Chuyện ly kỳ về võ sĩ đấu vật Hải Phòng dùng giáo giết hổ dữ khổng lồ ăn thịt 72 người

Ít ai biết rằng, ngay tại Hải Phòng, cũng có một Võ Tòng đả hổ với sức khỏe phi thường, đã hạ thủ con hổ dữ ăn thịt tới 72 người.

Đây đó vẫn nghe những câu chuyện xưa về “Võ Tòng đả hổ” ở nước ta, nhưng chuyện đó thường diễn ra ở vùng núi non hiểm trở, nơi rừng rú hoang rậm. Nhưng ít ai biết rằng, ngay ở Hải Phòng, cũng có một “Võ Tòng đả hổ” với câu chuyện hết sức ly kỳ. Đặc biệt, chuyện võ sĩ đấu vật giết con hổ cực kỳ độc ác, đã đi vào lịch sử Đảng bộ địa phương.

Kỳ 1: Đô vật đất Cảng có sức mạnh phi thường

Những ngày lang thang ở vùng đất Thủy Nguyên (Hải Phòng), tôi được anh Mạc Văn Trọng dẫn đi khắp hang cùng ngõ hẻm của mấy xã Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, Liên Khê, và quả thực hết sức kinh ngạc về bề dày văn hóa.

Vùng đất này thực sự là cái nôi của nền văn hóa, xuyên suốt từ thời cổ đại đến nay, với những dấu tích, di chỉ hết sức đậm đặc, đặc biệt. Những quả núi, ngọn đồi ẩn giấu cả ngàn ngôi mộ cổ có tuổi 2.000 năm. Những địa danh như Lưu Kỳ (cất giữ cờ) và Lưu Kiếm (cất giữ kiếm), Đấu Đong (thung lũng đếm quân) từ thời nhà Trần lập căn cứ chống quân Nguyên Mông vẫn còn dấu ấn đến giờ.

 Vùng đất Liên Khê vốn núi non rậm rạp, giờ bị tàn phá sạch sẽ.

Anh Mạc Văn Trọng là con cháu họ Mạc, hậu duệ của vua Mạc Đăng Dung dẫn tôi đi xem ngôi mộ mà họ Mạc ở huyện Thủy Nguyên nhận là mộ vua, xem Thành Dền do nhà Mạc dựng lên từ mấy trăm năm trước ở hẻm núi xã Liên Khê. Nơi đây, xưa kia rừng rú rậm rạp, hoang thú nhiều vô kể, chẳng ai dám vào.

2.000 năm trước, nơi đây cửa sông, từ biển vào thuận tiện, người xưa định cư sầm uất, đào núi đặt mộ, rồi sau đó bỏ hoang cả ngàn năm. Những khu rừng lim khổng lồ mọc lên rậm rạp kéo dài sang bên kia sông Đá Bạc thuộc đất Uông Bí, liền với dãy Yên Tử hoang rậm.

Đứng ở nơi từng là Thành Đền, anh Mạc Văn Trọng chỉ tay hình vòng cung các dải núi đầy di chỉ, rồi bảo phía xa xa mờ ảo là núi Đá Cùa, có hang Mộc, nơi cụ ông Cù Văn Bễ đánh chết hổ. Nghe chuyện người đánh chết hổ ở vùng đất đồng bằng, thi thoảng có dải núi nhô lên, quả thực lạ, tôi thấy khó tin.

Nhà anh Cù Huy La ở mặt quốc lộ 10, đầu xã Liên Khê. Trong nhà anh vô số cổ vật, toàn thấy bát đĩa chai lọ. Theo lời anh, các món đồ anh sưu tầm chủ yếu là gốm sứ thời Mạc mà dân đào cổ vật lấy được ở trong vùng, nhất là xã Liên Khê, được anh mua lại trưng bày để tưởng nhớ tổ tông.

 Anh Cù Huy La là cháu nội của "Võ Tòng diệt hổ" Cù Huy Bễ.

Mặc dù họ Cù, nhưng thực tế, dòng dõi anh là họ Mạc cải thành. Đời cha ông đến giờ, các cụ vẫn bắt con cháu ghi nhớ họ thật của mình. Trong các buổi dâng hương, lễ bái, trước tổ tiên thành kính, anh vẫn xưng mình họ Mạc để không quên dòng họ. Ngôi mộ mà họ Mạc ở Thủy Nguyên nhận là mộ vua Mạc Đăng Dung, ngày rằm ngày lễ, anh vẫn cùng mọi người vào thắp hương khấn vái.

Tôi hỏi chuyện về cụ Cù Văn Bễ đánh hổ, mặc dù dân làng ai cũng kể, ai cũng biết, nhưng nghe có vẻ hoang đường, anh Cù Huy La khẳng định là thật. Người giết hổ là ông nội anh. Nói rồi, anh mở chiếc tủ, lấy ra cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương. Anh lần giở phần nói về con người vùng đất Thủy Nguyên anh dũng, kiên cường, thì có tới 3 trang nói về cụ ông Cù Văn Bễ (1884-1962), là người có sức khỏe phi thường, từng một mình giết hổ.

Sách Đảng bộ địa phương viết về cụ như sau: “Nhà nghèo, phải sang vay thóc nhà cụ Bá Lãng ở Dưỡng Động. Hôm gánh thóc trả nợ, cụ gánh một chuyến hai bồ thóc, đổ ra đong được 16 thúng. Cụ Bá Lãng ngạc nhiên, thấy chàng trai có sức khỏe phi thường, liền thưởng cho 4 thúng.

Cụ bà gặt lúa từ sáng đến chiều, cụ ra đồng lượm bó xong quẩy một chuyến nhẹ nhõm. Cụ Bễ là đô vật nổi tiếng đất Thủy Nguyên. Năm nào cụ cũng giành giải nhất môn đấu vật trong các lễ hội. Trong các cuộc thi kéo co, một mình cụ kéo đổ cả chục người”.

Lại có đoạn sách kể rằng, hồi cụ giết hổ, được chánh sứ Quảng Yên thưởng tiền. Bọn cướp nghe tin cụ có nhiều tiền, liền kéo mấy chục tên đi thuyền ngược bờ sông Đá Bạc tìm đến nhà cụ tính ăn chặn số tiền đó. Toán cướp này mang theo gươm đao giáo mác, gậy gỗ hùng hùng hổ hổ rất đáng sợ.

Cụ Cù Huy Bễ. 

Cụ Bễ nhìn toán cướp ra mặt khinh thường. Cụ nhổ cây gậy dài dùng làm cột trụ đống rơm, lùa bọn cướp chạy tơi tả. Nhiều tên liều mình phi qua cả hàng rào để thoát thân. Cụ dùng một tay, luồn qua lỗ cối đá thủng ở góc sân, ném chặn đầu chúng. Một số tên chạy không kịp, sợ hãi quá, phải quỳ lạy khóc lóc xin cụ tha mạng.

Anh Cù Huy La dáng người vâm váp, cao to, vai rộng, có lẽ cũng là được thừa hưởng gien quý của ông nội. Anh La dẫn tôi lên tầng trên cùng của ngôi nhà, nơi có một gian thờ riêng. Gian thờ trang trọng, với cặp ngà voi hai bên. Bát hương nghi ngút khói. Trên ban thờ, là cụ ông có chòm râu trắng, mái tóc trắng như cước, khuôn mặt cương nghị. Anh Cù Huy La bảo, đó chính là ông nội anh, cụ Cù Văn Bễ, con cháu họ Mạc Đăng Dung cải thành.

Ông Cù Huy La người gốc làng Trúc Động, thuộc xã Lưu Kiếm bây giờ. Xưa kia, tổng Trúc Động thuộc tỉnh Quảng Yên, là vùng đất rộng lớn, bao gồm vài xã, toàn núi cao rừng rậm. Những cây gỗ lim khổng lồ mọc tràn từ núi xuống đồng bằng. Trong rừng rất nhiều thú dữ, không ai dám bước chân vào.

Ở khu rừng này, những năm đầu thế kỷ 20, có một con hổ khổng lồ, ăn thịt rất nhiều người. Hổ là loài hay ăn những thứ quen thuộc. Có con thích ăn trâu bò, thì nó quen mùi, chỉ ăn trâu bò. Có con thích vị thịt lợn rừng, thì săn lợn rừng, bắt trộm lợn nhà ăn. Có con lại thích bắt chó để ăn.

Hổ vốn ít khi ăn thịt người, nhưng nếu nó đã ăn thịt người một lần, thì thịt người sẽ là sở thích của nó và nó chỉ tìm cách bắt người ăn thịt. Con hổ có bộ lông màu xám, to như con bò, thân dài tới 4m là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân Trúc Động.

Còn tiếp…

/ vtc.vn