Cấp hơn 1,2 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip

Gần 2 tháng qua, công an toàn quốc thu nhận hồ sơ, cấp hơn 1,2 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân.

Ngày 11/3, Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) nói, việc cấp căn cước gắn chip dự kiến sẽ hoàn thành cấp thẻ cho 50 triệu người vào 1/7, sau nửa năm triển khai. Trong đó, 10 tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Bắc Ninh... phải hoàn thành trước ngày 30/4.

Để đạt được mục tiêu trên, trung bình mỗi ngày công an cả nước thu nhận và xử lý khoảng 300.000 hồ sơ. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Công an, tính đến 10/3, các tỉnh, thành mới đáp ứng được trên 200.000 hồ sơ mỗi ngày. "Một số tỉnh vượt kế hoạch, nhưng có tỉnh lại không đạt chỉ tiêu", Thiếu tướng Huệ nói.

2103 1

Mặt sau của căn cước có gắn chip điện tử lưu trữ hàng chục trường thông tin về sinh trắc học, vân tay... của công dân. Ảnh: Bá Đô

Theo ông Huệ, nhiều tỉnh, thành đã lập các tổ lưu động cấp căn cước 3 ca mỗi ngày (sáng, chiều, tối), thậm chí làm đến nửa đêm. Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh... gửi giấy mời đến từng người, hẹn giờ và đánh số thứ tự để người dân không phải chờ đợi.

Công an các địa phương này cũng chuẩn bị trước hồ sơ của những người có giấy mời, để khi công dân đến không mất thời gian tìm thông tin, cán bộ chỉ thu nhận hồ sơ, đối chiếu nhanh. "Cách làm này giúp rút ngắn thời gian đáng kể và các địa phương khác nên xem xét để rút kinh nghiệm", Thiếu tướng Huệ nói.

Với hệ thống sản xuất thẻ căn cước công dân gắn chip được đầu tư mới, Cục C06 có thể sản xuất mỗi ngày hàng trăm nghìn thẻ.

2137 2

Loại thẻ căn cước mới có thể dùng làm thẻ mở cửa ra vào cơ quan thông qua xác thực thông tin và vân tay. Ảnh: Bá Đô

Theo lãnh đạo Cục C06, căn cước gắn chip có tính bảo mật cao hơn, lưu giữ nhiều trường thông tin hơn nhờ chip mã hoá các dữ liệu cá nhân như sinh trắc học, vân tay, võng mạc...

"Phải có đầu đọc chuyên dụng mới có thể tra cứu được các thông tin mã hoá trên thẻ chip", Thiếu tướng Huệ nói.

Ngoài ra, mặt trước của thẻ có mã QR, mã hoá các thông tin cơ bản như họ tên, số thẻ, số chứng minh thư cũ, quê quán. "Với mã QR này, người dân, tổ chức có thể dùng điện thoại để kiểm tra trong vòng vài giây, cảnh sát sẽ không phải cấp giấy chứng nhận số chứng minh thư cũ như khi đổi chứng minh thư sang thẻ căn cước mã vạch trước đây. Công dân chỉ cần mang thẻ mới đi là có thể thực hiện được các giao dịch", lãnh đạo Cục C06 khẳng định.

Dự kiến từ 1/7, công dân có mã số định danh cá nhân khi làm các thủ tục hành chính không cần trình sổ hộ khẩu giấy, không phải nộp một số giấy tờ công chứng...

Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư 2.800 tỷ đồng, gồm các hạng mục xây dựng trung tâm thu nhận dữ liệu, sản xuất thẻ căn cước gắn chip điện tử; hệ thống hạ tầng, thiết bị cho công an trên toàn quốc.

Bá Đô

Cần lưu ý gì khi đi làm căn cước công dân gắn chip? Cần lưu ý gì khi đi làm căn cước công dân gắn chip?
Giảm một nửa lệ phí làm căn cước công dân gắn chip Giảm một nửa lệ phí làm căn cước công dân gắn chip
Công an Hà Nội sẵn sàng bước vào “chiến dịch” cấp căn cước công dân gắn chíp lưu động Công an Hà Nội sẵn sàng bước vào “chiến dịch” cấp căn cước công dân gắn chíp lưu động

/ vnexpress.net