COVID-19 không có dấu hiệu lắng xuống, châu Á lo "vỡ trận" dịp Tết Nguyên đán

Tình hình dịch COVID-19 thế giới vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp việc nhiều nước triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 hàng loạt.

Tính đến sáng nay (23/1), tổng số ca mắc trên toàn thế giới đang tiệm cận con số 99 triệu người và đang có nhiều lo ngại tại châu Á sẽ bùng phát dịch dịp Tết nguyên Đán.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha và Brazil với số ca mắc mới mỗi ngày ở mức hàng chục nghìn người, đồng thời lây lan diện rộng. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại khi nhiều trường hợp nhiễm mới tại châu Âu có liên quan đến biến thể mới, xuất hiện lần đầu tiên taị Anh. Ví dụ tại Đan Mạch tổng số ca mắc mới trong tuần thứ 2 của tháng 1 có 7% liên quan đến biến thể mới. Bồ Đào Nha, Bulgaria cũng ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm các biến thể mới của virus, xuất hiện đầu tiên tại Anh và Nam Phi.

COVID-19 không có dấu hiệu lắng xuống, châu Á lo 'vỡ trận' dịp Tết Nguyên đán - 1
Nhiều nước châu Á lo ngại dịch sẽ bùng phát dịch dịp Tết nguyên Đán. (Ảnh: AA.com)

Thủ tướng Anh Boris Johson cảnh báo, biến thể mới có thể làm gia tăng nguy cơ tử vong cao hơn: “Chúng tôi đã nhận được báo cáo rằng, ngoài việc lây truyền mạnh hơn, còn xuất hiện một số bằng chứng cho thấy, biến thể mới tại Anh có thể liên quan quan đến mức độ tử vong cao hơn. Điều này cũng khiến hệ thống y tế quốc gia phải chịu áp lực lớn hơn. Vì vậy, điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải luôn cảnh giác để tôn trọng các quy định, để bảo vệ hệ thống y tế quốc gia và cũng có nghĩa là bảo vệ các mạng sống".

Để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-Cov-2 và các biến thể mới của virus này, nhiều nước đã quyết định đưa ra biện pháp mạnh tay. Bỉ đã quyết định cấm người dân ra nước ngoài nếu không có lý do cần thiết kể từ ngày 27/1 đến ngày 1/3 tới. Chính phủ Đức lần đầu tiên đưa hơn 20 quốc gia vào danh sách các nước có nguy cơ cao đối với đại dịch, theo đó sẽ áp dụng những biện pháp siết chặt đối với các trường hợp nhập cảnh từ những nước này. Mỹ - quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 cũng đang đưa ra các biện pháp quyết liệt để ngăn dịch lan rộng.

Ngay sau khi lên nắm quyền, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố chiến lược quốc gia nhằm ứng phó với đại dịch: “Mọi thứ sẽ tiếp tục xấu đi trước khi trở nên tốt hơn. Số người chết có thể sẽ lên đến con số 500.000 vào tháng 2 tới. Sẽ phải mất nhiều tháng trước khi mọi thứ trở lại bình thường. Chúng ta sẽ đánh bại đại dịch và đối với một quốc gia đang chờ đợi những hành động mang tính thay đổi, hãy để tôi thông báo với các bạn rằng, sự hỗ trợ của chính phủ đang chuẩn bị đến với mọi người".

Hiện cũng có nhiều lo ngại châu Á sẽ chứng kiến các đợt bùng phát dịch mới trong dịp Tết Nguyên Đán. Giới chức Trung Quốc cảnh báo dịch bệnh sẽ bùng và lây lan mạnh hơn đợt Tết Nguyên đán sắp tới, thời điểm nước này chứng kiến làn sóng di chuyển Xuân vận khổng lồ. Nhiều nước trong khu vực cũng đón Tết nguyên Đán với các hoạt động tụ tập đông người, đi lại nhiều vào dịp cuối năm có thể gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Trong khi đó diễn biến bệnh dịch tại châu Á tiếp tục phức tạp với lo ngại xuất hiện biến thể mới. Bộ Y tế Philippines hôm qua (22/1), xác nhận có thêm 16 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Vương quốc Anh tại nước này. Nhật Bản cũng xác nhận một bé gái 10 tuổi sống tại thủ đô Tokyo dương tính với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Anh. Bé gái đã tiếp xúc gần với một người 40 tuổi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tuy nhiên cả hai chưa từng đi nước ngoài. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, có khả năng đã có sự lây lan biến thể của virus trong thành phố Tokyo đông đúc.

Ca nCoV gần 99 triệu, chủng mới từ Anh có thể nguy hiểm hơn bản gốc Ca nCoV gần 99 triệu, chủng mới từ Anh có thể nguy hiểm hơn bản gốc

Toàn cầu đã ghi nhận hơn 98,6 triệu ca nhiễm, hơn 2,1 triệu người chết vì nCoV, Thủ tướng Anh cho biết chủng mới có ...

/ vtc.vn