Chuyên gia địa chất chỉ ra gốc rễ hàng loạt thảm họa sạt lở đất ở miền Trung

Chuyên gia đầu ngành địa chất phân tích nguyên nhân gốc rễ của hàng loạt vụ sạt lở đất kinh hoàng vừa xảy ra ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung.

Liên tiếp trong những ngày qua, các vụ sạt lở đất kinh hoàng xảy ra ở Quảng Nam, Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) và khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cướp đi sinh mạng của nhiều người dân và chiến sĩ.

Để có cái nhìn tổng thể và hiểu được gốc rễ của hàng loạt các thảm họa thiên tai trên, VTC News phỏng vấn PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Chuyên gia địa chất chỉ ra gốc rễ hàng loạt thảm họa sạt lở đất ở miền Trung - 1
Lực lượng chức năng giải cứu nạn nhân trong vụ sạt lở ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam).

- Ngày 28/10, ba vụ sạt lở đất liên tiếp xảy ra ở xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn), xã Trà Vân và xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa vì con số thương vong quá lớn. Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản từng có nghiên cứu đánh giá địa chất khu vực này chưa, thưa ông?

Chúng tôi có một số kết quả đánh giá tại tỉnh Quảng Nam gần đây nhất vào năm 2019. Đến tháng 6/2020, đơn vị chuyển giao cho tỉnh Quảng Nam bản đồ hiện trạng sạt lở của tỉnh. Trong đó xác định khu vực Nam Trà My (có hai xã Trà Vân và Trà Leng), Bắc Trà My có nguy cơ sạt lở cao.

Khi chúng tôi bàn giao bản đồ hiện trạng sạt lở cho Quảng Nam, địa phương này cần phải sử dụng ở cả hai cấp độ dài hạn và ngắn hạn.

Trong đó về dài hạn, tỉnh phải tích hợp vào trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch đó, tránh phát triển ở khu vực có nguy sạt lở cao.

Ví dụ, về dài hạn, Quảng Nam cần triển khai dự án rừng phòng hộ, hoặc bắt buộc phát triển ở những khu vực này thì phải có phương án phòng tránh giảm nhẹ.

Về ngắn hạn, tỉnh có thể sử dụng bản đồ hiện trạng phân vùng cảnh báo đó để biết trước những diện tích khu vực có nguy cơ cao. Từ đây, tỉnh cần có biện pháp sơ tán di dời người dân trước khi mưa bão xảy ra.

Đối với những khu vực này, tốt nhất phải sử dụng bản đồ hiện trạng sạt lở để biết nguy cơ cao hay thấp. Nếu nguy cơ thấp thì yên tâm, còn cao thì nhất thiết vào mùa mưa bão cần có phương án di dời, sơ tán dân đến vị trí an toàn.

- Vậy là dù đã được cảnh báo nhưng các địa phương này vẫn không thể lường trước và có phương án phòng chống sạt lở đất?

Ở đây có tồn tại là công tác chuyển giao bản đồ sạt lở mới chỉ chuyển giao ở cấp như Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai cấp Trung ương, cấp tỉnh và một số Sở như Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hay là chính quyền cấp huyện.

Theo tôi, cần phải mở rộng đối tượng được chuyển giao bản đồ hiện trạng sạt lở đến với các xã, nơi có nguy cơ sạt lở cao để cải thiện công tác phòng chống thiệt hại do sạt lở.

Ngay trước hoặc trong trận mưa bão lớn như này, người dân cần cảnh giác. Sau đó, khi có những dấu hiệu như nứt đất, dịch chuyển đất sườn dốc, tiếng động lạ, đỉnh dốc có vết nứt, tích tụ nước, cây cối nghiêng ngả thì người dân cần được sơ tán kịp thời.

Bên cạnh đó, người dân tránh đào vào chân sườn dốc lấy mặt bằng làm nhà, đây là điều tối kị, tránh lòng máng có dòng chảy bùn đá chảy qua.

- Trước đó, hàng loạt vụ sạt lở xảy ra ở Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) và Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (Hướng Hóa, Quảng Trị) cũng rất kinh hoàng. Vậy có mối liên hệ nào về địa chất của 3 khu vực vừa xảy ra sạt lở khủng khiếp đó không, thưa ông?

Những khu vực này có địa hình, địa chất đều có yếu tố bất lợi.

Ví dụ, địa hình phân cận rất mạnh, sâu nên tạo ra các sườn núi, sườn dốc lớn.

Địa chất có nhiều phân vị địa chất yếu, nhiều sét, vỏ phong hóa dày, bất lợi trong việc kháng trượt, cộng thêm các yếu tố khác như thảm phủ thực vật suy giảm.

Ngoài ra, một số hoạt động nhân sinh nữa như làm thủy điện, làm đường sá, người dân xẻ sườn dốc làm nhà cũng là yếu tố bất lợi gây nguy cơ sạt lở.

Trong nhiều năm qua, khu vực miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị đều là những nơi được đánh giá có nguy cơ sạt lở cao.

Ví dụ vào năm 2000, ở Quảng Trị có trận sạt lở hàng triệu m3 đất đá nhưng may mắn không có thiệt hại về người như năm nay.

- Tại sao ở khu vực này trong nhiều năm qua không bị sạt lở nhưng chỉ một trận bão lại bị sạt lở kinh hoàng đến thế?

Đặc điểm địa chất ở đây cơ bản là vùng đất đá cổ, bị dập vỡ, nứt nẻ mạnh, tạo ra vỏ phong hóa dày, yếu.

Vừa qua, nơi đây có đợt mưa lũ, bão kéo dài, khiến đất trở nên bão hòa nước, sũng nước, sườn dốc trở nên nặng thêm, sức kháng trượt của đất đá yếu đi và cơn bão số 9 là yếu tố kích hoạt gây ra sạt lở.

- Theo thống kê, tỉnh Quảng Nam dẫn đầu cả nước về số lượng xây dựng các thủy điện nhỏ. Năm 2017 tỉnh này lại phê duyệt thêm 4 thủy điện nhỏ nữa, trong đó có Thủy điện Trà Leng. Bên cạnh yếu tố sạt lở đất tự nhiên do mưa lũ, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng thủy điện và các công trình hạ tầng cũng tác động đến việc sạt lở núi, đất đá?

Chuyên gia địa chất chỉ ra gốc rễ hàng loạt thảm họa sạt lở đất ở miền Trung - 2

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, thủy điện cắt chân sườn dốc tự nhiên đều có tác động làm mất cân bằng sườn dốc, có thể là nguyên nhân trực tiếp gây sạt lở đất.

PGS.TS Trần Tân Văn

Các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, thủy điện cắt chân sườn dốc tự nhiên lấy mặt bằng làm nhà... ít nhiều đều có tác động làm mất cân bằng sườn dốc.

Vì vậy, nếu làm cẩn thận, có khảo sát đầy đủ, tính toán, thiết kế chi tiết và thi công chuẩn mực thì tác động sẽ ít hơn, còn không thì tác động sẽ rất lớn, đây còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra sạt lở.

Ví dụ, xây đập tích nước làm thủy điện, nếu không có đập thì mực nước trên sông, suối sẽ chỉ ở mức thấp.

Tuy nhiên, khi có đập tích nước thì mực nước hồ sẽ dâng cao hơn bình thường từ vài mét đến vài chục mét, khiến mực nước ngầm trong đất đá cũng dâng lên theo, làm cho phần đất đá bị bão hòa hơn, sườn dốc có thể trở nên mất ổn định.

- Phương án di dời dân ở những vùng được chuyên gia cảnh báo có nguy cơ sạt lở có nên được thực hiện ngay không, thưa ông?

Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng hơn nữa tới cấp làng bản. Tại mỗi xã, mỗi bản nên xác định sẵn những vị trí an toàn để khi có mưa to gió lớn hoặc sau đợt mưa dài ngày thì nên di dời, sơ tán.

Đặc biệt khi đất đá bão hòa nước, vài ngày sau khi bão, mưa dừng rồi thì vẫn còn nguy cơ sạt lở.

- Được biết, Việt Nam đã có bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tại hơn 20 tỉnh, nhưng vì sao cho đến nay vẫn không thể dự báo được sạt lở đất, thưa ông?

Dự báo là câu chuyện khác hẳn so với cảnh báo. Dự báo có thể biết được sạt lở hình thành ở đâu, diễn biến dịch chuyển trong sườn dốc như nào, bao giờ xảy ra sạt lở.

Dự báo sạt lở cần có nhiều trang thiết bị, kinh phí, nhân lực, vật lực. Tại Việt Nam, chúng ta mới đang ở mức độ thử nghiệm công nghệ, vị trí, còn làm cụ thể đại trà chưa làm được.

Ở trên thế giới cũng vẫn làm như Việt Nam, tức là ở mức độ cảnh báo, còn dự báo thì tốn kém. Đến nay, mới chỉ có các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc họ làm dự báo ở những vị trí cụ thể quan trọng, chứ cũng không làm đại trà.

Xin cảm ơn ông!

/ vtc.vn