Con hổ Leng (kỳ 1)

Ở trong trại, phạm nhân phải gọi cán bộ quản giáo bằng “thầy”. Nhưng chẳng hiểu sao từ hôm ông Tài bị bắt vào đây, tất cả cán bộ quản giáo đều gọi ông là bố hoặc bác hết sức lễ phép. Thậm chí, anh giám thị còn rỉ tai ông Tài nói rằng: “Con rất thương bố và con rất hiểu việc bố đã làm. Nếu con vào hoàn cảnh đấy có lẽ con cũng thế”.

Con Leng

Ông Tài tỉnh giấc, lúc này đã vào khoảng hơn 5 giờ sáng. Cái thói quen ngủ dậy vào tầm này đã thành nếp kể từ khi ông mới nhập ngũ vào lực lượng Công an Vũ trang năm 1962.

Lính Công an Vũ trang được rèn luyện cực kỳ khắc nghiệt và kỷ luật. Và thứ khắc nghiệt đầu tiên mà người lính phải chấp nhận đó là tập thể dục buổi sáng. Nắng cũng như mưa, nóng cũng như rét cứ hơn 5 giờ là đã phải dậy tập thể dục. Cái nếp đấy đã ngấm vào máu ông đến mức ông làm gì, ngủ muộn đến mấy thì cũng cứ tầm giờ đấy là dậy.

con ho leng ky 1
Ảnh minh họa

Trời rét căm căm, gió bấc của cữ cuối đông rít qua khe cửa tò vò nghe như tiếng rắn hổ mang giận dữ. Ông khe khẽ lật chăn và ngồi dậy. Ông lấy chiếc áo bông dùng để gối đầu mặc vào, rồi cẩn thận quấn thêm chiếc khăn vải dù mà đã đi theo ông đến ngót bốn chục năm… ông lặng lẽ ngắm nhìn gã bạn tù nằm bên cạnh.

Gã vẫn ngủ rất say và ngáy hộc lên từng cơn, nhìn gã ngủ mà ông muốn bật cười. Hắn ngủ ngáy rất lạ, lúc thì rên hừ hừ, lúc thì hộc lên như con lợn bị chọc tiết, lúc thì lại gáy rống lên như cái xe công nông leo dốc. Trong giấc ngủ, nom gã rất lành và nhất là khi hắn chóp chép miệng như thể đang mơ về cái ngày còn bé được mẹ cho bú, thì lại thấy gã đáng yêu quá.

Gã tên là Quyết - Ngô Văn Quyết và có biệt danh là Quyết “đại ca”.

Gã được giám thị trại giam giao cho làm Buồng trưởng buồng giam số 5. Một buồng chuyên giam giữ những kẻ trộm cắp, cướp giật phạm tội lần đầu. Dạo này, do kinh tế khó khăn, nên tội phạm lại tăng. Căn buồng giam rộng chỉ hơn năm chục mét vuông nhưng lúc nào cũng có hơn hai chục phạm nhân.

Gã là kẻ tiền án tiền sự nhiều hơn tiền mặt. Và cũng không biết gã từng ở tù bao nhiêu năm bởi chính gã cũng không nhớ được. Nghe nói rằng, đầu tiên gã bị bắt vào tù chỉ vì chửi một anh cảnh sát, sau khi gã lái ôtô đè chết một con trâu. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như gã đền tiền cho ông chủ con trâu đó là một người Mông.

Nhìn con trâu bị đâm vỡ đầu, ông người Mông bảo rằng: “Mày đâm chết trâu của tao thì mày phải đền”. Nhưng gã lại cãi, đại ý rằng, trâu của mày thả ra đường, đâm vào xe của tao, làm cái xe Nhà nước của tao bị móp thì mày phải đền. Hai bên giằng co nhau chưa ngã ngũ thì cảnh sát giao thông đến. Anh cảnh sát bảo rằng hắn đi sai làn đường và bảo “thôi, mất ít học phí cho nâng cao tay lái” vậy là gã chửi lại. Anh cảnh sát tát hắn hai cái, hắn xông vào đánh lại. Tất nhiên gã bị bắt vì tội chống người thi hành công vụ. Gã bị kết án một năm tù giam. Nhưng sau cái lần ở tù đấy, khi ra tù gã khác hẳn. Gã cùng với một bọn mới ra tù tổ chức cờ bạc, rồi lại bị bắt, lại vào trại giam. Mãn hạn 3 năm tù gã tiếp tục tổ chức cờ bạc, cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê, rồi lại bị bắt, lại nhận án 6 năm. Ðược bốn năm, gã được ra tù vì “cải tạo tốt”. Gã lấy vợ, cũng là một ả có tiền án về tội buôn thuốc phiện mà gã quen trong tù. Rồi gã lại đi buôn gỗ lậu, đánh nhau với kiểm lâm. Và rồi lại vào tù… Cứ thế, lần tù sau nhiều năm hơn lần tù trước. Hắn ở tù quen đến mức mà như hắn nói là, lâu ngày không thấy nhà giam lại nhớ.

Câu nói mà gã hay giảng giải về ý nghĩa trong những năm tháng ngồi tù là “phi nhà tù, bất thành lãnh tụ”. Gã lúc nào cũng tự hào, chính nhờ ở tù mà gã nhìn cuộc đời, nhìn con người bằng “không gian ba chiều” - nghĩa là gã có thể nhìn đến tận “tâm can, phèo phổi” của người hắn gặp. Vì thế, gã không lừa ai, hại ai thì thôi, chứ đừng hòng có kẻ nào ngang lứa hại được gã.

Là đại ca cho nên quyền uy của gã ở trong tù thật là ghê gớm. Nếu nói không quá thì với đám tù nhân ở đây, gã cho thằng nào sống là được sống, bắt thằng nào chết là phải chết. Gã duy trì kỷ luật ở trong phòng giam hết sức khắc nghiệt. Không một thằng tù nào dám nói hỗn với gã nửa câu. Cũng không có cảnh tranh ăn, đánh nhau… Vì thế, giám thị ở trại rất tin gã. Mà trại giam nào chả vậy, nếu không dùng đầu gấu trị đầu gấu, lưu manh trị lưu manh thì công an có ba đầu sáu tay cũng chẳng thể nào quản lý được phòng giam… Gã nào được giao làm buồng trưởng thì hẳn đó phải là kẻ trên cả lưu manh; là kẻ mà khiến bọn phạm nhân phải sợ.

Là buồng trưởng, gã cũng biết cách “làm kinh tế”. Ấy là bắt tù nhân cống nạp tiền. Nghe nói thằng tù mới vào phải nộp cho hắn ít nhất là 1 triệu, có kẻ đến 4,5 triệu.

Những thằng tù đó phải ghi địa chỉ gia đình vào một mảnh giấy và số tiền phải nộp đưa cho gã rồi gã đưa cho một tên phạm tự giác hằng ngày vào quét dọn phòng giam. Tên phạm tự giác đó lại chuyển cho cán bộ quản giáo và cán bộ quản giáo đến nhà phạm nhân lấy tiền. Còn chuyện hắn chia chác với cán bộ quản giáo như thế nào thì có mà giời biết.

Chuyện quản giáo thông đồng với phạm nhân để ăn tiền thì hầu như trại tạm giam nào cũng có. Chỉ khác chăng là nơi nhiều, nơi ít, nơi kín đáo, nơi trắng trợn. Chả thế mà có không ít quản giáo, ngày thì trông tù, tối lại đi làm “giao liên”, nhận tiền từ gia đình các phạm nhân.

Lần này gã can tội vô ý đánh chết người, gã bị xử án 7 năm tù. Lẽ ra gã phải bị đưa đi trại của Bộ, nhưng không hiểu tại sao gã lại được ở Trại giam số 1 của Công an tỉnh Hưng Sơn. Cũng nghe nói rằng, để được ở lại trại này gã đã phải hối lộ khá nhiều tiền cho Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án.

Hôm qua, trong lúc ăn cơm, gã còn rỉ tai nói với ông Tài rằng: “Lần này ra tù con cũng có vài trăm triệu. Và con sẽ dùng tiền đó để mở một xưởng làm đồ gỗ mỹ nghệ”. Ông Tài rất ngạc nhiên khi nghe gã nói vậy. Gã nhìn ông ranh mãnh: “Nếu bố còn sống trở về, con mời bố về làm với con”.

…Ông nhìn quanh phòng giam và chợt giật mình khi thấy có ba thằng tù ôm nhau ngủ một góc, rồi tự nhiên ông thấy ân hận.

Chẳng là vào lúc nửa đêm, lạnh quá ông không ngủ được, Quyết “đại ca” đã ra lệnh cho ba thằng tù nộp hết chăn để dồn cho ông và gã. Còn ba thằng kia thì ra ngồi một góc ôm nhau ngủ, có bao nhiêu quần áo chúng phải mặc vào hết.

Lúc ấy, ông dứt khoát không chịu, nhưng gã lại bảo: “Bố mà rét là chết vì sưng phổi, vì viêm phế quản. Còn chúng nó, đang trai tráng, chịu rét cho quen đi”. Ba tên bị lột hết chăn cũng khảng khái: “Chúng con chịu rét quen rồi. Bố cứ yên trí ngủ đi. Có gì mai chúng con ngủ bù”. Ông thừa biết, chúng phải nói thế vì sợ “đại ca”, chứ trong thâm tâm, chắc chúng căm ông và gã đến xương tủy.

Từ hôm ông Tài bị bắt vào trại. Trại đã để ông ở phòng giam cùng với một số bị can phạm tội kinh tế, trong đó có cả những người có chức có quyền, rồi giám đốc các doanh nghiệp, vì ở trong buồng giam đấy không có “đầu gấu”, “đại bàng” hành hạ phạm nhân. Nhưng rồi suốt ngày ông phải chứng kiến cái đám khệnh khạng nói chuyện tiền bạc, rồi khoe khoang ở ngoài có anh nọ, chị kia giúp đỡ; rồi khoe tiền, khoe đồ đạc, khoe các kiểu ăn chơi và các kiểu hối lộ. Ở đó, chúng cũng coi ông như một kẻ khố rách áo ôm nào đó, ông thì không có ai tiếp tế nhưng chúng thì bữa nào cũng mâm cao cỗ đầy. Ðến bữa ăn, chúng lủi ra mỗi đứa một góc và như chỉ sợ người khác xin… Chịu không nổi với cái đám hợm của đấy, ông nói với quản giáo xin sang phòng khác.

Anh Trung tá Giám thị trại giam khi nghe thấy ông trình bày nguyện vọng thì nói với ông rằng: “Bố ạ! Nếu như ở đây mà có phòng giam dịch vụ giống như bệnh viện thì chúng con cũng chuyển bố về đấy. Nhưng ở đây không có, bố không thích ở với cái đám này thì con chuyển bố sang ở với bọn trộm cướp. Mà ở với bọn đấy thì khổ hơn đấy”.

Ở trong trại, phạm nhân phải gọi cán bộ quản giáo bằng “thầy”. Nhưng chẳng hiểu sao từ hôm ông Tài bị bắt vào đây, tất cả cán bộ quản giáo đều gọi ông là bố hoặc bác hết sức lễ phép. Thậm chí, anh giám thị còn rỉ tai ông Tài nói rằng: “Con rất thương bố và con rất hiểu việc bố đã làm. Nếu con vào hoàn cảnh đấy có lẽ con cũng thế”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Năng lượng Mới