Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 8)

Trở về phòng, Tư Đen cứ ôm bụng cười và tin chắc rằng công an chả biết gì về hắn. Chao ơi, nếu mà họ biết hắn là đệ tử của Bạch Hải Đường thì đời hắn coi như hai chấm xuống… hố.

Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 1)

Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 2)

Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 3)

Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 4)

Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 5)

Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 6)

Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 7)

cuoc chien dau voi tuong cuop bach hai duong ky 8
Bạch Hải Đường đang diễn tả lại hành động phá cùm tại trại giam.

Tội của Đường mười thì tội Tư Đen cũng phải tám, chín… Hắn nằm vắt tay lên trán, vắt chân chữ “ngũ”, rung tít cặp giò to như giò cầu thủ bóng đá, trong lòng thấy nhẹ nhõm, thanh thản và hắn thiếp dần đi…

Bỗng hắn choàng tỉnh vì tiếng cánh cửa sắt rít lên kin kít. Nghe tiếng kêu khô dầu ấy, hắn rùng mình và chồm dậy. Cánh cửa mở rộng. Một người mặt mũi lấm lem, quần áo rách tả tơi bị đẩy vào.

Khi cảnh sát dẫn giải mở khóa tay, Tư Đen thấy trong mắt của gã phạm nhân mới đến lóe lên tia sáng dữ dội, gã hằn học nhìn anh cảnh sát. Cánh cửa vừa đóng lại, gã lừ lừ đến nhấc ca nước được gò bằng ống pháo sáng, ngửa cổ uống, nước chảy xuống cổ. Gã tu một hơi dài rồi giơ tay áo quệt mép, khà lên một tiếng. Ngó lại ca nước thấy còn nhiều, gã lại đổ ra lòng bàn tay to bè, các ngón tay thô và nom cứng cáp như que sắt. Gã điềm nhiên lấy nước uống để rửa mặt. Nhìn cảnh ngang mắt đó, Tư Đen lộn ruột. Hắn giằng lại chiếc ca:

- Cả ngày mới có ngần này nước đó cha nội – Tư Đen cố nói nhẹ.

Gã phạm nhân mới lừ lừ liếc vào mặt Tư Đen:

- Còn thì xài, hết đái ra mà uống.

Câu đó đã làm ngọn lửa bùng cháy trong tim Tư Đen, hắn tung chân đá luôn vào mặt gã kia. Cú đòn đánh quá nhanh làm gã ngã vật ra. Tư Đen nhảy tới, tính đạp lên ngực rồi cho gã một bài học. Nhưng đối thủ của hắn không phải là vừa. Vẫn nằm dưới sàn, gã đã kịp gài chân quật ngã Tư Đen rồi cong người bật dậy, gã phóng luôn hai đá vào bụng Tư Đen. Tư Đen lăn tròn tránh đòn và thoắt cái, hắn đã chồm dậy, lăn xả vào đối thủ. Hai tên đều to lớn ngang nhau, trình độ võ thuật như nhau nên bọn chúng quần thảo một hồi lâu mà vẫn chưa phân thắng bại. Trong lúc cả hai đang say đòn thì cánh cửa lại rít lên. Hai anh cảnh sát nhảy vào. Chỉ bằng một cú đòn, người bé nhỏ nhất đã đánh gã kia nằm lăn ra, và quay sang Tư Đen, anh ta bẻ quặt tay hắn ra sau, vặn ngược. Mắt Tư Đen nổ hoa cà, hoa cải.

- Đây là nơi tụi bay tập võ hả? Nếu còn giở trò, đừng có trách tao – Anh ta túm cổ áo Tư Đen, nói dằn giọng.

Chờ cho hai anh cảnh sát đi, Tư Đen làm lành trước:

- Thôi, hòa nghe cha nội. Tôi kêu tên là Tư, thứ tư.

Gã kia không thèm trả lời, hắn hỏi lại:

- Tao nom chú mày quen lắm. Các ngón đòn mày đánh cũng quen. Mày học ông Sáu Giảng phải không?

Tư Đen lắc đầu. Hắn chỉ học võ ở Bạch Hải Đường, nên có biết Sáu Giảng là ai đâu.

- Tao tên Hiến. Công an nghi tao giết con mẹ giáo viên ở phường Mỹ Phước.

- Ủa, sao lại để họ nghi?

- Chú mày biết băng của tao chớ?

Tư Đen lắc đầu.

- Tao mới lập băng, đặt tên nghe dễ thương hết xảy – băng “Hận tình”… vừa được vài tháng thì vô khám. Còn mày tội gì?

- Ờ… tôi bị bắt oan.

- Thôi đi cha nội, oan, cứ nghe tụi mày thì… mà thôi tao nghĩ mày học võ Sáu Giảng quá. Trước tao học ông Sáu ba năm đó. Sáu Giảng có thằng cháu là Bạch Hải Đường, giỏi võ dễ sợ. Tao thấy mày có lối ra đòn giống ý thằng cha đó nên mới hỏi.

Tư Đen thầm khen Hiến là có con mắt tinh đời, nhưng hắn vẫn kín đáo lắc đầu:

- Học sơ sơ mỗi lò vài miếng phòng thân, chớ giỏi giang gì đâu.

Thế rồi, chỉ qua một đêm nằm chung nhau trên chiếu một, đắp chung một tấm mền rách. Tư Đen và Hiến đã thân nhau. Hiến hơn Tư Đen ba tuổi nên ăn nói lúc nào cũng ra giọng đàn anh. Hiến đã kể cho Tư Đen nghe về cuộc đời mình, khi còn là học sinh cho tới khi bị bắt đi lính và trở thành thủ lãnh băng “Hận tình”.

- Nói thiệt với chú mày nghe. Băng của tao chỉ chọn đám con gái còn “gin” để cướp và xài. Đám đệ tử của tao ít nhưng toàn thằng chai đá, thằng nào cũng căm đàn bà tới hết xương hông.

Không chút giấu giếm. Hiến đã kể cho Tư Đen nghe một vụ làm ăn “điển hình” của gã. Tư Đen nghe và cười thầm: Cướp phải như băng “Đại bàng” của hắn, thủ lãnh phải như Bạch Hải Đường mới là thủ lãnh. Bọn này chuyên đi cướp, hiếp mấy đứa con gái đêm ngủ mơ còn gọi má thì sao gọi hắn là đấng “tu mi nam tử” được. Nghe hắn thao thao kể, lắm lúc Tư Đen đã xuýt vỗ ngực và nói vào mặt hắn: “Tao là phó của Bạch Hải Đường đây nè”, nhưng rồi hắn kìm được. Cũng hay, cứ để cho gã nói phét, nói lác. Ở đời tất cả những thằng nói phét có bao giờ bị đánh thuế đâu? Nhiều kẻ kể chuyện phét lại hay có ảo tưởng mình là nhất, là số một. Đến như hắn đây, đã bao năm vào sinh ra tử cùng tướng cướp Bạch Hải Đường vậy mà còn chưa ăn ai, huống chi loại nhãi nhép này.

Tuy nhiên, có một điều Tư Đen thừa nhận là gã lính dù ngụy cũ này có máu liều, dám chơi, dám chịu. Tỉ như chuyện gã cầm ghế xuýt đánh lại cảnh sát cũng đủ biết, gã không phải là loại vừa. Một thằng cha “chơi được”, tuy có nhiều lúc bốc đồng nhưng gã xứng đáng được đưa vào băng “Đại bàng”. Nghĩ tới băng “Đại bàng” Tư Đen chợt thở dài ngao ngán. Còn đâu băng cướp đã tung hoành khắp lục tỉnh miền Tây?

Còn đâu cái thời hoàng kim – các lão chủ tiệm ăn bụng phệ, trán hói cúi rạp mình, giang hai tay mời những người như Bạch Hải Đường, hắn, Hùng, Bé “sáu ngón”, còn đâu cái thời những cô gái sẵn sàng bỏ nhà, bỏ cha mẹ đi theo những chàng trai giang hồ, sẵn sàng trao thân gửi phận cho những tướng cướp mà cảnh sát nghe tên đã thấy ớn sống lưng. Băng của hắn bây giờ đã tan tác như tổ chim gặp cơn lốc lớn. Hàng trăm đệ tử xưa kia chỉ còn lại chưa đầy hai chục tên…

Không biết giờ này đại ca Bạch Hải Đường của hắn đang tá túc nơi nào. Nhớ tới thủ lãnh, Tư Đen thấy trào lên trong lòng một niềm cảm phục sâu sắc, một sự lo lắng khôn nguôi. Kể từ cái ngày chích huyết ăn thề trung thành với thủ lãnh đến nay, đã ngót chục năm trời, hắn luôn gắn bó với Bạch Hải Đường như một cái bóng. Hầu như không có lần cướp nào do Đường tổ chức lại vắng mặt hắn. Mấy lần hắn đã xông pha đạn lửa, quyết một phen sống mái với cảnh sát để cứu Bạch Hải Đường và ngược lại, Bạch Hải Đường đã từng đột nhập nhà giam Cần Thơ để cứu hắn cùng Bé “sáu ngón”. Cuộc đời hắn đi đây, đi đó đã nhiều, lại tiếp xúc với đủ hạng người, đủ lứa tuổi, nhưng hắn không thấy ai có được bản lãnh như đại ca Bạch Hải Đường.

Tư Đen đã định giấu tung tích của mình cho tới khi ra tù nhưng không được. Một buổi tối, hai thằng nằm gác chân lên nhau, gã Hiến kia mới thở dài:

- Chuyến này ra khám, tao đi tìm Bạch Hải Đường xin vô băng của hắn. Phải có được người như Bạch Hải Đường mới xứng đáng làm thủ lãnh.

- Thế anh nghe về Đường ra sao? Nghe Hiến kể về Bạch Hải Đường, Tư Đen không nhịn được cười. Chờ cho gã chấm dứt các “huyền thoại” về Bạch Hải Đường, Tư Đen mới vỗ vai:

- Những điều ông anh biết về Bạch Hải Đường đều là láo toét cả. Anh đã nghe tên Tư Đen bao giờ chưa?

- Rồi, thằng cha đó là đệ tử “ruột” của Bạch Hải Đường đó!

- Vậy anh coi tôi có giống Tư Đen không?

Hiến ngẩn người, gã ngồi phắt dậy nhìn chằm chằm vào Tư Đen. Gã há mồm ra rồi ôm chầm lấy Tư Đen:

- Tha lỗi… tha lỗi cho đệ tử… đệ tử có mắt mà như mù – Gã nói bằng một giọng cảm kích và hoàn toàn kính nể cái tên tướng cướp trong băng “Đại bàng”.

Năm ngày sau, Tư Đen và Hiến phải đi lao động dọn dẹp vệ sinh xung quanh trại giam. Nhìn hàng rào dây thép gai mỏng mảnh và những cảnh sát canh gác với thái độ mệt mỏi, lơ đễnh. Tư Đen nảy ra ý nghĩ trốn khỏi trại. Hắn bàn với Hiến và được Hiến nhất trí ngay. Ngày hôm sau, hai tên định khởi sự thì phải chuyển đi nơi khác. Người dẫn giải hai tên là một cảnh sát đeo quân hàm hạ sĩ, có nước da xám ngoét và hai gò má nhô cao toàn xương – biểu hiện của người bị bệnh bao tử. Tin tưởng vào sự tự giác của hai can phạm, đồng thời theo sự năn nỉ của Tư Đen “Bị còng tay đi ngoài đường coi nhục quá”, anh ta cho hai tên đi trước còn mình thì khoác AK đi sau. Thỉnh thoảng lại đe: “Bắn bỏ nếu trốn”.

Tới ngã ba đường Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương, Hiến vờ cúi xuống sửa dép. Anh cảnh sát đến sát lưng Hiến hỏi:

- Sao đó? Hư dép hả?

Không trả lời. Hiến nắm hai tay làm một, quay nửa vòng giáng vào bụng anh ta. Anh cảnh sát gập người xuống và dúi đầu vào gốc cây so đũa ven đường. Chỉ chờ có thế, Hiến kéo Tư Đen chạy qua đường Nguyễn Tri Phương, và mất hút sau những dãy nhà tôn lụp xụp.

***

Bạch Hải Đường như ngủ mê khi thấy Tư Đen đứng lừng lững trước mặt. Hắn nhảy bổ tới, nhìn chòng chọc vào Tư Đen:

- Tao tưởng mày rục xương trong tù rồi chớ. Quân Năm Sang bắt được mà sao thoát nổi?

Không vội trả lời, Tư Đen vẫy Hiến đang đứng ngoài cửa vào giới thiệu:

- Đây là Hiến, thủ lãnh băng “Hận tình”, bữa nay nếu không có anh ấy oánh đo ván thằng cha cảnh sát dẫn giải thì đàn em đâu đã được thấy đại ca.

- Chào đại ca! Hiến khúm núm nói. Nghe câu “đại ca” Đường có vẻ ngạc nhiên và nhìn Tư Đen vẻ dò hỏi. Hiểu ý, Tư Đen vội giải thích:

- Những ngày hai anh em còn “bóc lịch” ở trong nhà giam, em đã kể cho Hiến nghe về đại ca. Hiến đã xin vào băng và thề trung thành với đại ca theo luật của ta.

Bạch Hải Đường nhìn như muốn lột hết áo quần của Hiến ra. Ánh mắt sắc lạnh lướt từ mái tóc dài cờm cợp xuống tới hai bàn chân to bè, các ngón chân vàng khè dính bùn.

- Trước ở nhà làm gì? – Đường hất hàm.

- Thưa anh Hai, đàn em vốn là lính dù sư 3 cũ. Sau giải phóng thì bị đi tẩy não ba năm, mới được về hồi đầu năm… Dạ, chưa có công việc chi hết.

- Xòe tay ra? – Đường ra lệnh.

Hiến ngơ ngác không hiểu ý Đường, nên lắp bắp

- Đại ca… biểu…!

- Tao biểu xòe hai bàn tay ra!

Hiến giơ hai bàn tay ra trước mặt, Đường cúi nhìn chăm chú rồi bóp bàn tay Hiến. Bỗng Đường tròn mắt, tung chân đá vào bụng Hiến rồi rút phắt khẩu súng Vonte ra gí vào mặt Hiến:

- Nè, thằng công an, mày lừa tao sao nổi. Mày kêu mày là lính dù, đi cải tạo ba năm, vậy sao bàn tay mày mềm như tay đàn bà vậy? Tư Đen hoảng hồn vội năn nhỉ:

- Xin đại ca đừng nghi quá mà mất anh em chiến hữu.

- Mày câm đi – Đường nổi nóng – Tao bắn bỏ thằng công an này.

Hiến lảo đảo đứng lên, không chút sợ sệt, anh ta nhìn chằm chằm vào khẩu Vonte.

- Tùy đại ca tin hay không tin. Còn đàn em thì đã nói hết với Tư Đen. Sở dĩ bàn tay em nó mềm vì trong ba năm cải tạo, em là kẻ có chút chữ nghĩa nên được công an cho làm kế toán sản xuất.

Hiến vạch áo để lộ lồng ngực nở cuộn, có vết sẹo ngắn nằm dưới vú:

- Đệ tử nghe danh đại ca đã lâu, nên có lòng mến mộ và đã xin anh Tư đây cho về theo hầu đại ca. Đệ tử đã chích huyết ở tim mình để thề trung thành với đại ca, xin đại ca rộng lượng soi xét và cho đệ tử được núp bóng theo hầu.

Những lời nói ngọt như mía của Hiến đã làm Bạch Hải Đường dịu nét mặt. Đường vẫn cẩn thận:

- Việc chú xin nấp bóng ta, ta xét sau. Chỉ có điều ta nói trước, tất cả những kẻ mưu mô phản phúc, những kẻ hai lòng thì chưa bao giờ Bạch Hải Đường này tha chết cả – Ngửa mặt lên trần nhà, Đường lớn tiếng gọi – Anh Ba đâu rồi?

Từ trên lầu, một người đàn ông to béo, da dẻ đỏ au, bóng nhẫy hấp tấp chạy xuống. Không thèm nhìn người đó, Đường nói chậm và nhỏ:

- Anh lo cho bữa chiều nay mừng cho chú Tư và chú em đây về với chúng ta. À, các chú ấy ở trại giam lâu ngày chắc cần có hơi đàn bà, chú lo luôn nghen. Cẩn thận kẻo cảnh sát đánh hơi tới.

***

- “Hiện nay, Đường đang ở nhà tên Sến, cạnh Cầu Quay. Phục bắt vào buổi tối”.

Đọc xong dòng chữ đó, Phạm Thanh Sơn reo lên mừng rỡ. Anh chạy lên lầu hai, xộc thẳng vào phòng của Thiếu tá Năm Sang:

- Chú Năm ơi, có tin của “phạm nhân” trốn trại đây rồi – Sơn chìa mảnh giấy nhỏ ra. Năm Sang đón đọc xong, anh nói:

- Cậu cử một tổ trinh sát hóa trang thật khéo đến nhà tên Sến để bám sát Bạch Hải Đường. Mang máy bộ đàm đi và nhớ là không lộ mặt.

Nhìn đồng hồ, đã thấy bốn giờ chiều. Năm Sang quay máy điện thoại đến giám đốc:

- Báo cáo anh Mười, tối nay chúng tôi sẽ vây bắt Bạch Hải Đường… Dạ, báo cáo anh không cần thêm lực lượng đâu, Phòng Cảnh sát Hình sự tự lo được…Vâng, chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo an toàn ạ.

Đặt máy xuống, Năm Sang nói với Sơn:

- Theo ý kiến giám đốc, tối nay cậu chỉ huy toàn trận đánh. Tôi chỉ làm quan sát viên.

Không đợi Sơn trả lời, Năm Sang lại gọi điện thoại cho Công an phường Cầu Quay:

- Alô! Tôi Năm Sang đây, cho tôi gặp đồng chí Trưởng Công an phường… ờ lẹ lên.

- Alô, đồng chí Hà đấy hả? Vâng! Tôi Năm Sang đây. Thế này nhé, đồng chí chuẩn bị cho chúng tôi tấm bản đồ chi tiết khu vực quanh Cầu Quay. Chọn cho tôi 5 cảnh sát thông thạo địa hình, nửa giờ nữa, tôi sẽ tới đó. Chuyện gì à? Tuyệt mật, không được để lộ cho người thứ hai biết.

Năm Sang đặt ống nói, thở phào nhẹ nhõm. Anh bảo Sơn:

- Thế nào, đồng chí chỉ huy, bố trí lực lượng ra sao, cần gì, phát biểu đi chớ!

Sơn cười:

- Xin chú cho Quân, Kha, Trường Thanh và Trường Sơn…

- Tôi cho thêm ba người nữa, vị chi là bảy người, ưng chưa? Nhưng theo tôi, vấn đề là ở chỗ này. Phải đưa cậu Hiến ra khỏi vòng chiến trước lúc ta ập vào; cố gắng giữ thế bất ngờ, làm cho Đường không kịp trở tay. Cậu biết đó, Đường rất giỏi võ, trình độ như cậu chưa chắc ăn nổi đâu.

Vừa lúc đó, đồng chí trực ban thò đầu vào:

- Anh Sơn xuống có khách!

- Ai vậy, có thể để thư thư chút nữa không? – Sơn hỏi lại.

- Dạ, họ đòi gặp có công chuyện gấp và chỉ đòi gặp mỗi anh thôi ạ.

Sơn đứng dậy, anh nói với Năm Sang:

- Kiểu gặp thế này, chắc đệ tử đến quá!

Năm Sang cười lớn:

- Tóm được Bạch Hải Đường, có lẽ cậu nên thông báo cho đám du đãng ở Long Xuyên biết sự thật về cậu đi. Chớ có che giấu mãi, không hay đâu. Sơn đoán không sai, người gặp anh đang ngồi chờ trong phòng khách là Thuận. Thấy Sơn, Thuận mừng rỡ:

- Anh Năm, anh Năm mạnh giỏi chớ?

- Thường thôi – Sơn bắt tay Thuận – Sao chú biết tôi ở đây ư?

- Thú thiệt với anh Năm, từ ngày xin làm đệ tử anh Năm, có lúc đàn em đã nghi nghi vì thấy anh Năm đâu có giống tụi cướp mà em biết. Bữa nọ, em gặp anh Năm đi xe Honda vô Công an tỉnh. Em dò hỏi anh gác cổng thì biết anh Năm là Công an hình sự.

Nghe Thuận “Đại hàn” nói, Sơn giật thót người.

- Anh Năm cứ yên tâm, chỉ có mình em biết điều này thôi. Dạ, hiện nay em có hai việc cần gặp anh Năm.

- Chú cứ nói đi, coi như anh em mình đã hiểu nhau rồi.

- Dạ, em biết tên cướp nhà Tư Phú là ai rồi? Hắn là Bạch Hải Đường.

- Ờ, tôi cũng đã biết.

- Dạ, hiện nay nó ở nhà thằng Sến ở Cầu Quay. Tối nay chúng sẽ làm cơm mừng con trai thằng Sến đầy năm.

-Sao chú biết? – Sơn hỏi lại.

- Dạ, em có thằng đệ tử yêu em gái thằng Sến. Nó vô tán con nhỏ và gặp Bạch Hải Đường ở đó. Tin thiệt đó anh Năm. Đàn em cảm phục anh Năm, nên gọi là giúp anh Năm một tay; chứ đâu có ý gì khác.

- Cảm ơn chú. Tụi tôi cũng đang điên đầu về thằng Bạch Hải Đường đó, bữa nay mà tóm được nó, tôi ghi chú công đầu nghen.

- Thưa anh Năm, còn việc này nữa, đàn em mong anh rộng lượng ra tay cứu vớt. Dạ thưa anh, em nghĩ kỹ rồi. Em sẽ không theo con đường du đãng, trộm cướp nữa. Nó thất đức lắm. Con vợ em nó cũng nói rát tai, mà anh tính, làm thằng chồng không để vợ nó nể sợ, con kính phục thì chỉ là đồ bỏ. Em đã tính xin việc, nhưng ngặt nỗi tiếng tăm của em nó xấu, nên người ta không dám nhận.

(Xem tiếp kỳ sau)

/ Nguyễn Như Phong / Năng lượng Mới