Châu Âu tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng năng lượng

Châu Âu đang đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu hụt khí đốt trầm trọng khi mùa Đông lạnh giá đang tới gần. Chỉ trong vòng một năm, giá khí đốt tại thị trường Châu Âu đã tăng khoảng 500%, lên gần mức kỷ lục. Cuộc khủng hoảng năng lượng tại khu vực này hiện vẫn chưa có dấu hiệu tìm thấy lời giải.

Ngày 5-10, các Bộ trưởng Tài chính quốc gia thành viên khu vực châu Âu (Eurogroup) đã nhóm họp tại Luxembourg để tìm cách hóa giải tình trạng khan hiếm nhiên liệu và giá cả tăng cao đang gây rối loạn tại Châu Âu.

Eurogroup phải nhóm họp bởi cuộc khủng hoảng năng lượng đang kéo theo những hệ lụy đáng cẩn trọng, như ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ lạm phát trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu, vốn đã tăng lên 3,4% vào tháng 9 vừa qua. Cao ủy EU về các vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni nhấn mạnh Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sớm đưa ra các biện pháp để giúp các nước thành viên đối phó với giá năng lượng tăng. Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia như Bỉ không đặt nhiều kỳ vọng bởi dự luật năng lượng thuộc thẩm quyền quốc gia.

Điều gì đang xảy ra

Tại nhiều nước Châu Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Italy, giá các loại khí đốt tăng lên mức cao kỷ lục, khiến hóa đơn năng lượng của nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp cũng tăng đột biến. Báo Bloomberg cho biết giá khí đốt Châu Âu tăng gần 500% trong năm qua và đang giao dịch với mức giá gần mốc kỷ lục.

Châu Âu tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng năng lượng -0

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu liên tục đạt kỷ lục mới.

Giá khí đốt tự nhiên tại Châu Âu tiếp tục đạt kỷ lục mới vào ngày 5-10. Cụ thể, giá khí đốt giao tháng 11-2021 tại Châu Âu đã tăng 23% lên 117 euro/MWh, so với chỉ 15 euro cách đây 6 tháng. Với đợt tăng giá mới nhất này, khí đốt tự nhiên hiện đang giao dịch ở mức tương đương hơn 200 USD/thùng dầu. Trước đó một ngày, giá khí đốt tại Anh cũng tăng mạnh lên 2,52 bảng Anh/therm (đơn vị nhiệt) và đã tăng gấp 3 lần trong hai tháng qua. Giá khí đốt giao tháng 11-2021 của Anh cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 3 bảng/therm.

Tại Italy, hóa đơn của người dân có thể phải tăng tới 40% trong những tháng tới khi thời tiết trở lạnh và buộc người dân phải sử dụng nhiều nhiên liệu hơn cho các hệ thống phát điện và sưởi ấm. Ủy ban Điều tiết năng lượng Pháp cho biết giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng thêm 12,6% trong tháng 10-2021.Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đối mặt áp lực gia tăng sau khi hàng loạt trạm xăng tại quốc gia này cạn nhiên liệu vào ngày 27-9 do người dân cả nước hoảng loạn mua tích trữ. Kể từ đầu tháng 8 đã có 10 công ty cung cấp năng lượng ở Anh phá sản.

Giáo sư Stefan Bouzarovski tại Đại học Manchester nhận định có tới 80 triệu hộ gia đình trên khắp Châu Âu đang nguy cơ thiếu điện trong mùa đông sắp tới. Theo ông Bouzarovski, có tới 60% dân số khu vực đang phải chịu cảnh “nghèo đói về năng lượng”, trong khi số người đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói vào khoảng 20-30%. Bulgaria có tỷ lệ người “nghèo đói năng lượng” cao nhất Châu Âu, với 31% dân số. Tiếp theo là Lithuania (28%), Cyprus (21%) và Bồ Đào Nha (19%). Dân số Thụy Sĩ ít tổn hại từ vấn đề năng lượng nhất (0,3%), trên một bậc là Na Uy (1%).

Giá điện tăng cao đang khiến nhiều hộ gia đình có nguy cơ bị cắt điện vì không đủ khả năng để thanh toán hóa đơn. Thu nhập của nhiều người đã giảm vì đại dịch trong khi hóa đơn tiền điện không ngừng tăng. Đại dịch còn đẩy vấn đề năng lượng trở nên tồi tệ hơn bởi mọi người ở nhà nhiều hơn. Cuộc khủng hoảng khí đốt cũng khiến các doanh nghiệp lao đao. Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa hoặc hạn chế sản lượng.

Nguyên nhân từ nhiều phía

Nguyên nhân đầu tiên nhìn thấy rõ nhất là do giá khí hóa lỏng đã tăng từ nhiều tháng nay theo đà tăng giá dầu mỏ trên thế giới. Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân của đợt tăng giá mạnh do nhiều yếu tố ở cả hai phía cung và cầu. Chính yếu nhất vẫn là do nguồn cung suy giảm, nhu cầu phục vụ cho phục hồi nền kinh tế tăng cao hay việc tích trữ chuẩn bị cho mùa đông đang đến.

Châu Âu tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng năng lượng -0

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng năng lượng do nhiều yếu tố ở cả cung và cầu.

Thời gian qua, Châu Âu đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất trở lại với mục tiêu phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Tuy nhiên, đà hồi phục chủ yếu dựa vào hàng hóa được sản xuất trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng khiến nhu cầu năng lượng tăng mạnh. Bên cạnh đó, tháng 4 và tháng 5 vừa qua tại Châu Âu đã trải qua thời tiết lạnh giá đột biến khiến nhu cầu năng lượng tăng, kéo theo đó là trữ lượng khí đốt tự nhiên giảm bất thường so với mọi năm.

Trong khi đó, nguồn cung của các loại năng lượng khác lại cũng không bằng các năm trước. Thời tiết mùa hè khá êm đềm khiến các trang trại gió ở Biển Bắc hoạt động ở công suất thấp. Đồng thời, các quốc gia Châu Âu cũng loại bỏ than đá khỏi mạng lưới điện để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Còn Đức đang loại bỏ dần điện hạt nhân vào năm 2022.

Châu Âu cũng đang giảm sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước. Nhà sản xuất khí đốt tự nhiên nội địa hàng đầu của Châu Âu - Hà Lan, đã bắt đầu loại bỏ dần mỏ khí đốt chính. Hiện tại, ở Châu Âu tỷ lệ các mỏ khí đang hoạt động là 74% thay vì mức 94% vào năm ngoái. Ngoài ra, còn có sự cạnh tranh giữa Châu Âu và Trung Quốc trong thu mua khí thiên nhiên hoá lỏng, trong bối cảnh Trung Quốc đang tập trung phát triển nền kinh tế xanh hơn.

Một số chuyên gia còn cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng này còn có ảnh hưởng địa chính trị. 40 thành viên Nghị viện Châu Âu (EP) đã công bố bức thư cáo buộc Công ty Gazprom của Nga thao túng giá khí đốt. Họ cho rằng Nga cố tình giảm lượng khí đốt vận chuyển qua Ukraine để buộc Đức phải kích hoạt đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 vừa hoàn thành qua biển Baltic. Phía Gazprom bác bỏ cáo buộc này.

Trước tình hình đó, Na Uy đang cố gắng hỗ trợ các nước trong khu vực. Na Uy là quốc gia cung cấp khoảng 20% lượng khí đốt tự nhiên tại Châu Âu. Tập đoàn năng lượng Equinor của nước này thông báo sẽ tăng xuất khẩu bắt đầu từ tháng 10. Nhưng trong ngắn hạn, các chuyên gia cảnh báo áp lực lên giá nhiên liệu khó có thể giảm sớm.

Nỗ lực từ các chính phủ

Theo Right to Energy Coalition, một nhóm bảo trợ bao gồm các tổ chức công đoàn, tổ chức môi trường và các tổ chức phi chính phủ, có tới 7 triệu hộ gia đình Châu Âu nhận được thông báo cắt điện mỗi năm. Con số này đang đứng trước nguy cơ tăng cao gấp nhiều lần vào năm nay.

Châu Âu tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng năng lượng -0

Cuộc khủng hoảng năng lượng có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường.

Các nhà quan sát cũng đang cảnh báo về khả năng xảy ra bất ổn chính trị nếu các chính phủ Châu Âu không có động thái hỗ trợ kịp thời từ các hộ gia đình. Theo chuyên gia Bouzarovski, khủng hoảng năng lượng có thể làm gia tăng các phong trào biểu tình trên khắp Châu Âu, tương tự như các cuộc biểu tình giá nhiên liệu tăng trên khắp Bulgaria vào năm 2013.

Pháp đã công bố khoản thanh toán một lần trị giá 100 euro (116 USD) cho gần 6 triệu hộ gia đình để hỗ trợ mua năng lượng từ chính phủ. Tây Ban Nha đã tiến tới cắt giảm thuế năng lượng hộ gia đình và đánh thuế đối với một số nhà cung cấp năng lượng. Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ Bỉ sẽ cấp năng lượng cho các gia đình và gia hạn biểu giá xã hội đối với điện và khí đốt cho đến ngày 31-12 năm nay.

Nhưng những giải pháp này có thể vẫn chưa đủ. Ủy viên Năng lượng Châu Âu Kadri Simson đã đề xuất một số công cụ các quốc gia “có thể sử dụng ngay lập tức” để giảm gánh nặng hóa đơn năng lượng cho người tiêu dùng như giảm thuế VAT, hỗ trợ trực tiếp cho những người nghèo, viện trợ có mục tiêu và tạm thời cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ.

Trong hai ngày 21 và 22-10 tới, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU sẽ nhóm họp Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels để thảo luận về giá năng lượng tăng cao và cách giảm thiểu tác động của chúng đối với người tiêu dùng Châu Âu. Trước đó, Liên minh Châu Âu (EU) cho biết sẽ ban hành một loạt biện pháp cho các quốc gia trong khối áp dụng để giải quyết hậu quả từ việc giá năng lượng tăng mạnh mà không vi phạm các quy định thị trường.

Gói biện pháp này sẽ giúp các chính phủ điều hướng kế hoạch phản ứng nhanh khi giá năng lượng tăng mạnh mà vẫn tuân thủ các quy tắc của khối, bao gồm điều chỉnh thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc sử dụng các biện pháp hỗ trợ trực tiếp để bảo vệ người tiêu dùng.

Cao ủy EU về các vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni nhấn mạnh Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sớm đưa ra một loạt biện pháp để giúp các nước thành viên đối phó với giá năng lượng tăng. Theo đó, EU sẽ ký kết các hợp đồng chung mua khí đốt. Ông Paolo Gentiloni cũng đề cập đến những sáng kiến khả thi liên quan đến việc tích trữ khí đốt cũng như triển khai các biện pháp cụ thể để giúp các gia đình và doanh nghiệp đối phó với chi phí năng lượng tăng cao.

Hệ lụy khó lường

Cuộc khủng hoảng năng lượng này được cảnh báo có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường. Theo Bloomberg, tình trạng trên có thể làm suy yếu đà phục hồi kinh tế của khu vực Châu Âu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.

Công ty dịch vụ tài chính Goldman Sachs cho biết Châu Âu có thể đối mặt với tình trạng mất điện trong mùa đông này, đồng thời cảnh báo các nhà sản xuất công nghiệp trong khu vực sẽ cần phải hạn chế tiêu dùng. Châu lục này sắp hết thời gian để bổ sung các kho dự trữ vốn đã cạn kiệt của mình trước khi mùa đông lạnh giá bắt đầu. Tồn kho dự trữ năng lượng của khu vực đang ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ.

Ogan Kose, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Accenture, nhận định: “Nếu hóa đơn tiền điện và khí đốt của mọi người tiếp tục tăng, điều đó sẽ làm tổn hại đến chi tiêu của người tiêu dùng và cũng ảnh hưởng đến tiêu dùng công nghiệp”.

Nghiêm trọng hơn, chi phí năng lượng tăng cao có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất tại Châu Âu, trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, sản xuất phân bón, xi măng, thủy tinh và giấy. Hiện một số nhà máy phân bón lớn nhất Châu Âu đã phải tạm ngừng hoạt động do giá khí đốt tăng cao.

Giá khí đốt và xăng dầu tăng cao có thể khiến lạm phát trên thế giới thêm trầm trọng. Tại Mỹ, lạm phát leo thang đang gây sức ép buộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm cắt giảm chương trình mua tài sản và cân nhắc tăng lãi suất từ năm 2022. Chính sách tiền tệ của FED thay đổi sẽ tác động mạnh đến thị trường tài chính không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn cầu.

Đợt tăng giá năng lượng toàn cầu này diễn ra vào một thời điểm đầy thách thức đối với các chính phủ trên thế giới, khi các chính phủ đang thúc đẩy sự loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch để kìm giữ tốc độ ấm lên toàn cầu. Theo Công ty nghiên cứu IHS Markit, đã có ít nhất 4 nước trong EU triển khai kế hoạch để tiến tới chấm dứt việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước vào năm 2050.

Việc giá khí đốt và giá dầu tăng cao hiện nay là một sự nhắc nhở rằng thế giới vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hoá thạch và sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình “quay lưng” với nguồn nhiên liệu truyền thống này.

Bà Elena Anankina, chuyên gia phân tích tín dụng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (Mỹ) cho biết, với tình trạng chênh lệch cung cầu hiện tại, không hy vọng sẽ sớm tìm được một giải pháp lâu dài, bởi sự phụ thuộc của Châu Âu vào nhập khẩu là một trong những nguyên nhân gây nên áp lực nguồn cung.

Hồi chuông cảnh tỉnh từ cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu Hồi chuông cảnh tỉnh từ cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu

Cao ủy phụ trách vấn đề năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson ngày 14/10 nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng năng lượng ...

/ antg.cand.com.vn