Châu Phi "khủng khiếp" nếu không có vaccine Covid-19

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) châu Phi cảnh báo sẽ "vô cùng khủng khiếp" với viễn cảnh không có vaccine Covid-19 sau quý 2/2021.

"Sẽ vô cùng khủng khiếp khi các nước giàu nhận vaccine Covid-19 trong khi các nước châu Phi lại trống rỗng, đặc biệt khi số ca mắc mới bắt đầu lan nhanh ở lục địa 1,3 tỷ dân", John Nkengasong, giám đốc CDC châu Phí cho biết, hôm 10/12.

Trong khi thế giới chứng kiến chương trình tiêm chủng hàng loạt bắt đầu ở Anh, Nga..., John Nkengasong cảnh báo lục địa đen có thể sẽ không có vaccine Covid-19 sau quý 2/2021.

Nkengasong kêu gọi Liên Hợp Quốc triệu tập một phiên họp đặc biệt thảo luận về vấn đề đạo đức, phân phối vaccine công bằng để tránh "sự ngờ vực đối với vaccine, vốn là lợi ích chung".

Ông nói Covid-19 sẽ không bị đánh bại bởi một mình phương Tây. Ông nhắm đến "cuộc đối thoại về sự ngờ vực" khi các nước giàu mua vaccine "vượt quá nhu cầu trong khi châu Phi phải vật lộn với Covax". Covax là sáng kiến đa quốc gia cung cấp một số lượng vaccine cho các nước kém phát triển.

Nkengasong cho rằng châu Phi sẽ không nhận đủ vaccine từ Covax để đạt mục tiêu miễn dịch 60% dân số. Ông kêu gọi những nước dư thừa hãy cung cấp vaccine cho Covax hoặc các quốc gia có nhu cầu nhưng không có khả năng mua.

Nkengasong cũng cảnh báo Covid-19 có thể trở thành dịch bệnh phổ biến ở châu Phi nếu quá trình tiêm chủng kéo dài quá lâu.

2220 2

Người dân các nước nghèo dễ bị bỏ lại phía sau cuộc đua vaccine Covid-19. Ảnh: NPR

Trong một cuộc họp ngắn, Richard Mihigo, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đã đến lúc "phải kêu gọi mạnh mẽ" việc tiếp cận công bằng, gọi đây là "vấn đề thực sự" vì một số quốc gia đã đặt số lượng vaccine nhiều hơn mức cần thiết.

54 quốc gia châu Phi ghi nhận hơn 2,3 triệu ca nhiễm, trong đó 100.000 ca nhiễm mới chỉ riêng tuần qua. "Rõ ràng làn sóng thứ hai đang bùng phát ở đây," giám đốc CDC châu Phi nói.

Hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới đang họp ở Geneva, theo yêu cầu của Nam Phi và Ấn Độ về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị Covid-19. Từ đó giúp vaccine được phổ biến rộng rãi hơn, tạo điều kiện cho các nước nghèo tiếp cận với sản phẩm.

"Nhưng một nhóm nhỏ quốc gia thu nhập cao và các đối tác thương mại đã phản đối điều đó bao gồm Brazil, EU, Canada, Mỹ, Nhật Bản và Anh", đại diện Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết.

EU nói việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ có thể "làm suy yếu sự hợp tác công - tư đang diễn ra" về tiếp cận công bằng và nhấn mạnh sự cần thiết phải "duy trì các ưu đãi". Anh nói việc từ bỏ sẽ tạo ra "sự bất ổn trong dài hạn".

Tuy nhiên, đại diện Bangladesh phát biểu trong cuộc họp rằng việc tiếp cận vaccine vô điều kiện với giá cả phải chăng là "vấn đề cực kỳ cấp bách".

Rohit Malpani, một nhà tư vấn sức khỏe cộng đồng tại Paris, Pháp, cho biết việc phản đối miễn trừ sẽ khiến tiến trình sản xuất vaccine bị trì hoãn lâu hơn.

Ông nói: "Chúng tôi có một tình huống, các nước tài trợ nói rằng họ sẵn sàng cung cấp tiền cho Covax mua vaccine nhưng sản phẩm lại không có vì vấn đề sở hữu trí tuệ. Giống như việc mời ai đó ăn tối và đưa cho họ bát đĩa, nhưng giữ lại tất cả thức ăn".

Dựa trên các tính toán gần đây, khoảng 70 quốc gia nghèo sẽ chỉ có thể tiêm chủng cho 1/10 dân số chống lại đại dịch vào năm tới, trừ khi các biện pháp khẩn cấp hơn được tiến hành.

Trong khi đó, dữ liệu cập nhật cho thấy các quốc gia giàu chỉ chiếm 14% dân số thế giới đã mua 53% tất cả loại vaccine hứa hẹn nhất, cho đến nay. Tổ chức Ân xá Quốc tế thống kê Canada là quốc gia đã mua nhiều mũi tiêm nhất trên quy mô dân số, với số liều lượng để mỗi người Canada có thể tiêm chủng 5 lần.

Bảo Châu (Theo Reuters, NY Post)

Ca Covid-19 toàn cầu vượt 70 triệu, châu Phi kêu gọi chia sẻ vaccine Ca Covid-19 toàn cầu vượt 70 triệu, châu Phi kêu gọi chia sẻ vaccine
Thế giới có hơn 15 triệu ca Covid-19, WHO lo dịch bùng mạnh ở châu Phi Thế giới có hơn 15 triệu ca Covid-19, WHO lo dịch bùng mạnh ở châu Phi

/ vnexpress.net