Công an không bảo vệ được mình, làm sao bảo vệ được pháp luật?

Súng đâu, công cụ hỗ trợ đâu mà cảnh sát phải chết khi can ngăn vụ xô xát như vừa xảy ra ở Hà Nam; công an không bảo vệ được mình, làm sao bảo vệ được pháp luật?

Lại một cảnh sát chết oan uổng không phải lúc tham gia trọng án hay chiến đấu với tội phạm nguy hiểm. Chiều 10/11 tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, Thượng úy công an Nguyễn Tuấn Minh và một đồng nghiệp can ngăn vụ đánh nhau giữa 4 người ở xưởng may. Được yêu cầu đến trụ sở công an xã làm việc, những kẻ này chẳng những không chấp hành mà còn đánh Thượng úy Minh, khiến anh dù được đưa đi bệnh viện cấp cứu vẫn không qua khỏi.

Cách đây chưa đến 2 tháng, một chiến sĩ công an khác cũng bỏ mạng chỉ vì sự manh động của một tên tài xế càn quấy. Chiều 14/9, trên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, khi bị kiểm tra, tài xế Trần Văn Dũng bất ngờ lao xe vào 3 chiến sĩ công an, hất Thượng sĩ Nguyễn Văn Mạnh lên nắp capo rồi tiếp tục chạy. Chiến sĩ cảnh sát cơ động này sau đó ngã xuống đường, bị thương nặng rồi qua đời.

Công an không bảo vệ được mình, làm sao bảo vệ được pháp luật? - 1
Lực lượng chức năng khám nghiệm tử thi Thượng úy Nguyễn Tuấn Minh.

Còn các vụ cảnh sát bị thương trong khi làm nhiệm vụ, bị tấn công bởi những kẻ “côn đồ vặt” như con nghiện ma túy, thanh niên đua xe… thì nhiều vô kể. Thật kỳ lạ khi họ - thành viên của lực lượng vũ trang, được đào tạo, được trang bị đủ từ vũ khí, công cụ hỗ trợ đến quyền thực thi pháp luật – lại dễ dàng bị tổn thương như vậy. Thật oái oăm khi những kẻ gây thương tích hay khiến họ bỏ mạng lại chẳng phải là loại tội phạm “có số có má” gì.

Vì sao trong nhiều vụ việc, cảnh sát lại trở nên yếu ớt đến thế trước tội phạm? Ừ thì vì chúng quá liều lĩnh, manh động, coi thường luật pháp, nhưng điều này có gì lạ đâu! Cảnh sát được huấn luyện, được trang bị kỹ càng chẳng phải để đối phó với chúng sao?

Công an không bảo vệ được mình, làm sao bảo vệ được pháp luật? - 2
Một vụ CSGT bị tấn công khi xử lý vi phạm ở Đồng Nai. (Ảnh tư liệu)

Muốn xã hội được bình yên, nhân dân được an toàn thì lực lượng thực thi pháp luật phải mạnh hơn tội phạm. Hệ thống đào tạo cảnh sát chắc chắn đã cung cấp đủ các biện pháp nghiệp vụ để đối phó với nhiều loại tội phạm, nhiều tình huống có thể xảy ra trong thực tế. Các quy định pháp luật hiện hành cũng cho phép cảnh sát sử dụng súng và các công cụ hỗ trợ trong những trường hợp cần trấn áp.

Rõ ràng là nhiều cán bộ, chiến sĩ công an đã không tận dụng hết quyền hạn cũng như phương tiện mình có. Nói cách khác, bên cạnh sự non yếu về nghiệp vụ, họ chưa đủ dứt khoát, cương quyết khi đối mặt với kẻ vi phạm, nhất là những tên chống đối quyết liệt, hung hãn. Không mạnh tay trấn áp tội phạm trong những trường hợp này chính là tự đưa mình vào thế yếu, khiến bản thân họ gặp nguy hiểm.

Nếu như công an, cảnh sát không bảo vệ được chính mình thì làm sao bảo vệ được pháp luật, đảm bảo an toàn cho nhân dân?

Bị truy đuổi, kẻ trộm chó dùng súng điện tự chế bắn công an Bị truy đuổi, kẻ trộm chó dùng súng điện tự chế bắn công an
Bị vây bắt, kẻ nghiện ma túy đâm chết công an viên rồi bỏ trốn Bị vây bắt, kẻ nghiện ma túy đâm chết công an viên rồi bỏ trốn

/ vtc.vn