Còn quá sớm để coi COVID-19 như cúm!

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng COVID-19 vẫn có thể có nhiều diễn biến khó lường và hiện còn quá sớm để coi đây là một loại bệnh đặc hữu như cúm.

WHO: Hiện còn quá sớm để coi COVID-19 như cúm! -0

Bên trong một khu vực điều trị người nhiễm COVID-19 tại châu Âu. Ảnh: Anadolu

Reuters ngày 11/1 dẫn lời Giám đốc WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluges, cho biết, các quốc gia khu vực châu Âu theo cách phân chia của WHO đã ghi nhận hơn 7 triệu ca nhiễm mới COVID-19 chỉ trong tuần đầu tiên của năm 2022, trong bối cảnh biến chủng Omicron phát tán mạnh mẽ trên toàn cầu.

"Với tốc độ này, Viện Đo lường và Đánh giá Y tế dự báo rằng, hơn 50% dân số trong khu vực sẽ nhiễm Omicron trong vòng 6-8 tuần tới", ông Kluge nói, viện dẫn số liệu thuộc một trung tâm nghiên cứu tại Đại học Washington của Mỹ.

Theo quan chức WHO, 50/53 quốc gia ở châu Âu và Trung Á đã ghi nhận các ca bệnh mang biến chủng Omicron, vốn được mô tả là có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều các biến chủng trước đây.

Các bằng chứng được thu thập liên quan đến Omicron cho thấy, biến chủng này dường như ảnh hưởng đến đường hô hấp trên nhiều hơn phổi, bởi vậy, nó gây ra những triệu chứng nhẹ hơn so với các biến chủng khác của virus SARS-CoV-2.

Gần đây, nhiều chuyên gia nhận định Omicron có thể sẽ trở thành một dạng "vaccine sống", bởi khi ai đó nhiễm chủng này, họ sẽ có miễn dịch tự nhiên với rất ít khả năng nguy hiểm tới tính mạng. Một số người thì nhận định COVID-19 có thể được coi như một bệnh đặc hữu, thay vì đại dịch, sau sự xuất hiện của chủng Omicron.

Tuy nhiên, quan chức cấp cao của WHO khu vực châu Âu, bà Catherine Smallwood, khẳng định, việc coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu như cúm vào lúc này là quá sớm, bởi bệnh đặc hữu có chuỗi lây lan ổn định và có thể dự báo, còn virus SARS-CoV-2 thì chưa.

"Chúng ta còn nhiều điều không chắc chắn và virus vẫn đang phát triển khá nhanh, đặt ra những thách thức mới. Chúng ta rõ ràng chưa đến mức có thể gọi nó là bệnh đặc hữu", bà nói. "Nó có thể trở thành đặc hữu trong tương lai".

Trước các thông điệp trên, cách đây vài hôm, ngày 6/1, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng từng cảnh báo: Omicron có vẻ như ít nghiêm trọng hơn Delta, đặc biệt là ở những người đã tiêm chủng đầy đủ, nhưng điều đó không có nghĩa nó có thể được đánh giá là "biến chủng nhẹ".

"Cũng giống như các biến chủng trước đó, Omicron đang khiến nhiều người nhập viện và nó vẫn có thể giết người", ông Tedros cảnh báo.

Thiện Nhân

Bộ Y tế: Các địa phương không bỏ sót người chưa được tiêm vaccine COVID-19 Bộ Y tế: Các địa phương không bỏ sót người chưa được tiêm vaccine COVID-19
WHO: Tiêm liều vaccine nhắc lại liên tục không phải chiến lược khả thi WHO: Tiêm liều vaccine nhắc lại liên tục không phải chiến lược khả thi

/ cand.com.vn