Chính quyền Biden ‘bế tắc’ tìm cách thức răn đe Trung Quốc?

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang bế tắc trong việc tìm kiếm cách thức đối phó với Trung Quốc khi vẫn chưa hoàn thành đánh giá vị thế lực lượng toàn cầu của Mỹ.

Ngày 4/2/2021, gần hai tuần sau nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tiến hành đánh giá vị thế toàn cầu về tất cả các lực lượng Mỹ được triển khai ở nước ngoài. Mục đích là để đảm bảo dấu ấn của quân đội phù hợp với chính sách đối ngoại của chính quyền mới và các ưu tiên an ninh quốc gia - nhưng thực tế đây là hành động định hình lại chiến lược đối phó với Trung Quốc.

Theo dự kiến, đánh giá sẽ kết thúc vào mùa hè, nhưng đến nay, Lầu Năm Góc dường như vẫn chưa hoàn thành đánh giá này. Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã liên hệ với các đồng minh như Nhật Bản, thảo luận về kế hoạch này.

'Bế tắc' lựa chọn chiến thuật răn đe

Theo các chuyên gia, lý do khiến việc xem xét, đánh giá vẫn chưa kết thúc có thể là do chính quyền Biden chưa thể quyết định cách thức để răn đe Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, cần áp dụng phương pháp răn đe thông thường để ngăn chặn Trung Quốc, đó là tăng cường hiện diện quân sự dày đặc ở các địa điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Chính quyền Biden ‘bế tắc’ tìm cách thức răn đe Trung Quốc? - 1
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang gặp khó trong việc lựa chọn cách thức răn đe Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, luồng quan điểm khác cho rằng, đầu tư cho chương trình tên lửa tầm xa, máy bay ném bom cho lực lượng không quân và tàu ngầm tấn công cho lực lượng hải quân nhằm gia tăng răn đe quân sự đối với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các chỉ huy trên thực địa của Lầu Năm Góc dường như nghiêng tăng cường hiện diện quân sự lớn hơn ở các địa điểm cần thiết. "Chúng ta nên triển khai lực lượng ở đó", cựu Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert nói, cho rằng Mỹ cần tăng cường sự hiện diện hải quân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hiện chỉ có khoảng 20 tàu chiến của Mỹ đóng tại Yokosuka và Sasebo của Nhật Bản. Ông Jonathan Greenert cho biết: “Liệu chúng ta có thể nâng con số đó lên 30, 35 hay không. Chúng ta gần như không có đủ lực lượng để phản ứng nhanh chóng trước hành động của Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc hiện cũng đang tranh cãi liên quan đến khái niệm "răn đe tổng hợp" vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đưa ra. Nó kêu gọi một cách tiếp cận toàn diện để tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc, thay vì chỉ tập trung vào khía cạnh quân sự. Ngoại giao, công cụ mạng, khuyến khích kinh tế và các biện pháp trừng phạt đều được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng răn đe của Washington đối với Bắc Kinh.

Khái niệm này hiện vấp phải sự nghi ngờ, đặc biệt là sau khi yêu cầu ngân sách quốc phòng năm tài chính 2022 của Tổng thống Joe Biden tăng nhẹ, trong khi chi tiêu mua tàu chiến mới dự kiến sẽ ít hơn so với những năm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

"Thật khó hiểu khi nói Trung Quốc là thách thức lớn nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương - chủ yếu là thách thức hàng hải, và sau đó là quyết định cắt giảm số lượng tàu chiến định mua. Đây là điều đáng tiếc”, Tom Shugart thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới và là chuyên gia về mối đe dọa quân sự Trung Quốc, cho hay.

Trong khi đó, cựu Phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Elbridge Colby bày tỏ lo lắng về việc chính quyền Biden "thiếu sự tập trung sắc bén" vào chiến thuật răn đe Trung Quốc. "Cách mà chính quyền đề cập đến vấn đề này, giờ đây đang có sự né tránh. Ý tưởng 'răn đe tích hợp' nghe có vẻ tốt nhưng sẽ không hiệu quả”, Elbridge Colby nói.

Còn nhiều tranh cãi

Trọng tâm của nhiều cuộc tranh luận bên trong Nhà Trắng và Lầu Năm Góc là làm thế nào để răn đe Trung Quốc.

Tờ New York Times hôm 17/10 cho biết, các trợ lý hàng đầu của ông Biden không coi những thách thức với Trung Quốc là một phần của Chiến tranh Lạnh mới. "Chính quyền Biden cho rằng, Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác trong vấn đề khí hậu và chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên, dù vẫn cạnh tranh về công nghệ và thương mại, cũng như tranh giành lợi thế ở Biển Đông và xung quanh Đài Loan”, tờ New York Times cho hay.

Chính quyền Biden ‘bế tắc’ tìm cách thức răn đe Trung Quốc? - 2
Hiên diện quân sự ở khu vực được xem là một trong những lựa chọn của Mỹ nhằm răn đe Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

"Chính quyền Biden muốn ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng sau đó lại hợp tác về khí hậu. Điều đó thật ngây thơ trong nhận thức về mức độ quan trọng, trọng tâm của khía cạnh quân sự. Tuyên bố của chính quyền Biden mang tính kỳ vọng, không phải là chiến lược", Elbridge Colby nói, đồng thời cảnh báo một khi Trung Quốc có năng lực quân sự, "chính trị và ngoại giao sẽ do quân đội quyết định”.

Sự chậm trễ trong đánh giá vị thế toàn cầu các lực lượng Mỹ cũng có thể liên quan đến nỗ lực của chính quyền Biden nhằm thu hút sự hợp tác của Trung Quốc đối với hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 bắt đầu vào cuối tháng này. Về nguyên tắc, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đồng ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào cuối năm nay và Nhà Trắng có thể đã cố gắng tránh tiết lộ kế hoạch chi tiết, rõ ràng về tư thế lực lượng mới, tập trung vào việc bao vây Trung Quốc.

Brent Sadler, chuyên gia cao cấp về thủy chiến và công nghệ tân tiến tại Trung tâm Quốc phòng của The Heritage Foundation, cho hay đánh giá vị thế tòa cầu các lực lượng Mỹ không phải chiến lược lớn mới. "Tôi rất hy vọng rằng đó sẽ là một bài đánh giá thực sự khi xem xét ‘gặp khó khăn ở đâu để duy trì sự hiện diện'. Từ đó, đưa ra cách tiếp cận cho 20 năm tới. Thật không may, không phải vậy”, ông Brent Sadler cho hay.

Ông Brent Sadler cho rằng, đánh giá vị thế toàn cầu của các lực lượng Mỹ cần tập trung vào Đông Nam Á. “Hiện tại, nơi yếu nhất cần được quan tâm nhất là Biển Đông. Cách duy nhất để thực sự có được sự hiện diện lâu dài là phải có lực lượng đặc nhiệm”, ông Brent Sadler nói.

Theo đề xuất của cựu Bộ trưởng Hải quân Kenneth Braithwaite, lực lượng đặc nhiệm như vậy có thể phù hợp với sự hồi sinh của hạm đội hải quân Mỹ, tập trung vào phần phía tây của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nói rằng Singapore sẵn sàng ủng hộ sự gia tăng cường độ tiếp cận cho các tàu Mỹ trong khuôn khổ hợp tác hiện tại.

“Singapore mong muốn duy trì và tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng sẽ theo dõi sát sao sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc và cũng sẽ có điều chỉnh chiến lược phù hợp”, chuyên gia Collin Koh cho hay.

"Chắc chắn, chính sách của các nước ở Đông Nam Á sẽ bị chi phối, được định hình trước sự cạnh tranh Trung - Mỹ. Trong thời gian gần đây, các nước Đông Nam Á đang tăng cường hợp tác với các cường quốc như Australia, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ. Hợp tác với các đối tác không thuộc Mỹ đang là cách thức tiềm năng để các nước trong khu vực theo đuổi”, ông Collin Koh cho biết thêm.

KÔNG ANH

Cựu Phó Tổng thống Pence kêu gọi chính quyền Biden ‘mạnh tay’ hơn với Trung Quốc Cựu Phó Tổng thống Pence kêu gọi chính quyền Biden ‘mạnh tay’ hơn với Trung Quốc
Chính quyền Biden tính thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc Chính quyền Biden tính thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc

/ vtc.vn