CMCN 4.0: Để phát triển xuất khẩu bền vững, cần giải pháp căn cơ

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước những thách thức cũng như thời cơ lớn. Nếu biết chọn đúng thời cơ và tận dụng tốt, DN xuất khẩu Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những thành công vượt bậc, tạo bước phát triển đột phá cho nền kinh tế.

Ảnh minh họa: Cnet.

Nhận định trên được nêu lên tại Hội thảo với chủ đề “Cách mạng Công nghiệp 4.0 – những xu hướng và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam” do Cục Xuất nhập khẩu, Báo Công Thương (Bộ Công Thương) phối hợp với Diễn đàn Kinh tế tư nhân tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, người máy, internet vạn vật, công nghệ nano, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền… sẽ mở ra khả năng giúp xuất khẩu đáp ứng về nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, để có thể phát triển xuất khẩu bền vững đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp căn cơ về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, cần chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu, đồng thời chú trọng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

“CMCN 4.0 sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các DN xuất nhập khẩu như giảm chi phí giao dịch-quản lý; tăng khả năng tiếp cận thị trường...; cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ hiện đại và quan trọng hơn là cơ hội để đổi mới, đột phá”, Thứ trưởng nói.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các DN nói chung và DN xuất nhập khẩu nói riêng sẽ đứng trước thách thức đầu tiên về công nghệ thông tin, nên rủi ro công nghệ sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó là những thách thức liên quan đến nguồn nhân lực vì CMCN 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng rất cao với kỹ năng và trình độ, kiến thức về công nghệ… ở mức độ cao hơn cũng như ở góc độ pháp lý cũng phải ở mức cao hơn.

Cùng quan điểm, ông Trần Việt Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016, Việt Nam được xếp hạng chung là 56/140. Tuy nhiên, các chỉ số về đổi mới sáng tạo lại thấp. Đây cũng là nỗi lo lắng không hề mơ hồ của các chuyên gia trước làn sóng “công nghệ 4.0”.

Theo ông Trần Việt Hòa, mới đây, Đề án Ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 754/QĐ-TTg.

Hiện, các cơ quan chức năng đã và đang tiến hành đánh giá, xem xét và bước đầu đưa ra những khuyến nghị trong định hướng phát triển và điều chỉnh chính sách phát triển. Đặc biệt, trong ngành công nghiệp-thương mại, cần có những nghiên cứu, phân tích sâu, cụ thể cho từng lĩnh vực; định hướng, điều chỉnh phù hợp.

Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT nhận định, công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm xuất khẩu, nhất là khi các công đoạn của DN được ứng dụng công nghệ tự động hóa, giảm thiểu số lượng nhân công lao động. Bên cạnh đó, việc cá nhân hóa của con người sẽ giám sát và thay đổi quy trình công nghệ tự động hóa, các DN sẽ không còn muốn tận dụng lợi thế về nhân công giá rẻ.

Ông Đỗ Trung Hiếu, Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Smartlines JSC - Vietnam IOT Alliance khuyến cáo DN cần nhanh chóng xây dựng chiến lược và kế hoạch áp dụng CMCN 4.0 để giải quyết các bài toán kinh doanh, sản xuất của mình; chờ đợi công nghệ hoàn thiện là quá muộn để kịp thay đổi.

Vì thế, DN nên tìm kiếm đối tác tin cậy cung cấp các giải pháp, công nghệ và tư vấn triển khai. Mặt khác, xây dựng tập hợp các nhà cung cấp công nghệ thứ ba. Từ đó, đầu tư thành lập 1 nhóm chuyên môn nghiên cứu các cải tiến và áp dụng CMCN 4.0 trên quy mô toàn DN, dựa trên một văn hóa mở với các thay đổi và thử nghiệm.

Quan ngại hơn với khả năng tiếp cận cách mạng 4.0, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm - hoạt động trong lĩnh vực dệt may cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đưa đến một cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt giữa các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương với chức năng quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu, luôn mong muốn được nghe những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn của DN về ứng dụng, triển khai thực tế CMCN 4.0 trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu và phương thức để DN Việt Nam bắt kịp, tận dụng được những lợi thế từ cuộc cách mạng này.

Có thể thấy, CMCN 4.0 đang mở ra cơ hội lớn cho ngành sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 có nhấn mạnh nội dung “nếu không bắt kịp được trình độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực như: Tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống...”.

Các giải pháp của Chính phủ đưa ra tại Chỉ thị trên được đánh giá sẽ tạo ra những nền tảng quan trọng giúp các bộ, ngành, địa phương và DN nhận thức rõ hơn những cơ hội, thách thức của CMCN 4.0, từ đó có giải pháp để tận dụng cơ hội áp dụng vào sản xuất công nghiệp, tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường quốc tế.

/ Nguyên Hồng/viettimes.vn