Chiến tranh nhân dân thời 4.0 - Vũ khí hạt nhân, cái lý của kẻ mạnh

Vì sao các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chống lại hiệp ước trong khi các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân lại đồng thuận.

Ngày 7/7/2017, tại trụ sở Liên hợp quốc đã diễn ra phiên họp toàn thể về việc thông qua Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.

Có 122 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ hiệp ước nhưng trong số chín quốc gia sở hữu (hoặc được cho là đã sở hữu) vũ khí hạt nhân, không có quốc gia nào tham gia hiệp ước này.

Chín quốc gia nêu trên gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Israel.

Đáng chú ý là cả năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) đều tẩy chay hiệp ước.

Nói như bà Elayne Whyte Gomez, Chủ tịch hội nghị của Liên Hiệp Quốc đàm phán về hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, nhân loại đã chờ đợi hiệp ước này suốt hơn 70 năm qua, kể từ tháng 8/1945 khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.

Vì sao các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chống lại hiệp ước trong khi các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân lại đồng thuận?

Phản ứng trước việc đại đa số thành viên Liên hợp quốc thông qua Hiệp ước, ba nước Anh, Mỹ và Pháp ngày 7/7/2017 ra tuyên bố chung nhấn mạnh:

Sáng kiến này rõ ràng không để ý tới thực tế của môi trường an ninh quốc tế. Việc hướng tới lệnh cấm không phù hợp với chính sách răn đe hạt nhân, là yếu tố đã đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình ở châu Âu và Bắc Á trong 70 năm qua”.

Để lái sự chỉ trích của dư luận, ba nước này lại cam kết tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Thế nào là tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân?

Là không cung cấp cho quốc gia khác khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân, chẳng hạn nguyên vật liệu, tài liệu khoa học, chuyên gia, cố vấn…, là cấm vận các quốc gia chưa có vũ khí hạt nhân nghiên cứu, sản xuất, tàng trữ vũ khí hủy diệt này.

Tất cả năm nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đều đã úp mở khả năng tấn công hạt nhân vào đối thủ ngay cả khi đó là chiến tranh thông thường.

Hoa Kỳ từng ra chỉ dấu rằng nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả cuộc tấn công phi qui ước bởi các "quốc gia bất hảo" (rogue state).

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Geoff Hoon cũng công khai nói đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm đáp trả các cuộc tấn công không quy ước bởi các "quốc gia bất hảo".

Năm 2006, Tổng thống Pháp Jacques Chirac cũng ngụ ý rằng các cuộc tấn công khủng bố được những quốc gia khác bảo trợ, nếu xảy ra trên đất Pháp, có thể dẫn đến những cuộc tấn công trả đũa bằng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ nhắm vào những trung tâm của đối phương.

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin phát biểu: “Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công thông thường và coi đó là "đòn cân bằng thích hợp" nhằm giảm khả năng gây hấn”. (Laodong.com.vn 12/12/2013)

Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo nổi tiếng với những bình luận cực đoan ở Trung Quốc viết: “Trung Quốc sẽ dùng vũ khí hạt nhân trong tình huống xấu nhất trên Biển Đông”.

Báo này kêu gọi Trung Quốc "tiếp tục phát triển sức mạnh vũ khí hạt nhân, đảm bảo khả năng đáp trả sau khi bị đối phương tấn công trước bằng vũ khí này".

Theo thống kê của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA) và các nguồn thông tin công bố công khai thì số lượng đơn vị vũ khí hạt nhân 9 quốc gia sở hữu như sau: Nga - 7.300, Mỹ - 6.970, Pháp - 300, Trung Quốc - 260, Anh - 215, Pakistan - 110-130, Ấn Độ - 100-120, Israel - 100.

Riêng Bắc Triều Tiên, theo chuyên gia Siegfried Hecker, người từng đến cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên vào các năm 2006 và 2010, theo lời mời của Bình Nhưỡng và đoàn thanh sát Liên hợp quốc để giám sát quy trình tái chế plutonium và hệ thống máy li tâm làm giàu uranium thì Triều Tiên đã đủ năng lực sản xuất khoảng 10 bom nguyên tử trong 1 năm.

Hãy thử xem vì sao tuyên bố của ba nước Mỹ, Anh, Pháp lại nói vũ khí hạt nhân của họ đã “đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình ở châu Âu và Bắc Á trong 70 năm qua” mà không đả động gì đến khu vực Tây và Nam Á.

Tại Tây Nam Á, Israel và Ấn Độ đều là những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Hai quốc gia này đều là “bạn bè” thân cận với phương tây và đương nhiên Mỹ, Anh, Pháp có lợi ích trong việc duy trì quan hệ thân thiện với các quốc gia này.

Các nguồn tin quốc tế còn tiết lộ “CMG (Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân của Israel) được người Pháp xây dựng bí mật trong giai đoạn từ năm 1957 đến 1964.

Ở Dimona, các kỹ sư Pháp giúp Israel xây dựng một lò phản ứng hạt nhân và nhà máy tái xử lý bí mật có khả năng phân tích plutonium từ nhiên liệu lò phản ứng đã sử dụng.

Pháp thật sự đã mở lối cho Israel phát triển chương trình vũ khí hạt nhân qua sự giúp đỡ rất nhiệt tình với đội ngũ chuyên gia và công nhân đông đảo”.

Riêng khu vực châu Phi thì tình trạng lại khác. Richard Haass - Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ đã không ngần ngại nói thẳng:

The fact that both Iraq and Libya were invaded after they gave up their nuclear programs-and that a nuclear-armed North Korea has not been attacked-is a lesson lost on no one”.

(Tạm dịch: Thực tế là cả Iraq và Libya đều bị xâm lược sau khi từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình, và Bắc Triều Tiên được vũ trang hạt nhân không bị tấn công là bài học không thể bỏ qua với bất kỳ ai”.

Sở dĩ Mỹ, Anh, Pháp không đả động đến châu Phi bởi những lý do bịa đặt về vũ khí hủy diệt mà Mỹ đưa ra nhằm biện minh cho cuộc tấn công Iraq đã bị chính dư luận Mỹ vạch trần và cũng bởi những nước này đã hoặc là dung túng, hoặc trực tiếp giúp Israel chế tạo vũ khí hạt nhân như dư luận chỉ rõ.

Tuy không nói thẳng, nhưng với thừa nhận rằng “Iraq và Libya đều bị xâm lược sau khi từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân”, Richard Haass đã gián tiếp chỉ rõ nguyên nhân hai Tổng thống Muammar al-Gaddafi (Lybya) và Saddam Hussein (Iraq) bị giết sau khi phương Tây hoàn thành việc ép các nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Rất nhiều trường hợp, dân chúng bầu ra chính quyền nhưng quyết định của chính quyền lại không phải là ý nguyện của dân chúng.

Đông đảo người dân Mỹ đã từng rầm rộ xuống đường phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa mà nhiều đời Tổng thống Mỹ tiến hành ở Việt Nam là một minh chứng.

Thế giới không vũ khí hạt nhân là mơ ước của nhân loại 70 năm qua, thế nhưng có một sự thật là những quốc gia sở hữu vũ khí này luôn xem vũ khí hạt nhân như là con bài răn đe chiến lược, là ngáo ộp đe dọa những “kẻ cứng đầu” không chịu ngoan ngoãn nghe lời khuyên bảo của các nước lớn.

Có câu được xem là thành ngữ, không biết ai nói ra nhưng khá nhiều người biết “mọi con đường đều dẫn tới thành Rome”.

Lại cũng có câu khác, chỉ được vài quốc gia đưa ra nhưng toàn nhân loại đều biết, đó là “khắp năm châu bốn bể, chỉ chúng ta là được quyền có vũ khí giết người hàng loạt”.

Không thể nói là hợp lý khi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân có một điều khoản công nhận “các nước có vũ khí hạt nhân” gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc, còn các quốc gia khác kể cả các nước có bom hạt nhân đều bị coi là “các nước không có vũ khí hạt nhân”, nghĩa là họ bị coi là sở hữu bất hợp pháp vũ khí này.

Trong khi tập trung vào các vũ khí hủy diệt kiểu cũ gồm vũ khí hóa học, vi trùng và hạt nhân thì thế giới lại chưa dành sự quan tâm đúng mức tới các loại vũ khí hủy diệt mới, đó là vũ khí mạng, vũ khí xung điện từ.

Thế giới đều biết đến các cuộc tấn công mạng nguy hiểm như thế nào. Iran là nước từng bị thiệt hại nặng khi virus tấn công các cơ sở hạt nhân của nước này.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ công ty BKAV (bkav.com.vn) cuộc tấn công mạng vào hệ thống máy tính của Vietnam Airlines đã khiến cho hơn 90 Mb dữ liệu - trong đó có danh sách hơn 400.000 tài khoản của những hội viên Vietnam Airlines đã bị phát tán trên mạng.

Về vũ khí xung điện từ (EMP), bài viết trên Vietnamnet.vn ngày 4/6/2017 có đoạn: “Mới đây, khi viết cho tạp chí chính trị The Hill, Tiến sĩ Peter Vincent Pry, Giám đốc điều hành Lực lượng Đặc nhiệm an ninh nội địa và quốc gia Mỹ, mô tả một vụ nổ EMP trên tầng khí quyển cao có thể giết nhiều người về lâu dài hơn là một vụ nổ hạt nhân trực tiếp ở một thành phố. Thương vong có thể lên đến hàng triệu người, gây ra những cái chết quằn quại do đói lả từ từ”.

Để bảo vệ tổ quốc, cần phải có những vũ khí đủ sức răn đe trong khi bị ràng buộc bởi các hiệp ước quốc tế, Việt Nam không thể không suy tính những phương án khả thi, phù hợp với trình độ và tiềm lực kinh tế của mình.

Vũ khí quan trọng nhất là trí thông minh thì người Việt không thiếu, vấn đề còn lại là cơ chế, chủ trương và cách thức thực hiện.

Chủ trương đối ngoại Việt Nam làm bạn với tất cả các nước là chủ trương đúng đắn nhưng để không bị bắt nạt, không bị bất ngờ trong một thế giới đầy bất ổn, chúng ta không thể không quan tâm đến học thuyết quân sự mới bởi vì “chiến tranh nhân dân” trong thời đại công nghiệp 4.0 là hoàn toàn khác với thời chống Pháp, Mỹ hoặc chống xâm lược biên giới phía Bắc.

Tăng cường khả năng phòng thủ, khả năng giáng đòn quyết định vào bọn xâm lược phải bắt đầu từ các nhà trường, học viện. Phải bắt đầu từ đội ngũ cán bộ nghiên cứu chứ không chỉ là mua sắm thêm vũ khí chất lượng cao.

/ Giáo dục Việt Nam