã sa đà và dần trở thành người vận chuyển ma túy cho chồng trong một vài phi vụ.

Với sự bùng nổ tệ nạn ma túy, an ninh thành phố New Orleans trở nên phức tạp khi có 300 vụ giết người, tỷ lệ án mạng đứng đầu nước Mỹ vào thời điểm đó. Các công tố viên thành phố xác định ma túy chính là nguyên nhân gây ra bạo lực. Mùa hè năm 1992, Metz và chồng cùng 8 người khác bị truy tố.

Năm 1993, khi 25 tuổi Metz bị bắt giữ sau một thời gian bỏ trốn. Bốn tháng sau, cô bị kết 3 án chung thân, cộng thêm 20 năm tù tại trại giam liên bang vì tội vận chuyển ma túy.

cuu tu nhan my tro thanh sinh vien dai hoc o tuoi 50
Danielle Metz được ra tù năm 2016. Nguồn: Usatoday

Học nốt trung học trong nhà tù

Chỉ vài tháng sau khi Metz bị bắt giam, Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký Đạo luật kiểm soát tội phạm và kiểm soát tội phạm bạo lực. Trong đó có đề mục những người bị giam giữ sẽ không được nhận trợ cấp Pell Grants (một loại hỗ trợ tài chính của Liên bang cho sinh viên nghèo có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học).

Vì vậy các nhà tù trên nước Mỹ đã ngừng chương trình giáo dục và trong vòng một năm số tù nhân được đi học giảm 44%. Đến năm 1998, chỉ khoảng 4% tù nhân được tham gia các khóa học sau trung học.

Tuy không có tiền để học, Metz gặp may mắn khi một bạn tù tên Marilyn Buck, người từng có bằng cử nhân tâm lý học tại Dublin. Marilyn đã bổ túc cho Metz kiến thức trung học mà cô bỏ lỡ khi có bầu đứa con đầu lòng.

Tháng 12/1996, sau gần 3 năm vào tù, Metz cuối cùng cũng lấy được chứng chỉ GED (tương đương bằng tốt nghiệp trung học). Những bạn tù khác đã tổ chức cho cô một lễ tốt nghiệp tạm. Đêm đó, Metz bắt đầu suy nghĩ về cuộc đời, về việc học.

Cô cảm thấy đây là khởi đầu mới mẻ và bản thân có thể làm được những điều hơn thế. Trong nhiều năm tiếp theo, Metz cố gắng tham gia một khóa học đồ họa máy tính dù bị một số nhân viên trại giam chế giễu: "Học làm gì chứ? Cô bị án chung thân cơ mà!".

Metz đã học được cách tạo ra biểu đồ, sử dụng Microsoft Word. Những khi không thể đến lớp, cô ngồi xem tin tức và viết những bài thơ về các chủ đề đã xem. Metz còn học theo phát thanh viên thể thao trên tivi, đôi lúc luyện tập, giả sử như một ngày nào đó mình sẽ theo lĩnh vực này.

Dù khi đó biết rằng học nhiều cũng chẳng bao giờ có cơ hội ra tù để sử dụng kiến thức, nhưng Metz vẫn cứ học. Kể từ lúc lấy được chứng chỉ GED, cô biết rằng cuộc đời mình rồi sẽ khác. Metz chiến đấu trong nhà tù, chiến đấu để lấy tri thức, và chiến đấu để giành lại tự do một lần nữa.

Thời gian sau đó, Metz liên tục kháng án và gửi thư cho các chính trị gia, cầu mong sự giúp đỡ. Cô không ủ rũ trong tủ mà vẫn nuôi hy vọng. Đến khi Tổng thống Obama nhậm chức, Metz biết thời cơ của mình đã đến!

Vài năm sau nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Obama đã trao sự khoan hồng cho rất nhiều tù nhân bị kết án tội phạm ma túy bất bạo động như Metz. Sau đó, vào cuối nhiệm kỳ hai, ông đã trao nhiều cơ hội khoan hồng hơn bất kỳ 10 vị tổng thống nào trước đó.

Tuy nhiên, Metz không hề có tên trong danh sách giảm án. Obama sắp hết nhiệm kỳ và cô lo lắng vô cùng về viễn cảnh sẽ ngồi sau song sắt cả đời.

May mắn bố mẹ, bạn bè và các nhà hoạt động đã giúp đỡ cô. Họ làm các video chi tiết về cảnh ngộ của Metz và nhân viên của Cục nhà tù Liên Bang đã thay mặt cô gửi thư giới thiệu. Năm 2015, luật sư Mỹ của quận Đông Louisiana đã viết thư cho Bộ Tư pháp bày tỏ trường hợp của Metz nên được ân xá.

Hè năm 2016, Metz chính thức được khoan hồng.

cuu tu nhan my tro thanh sinh vien dai hoc o tuoi 50
Quyết định được ân xá của Metz. Nguồn: Usatoday

Trở thành sinh viên năm nhất đại học ở độ tuổi 50

Sau khi được thả tự do, Metz để lại hầu hết đồ đạc cho bạn tù. Trở về với xã hội, cô sống trong một ký túc xá dành cho tù nhân mới được thả ở New Orleans và được tổ chức từ thiện Công giáo thuê làm công việc đóng gói thực phẩm. Công việc đã cho cô một khoản trợ cấp và học bổng trị giá 2.200 đôla để học tập. Tuy nhiên, Metz phân vân có nên tiếp tục học.

Tháng 3/2017, Hakim Kashif, một cựu tù đến thăm ký túc xá và chia sẻ với Mez rằng đã ra tù 5 năm trước, giờ sắp lấy được bằng cử nhân của trường đại học phía Nam New Orleans. Kashif đưa cho Metz thông tin của trường và lịch trình các lớp học của mình.

Kashif luôn mang theo phiếu thành tích học tập và tự hào khoe mình đã hoàn thành sáu học kỳ với hầu hết điểm A và B. "Anh nghĩ tôi có thể học đại học được à?", Metz rụt rè hỏi. "Được chứ! Để tôi đưa cô đến trường nhé", Kashif trả lời.

Kashif lái xe đưa Metz đến đại học phía Nam thành phố Orleans, vào văn phòng tuyển sinh và giới thiệu cô với Brent Hodges, cố vấn tuyển sinh của trường. Lúc đầu, Metz rất lo Hodges từ chối mình nhưng rồi mọi chuyện đã diễn ra tốt đẹp.

Rất nhiều sinh viên là tội phạm đã và đang được học tập trong ngôi trường này và Hodges tin rằng giáo dục là một trong những biện pháp chắc chắn để giảm nguy cơ tái phạm tội. Metz được đưa một lá đơn đăng ký học và được yêu cầu, nếu thật sự muốn học thì hãy điền vào đơn.

Khi nhìn vào chuyên ngành muốn theo học, Metz biết rằng mình muốn làm công việc xã hội. Cô được Hodge miễn lệ phí nộp đơn và đưa cho một số cuốn sách để ôn tập cho kỳ thi xếp lớp toán và tiếng Anh. Cô cũng làm đơn xin hỗ trợ học phí cho sinh viên từ Liên bang.

Năm tháng sau, Danielle Metz, 50 tuổi, chính thức trở thành sinh viên năm nhất đại học. Đó chính là thời khắc hạnh phúc nhất đời cô.

Dù đạt điểm cao trong các bài thi xếp lớp toán và tiếng Anh, Metz vẫn rất lo lắng trong những tuần đầu tiên ở trường. Đặc biệt cô cảm thấy tự ti và sợ bị biệt lập bởi các bạn học cùng lớp đang trong độ tuổi 25.

Nhiều năm trôi qua, Metz đã quên cách sử dụng máy tính khi còn học trong tù và cô cũng chẳng biết sử dụng Iphone. Mỗi khi trong lớp học, cô hiếm khi giơ tay phát biểu, nhưng nhìn nét mặt các giáo sư đoán được cô biết câu trả lời đúng.

Karen Martin, một giáo sư công tác xã hội đã giúp Metz rũ bỏ được sự sợ hãi và dần tự tin, hòa đồng hơn với mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, Metz cũng nhận được sự trợ giúp lớn từ cháu gái Santana Harper. Satana đã giúp Metz vượt qua năm đầu đại học và bổ túc cho người dì kiến thức về máy tính.

Bằng tất cả sự cố gắng, trong kỳ học đầu tiên, Metz đã được toàn điểm A và B cho các môn học, với điểm trung bình là 3.75. Cô giành được học bổng trị giá 2.200 đôla Mỹ, đủ chi phí để trả cho năm học tiếp theo.

cuu tu nhan my tro thanh sinh vien dai hoc o tuoi 50
Metz hiện tại học tập rất chăm chỉ. Nguồn: Usatoday

Tháng 1 năm nay, Metz tìm được công việc tại phòng khám sức khỏe cộng đồng ở đại học Tulane, được tham gia các lớp học miễn phí tại ngôi trường tư thục danh tiếng này. Điều này có nghĩa Metz không đủ thời gian tham gia các khóa học thông thường tại đại học phía Nam New Orleans nữa, vì vậy cô đã chuyển sang đăng ký học trực tuyến.

Bên cạnh đó, Metz đăng ký học thêm tâm lý học đại cương và môn khoa học xã hội tự chọn, giới thiệu về lạm dụng rượu và ma túy. Cũng nhờ vậy cô hiểu rõ được những chuyện đã xảy ra trong cuộc đời mình.

Giờ đây nhìn lại cuộc đời, Metz cảm thấy rất biết ơn Tổng thống Obama vì đã trao cho cô cơ hội khoan hồng cũng như Kashif vì đã ủng hộ cô theo đuổi con đường đại học. Hiện tại, Metz thấy cuộc sống mình thật sự ý nghĩa.

Thanh Hương (Theo Usatoday)

cuu tu nhan my tro thanh sinh vien dai hoc o tuoi 50 Sinh viên Australia bác cáo buộc làm gián điệp tại Triều Tiên

Alek Sigley khẳng định chỉ đưa các tài liệu đã đăng trên blog cho truyền thông nước ngoài và không có kế hoạch quay lại ...

cuu tu nhan my tro thanh sinh vien dai hoc o tuoi 50 Triều Tiên tiết lộ lý do trục xuất sinh viên Úc

Hãng tin nhà nước Triều Tiên KCNA hôm 6-7 cho biết sinh viên người Úc Alek Sigley bị trục xuất khỏi nước này vì “làm ...

cuu tu nhan my tro thanh sinh vien dai hoc o tuoi 50 Dùng hơn 2 tỷ chiêu mộ tân sinh viên ưu tú, đại học top 5 Trung Quốc bị tuýt còi

Đại học Triết Giang bị Bộ giáo dục Trung Quốc tuýt còi sau khi bỏ ra 500.000 NDT chiêu mộ các thí sinh có thành ...

/ vnexpress.net