Chạm tới bầu trời rất dễ, rời khỏi mặt đất mới khó

Mùa xuân là thời điểm thuận lợi cho muôn loài sinh sôi nảy nở và mỗi mùa sinh nở ấy đều là những bước chân chập chững cho quá trình tiến hóa.

Tình yêu dành cho gia đình, dòng tộc, nhóm chí hướng là tình yêu nhỏ.

Tình yêu dành cho đồng bào, quê hương, đất nước là tình yêu lớn.

Tình yêu dành cho nhân loại, cho hành tinh xanh - mái nhà chung của các dân tộc là tình yêu rất lớn.

Tình yêu dành cho cho vũ trụ bao la, nơi loài người gửi gắm tương lai của mình là tình yêu không bến bờ.

Những nhân vật ngự trị trên đỉnh cao vương quyền đa số chỉ đạt đến tình yêu lớn.

Những nhân vật huyền thoại khai sinh các tôn giáo, một số nhà khoa học, nhà văn, triết gia,… có thể đạt đến tình yêu rất lớn.

Người có tình yêu không bến bờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong số đó người viết tin có Phật Tổ, Đức Chúa, Albert Einstein…

Tết đến, nói nhiều về tình yêu, truyền thống nhân văn, về nét đẹp trong giao tiếp ứng xử vốn là thói quen của mọi gia đình Việt.

Có chút bùi ngùi, tiếc nuối khi tình yêu của một bộ phận không nhỏ người Việt ngày nay lại chưa đạt đến ngưỡng tình yêu lớn dù vẫn biết tình yêu lớn hoặc rất lớn luôn được hình thành bởi những mảnh ghép tình yêu nhỏ.

Cùng với nhân loại, người Việt đã để lại phía sau 1/5 thời gian của thế kỷ 21.

Trong những năm qua, “Con người với chiếc bè trên lưng” - theo một điển tích được lưu truyền là lời Phật Tổ - có phải vẫn là hình ảnh khiến không ít người Việt nặng lòng?

Chạm tới bầu trời rất dễ, rời khỏi mặt đất mới khó.

Khối nặng trên lưng loài vật như bướu lạc đà, mai rùa, gai nhím,… có thể bảo vệ an toàn cho nhím và rùa trước các loài ăn thịt, giúp lạc đà nhịn khát trên sa mạc song cũng vì chúng mà ba con vật trên đều phải rụt đầu, rụt cổ hoặc bỏ chạy nếu muốn bảo toàn tính mạng.

Ưu tiên cho sự tồn tại đã khiến rùa và nhím ôm mãi gánh nặng trên lưng, không thể phi nước đại, càng không thể cất cánh khỏi mặt đất phải chăng là cách thiên nhiên tạo nên sự đa dạng? Và như thế phải chăng quy luật tiến hóa vẫn có những ngoại lệ?

Học thuyết Tiến hóa của Darwin (Darwinism) là sự giải thích về tiến hóa sinh học, theo đó mọi loài sinh vật sinh ra không phải do các lực lượng siêu nhiên mà xuất hiện và phát triển nhờ quá trình chọn lọc tự nhiên.

Một nhà khoa học người Nga - Hoàng thân Pyotr Alekseyevich Kropotkin – trong cuốn sách xuất bản năm 1902 “Mutual Aid: A Factor of Evolution” (Tạm dich: Hỗ trợ lẫn nhau: Một yếu tố của sự tiến hóa) đã phát triển Darwinism khi cho rằng “Yếu tố chính trong việc thúc đẩy sự tiến hóa là sự hợp tác giữa các cá nhân và “các nhóm liên kết” trong xã hội chứ không phải là sự cạnh tranh khốc liệt”. [1]

Học thuyết Tiến hóa của Darwin và sự phát triển của Pyotr Alekseyevich Kropotkin có đúng cho xã hội loài người?

Ngày nay, không ai phản bác quan điểm xã hội loài người phát triển theo quy luật đường xoắn ốc, sau mỗi chu kỳ 360 độ lại quay về điểm xuất phát nhưng ở vị trí cao hơn.

Rõ ràng không chỉ thế giới sinh vật tiến hóa mà xã hội loài người cũng tiến hóa và do đó, các thể chế chính trị cũng buộc phải “tiến hóa” theo.

Vận dụng cách lý giải của Darwinism, sự phát triển của xã hội loài người nói chung và mỗi quốc gia nói riêng phải dựa vào sự hợp tác giữa “các cá nhân” – tức là dân chúng và các “Nhóm liên kết” chứ không phải sự “cạnh tranh khốc liệt” đến mức cần chiến tranh hoặc đàn áp để giành quyền thống trị cho kẻ chiến thắng.  

Khái niệm “Nhóm liên kết” cũng có thể biểu đạt cách khác là “Nhóm chí hướng”. Nếu “Nhóm chí hướng” không hợp tác với dân chúng thì sự tồn tại chỉ là nhất thời và nguy cơ suy vong là hiện hữu.

Tiến hóa nhằm mục đích giúp sinh vật thích nghi với biến đổi khí hậu và những thay đổi trong mối tương tác giữa các cá thể hoặc giữa các cộng đồng.


Con người với chiếc bè trên lưng (1)

Cách thức tiến hóa đã tách loài người khỏi thế giới hoang dã bởi ngoài sự thay đổi hình thể, con người còn có sự phát triển trí tuệ.

Chính trí tuệ mới khiến con người trở thành chủ nhân của trái đất chứ không phải những loài thú hoang hơn hẳn con người về tầm vóc và sức mạnh cơ bắp.

Khi trí tuệ phát triển cao hơn, sự gắn kết các cá thể trong mỗi nhóm trở nên mật thiết hơn thì sự duy trì nòi giống và kèm theo đó là lãnh thổ sống sẽ được bảo đảm. Tách biệt khỏi cộng đồng, đơn độc trong môi trường và xã hội sớm muộn sẽ dẫn tới suy tàn.

Thói quen sống bầy đàn hoang dã được mang theo vào xã hội loài người, đặc biệt là sức mạnh số đông đã dạy cho con người, rằng để duy trì sự tồn tại, con người phải đối diện với thách thức chứ không phải cách rụt cổ hay bỏ chạy dù đôi khi đây cũng là một phương cách tự bảo vệ.

Loài rùa - một sinh vật tồn tại từ thời cổ đại - không sống thành bầy đàn nhưng được công nhận là một trong mười loài sống thọ nhất trong thế giới động vật. Tuy vậy đây chỉ là một trong số hiếm hoi các ví dụ chứ không phải là hiện tượng phổ biến.

Một số lãnh đạo ngày nay đã nhận thức một cách đầy đủ, rằng sự sống còn của đất nước không thể tách rời sự gắn kết “rộng rãi hơn, cởi mở hơn” với thế giới.

Nhận định này có thể kiểm chứng qua đường lối đối ngoại của một số quốc gia.

Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ hai với số phiếu phiếu ủng hộ cao kỷ lục: 192/193 phiếu. Năm 2007, Việt Nam đã trúng cử lần đầu với số phiếu rất cao: 183/190 phiếu và cả hai sự kiện này đều diễn ra trong hai mươi năm đầu của thế kỷ 21.

Tháng 6/2019, Việt Nam và Liên minh Châu Âu ký kết hai hiệp định sau 9 năm đàm phán: Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA)…

Singapore là “quốc gia thành phố” với diện tích và dân số nhỏ hơn Thành phố Hồ Chí Minh nhưng vị thế của họ vượt trội chính nhờ sự “cởi mở” với thế giới.

Có ý kiến cho rằng việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 cũng là một cách thể hiện sự gắn kết, cởi mở của Việt Nam với quốc tế.

Tuy nhiên, người viết cho rằng sự kiện này thực ra chỉ là “đến hẹn lại lên” và hoạt động của ASEAN theo “Nguyên tắc đồng thuận” không phải không chứa đựng những hạn chế.

Học giả người Philippines Richard Heydarian cho rằng: 

“Trong khi ASEAN chật vật khẳng định vai trò trung tâm của mình để giải quyết các vấn đề khu vực thì Bắc Kinh đang nhanh chóng thay đổi thực địa trên Biển Đông…

Khi chúng ta đang bàn thảo về Bộ quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc thì Trung Quốc lại nhanh chóng thay đổi tình tình trên thực địa… ASEAN đang ở trong thế “bế tắc về thể chế” nên cần phải tìm phương án thay thế”. [2]

“Phương án thay thế” được học giả trên đề xuất là nên hình thành một “Tiểu ASEAN” trong lòng ASEAN gồm “Các nước chủ chốt như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam”. [2]

Nhìn ra thế giới, vào năm 1980 từng có cuộc trưng cầu dân ý nhằm tách bang Quebec khỏi Canada, hơn 30% dân bang California muốn tiểu bang này tách ra khỏi nước Mỹ. Việc Anh Quốc rời khỏi Liên minh Châu Âu, Scotland có ý định trưng cầu dân ý lần thứ hai về việc tách khỏi Vương quốc Anh cho thấy mọi khả năng đều có thể.

Trong khu vực Đông Nam Á, Biển Đông là không gian mà người Việt tiếp cận với thế giới, những gì đang xảy ra tại đây không chỉ là thách thức mà nên nhìn nhận như một cơ hội để nhân dân và lực lượng lãnh đạo xích lại gần nhau, cũng là cơ hội để tập hợp sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là của các nước phương Tây.


Con người với chiếc bè trên lưng (2): Đã là củi, phải cho vào lò

Nếu nguyên tắc đồng thuận của ASEAN chưa giúp được Việt Nam gỡ bỏ nút thắt Biển Đông thì cách làm của Philippines hoặc Liên hợp quốc là những khả năng nên xem xét.

Nhân loại trải qua hai mươi năm đầu của thế kỷ 21 trong đầy rẫy bất ổn cả chính trị lẫn kinh tế và vì vậy tạo ra cơ hội quan trọng hơn nhiều so với tận dụng cơ hội.

Để tạo ra cơ hội, tiền đề cho tiến hóa (mức thấp hơn là đổi mới), sự cố gắng từ một phía - dân chúng hay nhóm chí hướng - đều là không đủ mà cần sự hợp tác hai bên theo tinh thần “của dân, do dân và vì dân”.

Điều này đòi hỏi “Nhóm chí hướng” đôi khi phải hy sinh quyền lợi của nhóm mình, điều ngược lại không được phép xảy ra.

Hy sinh một số quyền lợi để đạt địa vị lãnh đạo chẳng lẽ lại không phải là mục đích tối thượng?

Cố một sự kiêng kỵ mỗi khi ai đó nói tới cụm từ “cách mạng”, người ta chú ý nhiều đến khía cạnh phá bỏ cái cũ, xây dựng cái mới mà không biết rằng, cách mạng luôn bao hàm sự kế thừa.

Nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc “cách mạng” này hoàn toàn không phải là xóa bỏ nền công nghiệp cũ mà chỉ là đưa trí tuệ nhân tạo, tự động hóa,… vào quy trình tạo ra của cải vật chất.

Mùa xuân là thời điểm thuận lợi cho muôn loài sinh sôi nảy nở và mỗi mùa sinh nở ấy đều là những bước chân chập chững cho quá trình tiến hóa.

Mùa xuân cũng cũng là thời điểm ươm mầm ý tưởng, là lúc “Tiếng chuông thức tỉnh” ngân vang đánh thức những người vẫn còn mơ màng về vòng nguyệt quế đội mãi trên đầu.

Và phải chăng, dù có là vòng nguyệt quế cũng không khác mấy so với mai rùa, gai nhím hay bướu lạc đà, đội trên đầu hay mang trên lưng cũng đều là gánh nặng?

Gỡ vòng nguyệt quế không phải là từ bỏ vinh quang mà là gỡ bỏ chiếc vòng ngăn cách con người với bầu trời, để những ai muốn có một “Tình yêu không bến bờ” nhận thấy một chân lý giản đơn: “Chạm tới bầu trời rất dễ, rời khỏi mặt đất mới khó”./.

 Xuân Dương

Sự hiến dâng vượt qua cả "bầu trời áp lực" với những lời đồn ác ý

Thi thoảng trên báo chí lại có thông tin về những ca chết não hiến tặng mô tạng để cứu nhiều người bệnh hiểm nghèo. ...

Bầu trời Australia chuyển màu đỏ

Bầu trời ở một số khu vực phía đông nam Australia hôm nay chuyển sang màu đỏ do tác động từ những đám cháy rừng ...

Bầu trời Sydney rực rỡ với màn pháo hoa ở thời khắc Giao thừa

Australia đã bước vào Năm mới 2020 với màn pháo hoa hoành tráng trên bầu trời Sydney ở thời khắc Giao thừa.

 

/ giaoduc.net.vn