Cao tốc Gyeongbu - biểu tượng ý chí của người Hàn Quốc

Đường cao tốc nối Seoul - Busan được xây dựng bằng tinh thần "cứ làm đi" của người Hàn Quốc, khi nước này không có cả vốn lẫn công nghệ. 

Chủ trương xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2017 - 2020) được Quốc hội thông qua cuối năm 2017. Giai đoạn đầu có 11 dự án được triển khai với tổng chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành. 7 dự án đang nhận hồ sơ dự thầu của các nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế.

Tuyến vận tải này được đánh giá có vai trò rất quan trọng với sự phát triển kinh tế của đất nước; kết nối trung tâm chính trị Hà Nội và trung tâm kinh tế TP HCM. Thế giới đã có nhiều câu chuyện đột phá kinh tế thành công, nhờ đường cao tốc. Điển hình là cao tốc Gyeongbu - nối Seoul và Busan – hai thành phố lớn nhất Hàn Quốc.

Gyeongbu được coi là một trong những thành tựu chủ chốt về chính sách công nghiệp hóa của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee. Người dân nước này vẫn còn tranh cãi về các di sản của ông trong nhiệm kỳ 1963 – 1979. Tuy nhiên, rất ít người có thể phủ nhận vai trò của cao tốc Gyeongbu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại đây. Korea Times trích lời Bộ trưởng Đất đai, Giao thông và Hàng hải Hàn Quốc Chung Jong-hwan năm 2008 cho biết: "Những tuyến cao tốc như tuyến nối Seoul và Busan chính là công cụ trong quá trình phát triển kinh tế của quốc gia".

cao toc gyeongbu bieu tuong y chi cua nguoi han quoc
Cao tốc Gyeongbu hoàn thành năm 1970. Ảnh: Chosun Ilbo

Năm 1964, sau chuyến thăm Tây Đức, ông Park Chung Hee rất ấn tượng với cao tốc Autobahn. Khi về nước, mỗi lần có thời gian rảnh, ông thường phác thảo hệ thống đường bộ lên một tờ giấy. Năm 1967, trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông cam kết xây một đường cao tốc nối Seoul và Busan.

Khi đó, đường cao tốc là khái niệm xa lạ với rất nhiều người. Thời kỳ đầu, cao tốc được coi là giải pháp cho các vấn đề giao thông nghiêm trọng mà một nền kinh tế có thể phải đối mặt khi tăng trưởng nhanh. Phe phản đối cho rằng đây là kế hoạch chỉ dành cho nước giàu, vì "Một quốc gia có thu nhập quốc nội (GNP) chỉ 142 USD một người thì cần gì cao tốc?".

Nhiều chính trị gia và đảng đối lập nghi ngờ dự án này, vì chi phí quá lớn và Hàn Quốc thiếu cả kinh nghiệm, công nghệ lẫn thiết bị. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) thời đó thậm chí từ chối cho vay, vì mật độ giao thông tại Hàn Quốc không đủ. Dự án gặp khó khăn ngay từ đầu, vì thiếu vốn, logistics hạn chế, thiết bị nghèo nàn và địa hình phức tạp.

Tuy nhiên, ông Park không nhượng bộ. Ngân sách không có, ông huy động nguồn lực kỹ sư từ quân đội và bắt đầu xây cao tốc nối Seoul – Osan 3 tháng trước lễ động thổ Gyeongbu. Ngày 1/2/1968, lễ động thổ được tổ chức.

Theo Chosun Ilbo, ông Park ra mọi quyết định về các bước xây dựng, từ xây ở đâu đến như thế nào. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Kim Chung-yum khi đó nhớ lại: "Tổng thống chỉ đạo các quân nhân như thể ông ấy đang trên chiến trường vậy". Mỗi khi có thời gian rảnh, ông lại lái chiếc Kaiser Jeep đến công trường để quan sát tình hình.

Richard M. Steers – tác giả cuốn Made in Korea: Chung Ju Yung và Sự trỗi dậy của Hyundai cho biết ông Park đã đề nghị chủ tịch trẻ của Hyundai khi đó – Chung Ju Yung giám sát dự án. Dù kinh nghiệm xây đường quốc tế của Hyundai lúc ấy chỉ là một cao tốc 93 km năm 1964 tại Thái Lan, mà cũng không mấy thành công.

Chính phủ Hàn Quốc khi đó hợp tác chặt chẽ với Hyundai để làm cao tốc. Hyundai dẫn đầu một nhóm gồm 7 công ty xây dựng, được giao hơn 200 km địa hình khó khăn nhất, trong đó có đoạn nối Daejeon – Daegu. Chung Ju Yung thuê nhân công làm việc gần như cả ngày. Các lao động chỉ nghỉ 2 ngày mỗi tháng. Ông cũng ăn ngủ cùng công nhân tại công trường.

Trong cuốn sách của Steers, một kỹ sư cho biết Tổng thống Park cũng thường xuyên tới đây. "Có lần, ông ấy mang đến một nhóm nhà địa chất học, để tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra ở sườn núi khiến chúng tôi khó đào hầm. Lần khác, ông ấy lại đi cùng các nhà thủy văn từ Liên hợp quốc. Nếu không tìm được câu trả lời vào thứ ba, ông ấy sẽ quay lại vào thứ năm", người này nói.

Dự án có nhiều đoạn địa hình khó. Đoạn nối giữa Daejeon và Daegu khó khăn nhất, đặc biệt là khu vực gần Hầm Dangjae (Hầm Okcheon hiện nay). Dù vậy, chỉ sau 2,5 năm xây dựng, cao tốc Gyeongbu đã hoàn thành, sớm hơn một năm so với kế hoạch.

cao toc gyeongbu bieu tuong y chi cua nguoi han quoc
Người Hàn Quốc ăn mừng trong ngày mở cửa cao tốc Gyeongbu. Ảnh: Korea Times

Ngày 7/7/1970, toàn bộ các tuyến trên cao tốc Gyeongbu, với tổng chiều dài 428 km, gồm 305 cầu và 12 hầm, đã thông xe. Tổng chi phí dự án là 42,9 tỷ won, tương đương gần 23,6% ngân sách Hàn Quốc năm 1967. Gần 9 triệu nhân công và khoảng 1,6 triệu thiết bị đã được huy động cho việc xây dựng.

Thời đó, đây được coi là dự án công lớn nhất lịch sử Hàn Quốc. Tổng thống Park đã ca ngợi cao tốc này là "kiệt tác nghệ thuật được tạo ra trong thời gian ngắn nhất, với kinh phí thấp nhất". Khi đó, chi phí xây dựng cao tốc này là 100 triệu won một km.

"Đây là thành quả của máu, mồ hôi và sự quyết tâm của người dân chúng ta", ông Park cho biết trong lễ khai trương, "Mơ ước từ lâu của người Hàn Quốc đã thành hiện thực. Với dự án này, chúng ta đã chứng minh được sức mạnh và năng lực vô hạn của mình. Sự tự tin này còn có nhiều ý nghĩa hơn là các tác động vật chất của cao tốc".

Khu vực được kết nối bởi tuyến cao tốc này hiện chiếm tới 63% dân số Hàn Quốc, đóng góp 63% GNP và 81% sản lượng công nghiệp trong nước. Tổng công ty Đường cao tốc Hàn Quốc (KEC) ước tính cao tốc Gyeongbu tạo ra 13.550 tỷ won giá trị kinh tế mỗi năm.

Nhiều người tin rằng việc hoàn thành cao tốc này đã tạo nền tảng cho Hàn Quốc đi từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành nước phát triển như hiện tại, đồng thời mở ra kỷ nguyên xe hơi cá nhân tại đây. Theo các tài liệu từ Cơ quan Lưu trữ Hàn Quốc, ngoài việc đặt nền móng cho tăng trưởng kinh tế và cân đối sự phát triển của quốc gia, dự án này còn nâng cao năng lực xây dựng của Hàn Quốc.

Đặc biệt, nó có vai trò lớn trong việc thay đổi tâm lý kẻ thua cuộc của rất nhiều người Hàn Quốc thời đó, sau nhiều năm bị Nhật chiếm đóng và quốc gia bị chia tách vì Chiến tranh Triều Tiên. Cao tốc Gyeongbu hoàn thành đã tạo ra tinh thần "có thể làm được" cho rất nhiều người dân nước này.

Hà Thu (tổng hợp)

cao toc gyeongbu bieu tuong y chi cua nguoi han quoc Trung Quốc làm đường sắt cao tốc như thế nào?

Trung Quốc có ý tưởng từ năm 1978, nhưng 30 năm sau, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên mới hoạt động.

/ vnexpress.net