Có nên sử dụng máy tạo oxy tại nhà?

Tương tự máy thở, bình oxy y tế, tích trữ máy tạo oxy tại nhà và sử dụng sai cách có thể gây ra những hậu quả khó lường, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh nhân mắc Covid-19 ở tình trạng nặng, nguy kịch sẽ rơi vào tình trạng nồng độ oxy của cơ thể xuống mức rất thấp. Lúc này, các tế bào trong cơ thể không đủ oxy để thực hiện các chức năng bình thường. Hậu quả là người bệnh ngừng tuần hoàn, rơi vào hôn mê hoặc tử vong.

Nồng độ oxy bão hòa trong máu ở một người khỏe mạnh là >96%. Dưới mức này, họ cần được hỗ trợ oxy y tế.

Trong không khí tự nhiên, hàm lượng oxy chiếm khoảng 21%, còn lại là nitơ và các khí khác (79%). Do đó, chúng ta cần các thiết bị hỗ trợ để có oxy tinh khiết cho người bệnh.

Các máy tạo oxy làm nhiệm vụ này. Máy tạo oxy (oxygen concentrator) làm giàu oxy từ khí trời (làm đậm đặc và tăng nồng độ oxy).

Nguyên tắc hoạt động của máy tạo oxy là hút khí tự nhiên vào, sau đó hấp thụ, nhả nito ra ngoài, giữa lại oxy. Nồng độ oxy tạo ra rơi vào khoảng 90-95%. Với thiết bị này, người bệnh không cần dùng tới oxy hóa lỏng hay bình oxy.

Hiện nay, các máy tạo oxy được rao bán trực tuyến. Những sản phẩm này có kích thước nhỏ gọn, có giá 5-17 triệu đồng.

Trên thực tế, máy đo SpO2, máy tạo oxy là những thiết bị y tế thông dụng, phổ biến, giúp người dân tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại nhà. Hai loại máy này được dùng cho bệnh nhân có nhu cầu đo nồng độ oxy trong máu, hỗ trợ oxy khi mắc bệnh mạn tính (viêm phổi, hen suyễn, chứng ngưng thở khi ngủ...)

Điều kiện là bệnh nhân chỉ được phép sử dụng dưới sự đồng ý, hướng dẫn của nhân viên y tế. Do đó, người dân không nên tự ý mua và sử dụng máy tạo oxy tạo nhà, dễ gây lãng phí, mang theo nhiều hiểm họa.

Tại Mỹ, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cấm bán hoặc sử dụng máy tạo oxy nếu không có kê đơn, chỉ dẫn của bác sĩ.

FDA cũng khuyến cáo nếu để sản phẩm gần ngọn lửa trần hoặc khu vực hút thuốc, nguy cơ cháy nổ rất cao.

Máy tạo oxy chỉ có tác dụng với bệnh nhân Covid-19 còn tỉnh táo, tự hít thở. Trong trường hợp người bệnh cần đến hỗ trợ về oxy, điều đó chứng tỏ tình trạng của F0 đã diễn biến nặng và cần trợ giúp y tế. Chúng ta nên đưa người thân tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

Nếu quá tin tưởng, phụ thuộc máy tạo oxy, không nhập viện kịp thời, bệnh nhân có thể rơi vào suy hô hấp nặng, nguy hiểm tính mạng.

Theo tài liệu đăng tải trên Hindawi - nhà xuất bản các tài liệu khoa học, kỹ thuật và y tế tại Anh - thở oxy quá nhiều gây ức chế trung tâm hô hấp, làm chậm nhịp thở, giảm thông khí, tăng CO2máu. Đây là hiện tượng rất nguy hiểm với bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Nồng độ oxy quá cao tạo các gốc oxy hóa, làm tổn thương màng phế nang (mao mạch), gây hại cho phổi. Thở oxy kéo dài cũng gây mệt mỏi, đau đầu chóng mặt, ù tai, thậm chí làm bong võng mạc ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non.

Tại Việt Nam, trao đổi với báo chí về tình trạng bán, cung cấp oxy tại TP.HCM hiện nay, chiều 30/7, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết oxy đang dùng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là oxy y tế. Ông khuyến cáo người dân sử dụng oxy ở nhà cần cân nhắc.

Ông khẳng định theo quy trình hiện nay, các ca dương tính chỉ được cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện và còn khỏe mạnh. Nếu có triệu chứng, bệnh nhân sẽ được cách ly điều trị. Tất cả tầng trong phác đồ điều trị của ngành y tế được chuẩn bị oxy nhằm đáp ứng nhanh yêu cầu của người bệnh.

Hiện nay cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén), cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành. Bên cạnh đó nguồn oxy có từ bình nén, oxy lỏng, máy tách oxy, nếu không được kiểm tra, tư vấn trước khi dùng, người bệnh dễ bị ứ khí CO2, thậm chí ngưng thở.

Ngoài ra, bình chứa khí oxy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, là nguồn gây cháy, nổ rất lớn khi va đập hoặc biến đổi nhiệt nếu để gần nguồn lửa như hút thuốc, hay tháo lắp van giảm áp sai quy định. Hơn nữa, việc mua, tích trữ máy thở mà không sử dụng đến, còn có thể tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch có những diễn biến khó lường.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu tự kiểm tra sức khỏe của người dân, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết Sở Y tế đã công bố các bộ xét nghiệm nhanh (kit test nhanh) được cấp phép trên website của cơ quan y tế.

Về vấn đề này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng khuyến cáo người tiêu dùng luôn nâng cao tinh thần trong phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện đúng các quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế và không tự ý đổ xô đi mua máy thở, máy tạo oxy tạo thành phong trào gây khan hiếm và đội giá sản phẩm dẫn đến việc tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, không tự ý sử dụng máy thở, máy tạo oxy tại nhà vì đây là một công việc cần có chuyên môn cao được đào tạo bài bản và có đầy đủ trang thiết bị đi kèm...

PV (th)

Tự mua máy thở, máy tạo oxy: Không chữa được bệnh mà nguy cơ mất an toàn rất cao Tự mua máy thở, máy tạo oxy: Không chữa được bệnh mà nguy cơ mất an toàn rất cao
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở sản xuất, bệnh viện không để thiếu oxy Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở sản xuất, bệnh viện không để thiếu oxy
Cạn oxy cho bệnh nhân COVID-19, Indonesia xin hỗ trợ quốc tế Cạn oxy cho bệnh nhân COVID-19, Indonesia xin hỗ trợ quốc tế
/ Nghề nghiệp và cuộc sống