Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 1)

Thời mới xin khởi đăng loạt truyện ký đặc biệt của nhà văn Nguyễn Như Phong về cuộc lùng bắt tên tướng cướp được liệt vào hàng “huyền thoại” này.

Bạch Hải Đường (tên cúng cơm là Nguyễn Ngọc Truyện) nổi tiếng là một tên cướp có biệt tài xuất quỷ nhập thần, đã thực hiện hàng ngàn vụ trộm cướp; nhiều lần bị cảnh sát chế độ cũ bắt và cả cảnh sát của Công an tỉnh An Giang bắt sau năm 1975, nhưng hắn vẫn trốn thoát… hắn còn là tên cướp đa tình, lãng mạn. Chính vì thế, mà hắn trở thành nhân vật cho không ít cuốn tiểu thuyết, phim truyện. Và tất nhiên, xung quanh hắn cũng có nhiều giai thoại.

Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, chính hắn đã làm cho tình hình trật tự an toàn xã hội của tỉnh An Giang trở nên nóng bỏng bởi hàng loạt vụ cướp táo tợn do hắn và đồng bọn gây ra. Phòng Cảnh sát Hình sự của Công an tỉnh An Giang do Thiếu tá Nguyễn Thanh Sang hay thường được gọi là anh Năm Sang đã lập kế hoạch tiêu diệt Bạch Hải Đường. Và nhiệm vụ nặng nề đó được giao cho Thượng úy Phạm Thanh Sơn, Đội trưởng Đội trọng án, một người được coi là có biệt tài về đánh án hình sự. (Sau này, Phạm Thanh Sơn được đề bạt lên làm Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang. Nhưng anh đã mất và cái chết của anh là một câu chuyện buồn. Đồng chí Nguyễn Thanh Sang cũng đã mất vì tuổi cao).

Trong lần đi công tác tại tỉnh An Giang vào cuối năm 1983, phóng viên Nguyễn Như Phong đã được nghe đồng chí Năm Sang và Phạm Thanh Sơn kể lại và cung cấp toàn bộ tài liệu về cuộc đời của Bạch Hải Đường cũng như cuộc lùng bắt hắn. Lúc này, Bạch Hải Đường vừa chết (7-1983).

Thời Mới xin đăng lại cuộc lùng bắt tướng cướp Bạch Hải Đường để bạn đọc thấy rõ hơn bản chất thực của một tên tướng cướp được liệt vào hàng lắm “huyền thoại” nhất, cũng như tinh thần dũng cảm, mưu trí của những chiến sĩ công an trong những năm đầu sau giải phóng.

Xin chân thành cảm ơn Ban Biên tập Báo Công an TP Hồ Chí Minh và phóng viên Trần Trung Sơn của báo CA TP HCM, đồng chí Vũ Hữu, Chánh văn phòng Công an tỉnh An Giang đã giúp tác giả thêm những tài liệu về Bạch Hải Đường.

cuoc chien dau voi tuong cuop bach hai duong ky 1

Bạch Hải Đường lúc ở trong trại tạm giam

Kỳ I

…Vào một buổi trưa ngày đầu năm 1962, trời đổ mưa tầm tã. Đó là cơn mưa mà xưa nay chưa bao giờ có vì miền Tây đang giữa mùa khô. Không khí mát lạnh, ẩm ướt làm cho đất trời như nở ra, dịu dàng hẳn. Thằng Truyện đi học trường tư về. Mặc cho sách vở ướt tùm lum, nó vẫn nhảy cẫng lên, ngẩng mặt đón từng giọt nước mưa to như hạt bắp ném vào mặt mát lạnh. Quần áo nó ướt lướt thướt nhưng không sao, miễn là được tắm mưa. Nó lăn xả vào đám trẻ con, bốc bùn ném vào nhau.

Tiếng hò hét, tiếng cười của chúng át tiếng mưa rơi, tiếng gió gào. Nhìn thấy trước mặt có đám đông người đứng lố nhố, thằng Truyện vội vàng chạy tới. Đến gần, nó nhận ra đó là những cảnh sát và một số người thị trấn Phú Tân. Thấy thằng Truyện, một ông già bận quần cộc, cởi trần, khắp người xăm đủ các thứ hình thù rồng rắn, kêu lên:

- Trời, thằng Truyện về đây rồi!

Cả đám người dạt ra. Một bàn tay đẩy thằng Truyện vào giữa. Nó bỗng đứng sững lại. Trên nền đường đất mẹ nó đang ôm xác cha nó gào khóc thảm thiết. Khắp người cha nó lỗ chỗ vết đạn. Khủng khiếp nhất là vết đạn côn 9 ly bắn thẳng giữa trán, xuyên qua sau phá bung mảnh ót, máu, óc lẫn nước mưa nhầy nhụa.

- Nè con! – Một viên trung sĩ cảnh sát tóm tai nó nói:

- Cha mày ăn cướp, tụi tao bắn bỏ. Mày trông đấy mà làm gương nghe con!

Thằng Truyện trợn mắt nhìn viên cảnh sát có bộ mặt xương xương, nước da trắng mai mái, hai con mắt thụt sâu vào trong hai hốc má. Bọn cảnh sát phá lên cười. Một tên nhảy lên chiếc xe Zeép có gắn loa gào lên:

- Bà con Phú Tân nghe đây! Thằng Nguyễn Ngọc Của là tướng cướp đã bị bắn chết. Nội nhật ngày hôm nay, không ai được đem chôn xác nó. Ai phát hiện được đồng đảng của nó, nếu tố giác với cảnh sát sẽ được trọng thưởng, ai che giấu thì sẽ bị trừng phạt theo pháp luật hiện hành.

Ngẩng đầu lên, trông thấy con trai, má nó gào lên và vươn tay níu áo nó. Nhưng thằng Truyện gạt ra. Bọn cảnh sát hô hố cười:

- Đó, cha nó làm cướp, nó cũng coi ra gì đâu.

- Thằng nè coi bộ tướng mạo cũng khá đây. Chắc theo nghiệp cha nó quá.

Thằng Truyện nhìn bọn cảnh sát bằng cặp mắt nảy lửa. Nỗi tức giận làm người nó rung lên, hai bàn tay nó vặn chéo nhau… một luồng hơi nóng bốc lên làm nó muốn nghẹt thở. Nó lừ lừ nhìn lại một lượt những bộ mặt đang hả hê, khoái chí rồi lẳng lặng gạt đám đông đi ra, bỏ lại ngoài tai tiếng má nó gào khản đặc.

Tối hôm đó, ông Sáu Giảng, chú ruột của thằng Truyện đang ngồi nhậu với đám đệ tử học võ thì thằng Truyện nhào vô nhà. Nó gục vào lòng chú khóc tức tưởi.

- Chú ơi! Con tức chết mất.

- Ủa, sao vậy, chuyện gì nói chú nghe coi.

-Tụi cảnh sát bắn chết ba con rồi!

- Trời! Chuyện sao? – Người chú thốt lên, ôm chặt đứa cháu.

Vừa khóc, thằng Truyện vừa kể việc ba nó bị bọn cảnh sát bắn. Nó nhắc lại rành rọt từng lời của cảnh sát.

- Chú ơi, chú dạy võ cho con, để con trả thù cho ba.

Ông chú ngồi lặng đi một lúc lâu rồi chậm chạp đứng dậy thắp mấy nén nhang trên ban thờ ông tổ nghề võ. Ông lôi thằng Truyện đến, bắt nó vái năm vái. Ba ngày sau, mẹ thằng Truyện, bà Đặng Thị Huệ, một người đàn bà to béo đến Thất Sơn gặp em chồng:

- Thế là tôi hết đất sống rồi chú Sáu à.

- Vậy chị tính sao?

- Chú thay cha thằng Truyện chăm nom giùm nó. Tôi cũng chưa biết sẽ đi đâu, nhưng sống ở Phú Tân hết nổi. Hễ cứ nhắm mắt lại là thấy ba nó nằm rộng cẳng giữa lộ, khắp người bị đạn bắn nát bươm. Tụi nó phơi xác ảnh đúng một ngày rồi mới cho đem đi chôn.

Người em chồng khẽ rùng mình. “Chết cha thì còn chú” ông lẩm bẩm.

- Tùy chị thôi, còn thằng nhỏ chị khỏi lo. Tui sẽ thay ảnh.

Đêm hôm ấy, thằng Truyện nằm gọn lỏn trong lòng má. Cả đêm má nó không ngủ, nước mắt má thấm ướt tóc nó. Khi thằng Truyện tỉnh giấc thì má nó đã đi đâu mất. Nó loạng quạng đi ra vườn. Chợt có một thằng chỉ nhỉnh hơn nó một chút ít ở đâu lừ lừ đến. Chẳng nói chẳng rằng, nó đấm luôn hai cú làm thằng Truyện ngã bổ chửng. Nó ngơ ngác chưa hiểu vì sao lại bị đòn thì thằng kia lại xông tới. Vẫn đang nằm ngửa, Truyện co chân lên đạp đúng bụng thằng đó. Rồi hai thằng quần thảo nhau, một bên biết võ, một bên không. Truyện cứ lăn xả vào để đón nhận những cú đạp, đấm, chặt. Thật kỳ lạ, đòn đau chỉ làm nó hăng máu, càng đánh nó càng dạn đòn và lì lợm. Nó giả vờ đuối sức để thằng kia mất cảnh giác. Nó đứng lảo đảo, đầu rũ xuống, máu mồm trào ra ướt cả tay áo. Thằng kia đến túm tóc nó:

- Thế nào, tao tưởng mày gan lắm?

Chỉ chờ có thế, một miếng võ hình thành trong đầu Truyện ngay tức khắc: Nó dẫm bàn chân phải lên bàn chân trái của đối thủ, tay phải đánh ngược từ bụng dưới trượt lên mỏ ác rồi thẳng tới cằm. Cú đấm hiểm khiến thằng kia chỉ há miệng ngáp không khí rồi từ từ đổ gục xuống chân nó.

Vừa lúc đó, có tiếng cười ha hả:

- Khá lắm, khá lắm. Thật là “hổ phụ sinh hổ tử”.

Từ trong nhà, chú nó bước ra, ông nhấc bổng thằng cháu ruột lên, dụi cả bộ râu quai nón vào bụng nó.

***

Ở Cần Thơ, có một tiệm giải khát khá nổi tiếng – đó là tiệm “Hương Xuân”, nằm cách bến phà Cần Thơ không xa. Chủ tiệm là một tay anh chị có tiếng từ thời Pháp – hắn tên là Sổ – người ta vẫn thường gọi là Sổ “chuột” bởi lão ra có hàm răng nhọn như răng chuột. Lão Sổ năm đó đã hơn sáu mươi tuổi, tuy thế, đám du đãng ở Cần Thơ không đứa nào dám dàn mặt hay gây sự với lão. Lão không giỏi võ nhưng bắn súng ngắn rất giỏi và phi dao bách phát bách trúng. Vợ lão cũng là một ả giang hồ ở tít ngoài Đà Nẵng, mụ có thân hình gầy gò, nom như con gà mái mới ấp xong, lúc nào cũng xơ xác, còm cõi. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài che đậy một bản lĩnh vững vàng, một sự tàn bạo trong con người.

Cảnh sát Cần Thơ gọi mụ là “Võ Tắc Thiên”, không tên nào dám xấc xược khi đến quán của mụ hoặc quỵt nợ bởi vì mụ sẵn sàng đến tận chi khu cảnh sát, tụt quần ra và réo tam tứ đại nhà tên Chi khu trưởng, thậm chí cả Nguyễn Văn Thiệu ra chửi. Chính vì thế nên mặc dù biết nhà mụ là nơi chứa đồ ăn cắp, là nơi trú ngụ của bọn đầu trộm đuôi cướp nhưng cảnh sát vẫn làm ngơ. Vả lại, mụ cũng là người “biết điều” đối với số cảnh sát hay qua lại.

Một buổi sáng, Sổ “chuột” vừa dọn quán thì một thanh niên có vóc người nhỏ bé bước vào – đó là Truyện – Năm Truyện. Hắn ngồi phịch xuống chiếc ghế bố, vẻ mệt mỏi. Sổ “chuột” nhũn nhặn:

- Tôi mới dọn hàng, chưa có đồ bán, cậu làm ơn sang tiệm khác nếu vội…

- Khỏi, ông cứ làm cho đàng hoàng. Tôi xin ly cà phê sữa. Nghe giọng hắn nói, Sổ ngạc nhiên vì chưa có thằng nhãi nào dám nói với lão bằng cái ngữ điệu ngang ngạnh như vậy. Vừa cặm cụi dọn đồ, Sổ vừa chú ý nhìn “thằng nhãi” và tò mò đoán xem nó thuộc loại người nào. Hàng vừa dọn xong thì đám đệ tử của Sổ kéo đến. Chúng có năm thằng cũng xin “anh cả” cho uống cà phê sữa. Sáu ly cà phê sữa được Sổ đem ra. Chẳng hiểu vì ghét bỏ “thằng nhãi” hay vì pha tồi, nên vừa bưng ly cà phê sữa lên nhấp được một ngụm, Truyện nhăn mặt nhổ toẹt ra sân và tiện tay hắt luôn cả ly vào gốc cây vú sữa trước cửa. Móc tiền đặt lên bàn. Truyện lên giọng:

- Ông làm giàu chưa đủ hay sao mà còn pha hạt điệp rang thay cà phê, uống đắng thấy mồ. Lần này tôi trả tiền, lần sau còn gặp, đừng hòng nghe!

Nói rồi, Truyện lững thững đi ra. Máu nóng bốc lên tận cổ, Sổ “chuột” gầm lên:

- Thằng chó đẻ, mày không biết cha mày là ai sao?

Truyện lừ lừ quay lại:

- Tôi không biết ông là thằng nào, nhưng biết ông là thằng lừa bịp.

Sổ “chuột” gào lên, hắn rút con dao Mỹ nhảy qua bàn xông ra. Mạnh “Tắc Giăng”, một gã cao lớn, có mái tóc hung và cặp mắt tròn như mắt diều hâu kéo Sổ lại:

- Đại ca để đàn em, thằng này tới số rồi. Bữa nay thì hết đường về quê nghe con!

Mạnh “Tắc Giăng” lao vào Truyện. Cả bọn đứng ngoài đều nghĩ thằng nhãi con kia sẽ đo đất ngay từ cú đấm đầu tiên, nhưng không, hàng loạt đòn tay, đòn chân của Mạnh “Tắc Giăng” tung ra đều đánh vào khoảng không. Truyện nhảy đỡ đòn rất lẹ. Rồi chỉ bằng một cú đánh quyết định, hai chân tung lên đá song phi, chân phải nhằm vào mỏ ác, chân trái nhằm vào hạ bộ, trong khi người còn lơ lửng trên cao thì cả hai bàn tay chặt vào xương quai xanh đối phương, Truyện đã bắt Mạnh “Tắc Giăng” nằm bất tỉnh, máu trào ra miệng, hai xương quai sanh bị chém gãy. Hạ thủ xong Mạnh “Tắc Giăng”. Truyện bình thản quay lại, vẫy tay:

- Cả bốn thằng trẻ và thằng già kia ra đây!

Lập tức cả bốn thằng rút dao, nhảy ra vây tròn Truyện lại, còn trong nhà, Sổ “chuột” thổi phù phù vào nòng khẩu côn. Mặc dù phải đối phó với cả bốn tên nhưng Truyện vẫn nhớ tới Sổ và khẩu côn Rulô trong tay hắn- Phải xử lý thằng già trước – Truyện nghĩ vậy. Sau hàng loạt động tác gạt đỡ, Truyện nhảy ra khỏi vòng vây, dựa lưng vào tường.

Giờ chỉ còn lo đối phó từ phía trước mặt. Một con dao vừa đâm bổ xuống, Truyện đỡ và cướp lại được dao. Nhanh như tia chớp, con dao vừa cướp được lao thẳng vào ngực Sổ. Phản xạ của những năm đi cướp đã hại tên Sổ. Hắn cúi xuống tránh thì vừa vặn mũi dao cắm vào giữa mũi. Và cũng trong khoảnh khắc, ba tên còn lại lãnh đủ mỗi đứa một cú đá vào bụng, mụ vợ Sổ “chuột” nhào đến ôm chồng, gào lên: “Ối cướp… cướp”. Nhưng hàng xóm chẳng ai dám tới cứu vì họ nghĩ: Vợ chồng mụ chẳng cướp của ai thì thôi chứ ai mà dám cướp nhà mụ.

Không chút chậm trễ, Truyện giật hai chiếc đồng hồ và ra cướp xe Honda của đám đệ tử dựng ngoài cửa chạy mất. Chỉ nửa ngày, cái tin Sổ “chuột” bị phi dao găm giữa mặt, năm đệ tử bị đo ván, mất hai đồng hồ, một xe Honda đã lan đi khắp thị xã.

cuoc chien dau voi tuong cuop bach hai duong ky 1

Một vở cải lương về Bạch Hải Đường được diễn trước năm 1975

Sổ “chuột” không chết nhưng phải nằm viện mất nửa tháng và mũi dao để lại vết sẹo tròn giữa khoảng cách hai con mắt. Suốt thời gian nằm viện, Sổ “chuột” đã ra lệnh cho đám đệ tử tìm bằng được “thằng nhãi” và giết chết nó. Cũng từ ngày đó, không mấy khi ở Cần Thơ không xảy ra những vụ cướp lớn. Đám đệ tử của Sổ “chuột” đôi ba lần gặp “thằng nhãi” nhưng chưa lần nào dám bén mảng đến gần hắn. Sổ “chuột” ra viện buổi sáng thì buổi chiều “thằng nhãi” đó đến. vẫn đi chiếc xe Honda hắn cướp bữa trước, Truyện dựng xe rồi đàng hoàng bước vô nhà. Trong khi Sổ còn sờ ngăn kéo tìm khẩu côn Rulô thì Truyện đã chĩa súng vào mặt:

- Tôi khuyên ông chớ có vội vàng. Tôi đến để gửi lại ông chiếc xe Honda tôi mượn bữa trước và hai chiếc đồng hồ – tôi tên là Truyện – Nguyễn Ngọc Truyện.

Sổ “chuột” tròn mắt, nhìn khẩu Vonte báng ngà đang chĩa thẳng vào mình, hắn vội để tay lên bàn. Truyện cười móc trong túi lấy ra một nắm dây chuyền thả vào tay Sổ.

- Gởi ông chút ít để ông chữa vết thương. Thật tình bữa đó tôi không muốn vậy. Nhưng đám đệ tử của ông đã dốt mà còn ngu nên phải cho chúng biết tay và đừng xấc láo nữa. Cái thằng bị gãy xương vai đâu rồi?

- Nó chết rồi. Chú đá nó dập gan, dập hòn cà, gãy xương quai sanh, cứu không kịp.

- Tội nghiệp, thằng cha đẹp trai tàn bạo!

(Xem tiếp kỳ sau)

/ Nguyễn Như Phong / Năng lượng Mới