Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 2)

Ngay trong bữa tiệc mừng nhập băng, Truyện đã thấy không thể nào gắn bó với lão Sổ “chuột” để làm ăn lâu dài…

Việc Năm Truyện đến trả đồng hồ, xe máy và cho lão Sổ ít vàng chỉ là kế hòa hoãn tạm thời. Truyện thừa hiểu rằng, khi chưa thu nạp được nhiều đệ tử, băng nhóm chưa đủ mạnh thì tốt hơn hết đừng có làm căng với Sổ “chuột”.

Ở Cần Thơ, đám tay chân của Sổ “chuột” có đến gần trăm thằng, trong đó có cả cảnh sát dã chiến cũng “tự nguyện” gia nhập. Băng của Sổ “chuột” không có tên. Sự hoạt động của chúng không thống nhất, mạnh thằng nào thằng nấy làm và “trúng mánh”, chúng tự giác đến nộp cho Sổ “chuột”. Dưới trướng vợ chồng Sổ “chuột” có bốn tay chân là Mạnh “Tắc Giăng”, Sơn “lì”, Hải và Tư Đen. Lũ bốn tên này chuyên đi đòi nợ và rình bọn đàn em ăn lẻ ở đâu, bắt chia cho Sổ. Đám tay chân của Sổ rất ghét bốn thằng này, nhưng không ai dám ra mặt phản đối, bởi vì chúng sẵn sàng cho đi uống nước sông Hậu hoặc mượn tay cảnh sát để trị. Vì thế khi biết Năm Truyện, một kẻ mới chân ướt chân ráo đến Cần Thơ mà đã đánh đo ván cả sáu thầy trò Sổ “chuột” thì bọn chúng mừng lắm.

Ngay trong bữa tiệc, có tên đã ngỏ ý: “Phải anh Năm làm thủ lãnh thì mới làm ăn được”. Trong lúc nhậu nhẹt, lão Sổ thỉnh thoảng lại nhìn trộm Truyện và hai con mắt tối om đó lại lóe lên tia sáng nham hiểm. Năm Truyện ghi nhớ rất kỹ ánh mắt ấy. Tiệc tan, Năm Truyện về khách sạn và sai bọn tiểu yêu đi kiếm con gái. Hắn thuê một phòng trên lầu tư, nhưng ngủ với gái xong, Năm Truyện đuổi cô ta đi ngay và lặng lẽ lên lầu thượng. Quả nhiên tới quá nửa đêm, cảnh sát ập đến phá cửa phòng. Không thấy Năm Truyện đâu, tên thiếu úy chửi thề:

– Đù má thằng Sổ, làm tụi ông mất một tiêu điểm!

cuoc chien dau voi tuong cuop bach hai duong ky 2

Ông Nguyễn Thanh Sang (đứng thứ nhất từ phải sang) khi đang đi học ở Liên Xô (cũ)

Năm Truyện nghe rất rõ tiếng chửi đó và thấy không thể tha thứ cho Sổ “chuột” được nữa. Bọn cảnh sát vừa đi khỏi, Năm Truyện lẻn xuống, đến nhà Sổ “chuột”. Bữa đó, vợ Sổ đi Sài Gòn cất hàng, nên lão dắt gái về ngủ. Truyện dỡ mái bếp chui vào nhà rồi đàng hoàng đánh thức Sổ dậy. Không dùng dao, súng, Năm Truyện đã bóp cổ Sổ “chuột” chết ngay trên giường, đứa con gái sợ quá ngất luôn, giết Sổ xong Năm Truyện trở về khách sạn, vào phòng ngủ ngon lành cho tới khi thằng Hùng tới báo:

– Anh Năm ơi, lão Sổ tiêu rồi?

– Ủa, sao vậy!- Năm Truyện ngơ ngác và ngay sau đó bộ mặt Năm Truyện chảy dài, thiểu não:

– Tội nghiệp ổng? Tụi bay nghi thằng nào không?

– Cho thằng già chết. Tụi em biết ngay mà. Ác giả ác báo, nó chuyên cậy thế ăn hiếp người ta thì “cao nhân tất đắc cao nhân trị”.

Ngừng lời, Hùng nhìn Năm Truyện vẻ dò hỏi rồi nói thẳng:

– Đàn em muốn theo đại ca. Ta lập băng riêng, dễ làm ăn hơn.

Năm truyện không trả lời và cùng Hùng đến viếng Sổ “chuột”. Trong suốt thời gian lo chôn cất cho Sổ “chuột”, Năm Truyện giữ bộ mặt buồn rầu vừa phải và lo lắng rất chu đáo. Khi ra về, Năm Truyện còn đưa cho vợ Sổ “chuột” 2 lượng vàng gọi là “của anh em viếng đại ca”.

Chỉ ít ngày sau, Năm Truyện đã lập được một băng cướp gồm sáu thằng, trong đó có ba tên là đệ tử cũ của Sổ “chuột”. Đó là tên Hùng, Bé “sáu ngón”.

cuoc chien dau voi tuong cuop bach hai duong ky 2

Thị xã Long Xuyên ngày nay.

II.

– Hiếu là đại úy thiết giáp của quân đội Sài Gòn cũ , có vóc người to lớn, nước da ngăm đen khỏe mạnh, tiếng nói oang oang và không thể nói nhỏ được… Hình như đó là bệnh nghề nghiệp của những người lái xe tăng. Mặc dù Phạm Thanh Sơn đã năm lần bảy lượt yêu cầu nhưng anh ta vẫn gọi Sơn, Kha, Quân bằng “anh” xưng “em”. Phút e dè ban đầu qua đi, Hiếu nói năng hoạt bát và cố gắng tỏ ra trung thực trong mỗi lời nói.

– Dạ thưa các anh, sau năm 1975, em được gọi đi học tập cải tạo ở trại Núi Cấm. Học tập được 6 tháng thì em được chuyển sang tổ cơ khí, sửa chữa máy nông nghiệp cho trại. Dạ em có tay nghề khá, lại chịu khó nên được các anh tín nhiệm… Năm 1978 bọn Pôn Pốt đem quân đánh vào trại, thế là em đã xung phong xin ở lại, đi tiếp đạn, đem nước cho các anh em. Khi một anh bị hy sinh, ông trại trưởng giao cho em khẩu súng AK. Ông không nói gì nhưng nhìn ánh mắt ổng, em thấy chỉ có thể lấy máu mình mà trả ơn cách mạng. Em “oánh” tới số, cho tới lúc bị mảnh đạn quệt vào bắp tay.

Hiếu vén ống tay áo, để cho mọi người nhìn thấy vết sẹo chạy dài trên bắp tay to nần nẫn.

“Ông trại trưởng bắt em rút lui, nhưng em đâu có chịu… Chà, bắn AK đã quá, ngon lành hơn cạcbin “Mẽo” nhiều. Em nghĩ thế này, mình làm lính ngụy có tội với dân, với nước. Nhưng mình là người Việt Nam, mình phải biết giữ đất ông bà mình để cho, mắc mớ chi đến cha con nhà thằng Pôn Pốt mà nó đánh mình. Em nghe các anh trong trại nói, ngày xưa mình đổ máu cho đất Campuchia đâu có ít… Sau đợt ấy em được trở về nhà, em xin chính quyền cho mở tổ hợp sửa chữa máy nổ, xe ôtô… Dạ thưa các anh, cũng kiếm được đủ nuôi sắp nhỏ và má nó”.

– Chị ấy đi đâu rồi anh Tư? – Kha hỏi.

– Cô ấy đem thằng thứ ba lên Sài Gòn chơi, Sơn chấm dứt câu chuyện phiếm:

– Anh Hiếu à, nghe nói ngày xưa anh có quan hệ với Bạch Hải Đường, hay nói rõ hơn là anh nhận Đường làm em nuôi?

– Dạ đúng vậy.

– Dạo này Đường có hay đến đây không?

– Dạ! Hơn nửa năm rồi, không thấy tới.

– Anh có nghe nói một số vụ cướp xảy ra gần đây không?

– Có! Em biết chỉ có Bạch Hải Đường mới đủ tài nghệ làm như vậy. Trên đời này không có tướng cướp nào vượt qua được Bạch Hải Đường.

Sơn cười:

– Anh tin thế sao? Còn Điền Khắc Kim?

– Tôi có biết Kim trong lần đi Sài Gòn chơi với Đường. So với Đường thì Kim chỉ tàn bạo hơn, tánh tình nóng nảy, liều lĩnh đến mất khôn ngoan. Vì thế cảnh sát ngụy đã nhiều lần tóm được Kim và đưa đi đày Côn Đảo, Đường khôn ngoan, ăn nói khá hiền lành, lễ phép và có tài thuyết phục, cảm hóa người khác, vì thế số đệ tử của Đường rất trung thành với chủ và ít người phản bội Đường, trừ có vợ chú ấy.

– Chuyện vợ chồng Đường, tụi tôi đã biết. Hiện nay chúng tôi đang truy bắt Bạch Hải Đường, vì vậy tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn về hắn.

– Dạ, em hiểu. Em biết Đường từ năm 1971, trong một đêm…

…Trời mưa như trút nước, Hiếu giao ca trực chỉ huy xong, Đại úy Hiếu lên xe Zeép đi về cư xá dành cho sĩ quan. Từ nơi đóng quân về nhà ở chỉ khoảng sáu cây số nhưng mưa to quá nên Hiếu không dám phóng nhanh. Xe đang bon, bỗng từ một hẻm bên đường có người lao vọt ra, nhảy gọn vào ghế trước, một họng súng thúc vào sườn Hiếu:

– Chạy lẹ hơn!

Không kịp suy nghĩ phản ứng trước sự việc quá bất ngờ, Hiếu vội rồ ga, chiếc xe lao vọt đi, bỏ lại đằng sau tiếng còi cảnh sát ré lên và tiếng súng đì đoành bất lực. Chạy được cây số, họng súng mới rời khỏi mạng sườn:

– Tôi là Bạch Hải Đường, cám ơn ông sĩ quan đã đến đúng lúc.

Nghe nói đến Bạch Hải Đường, Hiếu run người. Thì ra cái tên cướp khét tiếng ở vùng Bốn chiến thuật lại là thằng này, một thằng nhỏ con, sức Hiếu chỉ cho một đấm là có khi văng vài mét. Hắn bật công tắc ngọn đèn nhỏ lắp trên gióng sắt căng bạt.

– Ông muốn nhòm mặt tôi hả? – Đường quay sang Hiếu cười, để lộ một hàm răng trắng bóng.

– Vừa cướp sao? – Hiếu hỏi giọng bề trên.

– Ờ, gặp tụi cảnh sát đi tuần bất tử, tôi đánh lộn một chặp rồi chạy.

– Giờ tính đi đâu?

– Chưa biết nữa – Đường nói rồi cười ha hả – Đời tướng cướp, đâu chả là nhà. Vũ trụ là nhà của ta mà.

– Tôi nghe danh chú đã lâu. Còn tôi tên là Hiếu, đại úy.

– Anh thứ mấy?

– Kêu tôi tên Tư Hiếu.

– Cha, nghe ngộ quá. Anh Tư chắc về nhà – Đường reo lên.

– Ờ, hết phiên trực rồi. Nè lúc nãy nếu tôi không chạy lẹ hơn, chú tính sao?

– Thì để con chó lửa này làm việc – Đường giơ khẩu Vonte cỡ 5.56 ly. Liếc nhìn Đường, Hiếu thấy lạ. Thằng cha bé nhỏ như con nít, mặt mũi nom hiền khô mà lại là tướng cướp. Hẳn nó phải có những gì ghê gớm lắm mới có được cái danh như vậy chớ. Ý nghĩ được làm thân với Đường chợt đến.

– Chú có sợ tôi không?- Hiếu hỏi làm Đường ngạc nhiên.

– Đến cả đại đội cảnh sát, tôi còn không ngán nữa là anh. Trên đời này tôi đâu có sợ ai. Ai đối tốt với tôi, tôi chịu ơn. Ai xấu, tôi xa họ. Ai phản phúc, tôi trừng phạt. Cuộc đời gói trọn mấy chữ vậy thôi.

– Vậy mời chú về nhà tôi.

– Ô kê! – Đường thoải mái reo lên nho nhỏ và như một kẻ vô tư nhất trên đời. Sẵn sàng kết bạn với bất cứ ai, không bao giờ phải lo nghĩ, cảnh giác, hắn ngúc ngoắc cái đầu cắt hớt cua, tóc dựng lên:

– Nghỉ nhà anh Tư chắc hay quá ta. Bữa nay gặp anh Tư hên hết chỗ nói.

Hiếu cười ngạc nhiên, dường như anh ta vẫn không tin người ngồi cạnh mình là Bạch Hải Đường, tướng cướp gì mà cả tin đến vậy.

– Chú không sợ tôi báo cho cảnh sát khi chú đang ngủ say à?

– Anh không phải là người lừa dối – Đường nói chắc chắn. Sự khẳng định đó làm Hiếu cảm động.

– Lần đầu tiên tôi gặp chú, nhưng đã biết chú là người hào hiệp, nghĩa khí, coi trọng tình bạn. Từ nay chú có thể tin tôi.

Những điều Hiếu nói làm Đường thấy tủi tủi. Đã lâu lắm rồi hắn mới được nghe những lời nói chân tình đến vậy – Chẳng phải trong tiệc rượu, chẳng phải trong thề thốt, chẳng phải thử thách. Tình bạn đến bất ngờ, không ai dám nghĩ trước.

Về tới nhà, Hiếu đàng hoàng giới thiệu Đường với vợ, một người phụ nữ mang tất cả những đức tính tốt đẹp mà người vợ phải có. Chị không tỏ chút băn khoăn lo lắng khi trong nhà chứa chấp một tên tướng cướp, bởi lẽ chị tin chồng và bản thân chị đã mang sẵn trong mình ý thức phục tùng chồng tuyệt đối. Mọi việc làm của chồng không bao giờ chị can thiệp hoặc có ý kiến – ngoài mỗi việc nấu đồ ăn là chị chẳng tin anh.

Họ nhanh chóng thân nhau, Đường phải sống phiêu bạt từ bé nên rất khát khao tình cảm, vì thế có được người thông cảm với mình như Hiếu, Đường mừng lắm. Đường nhận Hiếu làm anh nuôi và đối xử với vợ chồng Hiếu theo đúng phận sự làm em. Thời gian đầu vợ Hiếu quý Đường vì thấy “chú ấy hiền lành, nói năng lễ phép, cư xử có trên có dưới”. Nhưng chỉ được mấy tháng, chị bắt đầu sợ Đường. Bởi lẽ không mấy ngày là không thấy có vụ cướp do thằng em nuôi gây ra, mà vụ nào cũng lớn. Bình thường Đường luôn giữ vẻ mặt hiền lành, thậm chí hơi ngây ngô, nhưng hễ nói đến chuyện làm ăn là mặt hắn thay đổi hẳn. Giọng nói lạnh, rin rít thoát ra từ hai hàm răng đều đặn; cặp mắt nhỏ gườm gườm nhìn những người đối diện… những cái đó khiến chị sợ hắn. Cũng đã đôi lần, lựa lúc vui vẻ, chị can hắn, nhưng bao giờ Đường cũng cười nhạt: “Chuyện làm ăn của em, chị xía vô làm gì”.

Từ đầu năm 1971, tiếng tăm của tướng cướp Bạch Hải Đường đã lừng lẫy vùng Bốn chiến thuật – đặc biệt là ở Long Xuyên. Nhiều đảng phái ở Long Xuyên muốn mua Đường để làm kẻ thi hành các “phi vụ đặc biệt” nhưng Đường đều lạnh nhạt từ chối: “Tôi là cướp, tôi không thích dây vào ba thằng làm chính trị”.

Một bữa Hiếu đang họp giao ban thì có điện gọi ra có khách. Đó là L. Đảng trưởng đảng uốc gia Thốt Nốt. Tên L. này Hiếu đã biết từ lâu với chiến tích chuyên đi bắt cóc tống tiền. Cả Long Xuyên biết bọn này nhưng đều phải làm ngơ. L. có vóc người cao dong dỏng, mắt một mí, giọng the thé. Mặt lúc nào cũng như cười cợt nhưng lại rất thâm hiểm và ti tiện.

– Tôi có chút việc riêng muốn trao đổi với đại úy – L. vào chuyện ngay.

– Xin ông cứ nói.

– Nghe nói ông nhận Bạch Hải Đường làm em nuôi?

– Đúng vậy, có chuyện chi không? – Hiếu hỏi vẻ lo lắng. L. lắc đầu:

– Đã mười ngày nay tôi đi tìm Đường, nhưng không gặp, phiền đại úy có thể thu xếp cho chúng tôi gặp Đường trao đổi chút việc riêng.

Hiếu cảnh giác

– Tôi không dám hẹn trước. Bởi vì…

– Ông khỏi lo – L. cắt ngang – Chúng tôi muốn mời Đường cộng tác, không phải có ý xấu.

– Vậy ông có thể nói trước với tôi được không?

– Xin lỗi đại úy, đây là việc tuyệt mật – L. chán nản đứng lên – Thôi vậy, chúng tôi phải tìm gặp Đường, chỉ có anh ta mới đủ sức giúp chúng tôi.

Nghe ông ta nói, Hiếu cười khẩy. Hiếu lạ gì cái bộ mặt thơn thớt của L. hắn muốn Đường cộng sự với hắn, chắc là muốn mượn tay Đường để cướp của hay tống tiền nhà nào đây. Nhưng cũng lạ, được gọi là “đao phủ” chuyên để sử dụng vào các “phi vụ đặc biệt”, vậy bọn này chưa đủ sao mà còn mời Đường. L. ra về, Hiếu liền tìm gặp Đường, nhưng không thấy. Mãi 4 ngày sau, Đường mới trở về, thấy Đường có vẻ đăm chiêu suy nghĩ, Hiếu gợi hỏi:

– Sao rầu vậy chú?

– Anh Tư, có việc này em muốn hỏi ý kiến anh Tư – Nghe Đường rụt rè hỏi, Hiếu ngạc nhiên vì từ trước tới nay, ít khi Đường bàn chuyện làm ăn với anh.

– Sao vậy. Chắc có chuyện khúc mắc hả?

Đường moi túi lấy ra khẩu côn rulô, tháo đạn ra lau rồi thủng thẳng.

– Em tính cho Lê Phước Sang tiêu, anh Tư à.

/ Nguyễn Như Phong / Năng lượng Mới