Chính sách đối ngoại khác biệt của hai ứng viên Tổng thống Mỹ 2020

Tổng thống Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden có rất nhiều quan điểm khác biệt trong chính sách đối ngoại.

Sự khác biệt trong quan điểm đối ngoại của hai ứng viên Tổng thống Mỹ 2020 khá rõ ràng. Nhưng chúng xuất phát điểm chung đều là các mục tiêu đối ngoại của nước Mỹ.

Nhằm làm nổi bật chính sách đối ngoại của mình trong những tuần cuối của chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump quyết tâm hoàn thành các thỏa thuận hòa bình giữa Israel với 2 quốc gia Ả Rập vùng Vịnh, khởi động các cuộc đàm phán với Afghanistan, cắt giảm quân đội ở Iraq và Afghanistan, và thúc đẩy một thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga.

Ở phía đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Biden chỉ trích ông Trump vì làm suy yếu mối quan hệ với các nước liên minh trong khi lại tăng cường quan hệ với các nhà độc tài và không kiềm chế được chương trình hạt nhân của Iran.

Ông James Stavridis, cựu Chỉ huy tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cho rằng quan điểm của họ về vấn đề ngoại giao “là sự khác biệt lớn nhất và quan trọng nhất giữa các ứng cử viên”.

Chính sách đối ngoại khác biệt của hai ứng viên Tổng thống Mỹ 2020 - 1
Tổng thống Trump bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với Ả Rập Xê Út và thái tử Mohammed bin Salman của nước này. (Ảnh: Reuters)

Với các nước đồng minh

Ông Trump đã coi thường, hạ thấp và thậm chí bỏ rơi các đồng minh cùng đối tác của Mỹ”, ông Biden viết trên tạp chí Foreign Affairs.

Cựu phó tổng thống cam kết sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khối NATO đoàn kết, công bố chính sách “quay trở lại mái nhà chung”. Ông cũng chỉ trích quyết định của ông Trump khi rút gần 12.000 quân khỏi Đức và thề sẽ xem xét lại động thái này, đồng thời đưa Mỹ trở lại các hiệp định toàn cầu như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Khác với Joe Biden, Tổng thống Trump coi các thành viên của NATO là đối thủ cạnh tranh kinh tế, rằng họ nên trả thêm tiền cho Mỹ vì đã hỗ trợ đảm bảo an ninh quốc phòng. Ông đã ép Nhật Bản và Hàn Quốc phải chi trả thêm cho việc Mỹ đóng quân ở các nước này. Năm 2019, Tổng thống đệ đơn rút khỏi hiệp định Paris vì công nhân Mỹ bị trừng phạt một cách bất công.

Với Iran và Triều Tiên

2 ứng cử viên Tổng thống có quan điểm trái ngược về việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.

Ông Biden ủng hộ việc áp dụng lại hiệp định hạt nhân Iran năm 2015, với điều kiện Tehran, nước vi phạm giới hạn sản xuất uranium, cũng phải tuân thủ thỏa thuận. Ứng cử viên đảng Dân chủ cho biết sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận cứng rắn hơn nhưng không nói rõ chi tiết.

Về phía đảng Cộng hòa, ông Trump quyết định tiếp tục chiến dịch gây áp lực kinh tế với Iran. Tuy nhiên các điều kiện trong thỏa thuận mới ông đề ra, bao gồm chấm dứt mọi hoạt động khai thác hạt nhân và buộc Iran rút quân, đã bị Tehran bác bỏ.

Cả 2 ứng cử viên đều không giải thích cụ thể về kế hoạch loại bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, ông Biden nói sẽ phối hợp với Trung Quốc và các quốc gia khác để đàm phán về vấn đề này.

Trước đó, ông Trump đã tổ chức 2 cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng không thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa. Hiện Triều Tiên đã ngừng các cuộc đàm phán với Mỹ.

Quan hệ với Nga và kiểm soát vũ khí

Cả Tổng thống Trump và đối thủ Biden đều nói rằng họ ủng hộ việc kiểm soát vũ khí, nhưng 2 ứng cử viên có chiến lược thực hiện khác nhau.

Ông Trump muốn lập một thỏa thuận hạt nhân với Nga trong năm 2020, thỏa thuận sẽ bao gồm quy định về tất cả các đầu đạn hạt nhân và các biện pháp xác minh nghiêm ngặt.

Nếu Nga chấp thuận, ông Trump sẽ gia hạn hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START, dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 2/2021. Về lâu dài, mục tiêu của ông là buộc Trung Quốc tham gia một hiệp ước mới cùng Washington và Matxcơva.

Về phía đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống cho biết mục tiêu của ông là hạ thấp vai trò của vũ khí hạt nhân trong quân sự Mỹ. Ông cũng ủng hộ việc gia hạn hiệp ước New START để làm nền tảng cho các thỏa thuận mới.

Triển khai quân đội

Về triển khai quân đội, ứng cử viên Biden nói sẽ rút hầu hết binh lính khỏi Afghanistan và vùng Trung Đông, đồng thời tập trung vào sứ mệnh chống lại tổ chức khủng bố Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo.

Trong khi đó, Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan. Hồi tháng 2, có 13.000 lính Mỹ đóng ở nước này, tới mùa thu, số quân này chỉ còn 4.300 người.

Không ứng cử viên nào đưa ra kế hoạch dài hạn cho việc đóng quân ở Iraq và Syria.

Chính sách Trung Đông

Mối quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê-út sẽ xấu đi đáng kể dưới thời Tổng thống Biden, nếu ông làm đúng như những lập luận khi tranh cử.

Ông Biden cam kết sẽ chấm dứt việc bán vũ khí của Mỹ cho Ả Rập Xê-út. Năm 2019, ông từng nói với Hội đồng Quan hệ Đối ngoại rằng sẽ “ra lệnh đánh giá lại mối quan hệ với Ả Rập Xê-út”.

Ngược lại, Tổng thống Trump bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với Ả Rập Xê-út và thái tử Mohammed bin Salman của nước này. Ông thậm chí còn gạt bỏ thông tin tình báo cho rằng Thái tử Mohammed có khả năng đã ra lệnh ám sát nhà báo Jamal Khashoggi và phủ quyết các nỗ lực của quốc hội Mỹ nhằm hạn chế việc bán vũ khí cho Riyadh. Với ông Trump, Ả Rập Xê-út và thái tử Mohammed là đồng minh chiến lược trong công cuộc chống lại Iran.

Ông Biden từ lâu đã chủ trương ủng hộ Israel và hứa sẽ duy trì lợi thế quân sự của nước này. Ông ủng hộ giải pháp 2 nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine và chống lại việc Israel sát nhập các phần của Bờ Tây.

Ông Trump, người đã chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem vào năm 2018, đề xuất kế hoạch hòa bình với Trung Đông, hứa hẹn sẽ giúp Israel có được các điều khoản và lãnh thổ mà họ cần, đồng thời hỗ trợ cho nhà nước Palestine, nhưng người Palestine đã từ chối các đề xuất này.

Đối sách với Trung Quốc

Đối sách với Trung Quốc là một trong số ít các lĩnh vực mà 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đạt được thỏa thuận chung. Dù vậy, chiến dịch tranh cử của 2 bên đều kịch kiệt chỉ trích chính sách của ứng cử viên phe đối lập. Ông Trump và ông Biden đều cam kết sẽ cứng rắn với Bắc Kinh, dù cách thực hiện của họ khác nhau.

Dưới thời ông Trump, Mỹ và Trung Quốc đối đầu gay gắt trong nhiều lĩnh vực. Bắt đầu với cuộc chiến thương mại, Washington lần lượt lên án và trấn áp hầu hết hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt là hoạt động gián điệp. Đồng thời Mỹ cũng trừng phạt các công ty công nghệ của nước này và ủng hộ Hồng Kông giành quyền tự chủ.

Ông Biden đồng ý rằng cần siết chặt đối sách với Trung Quốc và gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là một “tên côn đồ”. Nhưng ông cũng đồng thời chỉ trích cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng là "thất thường" và nhấn mạnh cần hợp tác với các nước đồng minh để đối phó với các hoạt động thương mại của Bắc Kinh.

Mỹ coi Trung Quốc là thách thức chính sách đối ngoại đầu tiên Mỹ coi Trung Quốc là thách thức chính sách đối ngoại đầu tiên
Trump - người phá vỡ chính sách đối ngoại 70 năm của Mỹ Trump - người phá vỡ chính sách đối ngoại 70 năm của Mỹ

/ vtc.vn